Một là: Về nguyên tắc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế:
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Mục 8 khoản 1 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung, làm rõ hơn quy định của khoản 1Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc “Chấp hành viên
được áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án ” trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật THADS.
Mục 8 khoản 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi bổ sung quy định về nguyên tắc tương ứng khi áp dụng biện pháp cưỡng chế ( việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật)
[1] . Bên cạnh các trường hợp ngoại lệ không áp dụng nguyên tắc kê biên tương ứng mà Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định (bao gồm: Trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 62/2015/2020 (Trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 7a Luật THADS để thi hành nghĩa vụ trả tiền) và trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản. Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định tuyên xử lý để thi hành án.
Hai là: Về phương án giải quyết trong trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản thi hành án không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên.
Trước đây Nghi định số 62/2015/NĐ-CP không có quy định về phương án xử lý trong trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản cố tình chống đối, không hợp tác với cơ quan thi hành án trong quá trình giải quyết việc thi hành án( ví dụ như cố tình đóng, khóa cửa, gây khó khăn cho công tác xác minh, kiểm tra hiện trạng, định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án…). Khắc phục hạn chế này, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã quy định: Trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của Chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, đây là một quy định rất rõ ràng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần tháo gỡ một số tình huống vướng mắc đang gặp phải trong thực tiễn hiện nay.
Ba là: Việc giao bảo quản tài sản thi hành án
Theo quy định tại Điều 58 Luật THADS, Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây: Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật THADS hoặc người đang sử dụng, bảo quản; giao cho Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; Bảo quản tại kho của cơ quan THADS.
Thực tiễn thực hiện quy định này vẫn còn nhiều vướng mắc, một số trường hợp việc giao bảo quản tài sản thi hành án gặp nhiều khó khăn do người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án không nhận bảo quản, không có cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện bảo quản, nhiều trường hợp sau khi phải phá khóa, mở khóa đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng để kê biên nhưng đương sự vắng mặt (hoặc cố tình bỏ đi), không có ai nhận bảo quản tài sản... Do đó khoản 8 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định: Trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản theo quy định tại Điều 58 Luật THADS thì Thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp, hỗ trợ bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản. quy định này không chỉ phù hợp với quy định tại Điều 175 Luật THADS về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong THADS, mà còn định hướng được phương án giải quyết, tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương trong những trường hợp cá biệt, việc bảo quản tài sản gặp khó khăn.
Bốn là: Trường hợp phát sinh giao dịch đối với tài sản thi hành án.
Về phương án xử lý đối với trường hợp người phải thi hành án thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án sau thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trước đây, khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS. Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Theo quy định trên, các giao dịch đối với tài sản sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ không được công nhận và tài sản đó sẽ bị kê biên, xử lý để thi hành án. Thực tế, việc kê biên, xử lý tài sản trong trường hợp này gặp khá nhiều khó khăn, ví dụ: giao dịch diễn ra ở các giai đoạn khác nhau ( giao dịch chưa hoàn tất, đã hoàn tất việc chuyển nhượng); hình thức giao dịch đối với mỗi loại tài sản ( động sản, bất động sản) lại khác nhau… dẫn đến cách xử lý đối với từng loại giao dịch cũng khác nhau. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chưa giải quyết được triệt để vấn đề này, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất và hiệu quả không cao. Để phù hợp hơn với quy định tại Điều 75 Luật THADS, đồng thời quy định rõ cách thức xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành án cố tình thực hiện các giao dịch nhằm trốn tránh việc thi hành án, Mục 1 khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về việc xử lý tài sản thi hành án tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP theo hướng tách bạch các trường hợp cụ thể để có cách xử lý phù hợp.
Đối với trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng phân biệt rõ cách thức xử lý tài sản thi hành án trong 03 trường hợp: (i)Trường hợp người phải thi hành án đã chuyển dịch tài sản nhưng người nhận chuyển dịch chưa hoàn thành việc đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng ; (ii)Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục này; (iii)Trường hợp có giao dịch khác, cụ thể:
Trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như sau:
Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS, trường hợp cần tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS.
Trường hợp có giao dịch về tài sản kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên không kê biên tài sản mà thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS và có văn bản thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để phối hợp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Về việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, Mục 6.2 Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/3/2017 của Tổng cục THADS hướng dẫn thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để thực hiện việc kê biên đảm bảo việc thi hành án như sau:
Thời điểm trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (trước ngày 01/7/2014): Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 và điểm c tiết 2.13 Mục 2 Phần III Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính thì thời điểm chuyển giao quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm có hiệu lực của các Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất) được thực hiện trước ngày 01/7/2014 là thời điểm thực hiện đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được xác định theo thời điểm (giờ, phút, ngày, tháng, năm) tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (từ ngày 01/7/2014 đến nay) Theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì thời điểm thực hiện đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được xác định kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính, cụ thể là:
“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan THADS phải căn cứ quy định của pháp luật tại hai thời điểm trước, sau ngày 01/7/2014 để xác định thời điểm chuyển giao quyền sử dụng đất để làm căn cứ tổ chức thi hành án.
Theo đó, khi xử lý tài sản là quyền sử dụng đất của người phải thi hành án đã chuyển nhượng cho người khác, chấp hành viên phải căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất để xử lý chứ không phải thời điểm ký hợp đồng.
Trong thực tế, ngoài những trường hợp thực hiện các giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất, còn có những trường hợp chủ sở hữu tài sản thực hiện các giao dịch khác với tài sản như: cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn, cho vay…tài sản; cho thuê quyền hưởng dụng, quyền bề mặt đối với tài sản… mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất thì về nguyên tắc, tài sản vẫn thuộc sở hữu của người phải thi hành án. Do đó, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Trường hợp có các giao dịch khác liên quan đến tài sản mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người khác thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan.
Có thể thấy Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung khá chi tiết về xử cưỡng chế, xử lý tài sản thi hành án. Quy định theo hướng rõ ràng như trên là hợp lý, hạn chế sai sót và thuận lợi hơn cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội