Do tính chất công việc phức tạp như vậy, việc khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự là điều khó tránh khỏi. Đương sự bao gồm: người được thi hành án bức xúc vì quyền lợi của họ chưa được đảm bảo do bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật cơ quan thi hành án thi hành đã lâu nhưng chưa có kết quả; người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ tiền, tài sản bức xúc vì cho rằng họ bị thiệt hại khi tài sản bị kê biên cưỡng chế, bán đấu giá tài sản để thi hành án; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bức xúc vì cho rằng quyền lợi của mình bị thiệt hại do việc tổ chức thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Do đó, những người này khiếu nại, tố cáo. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có cơ chế pháp lý để giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo việc giải quyết được đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Để đánh giá công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự đạt hiệu quả cần xem xét trong mối quan hệ giữa mục đích của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả đạt được và trong mối tương quan với các nguồn lực đã sử dụng. Xuất phát từ bản thân vấn đề nghiên cứu cho thấy hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự chính là sự xem xét, đánh giá tổng hợp, toàn diện các yếu tố sau đây:
1. Phạm vi và mức độ bảo đảm, tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền khiếu nại, công dân tố cáo trong thi hành án dân sự
Hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, trước hết thể hiện ở việc quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự, công dân được thực hiện trong phạm vi và mức độ bảo đảm đến đâu? Qua khả năng của đương sự, công dân được phép, được bảo đảm và được tạo điều kiện thực hiện quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo hay nói cách khác quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự phải ban hành rất nhiều quyết định, thực hiện nhiều hành vi, từ việc ra quyết định thi hành án, thông báo cho đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ, đến việc cưỡng chế, định giá, bán đấu giá tài sản, giao tài sản. Mỗi thủ tục đều có quy định về thời hạn thực hiện. Do đó, bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cũng đều có thể bị đương sự khiếu nại. Người phải thi hành án khiếu nại, cho rằng quyền lợi của họ bị xâm phạm, ảnh hưởng từ việc tổ chức thi hành án; công dân theo thủ tục do Luật thi hành án dân sự báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, pháp luật cần có cơ chế xử lý nghiêm đối với những trường hợp không chấp hành án, chống đối quyết liệt, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kéo dài nhằm trì hoãn, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Ở một góc độ khác, hiệu quả của giải quyết khiếu nại, tố cáo còn được đánh giá thông qua việc trên thực tế cơ quan Thi hành án dân sự có bảo đảm và tạo điều kiện để người dân được trình bày, nộp đơn khiếu nại, tố cáo hay không. Đối với nước ta, nội dung này bao gồm cả ý nghĩa, những người có trách nhiệm như cán bộ tiếp công dân của cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý Thi hành án dân sự có nghiêm chỉnh thực hiện trách nhiệm công vụ trong việc tiếp nhận, tham mưu kịp thời để thụ lý những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình, cấp mình hay không? Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền thì có nhiệt tình, trách nhiệm và có đủ năng lực hiểu biết để giải thích, hướng dẫn người đi khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hay không?
2. Chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
Chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong Thi hành án dân sự được giải quyết là một trong những tiêu chí quan trọng nhất cho việc đánh giá hiệu quả giải quyết. Việc giải quyết chỉ có thể coi là đạt chất lượng khi quá trình và kết quả giải quyết vừa bảo đảm tính hợp pháp, vừa bảo đảm tính hợp lý, cụ thể như sau:
Một là, tính hợp pháp: Tính hợp pháp của việc giải quyết Khiếu nại, tố cáotrong Thi hành án dân sựphải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Giải quyết đúng thẩm quyền: Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo phải được ban hành đúng thẩm quyền, trong phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền do pháp luật quy định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự đúng thẩm quyền còn đòi hỏi người có trách nhiệm, quyền hạn không được lạm quyền hoặc lẩn tránh trách nhiệm.
- Nội dung giải quyết phải đúng pháp luật: Trước hết việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự phải phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, không trái với Hiến pháp và tuân thủ pháp luật. Điều này có nghĩa là định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo phải phù hợp và đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của quy phạm pháp luật được chọn để áp dụng. Trong trường hợp cùng một vấn đề mà các văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau quy định khác nhau thì phải chọn văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp văn bản do cùng một cơ quan ban hành, có hiệu lực pháp lý ngang nhau thì phải căn cứ vào văn bản ban hành sau để đánh giá, áp dụng. Yêu cầu về nội dung là yêu cầu quan trọng nhất của quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo trong thi hành án dân sự.
- Hình thức quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo phải đúng pháp luật: Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo phải tuân thủ quy định về hình thức văn bản, thể hiện trên những nội dung sau: Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo phải đúng tên, loại văn bản, phù hợp với nội dung văn bản; quyết định, kết luận ban hành phải tuân thủ thể thức và bố cục văn bản.
