1. Về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh
Về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Về quản lý đầu tư, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại các
điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân Thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố về Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; thực hiện thí điểm thực hiện chính sách thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố quy trên cơ sở nguyên tắc (1) Bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư, (2) Bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố, (3) Công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý thuế. Theo Nghị quyết, Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.
Đặc biệt, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định: (1) Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm; (2) Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại theo quy định để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này; (3) Cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm.
Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu) và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố. Ngân sách Thành phố còn được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu. Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của Thành phố; ngân sách trung ương không bổ sung cho ngân sách Thành phố 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố, cho phép Thành phố sử dụng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của Thành phố, vay trong phạm vi quy định tại hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư (PPP) để sớm hoàn thành dự án. Ngân sách trung ương có trách nhiệm hoàn trả cho Thành phố phần dự toán chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bao gồm phần lãi vay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo.
Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Ủy ban nhân dân Thành phố quy định các nhiệm vụ, quyền hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; không được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền quy định.
Đặc biệt, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.
2. Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho các cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh
Kết quả thi hành án dân sự Quý I/2018, về việc, tổng số thụ lý là 501.099 việc, tăng 43.273 việc (tăng 9,45%) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số phải thi hành là 498.602 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 329.293 việc (66,04%). Thi hành xong là 118.568 việc (tăng 7.773 việc so với cùng kỳ năm 2017), đạt tỉ lệ 36,01% (tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2017). Số chuyển kỳ sau 380.034 việc, trong đó số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 210.725 việc. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 6.190 việc (3,03%). Về tiền, tổng số thụ lý là 150.751 tỷ 269 triệu 925 nghìn đồng, tăng 24.453 tỷ 853 triệu 460 nghìn đồng (tăng 19,36%) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số phải thi hành là 149.004 tỷ 799 triệu 279 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 85.474 tỷ 780 triệu 806 nghìn đồng, (57,36%). Thi hành xong là 5.978 tỷ 904 triệu 619 nghìn đồng (giảm 4.296 tỷ 312 triệu 375 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2017), đạt tỉ lệ 6,99% (giảm 5,19% so với cùng kỳ năm 2017). Số chuyển kỳ sau 143.025 tỷ 894 triệu 661 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 79.495 tỷ 876 triệu 188 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 5.430 tỷ 548 triệu 019 nghìn đồng (tăng 7,33%).
Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, tổng số việc thụ lý là 67.605 việc, tương ứng với số tiền hơn 59.000 tỷ đồng, là địa bàn có số việc, số tiền đứng đầu, mang tính chất quan trọng, quyết định đối với kết quả toàn quốc (chiếm 13,5% số việc và 39,14% số tiền thụ lý của toàn quốc). Kết quả, thi hành xong 28,76% về việc và 6,84% về tiền. Số có điều kiện chuyển kỳ sau là 33.660 việc tương ứng với số tiền là 26.663 tỷ 634 triệu 205 nghìn. So với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018 tăng 9.182 việc (37,51%) tương ứng với 4.536 tỷ 586 triệu 653 nghìn (20,50%).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành dân sự trên địa bàn thành phố, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ nguyên tắc quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù về kinh phí, biên chế, chế độ đãi ngộ và các điều kiện trang thiết bị cụ thể khác, đề xuất Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bố trí các nguồn lực phù hợp, tương ứng, các cơ chế quản lý đặc thù trên địa bàn tương thích với cơ chế của Thành phố, qua đó kịp thời nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Thế Minh