Hoàn thiện quy định về thời hạn trong thi hành án dân sự

31/12/2019
Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Trong thi hành án dân sự( THADS), các vấn đề chung liên quan đến cách tính thời hạn, thời điểm tính thời hạn, kết thúc thời hạn…được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015).


Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014( Luật THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành có rất nhiều quy định liên quan đến thời hạn và cách tính thời hạn. Thời hạn có thể tính theo năm, theo tháng và theo giờ, ví dụ: thời hạn tính theo năm(Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án)[1]; tính theo tháng (Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án); thời hạn tính theo ngày(Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên tiến hành xác minh)[2]; thời hạn tính theo giờ (Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án....”(khoản 2 Điều 48 Luật THADS)
Các mốc thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn để tổ chức thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng đối với chấp hành viên và các bên đương sự. Việc vi phạm các quy định về thời hạn thi hành án có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Luật THADS quy định nhiều thời hạn khác nhau cho các thủ tục tác nghiệp của chấp hành viên, tuy nhiên một số quy định về thời hạn còn chưa phù hợp.
Một là: Thời hạn thông báo trong thi hành án dân sự
Theo Điều 39 Luật THADS, việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Tuy nhiên, đa số quan điểm cho rằng việc ấn định thời hạn 3 ngày làm việc để thực hiện thông báo là quá ngắn, nhất là đối với những chấp hành viên phụ trách số lượng án lớn, với nhiều đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do đó đề nghị xem xét tăng thêm thời hạn này thành 5( năm) ngày làm việc để tạo thuận lợi hơn cho Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án.
Hai là: Về thời hạn khởi kiện trong trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án
Đối với biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng[3]. Theo khoản 4 Điều 68 Luật THADS, chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ. Tuy nhiên, điều luật chưa quy định rõ thời hạn để đương sự, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản bị tạm giữ. Do đó đề nghị xem xét bổ sung quy định về thời hạn thực hiện quyền khởi kiện của đương sự trong trường hợp này.
Ba là: Về thời hạn thỏa thuận về giá, thỏa thuận tổ chức thẩm định giá
Theo quy định tại Điều 98 Luật THADS :“ Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó”. Đa số ý kiến cho rằng quy định về thời hạn cho đương sự thỏa thuận xác định giá tài sản hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá hiện nay là chưa rõ ràng. Quy định :“Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá” dẫn đến khi áp dụng luật, chấp hành viên phải thông báo cho đương sự thực hiện ngay lập tức việc thỏa thuận về giá hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, mà không phải là sau khi kê biên hoặc thỏa thuận trong một thời hạn nhất định sau khi kê biên. Trên thực tế chấp hành viên thường áp dụng giải pháp là khi thông báo kê biên tài sản chấp hành viên đồng thời thông báo về quyền xác định giá tài sản và quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá cho các đương sự và tại buổi kê biên chấp hành viên giải thích cho đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, lập biên bản về nội dung thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá  để thẩm định giá tài sản kê biên. Đồng thời chấp hành viên cũng phải áp dụng giải pháp linh hoạt phù hợp quy định về thời hạn tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS đó là trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên. Do đó đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 98 Luật THADS theo hướng quy định một khoảng thời hạn nhất định ( kể từ ngày tổ chức kê biên tài sản) để đương sự, hoặc giữa người được thi hành án và người thứ ba là người có tài sản bảo lãnh có tài sản thế chấp thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá  để thẩm định giá tài sản kê biên[4].
Bốn là: Về các thời hạn liên quan đến đấu giá tài sản kê biên