- Trình tự, thủ tục giải quyết phải đúng pháp luật: Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo phải được ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính đúng đắn, thống nhất trong toàn hệ thống thi hành án dân sự. Người có thẩm quyền phải giải quyết đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hai là, tính hợp lý: Bên cạnh tính hợp pháp là phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự còn được đánh giá trên cơ sở tính hợp lý của việc giải quyết. Trước hết phải khẳng định rằng: giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự chỉ hợp lý khi nó hợp pháp, nghĩa là trước hết nó phải hợp pháp. Không thể vì lý do hợp lý, phù hợp thực tiễn thi hành án dân sự, nể nang người bị khiếu nại, tố cáo mà coi thường tính hợp pháp của việc giải quyết. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được coi là hợp lý khi nó đáp ứng các yêu cầu như: bảo đảm tính hài hoà các mặt lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Nhà nước; kết quả giải quyết phải cụ thể và phù hợp với từng vấn đề, với các đối tượng có liên quan và đặc biệt là phải có tính khả thi cao.
Với ý nghĩa tính hợp pháp và hợp lý của quá trình và kết quả giải quyết như trên, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự phụ thuộc chất lượng hệ thống pháp luật điều chỉnh, bao gồm cả pháp luật nội dung (pháp luật đất đai) và pháp luật hình thức (pháp luật về thẩm quyền, thủ tục giải quyết) mà quá trình giải quyết đã áp dụng, thực hiện. Ở nước ta, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng chỉ được coi là có chất lượng tốt khi phù hợp với đường lối chính trị và quan điểm của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; được ban hành kịp thời, đúng pháp luật và phải có tính khả thi, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và bảo đảm về kỹ thuật lập pháp, lập quy.
3. Số lượng và tỷ lệ vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được giải quyết
Không thể đánh giá việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của một cơ quan Thi hành án dân sự, Hệ thống thi hành án dân sự là có hiệu quả khi mà số lượng vụ việc phát sinh, cần phải giải quyết nhiều nhưng số lượng và tỷ lệ vụ việc giải quyết thì lại ít. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo vệ mặt chất lượng như mục trên, thước đo hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, còn được đánh giá bằng:
- Số lượng các vụ việc được giải quyết kịp thời, tức là đúng trong phạm vi thời hạn pháp luật quy định, không để tồn đọng;
- Số lượng các vụ việc được giải quyết dứt điểm, theo đó, các bên thi hành ngay quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, không khiếu nại hoặc tố cáo tiếp;
- Số lượng các vụ việc mà người khiếu nại hoặc tố cáo bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bản án, quyết định của tòa án được tổ chức thi hành đúng pháp luật;
- Tỷ lệ các vụ việc được giải quyết trên tổng số những vụ việc được thụ lý trong đó số lượng bị giải quyết khiếu nại lần thứ hai hoặc kết luận nội dung tố cáo bị xem xét giải quyết lại.
Số lượng vụ việc được giải quyết có chất lượng nhiều, chiếm tỷ lệ cao so với số vụ việc cần giải quyết và số lượng vụ việc bị giải quyết lại thấp là những tiêu chí để khẳng định tính hiệu quả của giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, số lượng vụ việc khiếu nại hoặc tố cáo tại cơ quan Thi hành án dân sự, trong Hệ thống thi hành án dân sự mà giảm dần theo thời gian cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại cơ quan Thi hành án dân sự đó, của Hệ thống thi hành án dân sự. Bởi lẽ, điều này có thể cho phép suy đoán rằng: kết quả giải quyết đã tác động tích cực theo hướng hoặc là giúp cơ quan Thi hành án dân sựhạn chế được những sai lầm trong quá trình tổ chức thi hành án hoặc là chính bằng việc giải quyết của các cơ quan Thi hành án dân sự đã nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của đối tượng quản lý nên không khiếu nại hoặc khởi kiện tràn lan, không tiếp tục vi phạm pháp luật.
4. Hiệu lực thực tế của quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận nội dung tố cáo
Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo dù có chất lượng tốt và đã có hiệu lực thi hành nhưng nếu không được thực hiện thì có thể coi là chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Do đó, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự còn được đánh giá qua việc các phán quyết đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật nhưng đã được thi hành trên thực tế hay chưa? Trong trường hợp cá bên đều tự nguyện và nghiêm chỉnh thi hành triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thì có thể coi ở giai đoạn này việc giải quyết đã có hiệu quả, góp phần vào việc đánh giá hiệu quả chung của cả quá trình giải quyết. Nếu các phán quyết đó cũng được thi hành toàn bộ hoặc chỉ một phần nhưng cơ quan Thi hành án dân sự, người khiếu nại, tố cáo chậm thi hành, kéo dài thêm thời gian, tốn kém thêm kinh phí và các nguồn lực khác, thì có thể coi hiệu quả giải quyết đã giảm đi một phần. Đặc biệt, nếu việc tổ chức thi hành dây dưa, kéo dài nhưng quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn không được thực thi thì cũng có nghĩa là cả quá trình giải quyết đều không mang lại kết quả, ngược lại có thể còn thiệt hại thêm kinh phí, các nguồn lực khác và ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án.
