Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án

19/04/2018
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì khiếu nại trong thi hành án dân sự là việc các bên đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị với người có thẩm quyền xem xét lại các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình thụ lý và tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, khi có căn cứ cho rằng những quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


 Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của đương sự theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự. Tại khoản 3 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều cơ quan Thi hành án dân sự còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định này để giải quyết khiếu nại.
Trong phạm vi bài viết này tác giả nêu và phân tích quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án để các đồng chí, đồng nghiệp quan tâm, theo dõi và cùng trao đổi.
Luật Thi hành án dân sự quy định nguyên tắc chung của việc giải quyết khiếu nại trong Thi hành án dân sự, đó là được giải quyết bởi người có thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan quản  lý Thi hành án dân sự. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án được giải quyết bởi cấp trên của người đó, cụ thể là:
Một là, khiếu nại quyết định, hành vi của Chấp hành viên cấp nào (Chi cục, Cục, Phòng Thi hành án cấp Quân khu) thì Thủ trưởng cấp đó (Chi cục trưởng, Cục trưởng, Trưởng Phòng Thi hành án cấp Quân khu) phải giải quyết lần đầu; khi không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên trực tiếp (Cục, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) của người bị khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên có hiệu lực thi hành.
Hai là, khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp nào (Chi cục, Cục, Trưởng Thi hành án cấp Quân khu) thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án trên một cấp (Cục, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) có thẩm quyền giải quyết lần đầu; khi không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết khiếu nại (Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan cấp trên có hiệu lực thi hành.
Ba là, khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại; Khiếu nại đối với quyết định hành vi của Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết.
Theo quy định trên quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu không bị đương sự khiếu nại tiếp, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự.
  Ngoài nguyên tắc chung nêu trên, trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự có ngoại lệ, đó là: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm: (01) Phong tỏa tài khoản; (02) Tạm giữ tài sản, giấy tờ; (03) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Về thời hiệu khiếu nại đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định; đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó[1]. Về thời hạn giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại[2]. Như vậy, khiếu nại đối với việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án chỉ giải quyết một cấp, mà không phải là hai cấp như nguyên tắc chung đã nêu trên đây về giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự.
Theo quy định tại khoản 26, 27, 28 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự thì trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án như sau:
Một là, phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ: (01) Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được Chấp hành viên thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ; (2) Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án. Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; (3) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.
Hai là, tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự: (1) Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ; (2) Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng. Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; (3) Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; (4) Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ; (5) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.
Ba là, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản: (1) Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác; (2) Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó; (3) Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật; (4) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Thực tiễn việc áp dụng quy định giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
1. Đối với khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án
Quan điểm thứ nhất, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là khiếu nại việc không áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Vì vậy, quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có hiệu lực ngay và đương sự không có quyền khiếu nại tiếp đối với quyết định giải quyết khiếu nại này.
Quan điểm thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ thì quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực thi hành. Luật không quy định trường hợp Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền đối với quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực hay người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp. Do đó, tất cả khiếu nại đối với quyết định không phải là “quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án” đều được giải quyết hai cấp nếu đương sự khiếu nại tiếp.
2. Khiếu nại hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án
Quan điểm thứ nhất, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho rằng theo điểm b khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự “hành vi” bị khiếu nại bao gồm “hành vi hành động” và “hành vi không hành động”. Do đó, trường hợp này quyết định giải quyết khiếu nại đối với hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và khiếu nại hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án của Chấp hành viên có hiệu lực ngay.
Quan điểm thứ hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho rằng theo điểm b khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự “hành vi” bị khiếu nại là “hành vi hành động”. Do đó, trường hợp này quyết định giải quyết khiếu nại đối với hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án của Chấp hành viên có hiệu lực ngay. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nếu đương sự không nhất trí thì có quyền khiếu nại tiếp và được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Thời hạn giải quyết khiếu nại được thực hiện theo khoản 1 Điều 146 Luật Thi hành án dân sự “Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại”.
Tác giả nhận thấy quan điểm thứ hai của các trường hợp khiếu nại quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nêu trên phù hợp với khoản 3 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định “Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực thi hành”. Việc quy định thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nêu trên xuất phát từ tính chất của việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là bước tiền đề, nhằm bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án tiếp theo, thời gian áp dụng rất ngắn (trong thời hạn 10 ngày), nếu việc áp dụng biện pháp bảo đảm là không có cơ sở thì phải giải tỏa, trả lại tài sản cho chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp tài sản đó; nếu có cơ sở thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định. Nếu đương sự không đồng ý với một trong hai cách xử lý trên đây thì lại có quyền khiếu nại đối với chính quyết định, hành vi mới này.  
Dưới đây tác giả nêu và phân tích một số tình huống cụ thể xảy ra trên thực tế nhằm giúp người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiểu rõ hơn về việc áp dụng quy định pháp luật khi giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án của Chấp hành viên.