Theo quy định tại Điều 101 Luật THADS, đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Quy định trên chỉ phù hợp cho trường hợp chấp hành viên trực tiếp thực hiện việc định giá. Còn trong trường hợp thẩm định giá thông qua tổ chức thẩm định giá tài sản thì việc quy định tính thời hạn tính từ thời điểm “kể từ ngày định giá” là chưa thực sự hợp lý. Thời điểm “kể từ ngày định giá” sẽ được xác định như thế nào? Bởi vì, thông thường sau khi ký hợp đồng thẩm định giá thì thời gian để tổ chức thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định cũng mất khoảng thời gian trung bình là 7 ngày làm việc. Nếu xem ngày chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá là ngày “định giá” thì không phù hợp với thực tế. Còn lấy ngày mà tổ chức thẩm định giá trực tiếp tiến hành xem xét tài sản để định giá cũng không hợp lý, vì sau khi xem xét, kiểm tra tài sản thì tổ chức thẩm định giá còn phải mất một khoảng thời gian để xem xét, so sánh đối chiếu thì mới ra được chứng thư thẩm định sau đó mới giao cho chấp hành viên, lúc này chấp hành viên mới làm thủ tục thông báo cho các bên đương sự nên khoảng thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày định giá để đương sự thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá là không khả thi. Do vậy, nên xem xét sửa lại quy định trên theo hướng “Đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày được thông báo hợp lệ về giá tài sản kê biên”[5]
Mốc thời hạn“ kể từ ngày định giá “ cũng áp dụng trong trường hợp ký hợp đồng đấu giá. Theo quy định tại Điều 101 Luật THADS, trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá. Như đã phân tích, mốc thời gian “kể từ ngày định giá” chưa được xác định cụ thể. Hơn nữa, việc quy định như trên còn bị chồng lấn về thời hạn, vì ngày định giá đã được dùng để xác định mốc thời gian cho đương sự thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá (trong thời hạn 5 ngày làm việc), nay lại dùng để xác định việc ký hợp đồng đấu giá của chấp hành viên là chưa phù hợp. Do đó cần xác định mốc thời gian để tính việc ký hợp đồng đấu giá là từ ngày đương sự không thỏa thuận được về giá tài sản kê biên.
Điều 56 Luật Đấu giá tài sản quy định: Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Theo đó cơ quan THADS phải thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá trên trang thông tin điện tử của Cục THADS. Tuy nhiên tại Điều 101 Luật THADS quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày định giá tài sản phải ký hợp đồng đấu giá tài sản ( thời  hạn này bao gồm cả thời hạn các đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức đấu giá trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày định giá). Thực tiễn cho thấy việc quy định thời hạn 10 ngày là quá ngắn và bất hợp lý, không đủ thời gian để chấp hành viên thực hiện việc thông báo và cho các đương sự thỏa thuận về lựa chọn tổ chức đấu giá cũng như chấp hành viên ký hợp đồng với tổ chức đấu giá. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 101 Luật THADS theo hướng tăng thời hạn: “Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày  các bên thỏa thuận được về giá tài sản kê biên hoặc kể từ ngày chấp hành viên nhận được chứng thư định giá.”
Năm là: Về thời hạn thông báo trong trường hợp người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án
Điều 104 Luật THADS quy định: Trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết. Tuy nhiên điều luật chưa quy định thời hạn để thông báo cho người phải thi hành án biết việc người được thi hành án có đơn xin nhận tài sản. Do đó cần bổ sung thời hạn thông báo cho người phải thi hành án trong trường hợp này và xác định rõ mốc thời điểm để tính thời hạn. Cụ thể, có thể quy định:“ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý nhận tài sản của người được thi hành án thì chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết”. 
Các quy định về thời hạn trong THADS có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết việc thi hành án, góp phần rút ngắn thủ tục thi hành án và nâng cao hiệu quả công tác. Do đó việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này là rất cần thiết.
Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1]khoản 1 Điều 30 Luật THADS

[2]khoản 1 Điều 44 Luật THADS

[3] Điều 68 Luật THADS

[4] Tổng cục THADS, Tài liệu hội thảo tập huấn nghiệp vụ thi hành án năm 2018; trang 124

[5] Xem thêm: Hoàng Thanh Hoa &Hồ Quân Chính, Cần hoàn thiện quy định về thời hạn trong thi hành án dân sự; https://baophapluat.vn/tu-phap/can-hoan-thien-quy-dinh-ve-thoi-han-trong-thi-hanh-an-dan-su-473304.html; ngày đăng: 02/10/2019; ngày trc: 01/01/2020