Chín lưu ý trong xác minh điều kiện thi hành án

04/04/2018
Xác minh điều kiện thi hành án là hoạt động không thể thiếu trong công tác thi hành án dân sự. Mục đích chính của xác minh điều kiện thi hành án để trả lời câu hỏi hồ sơ thi hành án này có điều kiện hay chưa có điều kiện thi hành án, có tổ chức việc thi hành án được hay chưa, để từ đó có biện pháp giải quyết việc thi hành án phù hợp.


Pháp luật về thi hành án dân sự đã quy định khác nhiều, khá chi tiết về xác minh điều kiện thi hành án. Vì thế cần nhận diện đầy đủ, toàn diện những nội dung pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án và thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của công chức, cơ quan thi hành án dân sự. Chín nội dung sau đây cần được các cơ quan thi hành án dân sự lưu ý về xác minh điều kiện thi hành án:
1. Thực hiện quy định về thời hạn tiến hành xác minh
1.1. Thời hạn tiến hành xác minh lần đầu
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Vì thế phải trả lời câu hỏi tiến hành xác minh đúng thời hạn hay không, nếu chậm thì bao nhiêu ngày, ví dụ chậm tiến hành xác minh dưới 15 ngày hay chậm tiến hành xác minh từ 15 ngày trở lên.
1.2. Thời hạn tiến hành xác minh lại
Được quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
- Xác minh lại theo định kỳ:
+ Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án.
+ Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.
- Xác minh lại theo yêu cầu của đương sự (trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh).
- Xác minh lại theo yêu cầu của của Viện kiểm sát (trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân).
2. Thực hiện thủ tục xác minh
2.1. Yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án (khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án - Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự)
2.2. Có tiến hành xác minh ở tất cả các nơi có điều kiện xác minh không:
- Có xác minh tất cả các tài sản của người phải thi hành án không hay chỉ một nơi hoặc đủ rồi thì thôi ?
- Thực hiện xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó như thế nào ? Khai thác thông tin từ hệ thống đăng ký trực tuyến như thế nào (Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó - Khoản 4 Điều 44  Luật Thi hành án dân sự)
Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản - Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự).
- Trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giảm, trại tạm giam hoặc cơ sở giam giữ khác thì xác minh ở những đâu ? (nơi cư trú cũ và cơ sở giam giữ mới hay không ?).
- Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án - Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
- Có xác minh tất cả các tài sản của người phải thi hành án không hay chỉ một nơi hoặc đủ rồi thì thôi ?
2.3. Xác minh bằng văn bản thực hiện như thế nào ? (Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác).
2.4. Xác minh đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức như thế nào ? (Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án).
2.5. Có yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh không ? (yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết).
2.5. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án
- Biên bản xác minh điều kiện thi hành án có nêu rõ về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án không (Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án - Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự).
- Biên bản xác minh có thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh không ? (Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh - Điều 44 Luật Thi hành án dân sự).
2.6. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách niệm xuất trình Thẻ Chấp hành viên.
3. Ủy quyền và thực hiện ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án
- Ủy quyền xác minh như thế nào (cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp cần làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có thông tin trên. Việc ủy quyền xác minh của cơ quan thi hành án dân sự phải thể hiện bằng văn bản, nêu rõ bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền, nội dung ủy quyền và nội dung cần thiết khác).
- Thực hiện ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án (thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận uỷ quyền phải trả lời bằng văn bản kết quả xác minh và những nội dung cần thiết khác cho cơ quan thi hành án dân sự đã uỷ quyền xác minh. Đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền).
4. Xử lý kết quả xác minh điều kiện thi hành án:
4.1. Trường hợp có điều kiện thi hành án thì có chậm hay không chậm xử lý tài sản, xử lý việc thi hành án.
4.2. Trường hợp chưa có điều kiện thi hành án
- Ra quyết định xác định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành có kịp thời, đầy đủ hay không ?
- Thực hiện công khai thông tin về việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang Thông tin điện tử của Cục THADS (có thường xuyên, đầy đủ, kịp thời hay không ?); việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt không khai như thế nào.
Có gửi đầy đủ, kịp thời quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án chó Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết không, thủ tục gửi như thế nào ?
- Thực hiện thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh (sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án):
- Việc thực hiện chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án
+ Lập và sử dụng, quản lý Sổ như thế nào ?
+ Thời hạn hiện có chậm không (cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện).
+ Các trường hợp chuyển sang Sổ theo dõi riêng có đúng không: (a) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; b) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự; c) Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án).
Trường hợp này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc thi hành án.
5. Thực hiện quy định về chi phí xác minh điều kiện thi hành án
5.1. Xác định đối tượng chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án có đúng không (Điểm b Khoản 3 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự quy định Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp chi phí xác minh điều kiện thi hành án).
5.2. Chi như thế nào?
- Mức chi bồi dưỡng cho người trực tiếp thực hiện xác minh điều kiện thi hành án (Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ tài chính quy định chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện xác minh điều kiện thi hành án):
a) Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiếm sát viên, cảnh sát: 70.000 đồng/người/ngày;
b) Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: 100.000 đồng/người/ngày.
- Chi công tác phí (Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chi công tác phí cho các đối tượng đi xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập nay là Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính).
- Chi tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ nghỉ cho những người không hưởng lương ngân sách nhà nước tham gia công tác xác minh thi hành án và thông báo thi hành án theo yêu cẩu của cơ quan thi hành án dân sự (Điểm b Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án).
- Một số mức chi đặc thù trong công tác thi hành án dân sự (Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200 hướng dẫn một số mức chi đặc thù trong công tác thi hành án dân sự chi bồi dưỡng cho các đối tượng khi tham gia vào quá trình xác minh):
+ Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: 70.000 đồng/người/ngày;
+ Đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: 100.000 đồng/người/ngày.
5.3. Tạm ứng, lập dự toán, quyết toán chi phí xác minh điều kiện thi hành án.
6. Việc thực hiện trách nhiệm Thư ký thi hành án giúp Chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án
Điều 71 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự ( Trước đây là Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Quyết định số 02/2007/QĐ-BNV ngày 01/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,  Thông tư số 10/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ “Quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức Chấp hành viên và Thư ký Thi hành án dân sự ).

Theo đó,  Thư ký thi hành án là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, có trách nhiệm giúp Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án dân sự hoặc giúp Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành, thẩm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

7. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên trong thẩm tra công tác xác minh điều kiện thi hành án
Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự (Trước đây là Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Quyết định số 02/2007/QĐ-BNV ngày 01/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thông tư số 10/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ “Quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức Chấp hành viên và Thư ký Thi hành án dân sự).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công.

8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án
8.1. Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.
8.2. Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay.
8.3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
9. Xử lý vi phạm về xác minh điều kiện thi hành án
Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự). Vì thế phải lưu ý trong việc xử lý vi phạm về xác minh trong thi hành án dân sự.
            Lê Anh Minh