Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác THADS. Đã cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong THADS được quy định tại chương VIII luật THADS hợp nhất (gồm luật THADS năm 2008, luật THADS sữa đổi, bổ sung một số điều luật THADS năm 2014, gọi tắt là luật THADS), gồm có 15 điều, từ Điều 166 đến Điều 180. Từ khi có luật THADS, vị thế, vai trò của cơ quan THADS ngày càng được khẳng định, công tác THADS ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả. Đây là căn cứ pháp lý để cơ quan THADS phối hợp trong việc tổ chức thi hành án.
Tuy nhiên, các điều luật này chỉ mới quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong THADS mà chưa được quy định về nghĩa vụ, cụ thể:
Điều 166 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong thi hành án dân sự; Điều 167 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ Tư Pháp trong thi hành án dân sự; Điều 168 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ Quốc Phòng trong thi hành án dân sự; Điều 169 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ Công An trong thi hành án dân sự; Điều 170 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án dân sự; Điều 171 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong thi hành án dân sự; Điều 172 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tư lệnh quân khu và tương đương trong thi hành án dân sự; Điều 173 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự; Điều 174 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án dân sự; Điều 175 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự; Từ điều 176 đến Điều 179 quy định trách nhiệm của kho bạc nhà nước, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án. Còn Điều 180 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự.
Khoảnn 1 Điều 13 luật THADS quy định cơ quan quản lý THADS, còn khoản 2 Điều này quy định cơ quan THADS chỉ có ở cấp tỉnh và cấp huyện. Thực tiễn THADS cho thấy: Đối với những bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành, khi cơ quan THADS trao đổi trực tiếp hoặc có văn bản yêu cầu giải thích thì nhận được trả lời hoặc văn bản trả lời chưa phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành, dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng, kéo dài.
Hoặc như Điều 175 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn”. quy định là vậy, nhưng thực tế khi phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không thực hiện, thì không có căn cứ để xử lý; hoặc cấp nào xử lý; chế tài như thế nào... vẫn chưa có quy định.
Hay khi cơ quan THADS cần sự phối hợp của một trong các cơ quan, tổ chức như: Kho bạc nhà nước, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan ra bản án, quyết định. Các cơ quan, tổ chức này không thực hiện trách nhiệm của mình hoặc gây khó khăn cho cơ quan THADS, cũng chưa có biện pháp để xử lý.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành án theo pháp luật quy định,ạn chế “án khó thi hành”, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong THADS, thiết nghĩ, cần quy định rõ nghĩa vụ và chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong THADS, khi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình không đầy đủ theo luật quy định.
Phạm Công Ý