Có thực hiện việc xác minh đối với những việc chuyển vào số theo dõi riêng

06/12/2018
Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã bỏ chế định “trả đơn yêu cầu thi hành án” thay vào đó Luật đã bổ sung một quy định mới đó là “việc chưa có điều kiện thi hành án”. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ không ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án đối với những trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án mà vẫn tiếp tục quản lý đối với loại việc đó.


Việc không ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án sẽ dẫn đến tình trạng số việc chuyển kỳ sau của các cơ quan thi hành án dân sự ngày càng tăng. Do đó, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) đã bổ sung có chế “chuyển sang sổ theo dõi riêng” đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành án. Đây là một quy định mới nên trong quá trình thực hiện vẫn còn có quan điểm khác nhau trong việc xác minh lại đối với các vụ việc đã chuyển sang sổ theo dõi riêng.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: để giảm tải công việc cho Chấp hành viên thì đối với những loại việc chưa có điều kiện thi hành án mà đã được chuyển sang sổ theo dõi riêng theo quy định tại khoản 5 Điều 9 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì cơ quan thi hành án dân sự không tiến hành việc xác minh lại cho đến khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: để đảm bảo tính cấp thiết, kịp thời trong việc thu thập thông tin về điều kiện của người phải thi hành án (đặc biệt đối với việc thi hành án chủ động) thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải thực hiện việc xác minh theo định kỳ 06 tháng hoặc 01 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự kể cả những việc chưa có điều kiện thi hành án đã được đưa vào sổ theo dõi riêng theo khoản 5 Điều 9 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Việc xác minh định kỳ ở đây nhằm kiểm tra, tìm kiếm các thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để làm cơ sở tổ chức thi hành án theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Đối với việc xác minh lại khi có thông tin mới của người phải thi hành án (theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự) được hiểu là khi chưa đến kỳ xác minh mà có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh lại thông tin được cung cấp nếu xác định người phải thi hành án có điều kiện thi hành án thì phải ra quyết định tiếp tục thi hành án và tổ chức thi hành án.
Trên thực tế, do còn 02 quan điểm về việc xác minh đối với các vụ việc chưa có điều kiện đã chuyển sang sổ theo dõi riêng nên một số cơ quan thi hành án dân sự đã không thực hiện việc mở sổ hoặc không chuyển các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án sang sổ theo dõi riêng theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hoặc đã chuyển sang sổ theo dõi riêng nhưng vẫn tiến hành xác minh định kỳ (06 tháng hoặc 01 năm) theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân. Về vấn đề này, để  có thể áp dụng chính xác quy định pháp luật về việc chuyển sổ theo dõi riêng đối với các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án thì trước hết cần phải xác định các quy định pháp luật có liên quan cũng như trình tự, thủ tục để chuyển những vụ việc chưa có điều kiện thi hành án sang sổ theo dõi riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý: Điều 44, Điều 44a Luật Thi hành án dân sự; Điều 9, Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục để chuyển việc chưa có điều kiện thi hành án sang sổ theo dõi riêng:
Bước thứ nhất, trên có sở kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, Chấp hành viên báo cáo và đề xuất Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án (khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự ). Lưu ý là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định việc chưa có điều kiện thi hành án trong các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án là tiền nhưng kết quả xác minh cho thấy họ không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho họ, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án.
Trường hợp thứ hai, người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác.
Trường hợp thứ ba, việc giao con chưa thành niên cho người được thi hành án nuôi dưỡng nhưng chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Bước thứ hai, thực hiện việc công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành (theo quy định tại khoản 2 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự ; khoản 1 Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Đồng thời, thực hiện việc niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh.
Bước thứ ba, tiếp tục thực hiện việc xác minh điều kiện của người phải thi hành án (theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự ) ít nhất 06 tháng một lần, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.
Bước thứ tư, chuyển sang sổ theo dõi riêng (khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) khi có đủ các điều kiện sau:
(i) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.
(ii) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.
(iii) Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Như vậy, trước khi chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cơ quan thi hành án dân sự (Chấp hành viên) đã phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhiều lần ở những thời điểm khác nhau. Kết quả xác minh điều kiện của người phải thi hành án đã được công khai và thông báo cho người được thi hành án biết và Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh của mình. Do đó, để giảm thiểu chi phí xác minh cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện việc xác minh lại điều kiện thi hành án của các vụ việc đã xếp vào sổ theo dõi riêng cho đến khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Thông tin mới ở đây có thể do người dân, các tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân xã cung cấp, khi nhận được thông tin mới thì cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành xác minh để có cơ sở tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý liên quan đến những vụ việc người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước, cơ quan thi hành án vẫn phải tiến hành rà soát để chủ động xác minh điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án theo quy định tại đểm a khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.
Việc chuyển sang sổ theo dõi riêng là quy định mới nhưng pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về cách thức quản lý đối với các vụ việc đã chuyển sang sổ theo dõi riêng. Mặt khác, pháp luật cũng không quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Do đó, cũng có nguy cơ người phải thi hành án lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nhất là các nghĩa vụ thi hành án liên quan đến các khoản thu nộp ngân sách, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:
(i) Cần quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã phải cung cấp thông tin mới của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
(ii) Bổ sung quy định về việc quản lý đối với các loại việc chưa có điều kiện thi hành án đã chuyển sang sổ theo dõi riêng theo đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ không thống kê loại việc này vào số chuyển kỳ sau nhưng vẫn tiếp tục công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên trang thông tin về thi hành án.
(iii) Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước theo hướng giảm các điều kiện để được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đặc biệt là điều kiện đã thi hành được một phần đối với những khoản nghĩa vụ thi hành án dưới 10 triệu đồng.
Văn Thị Tâm Hồng