1. Quy định về định giá
Định giá tài sản là một khâu quan trọng trong quá trình xử lý tài sản để thi hành án. Định giá tài sản kê biên nhằm mục đích xác định giá để bán đấu giá, thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Do đó, việc định giá có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xử lý tài sản, định giá đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật và định đúng giá tài sản giúp cho quá trình xử lý tài sản thuận lợi hơn, nhanh hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Định giá tài sản kê biên hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, cụ thể:
1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.
3. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:
a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.
Như vậy, theo quy định nêu trên, có 02 trường hợp:
- Trường hợp đương sự thỏa thuận được về giá: Trong trường hợp này, Chấp hành viên sẽ lấy giá mà đương sự đã thỏa thuận để làm cơ sở bán đấu giá.
- Trường hợp đương sự không thỏa thuận được về giá: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 nêu trên.
- Ngoài ra, Luật Thi hành án dân sự cũng quy định Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp được quy định tại điểm a, b khoản 3.
Trong thực tiễn về định giá tài sản, đối với trường hợp đương sự thỏa thuận được về giá thì ít khi xảy ra việc yêu cầu định giá lại hoặc khiếu nại về giá. Ngược lại, đối với trường hợp Chấp hành viên xác định giá hoặc thực hiện định giá theo trình tự thủ tục luật định thì thường xảy ra tình trạng các bên đương sự không đồng ý với giá đã định, cho rằng giá quá cao hoặc giá quá thấp, không phù hợp với giá thực tế trên thị trường.
Về việc này, tại khoản 8 Điều 2 Thông tư 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên thông báo cho đương sự quyền yêu cầu định giá lại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, sau khi nhận được kết quả thẩm định giá, đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản nếu không đồng ý với giá đã thẩm định. Việc định giá lại tài sản kê biên được quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
2. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98 của Luật này.
3. Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.
Điều luật nêu trên đã chỉ rõ, yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và phải đủ các điều kiện quy định thì Chấp hành viên mới tiến hành trình tự thủ tục định giá lại và “
Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá...”. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi nhận được kết quả thẩm định lại giá tài sản, đương sự vẫn không đồng ý với giá đã thẩm định lại, do đó, hoặc là đương sự yêu cầu thẩm định lại, hoặc là khiếu nại về giá thẩm định.
2. Khiếu nại và xử lý đơn khiếu nại về giá thẩm định
Tình huống cụ thể:
Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh Q đang tổ chức thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2017/QĐST-KDTM ngày 07/12/2017 của Tòa án về khoản “Công ty TNHH Minh Tuân phải trả nợ cho Ngân hàng 12 tỷ đồng”, Chấp hành viên đã thực hiện việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Minh Tuân và tiến hành thủ tục định giá tài sản theo quy định. Sau khi có kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên thông báo kết quả thẩm định giá lần 01 cho Công ty Minh Tuân và Ngân hàng với giá thẩm định là 17 tỷ đồng. Không nhất trí với giá thẩm định nêu trên, Ngân hàng và Công ty TNHH Minh Tuân đề nghị thẩm định lại giá tài sản. Chấp hành viên thực hiện trình tự thủ tục định giá lại theo quy định, sau khi có kết quả thẩm định giá lần 2, Chấp hành viên thông báo kết quả thẩm định giá lại là 14 tỷ đồng nhưng Công ty Minh Tuân không nhất trí. Do đó, Công ty Minh Tuân có đơn gửi đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện S khiếu nại về kết quả thẩm định giá lần 2, yêu cầu thẩm định lại giá với lý do: Giá thẩm định lần 2 không đúng, thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong trường hợp này thuộc cơ quan nào? Chi cục Thi hành án dân sự huyện S xử lý đơn khiếu nại của Công ty Minh Tuân như thế nào?
Phương án xử lý: Căn cứ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 37 Luật giá thì Thẩm định viên về giá hành nghề có nghĩa vụ
“giải trình hoặc bảo vệ kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoăc bên thứ 3 sử dụng kết quả thẩm định giá không phải là khách hàng thẩm định giá nhưng có ghi trong hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu”; điểm c khoản 2 Điều 42 Luật giá thì Doanh nghiệp thẩm định giá có nghĩa vụ
“chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá”.
Theo quy định nêu trên, khiếu nại của Công ty TNHH Minh Tuân thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thẩm định giá. Tuy nhiên, khi Công ty TNHH Minh Tuân khiếu nại đến cơ quan thẩm định giá thì cơ quan này không thụ lý giải quyết, vì thực tế Ngân hàng hay Công ty TNHH Minh Tuân đều không phải là khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba theo quy định nêu trên. Do đó, trong trường hợp này Công ty TNHH Minh Tuân có thể đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện S là khách hàng thẩm định giá có văn bản yêu cầu cơ quan thẩm định giá giải trình kết quả thẩm định giá theo chứng thư thẩm định giá (lần 2), trên cơ sở kết quả giải trình, Chi cục Thi hành án dân sự huyện S có văn bản trả lời đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Thông tư 02//2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp (không giải quyết khiếu nại).
Ngoài ra, trong trường hợp này, Chi cục Thi hành án dân sự hyện S có thể khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đến người có thẩm quyền ban hành chứng thư hoặc khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại
“khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”. Trên cơ sở kết quả giải quyết, Chi cục Thi hành án dân sự huyện S có văn bản trả lời đương sự.