5. Mối tương quan với các nguồn lực, chi phí của các bên
Các nguồn lực bỏ ra cho hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của cả cơ quan Thi hành án dân sự và người khiếu nại, tố cáo như: công sức, tiền bạc, thời gian, các điều kiện vật chất... cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả của việc giải quyết. Dù rằng, đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, trong lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng khó có thể tính toán rõ ràng được như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nếu để giải quyết một vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự mà tốn kém quá nhiều nguồn lực, so với mục đích đạt được, trong khi vẫn có thể đạt được mục đó nhưng với chi phí nguồn lực ít hơn thì không thể coi là có hiệu quả.
Tiêu chí đánh giá này cần phải được xem xét một cách toàn diện và đặt trong mối quan hệ với các tiêu chí, phương diện khác bởi lẽ trên thực tế, nhiều trường hợp vì để bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, uy tín của chính quyền, cơ quan Thi hành án dân sự phải bỏ ra chi phí lớn về tiền bạc, điều kiện vật chất, thời gian, công sức để giải quyết ổn thỏa, chấm dứt được một vụ việc khiếu nại, tố cáo như việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Những trường hợp này là do để đạt được các mục đích về chính trị, xã hội, nhân quyền…và không thể chi phí nguồn lực ít hơn được nữa thì vẫn có thể đánh giá rằng việc giải quyết là có hiệu quả.
6. Mức độ hài lòng của người được giải quyết
Xuất phát từ bản chất của khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự là những mâu thuẫn, bất đồng hay xung đột về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa người khiếu nại, tố cáo với cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, tức là người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã không đồng ý với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Người khiếu nại, tố cáo phản kháng lại bằng cách khiếu nại đối với quyết định, hành vi đó. Do đó, giải quyết được tranh chấp này, tức là phải mang lại sự hài lòng cho người dân. Mức độ hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được đánh giá, đo lường trên hàng loạt các yếu tố như trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; điều kiện phục vụ, tiếp đón người dân đi khiếu nại, tố cáo tại cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết; thái độ của người có thẩm quyền giải quyết và người tham gia giải quyết; tiến độ và kết quả giải quyết; tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi… Trong đó, có thể nói kết quả giải quyết là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ hài lòng của người khiếu nại, tố cáo. Mức độ hài lòng cao nhất của đương sự, công dân về kết quả giải quyết là tất cả các mục đích đặt ra họ đều đạt được, quyền và lợi ích chính đáng của họ được bảo vệ, bảo đảm, khi đó vụ việc được giải quyết dứt điểm, giải quyết xong.
7. Đánh giá của dư luận xã hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự mà còn ảnh hưởng nhất định đến toàn xã hội. Dư luận xã hội (hay công luận) là một hiện tượng đời sống xã hội quen thuộc mà mỗi cá nhân, tổ chức (bao gồm cả quốc gia), trong cuộc sống hàng ngày, thường phải quan tâm và tính toán đến. Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích, các mối quan tâm của công chúng. Dư luận xã hội là những kênh thông tin phản hồi, phản ánh qua mối liên hệ ngược, thể hiện thái độ đánh giá, phán xét của công chúng đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Dư luận xã hội đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự có thể đúng, có thể sai, nhưng dù có sai đến đâu thì cũng có những hạt nhân, hợp lý không thể bỏ qua; dư luận xã hội cũng có thể chủ quan, nhưng cũng có tính khách quan. Dư luận xã hội rất nhạy cảm với các hành vi xâm phạm lợi ích của cá nhân, lợi ích của toàn xã hội, nhất là hành vi của các phần tử, các nhóm cực đoan, lên án kịp thời và gay gắt các hành vi này; dư luận xã hội cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân, nhất là việc bảo vệ quyền và lợi ích của những người có vị thế yếu hơn trong các mối quan hệ pháp lý.
Các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo trong thi hành án dân sự đúng pháp luật, hợp lý, bảo vệ quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan bị xâm phạm, sẽ được dư luận đánh giá tốt, được đương sự, công dân đồng tình, ủng hộ, qua đó củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với chính quyền, có sức lan tỏa trong xã hội, tức là đã đạt được hiệu quả. Ngược lại, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự mà có dư luận xấu, nhân dân bất bình thì không thể coi là đã đạt được hiệu quả.
Nguyễn Hằng - Vụ GQKNTC, Tổng cục THADS