1. Thực trạng phân công lao động THADS hiện hành
THADS có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nền tảng xã hội ổn định, vững chắc, trực tiếp giải phóng nguồn lực kinh tế “mất giá trị tạm thời” trong các tranh chấp, đồng thời góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao mức tín nhiệm của nền kinh tế.
Cho đến nay, về mặt hành chính, việc phân công lao động THADS còn khá đơn giản, chưa được đánh giá, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và khoa học. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014) mới dừng lại ở quy định Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành. Các công việc tiếp theo được thực hiện trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ của từng ngạch công chức, cụ thể:
- Chấp hành viên trực tiếp, kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; bảo đảm thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
- Thẩm tra viên giúp Thủ trưởng cơ quan THADS thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu THADS và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác THADS.
- Thư ký thi hành án giúp Chấp hành viên thực hiện các trình tự, thủ tục THADS hoặc giúp Thẩm tra viên thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành, thẩm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS theo quy định của pháp luật.
Với phương pháp phân công lao động nêu trên, chúng ta có hai nhận xét về sự thiếu chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cụ thể:
Một là, với mục tiêu thiết kế ngạch thẩm tra viên là người thẩm tra, kiểm tra các vụ việc thi hành án đã và đang thi hành, thực tiễn hiện nay đang cho thấy mô hình này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau dẫn đến hiệu quả kiểm soát nội bộ chưa cao, cụ thể:
+ Sự bất tương xứng về số lượng và tỷ lệ giữa các ngạch. Thống kê 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, cơ cấu ngạch công chức THADS có chức danh tư pháp đạt tỷ lệ: 4.139 Chấp hành viên/738 Thẩm tra viên/1.628 Thư ký. Như vậy, khoảng cách giữa số lượng, tỷ lệ giữa Chấp hành viên và thẩm tra viên là quá xa, chưa thực sự hợp lý. Cũng cần lưu ý rằng đến này còn một số Chi cục THADS chưa có thẩm tra viên.
+ Sự bất tương xứng về trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Chế định và lực lượng Chấp hành viên tại các Tòa án cấp huyện đã được hình thành từ năm 1972. Chế định và lực lượng thẩm tra viên trong THADS được hình thành từ năm 2007 nên bề dày về trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp là chưa đồng đều.
+ Sự bất tương xứng về vị thế và địa vị pháp lý. Chấp hành viên là “nhân vật trung tâm” của hoạt động THADS, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, có địa vị pháp lý và các quyền năng quan trọng, độc lập do Luật định. Vị trí, vai trò của thẩm tra viên do tầm Nghị định quy định với những quyền năng khá thụ động, theo phân công, chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan THADS.
Hai là, do về mặt hành chính chưa có sự phân công lao động cụ thể theo từng khâu, từng bước (mặc dù Tổng cục THADS đã ban hành Quy trình THADS và trách nhiệm của các công chức liên quan) nên việc phân công xử lý một vụ việc THADS về cơ bản theo thói quen/nguyên tắc khá tùy nghi là “người theo việc”. Tức là, khi một vụ việc được giao cho Chấp hành viên cùng Thư ký giúp việc thì Chấp hành viên và Thư ký giúp việc này sẽ theo dõi, xử lý công việc từ đầu cho đến khi thi hành xong. Cơ chế tiếp xúc thường xuyên giữa Chấp hành viên và đương sự trong một thời gian dài, từ khâu đầu đến khâu cuối này cũng có thể dẫn đến nhiều tiềm ẩn nếu không có sự phân công lao động khoa học và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.
2. Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản
Phân công lao động THADS tại mỗi cơ quan thi hành án Nhật Bản được chia thành ba Tổ, mỗi Tổ đều có Chấp hành viên và các thư ký giúp việc. Các tổ nêu trên làm việc chung 01 Phòng chia thành 03 khu vực theo thứ tự quy trình xử lý công việc, bảo đảm nguyên tắc người không đi theo việc mà “việc đi, người ở lại”, qua đó góp phần chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tạo sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ giữa các bộ phận, phòng ngừa sai sót, vi phạm, tham nhũng trong hoạt động THADS, cụ thể:
- Tổ 1 - Tổ bắt đầu
Nhiệm vụ:
+ Nhận đơn
+ Thẩm định nội dung đơn
+ Thụ lý đơn và vào Sổ đăng ký
+ Chấp hành viên phải đến tận nơi có bất động sản để xác minh, kiểm tra, có thể mời chuyên gia nhà đất tham gia.
+ Đăng ký kê biên đấu giá tại Sở đăng ký Nhà đất, liên lạc với những người có quyền, nghĩa vụ liên quan để thực hiện đăng ký quyền lợi liên quan (thuế...)
+ Ban hành quyết định bán đấu giá
+ Xây dựng Báo cáo về đấu giá tài sản.
Tổ 2 - Tổ bán
Nhiệm vụ:
+ Thẩm định giá, quyết định giá tiêu chuẩn
+ Soạn thảo Bảng thông tin chi tiết về tài sản và đăng tải những thông tin này trên Internet.
+ Đấu giá, quyết định người trúng đấu giá.
Tổ 3 - Tổ chia
Nhiệm vụ:
+ Yêu cầu nộp tiền mua bất động sản
+ Giao tiền cho các bên được chia tiền
+ Thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu đối với người mua.
3. Kiến nghị
Để lãnh đạo Ngành Tư pháp, Hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, ngày 05/4/2018, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 - 2021. Nghị quyết cũng đã yêu cầu cần phải
“Nghiên cứu, quy định cơ chế phân công lao động, cơ cấu vị trí việc làm và các ngạch công chức trong hoạt động thi hành án phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng lao động trong hoạt động THADS”. Đã đến lúc Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS cần nghiên cứu, ban hành những quy định hành chính và nghiệp vụ căn cơ, lâu dài, khoa học hơn về việc tổ chức và phân công lao động trong hoạt động THADS.
Ths.Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục THADS