Bàn về biện pháp thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án

23/03/2018
Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là tiền của người phải thi hành án. Điều kiện, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp này được quy định cụ thể tại Điều 79 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS) và Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). 


Có thể thấy quy định về biện pháp cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án là một quy định tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Áp dụng thành công biện pháp này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức của Chấp hành viên và nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp này gần như rất ít khi được các Cơ quan Thi hành án dân sự và chấp hành viên lựa chọn áp dụng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về mặt quy định pháp luật có thể thấy một số bất cập như sau:
Thứ nhất, điều kiện áp dụng biện pháp thu tiền từ hoạt động kinh doanh:
Biện pháp thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án được áp dụng khi: người phải THA có nghĩa vụ trả tiền (Nghĩa vụ trả tiền của người phải THA là nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc nghĩa vụ trả tiền phát sinh trong quá trình tổ chức THA) và người phải thi hành án có điều kiện thi hành án (người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh).
Theo quy định tại Điều 79 Luật THADS:“ Trường hợp người phải thi hành có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người đó để thi hành án”.
Việc xác định một người có hoạt động kinh doanh là điều không khó, tuy nhiên, để xác định được mức thu nhập từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án thì lại vô cùng khó khăn. Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu tiêu dùng bằng tiền mặt, do đó việc quản lý thu nhập từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án là rất khó khăn, đặc biệt là đối với các đối tượng kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân…. Nhiều trường hợp các đối tượng này không có báo cáo thuế hoặc có báo cáo nhưng không trung thực, rõ ràng. Mặt khác, việc xác định thu nhập từ hoạt động kinh doanh lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: ngành nghề kinh doanh, yếu tố thị trường … dẫn đến việc xác định được mức thu nhập từ hoạt động kinh doanh rất nan giải.
Thứ hai: Thiếu các căn cứ pháp lý để xác định mức thu tiền từ hoạt động kinh doanh:
Khoản 1 Điều 22 Nghị định 62/2015/NĐ-CP có quy định: “Khi xác định mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào kết quả kinh doanh trên cơ sở sổ sách, giấy tờ và tình hình kinh doanh thực tế của người phải thi hành án”.
Trong quá trình đôn đốc thi hành án, để người phải thi hành án cung cấp các loại giấy tờ, sổ sách, chứng từ mua bán cho cơ quan Thi hành án dân sự là một điều hết sức khó khăn, gần như không thể thực hiện được. Pháp luật THADS cũng không có chế tài pháp lý để xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành án không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác các loại sổ sách, giấy tờ của người phải thi hành án. Đối với tiêu chí “căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tế” của người phải thi hành án thì hoàn toàn mang tính chất chủ quan, cảm tính. Do đó chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự không có đủ các căn cứ pháp lý và thực tế để xác định, định lượng được mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án.
Thứ ba: Quy định về xác định mức tiền để lại cho người phải thi hành án còn chưa rõ ràng.
Theo quy định tại Điều 79 Luật Thi hành án dân sự, khi ra quyết định thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình.
Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Mức tiền tối thiểu để lại cho người phải THA phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải THA và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải THA và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể. Cụ thể hiện nay, chuẩn nghèo đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó hộ nghèo thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hộ nghèo nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống.
Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do chấp hành viên ấn định căn cứ vào tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải THA và mức ấn định này có thể được điều chỉnh.
Vấn đề đặt ra là rất khó để xác định được mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người phải thi hành án. Việc căn cứ vào “tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải thi hành án” cũng hoàn toàn phụ thuộc vào cảm tính của chấp hành viên. Việc này rất dễ dẫn đến các khiếu nại của đương sự về mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho chấp hành viên khi thi hành nhiệm vụ.
Thứ tư: Về việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án
Căn cứ vào nội dung quyết định cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên sẽ thực hiện quyết định cưỡng chế tại nơi quản lý tiền của người phải thi hành án. Chấp hành viên thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án theo định kỳ hàng ngày, tuần, tháng, quý hoặc năm tùy theo tính chất ngành, nghề kinh doanh của người phải thi hành án[1].
Trong trường hợp người phải thi hành án không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của chấp hành viên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ theo điểm b khoản 6 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, ngày 14/8/2015 của Chính phủ ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì Chấp hành viên có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt là 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các đối tượng vi phạm trong trường hợp này liệu có thực sự hiệu quả và mang tính răn đe? Theo cá nhân tác giả, đối với các trường hợp này cần xem xét bổ sung thêm các biện pháp xử lý hành chính khác để áp dụng đồng thời như: thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc cấm hành nghề trong một thời gian nhất định thì có thể sẽ đạt hiệu quả cao hơn việc xử phạt tiền đơn thuần.
Chính vì các quy định pháp luật để áp dụng biện pháp thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án còn chưa cụ thể, rõ ràng nên các Chấp hành viên còn nhiều e ngại khi áp dụng biện pháp này. Đề nghị cần có những quy định cụ thể, chi tiết và chặt chẽ hơn nữa để Chấp hành viên có thể áp dụng hiệu quả biện pháp thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án trong thực tiễn.
Ths.Hoàng Thị Thanh Hoa,
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1] Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP