Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Điều 159 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao(gọi tắt là Quy chế số 810/QĐ-VKSNDTC-V11); Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/2/2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (gọi tắt là Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12)
Theo đó việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự bao gồm các hoạt động sau:
Một là: Viện Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật(3).
Theo đó, các hoạt động của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đều được giám sát bởi Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên. Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 02/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự (Thông tư số 02/2016/TT-BTP) quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định phải được gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận nội dung tố cáo cho cơ quan cấp trên trực tiếp, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, công khai kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo cho người bị tố cáo (khoản 1 Điều 24 Thông tư số 02/2016/TT-BTP).
Hai là: Viện Kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của cấp mình và cấp dưới, thông báo kết quả cho Viện Kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Viện Kiểm sát nhân dân (khoản 2 Điều 30 Luật TCVKSND).
Ba là: Ban hành kết luận kiểm sát, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật(4).
Theo Điều 159 Luật Thi hành án dân sự quy định: “…Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật”.
Ngoài ra, tại Điều 31 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định trách nhiệm báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Hoạt động kiểm sát công tác khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự còn được quy định cụ thể tại Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Về gianh giới, phạm vi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự giữa đơn vị kiểm sát thi hành án dân sự với đơn vị kiểm sát khiếu tố (được quy định tại Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12)(5).
- Về quy trình, các bước kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, Điều 26 Quy chế số 810/QĐ-VKSNDTC-V11 quy định cụ thể:
+Về thời hạn (10 ngày) người được phân công thụ lý phải có đề xuất gửi lãnh đạo quản lý trực tiếp, lãnh đạo Viện (lãnh đạo Vụ) bằng văn bản về kết quả nghiên cứu.
+Về các hình thức xử lý đơn: Trả lại Đơn cho đơn vị 12 vì nội dung đơn không đúng thẩm quyền thụ lý; chuyển Đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và yêu cầu thông báo kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo và cho Viện Kiểm sát biết theo quy định của pháp luật; Chuyển Đơn cho Viện Kiểm sát cấp dưới yêu cầu kiểm sát việc thi hành án dân sự, hành chính bị khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo kết quả cho Viện Kiểm sát biết. Sau khi nhận được báo cáo của Viện Kiểm sát cấp dưới, Viện Kiểm sát nhân dân nơi chuyển đơn đi có trách nhiệm xem xét để có biện pháp giải quyết tiếp.
+ Về tiến hành xác minh tình tiết, tài liệu để làm rõ việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
+ Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự bị khiếu nại, tố cáo tự kiểm tra việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thông báo kết quả cho Viện Kiểm sát biết.
+ Tiến hành xác minh tình tiết, tài liệu để làm rõ việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
+Yêu cầu người khiếu nại, tố cáo cung cấp thêm tài liệu cần thiết; yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo và hồ sơ việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo cho Viện Kiểm sát để kiểm sát trong các trường hợp sau: Có cơ sở để nhận thấy việc thi hành án dân sự, hành chính bị khiếu nại, tố cáo hoặc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng; khi thấy cần thiết trực tiếp kiểm sát hồ sơ thi hành án dân sự, hành chính bị khiếu nại, tố cáo.
Trong thời hạn không quá 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ thi hành án và hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo, Viện Kiểm sát phân công người nghiên cứu, ban hành kết luận kiểm sát hồ sơ gửi cho cơ quan thi hành án dân sự. Kết luận phải nêu rõ việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo có vi phạm pháp luật hay không; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có đúng quy định của pháp luật; việc khiếu nại, tố cáo của đương sự có đúng pháp luật và có cơ sở hay không; yêu cầu cơ quan, người bị khiếu nại, tố cáo rút kinh nghiệm đối với các vi phạm hoặc đề nghị xử lý kỷ luật người vi phạm; chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét trách nhiệm hình sự với người vi phạm (nếu có). Sau khi ban hành kết luận, Viện Kiểm sát làm văn bản thông báo kết quả kiểm sát gửi cho người khiếu nại, tố cáo.