1. Tình huống 1: Giải quyết khiếu nại đối với quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản.
- Nội dung vụ việc
Bản án số 02/2016/DSST ngày 26/5/2016 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh D xét xử, quyết định: Ông Phạm Văn T và bà Nguyễn Thị M phải thi hành khoản án phí dân sự sơ thẩm 32.264.000 đồng và phải thanh toán cho ông Nguyễn Văn H bà Vũ Thị H 967.940.000 đồng + lãi suất chậm thi hành án.
Bản án số 01/KDTM-PT ngày 12/8/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh G xét xử, quyết định: Ông Phạm Văn T  và bà Nguyễn Thị M phải thi hành trả nợ cho bà Dương Thị N số tiền 5.804.009 đồng và 39.000kg cà phê nhân Rô xô.
- Kết quả thi hành án
Quá trình tổ chức thi hành, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã tiến hành xác minh, kết quả xác minh: bà M (vợ ông T) đang điều trị bệnh tâm thần, đã có thẻ bệnh nhân tâm thần, hàng tháng phải đi điều trị và lấy thuốc tại bệnh viện Tâm thần, vợ chồng bà M ông T không có tài sản nào khác có giá trị  ngoài diện tích đất thuê theo Hợp đồng ngày 19/12/2013 với UBND xã T, huyện H, tỉnh D. Thời hạn thuê đất 05 năm tính từ ngày 31/12/2013 đến ngày 31/12/2018, diện tích sử dụng là 19.203m2, tiền thuê đất trả hàng năm 120.000 đồng/sào. Tài sản trên đất gồm có 01 nhà ở, công trình phụ được xây bằng gạch babanh, lợp ngói Proximăng đã bị xuống cấp; trên đất còn trồng một số cây ăn quả như: Hồng xiêm, Xoài, Nhãn, Mít (số lượng không đếm chi tiết) loại cây mới trồng còn nhỏ, chưa cho thu hoạch. Thu nhập thường xuyên của vợ chồng ông T không có gì.
Ông Nguyễn Văn H bà Vũ Thị H cung cấp: Theo Bản án số 11/2016/DSPT ngày 29/3/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh D thì:  “Viện kiểm sát nhân dân tỉnh G có trách nhiệm bồi thường cho bà Nguyễn Thị M tổng các khoản: tiền thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe và các khoản bồi thường khác theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số tiền bằng 850.000.000 đồng” và đề nghị khấu trừ số tiền trên. Ngày 21/12/2016, Chấp hành viên đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-CCTHA về việc phong tỏa tài khoản, để phong tỏa số tiền trên.
Tuy  nhiên, sáng ngày 26/12/2016, ông T đã thuê xe taxi chở bà M đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. Để mặc bà M nằm ở phòng bảo vệ cơ quan thi hành án trong khi tình trạng sức khỏe bà M lúc đó bất tỉnh, rất nguy kịch và bỏ đi đâu không rõ. Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã mời đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện H, đại diện UBND thị trấn H đến chứng kiến và lập biên bản vụ việc. Đồng thời, phối hợp với bệnh viện Đa khoa huyện H đưa bà M đi sơ cứu ban đầu và chuyển bà M đến điều trị tại bệnh viện Tâm thần. Nhưng đến cuối ngày 26/12/2016, vẫn không liên hệ được với người nhà bà M, còn ông T bỏ đi đâu không rõ. Do đó, sau khi có văn bản xin ý kiến của Thường trực UBND, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện H, Cục Thi hành án dân sự tỉnh D và Hội đồng Chấp hành viên của Chi cục đã họp và thống nhất. Chấp hành viên đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-CCTHA ngày 29/12/2016 về việc chấm dứt phong tỏa tài khoản.
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Việc ông Nguyễn Văn H và bà Vũ Thị H khiếu nại Quyết định số 01/QĐ-CCTHA ngày 29/12/2016 của Chấp hành viên về việc chấm dứt phong tỏa tài khoản đã được hai cấp Chi cục Thi hành án dân sự huyện H và Cục Thi hành án dân sự tỉnh D giải quyết, cụ thể:  
 * Khiếu nại và giải quyết khiếu nại của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H: Cho rằng bản án phúc thẩm không tuyên rõ từng khoản bồi thường, số tiền bà M được hưởng là do oan sai nhằm mục đích để cho bà M sinh sống và chữa bệnh mang tính nhân đạo. Bên cạnh đó gia đình người phải thi hành án gây áp lực, xét thấy việc chấm dứt phong tỏa tài khoản trong trường hợp này là cần thiết, hợp tình hợp lý nên Chấp hành viên đã tiến hành giải tỏa việc phong tỏa tài khoản của ông T. Do đó, ngày 24/01/2017, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 20/QĐ-CCTHADS, nội dung: không chấp nhận toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Văn H và bà Vũ Thị H.