Quy chế số 810/QĐ-VKSNDTC-V11 cũng quy định việc kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình trực tiếp kiểm sát tiến hành theo quy trình trực tiếp kiểm sát và thẩm quyền ký một số văn bản trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Như vậy, khi kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 28, Điều 30 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, Điều 159 Luật Thi hành án dân sự và được hướng dẫn cụ thể tại Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 (khoản 4, 5 Điều 17; khoản 1 và 3 Điều 18) cụ thể như sau(6):
Đơn vị kiểm sát thi hành án dân sự có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu giúp Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp mình tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính(7).
*Về trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong việc kiểm sát(8)
- Trách nhiệm của đơn vị chủ trì kiểm sát: Khi tiến hành kiểm sát, đơn vị chủ trì kiểm sát đề nghị các đơn vị nghiệp vụ cùng cấp, Viện Kiểm sát cấp dưới phối hợp: Cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc kiểm sát; trao đổi ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản để xác định dấu hiệu vi phạm hoặc kết luận vi phạm của các cơ quan được kiểm sát; Lựa chọn áp dụng các biện pháp kiểm sát tương ứng và ban hành các văn bản trong hoạt động kiểm sát; Cử Kiểm sát viên tham gia các cuộc trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
- Trách nhiệm của đơn vị phối hợp kiểm sát: Thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đề nghị của đơn vị chủ trì kiểm sát.Trường hợp phát hiện vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thông qua thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình, phải chủ động thông báo và kịp thời phối hợp với đơn vị chủ trì kiểm sát thực hiện nhiệm vụ kiểm sát theo quy định.
* Các biện pháp được áp dụng khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp gồm có(9): Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện Kiểm sát; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện Kiểm sát; Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền.
* Việc áp dụng các biện pháp kiểm sát:
- Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trong thi hành án dân sự được áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 Quy chế kiểm sát theo quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12.
- Một biện pháp kiểm sát có thể được áp dụng đồng thời đối với vụ việc cụ thể và đối với tình trạng vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (điểm c khoản 3 Điều 18 Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12).
Bên cạnh công tác kiểm sát về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, một vấn đề quan trọng được đặt ra cũng cần được quan tâm đó là mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với Viện Kiểm sát nhân dân, Công an nhân dân, Tòa án nhân dân trong trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Có thể cân nhắc việc ban hành các quy định riêng về nội dung công tác phối hợp và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan hữu quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự như: Tùy theo từng nội dung, mức độ khiếu nại, tố cáo mà cơ quan thi hành án dân sự chủ động đề nghị các cơ quan phối hợp áp dụng các phương thức phối hợp để cử đơn vị chức năng, cá nhân tham gia. Đối với các khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, gay gắt, kéo dài, khiếu kiện đông người có liên quan đến trách nhiệm liên ngành, thì cơ quan thi hành án dân sự nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc, đề xuất biện pháp, phương pháp giải quyết, gửi trước nội dung bằng văn bản đến các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Tòa án nhân dân để cùng họp bàn, thống nhất biện pháp giải quyết; đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo do các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án chuyển đến, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển đơn...góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm phối hợp của cơ quan thi hành án dân sự và Viện Kiểm sát nhân dân nói riêng, các cơ quan tư pháp nói chung trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, do đó cần phải có sự quan tâm nghiên cứu và tiếp tục bổ sung các quy định pháp luật để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên
1. TS.Hoàng Thế Anh, Luận án Tiến sỹ Luật Học “Giám sát THADS”, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, Tr. 116.
2. Điểm đ khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014
3. Điều 159 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 30 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân
4. Điều 30 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014
5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chuyên đề: Nội dung cơ bản của Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tài liệu hội nghị kiểm sát công tác thi hành án dân sự tổ chức tại Nghệ An, tháng 7/2017, tr 9
6. Chuyên đề : Nội dung cơ bản của quy chế kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tài liệu Hội nghị tổ chức tại Nghệ An, tháng 7/2017, trang 9
7. Khoản 4 Điều 17 Quy chế theo quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12
8. Khoản 5 Điều 17 Quy chế theo quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12
9. Điều 18 Quy chế theo quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12