* Khiếu nại và giải quyết khiếu nại của Cục Thi hành án dân sự tỉnh D: Cho rằng, Chấp hành viên có thể xem xét khấu trừ số tiền 471.500.000 đồng theo Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2015/DSST ngày 18/9/2015 của Tòa án nhân dân huyện H đã xác định. Nhưng Chấp hành viên lại ban hành quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản đã vi phạm khoản 1 Điều 77 Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Do đó, ngày 31/3/2017, Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh D ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 315/QĐGQKN-CTHADS, nội dung: chấp nhận khiếu nại của ông Nguyễn Văn H và bà Vũ Thị H.
Việc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh D thụ lý và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nêu trên là do quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự không quy định trường hợp Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền đối với quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực hay người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp. Do đó, ông Nguyễn Văn H và bà Vũ Thị H có quyền khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại của số 20/QĐ-CCTHADS ngày 24/01/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H liên quan đến Quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản số 01/QĐ-CCTHA ngày 29/12/2016 của Chấp hành viên.
2. Tình huống 2: Giải quyết khiếu nại đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tại địa bàn tỉnh L:
- Nội dung vụ việc
Bản án số 57/2017/DSST ngày 10/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh L xét xử, quyết định: Buộc ông Huỳnh Văn T và bà Lê Thị R phải liên đới trả lại cho bà Trương Thị P số tiền là 340.000.000 đồng.
Căn cứ bản án có hiệu lực pháp luật và đơn yêu cầu thi hành án của bà Trương Thị P, ngày 12/12/2017 Chi cục Thi hành án dân sự huyện B ban hành Quyết định thi hành án số 487/QĐ.CCTHADS và giao Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc.
- Kết quả thi hành án 
Quá trình thi hành án, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện B đã thực hiện các trình tự, thủ tục thông báo, xác minh điều kiện thi hành án theo quy định pháp luật. Ngày 19/12/2017, ông Thạch Minh N, người đại diện theo ủy quyền của bà Trương Thị P có đơn yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp đảm bảo tạm dừng đăng ký  quyền sử dụng đất thửa 54, thửa 58 có tổng diện tích là 8.043 m2, thuộc tờ bản đồ số 08, tọa lạc tại ấp 5, xã H, huyện B, tỉnh L của ông Huỳnh Văn T.
Ngày 27/12/2017, Chấp hành viên xác minh thấy tài sản nêu trên ông Huỳnh Văn T đã chuyển nhượng cho bà Trần Thị K vào ngày 28/7/2017 (trước khi có Bản án số 57/2017/DSST ngày 10/11/2017 của TAND huyện B, tỉnh L). Do đó, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện B ban hành Công văn số 78/CV-CCTHADS về việc không áp dụng biện pháp tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của ông Huỳnh Văn T và bà Lê Thị R theo yêu cầu của ông Thạch Minh N.
- Khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại
* Khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B:
Không đồng ý với Công văn số 78/CV-CCTHADS nêu trên của Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, ông Thạch Minh N có đơn khiếu nại gửi đến Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B. Giải quyết khiếu nại của ông ông Thạch Minh N, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B thụ lý và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ.CCTHADS ngày 17/01/2018 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Thạch Minh N với nội dung: Bác toàn bộ đơn khiếu nại của ông Thạch Minh N, giữ nguyên Công văn số 78/CV-CCTHADS ngày 27/12/2017 Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
* Khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại của Cục Thi hành án dân sự tỉnh L:
Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ.CCTHADS ngày 17/01/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, ông Thạch Minh N gửi đơn khiếu nại đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh L.
Giải quyết khiếu nại của ông Thạch Minh N, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh L không thụ lý và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai mà ra Công văn số: 107/CTHA-KT. GQKNTC ngày 08/3/2018 trả lời đơn khiếu nại đối với ông Thạch Minh N, nội dung: việc ông Thạch Minh N khiếu nại được Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ.CCTHADS ngày 17/01/2018. Theo quy định tại khoản 3, Điều 38 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì Quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B có hiệu lực thi hành.
Không đồng ý với Công văn số 107/CTHA-KT. GQKNTC ngày 08/3/2018 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh L, ông Thạch Minh N tiếp tục gửi đơn đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh L thụ lý và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Hiện nay, vụ việc đang được Cục Thi hành án dân sự tỉnh L xem xét giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140; khoản 1 Điều 146 Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, có thể thấy một vụ việc nhưng do cách hiểu và áp dụng pháp luật từng thời điểm khác nhau mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh L có quan điểm giải quyết vụ việc khác nhau.
Từ các tình huống trên, tác giả nhận thấy về lâu dài quy định giải quyết “khiếu nại đối với quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án” cần được sửa đổi, bổ sung rõ ràng cụ thể hơn, trước mắt Tổng cục Thi hành án dân sự cần có văn bản hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương để việc áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án của Chấp hành viên được thống nhất.
Lan Anh
 
[1] Điểm b khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự
[2] Khoản 2 Điều 146 Luật Thi hành án dân sự