Hoàn thiện quy định về người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự

23/02/2021
Khoản 4 Điều 3 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS) quy định: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ( Người có QLNVLQ) là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.


Các nội dung về Người có QLNVLQ trong THADS được quy định tương đối cụ thể tại Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật THADS quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền thỏa thuận với người được thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án[1]; quyền, lợi ích hợp pháp của Người có QLNVLQđược bảo đảm trong quá trình Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thi hành án[2]; được triệu tập để giải quyết việc thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên[3]; ngoài ra, Người có QLNVLQcòn được quy định tại các Điều như khoản 2 Điều 21, điểm d khoản 1 Điều 54, khoản 4 Điều 58, khoản 1 Điều 88, khoản 1 Điều 140 và khoản 1 Điều 145 Luật THADS.
Các quyền và nghĩa vụ của Người có QLNVLQ được quy định tại Điều 7b Luật THADS, cụ thể bao gồm: Quyền được thông báo, tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan; Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; Yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án; Quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Người có QLNVLQ có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cần bổ sung một số quy định pháp luật về người có QLNVLQ trong THADS.
Một là:Về quyền thỏa thuận thi hành án đối với những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của mình.
Điều 6 Luật THADS chỉ quy định “đương sự” có quyền thỏa thuận thi hành án, trong khi theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật THADS thì đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có người được thi hành án và người phải thi hành án là có quyền thỏa thuận thi hành án. Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 7 Luật THADS quy định người được thi hành án có quyền thỏa thuận với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật THADS cũng quy định người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án. Khái niệm “thỏa thuận” được hiểu là phải có sự tự nguyện, đồng ý ít nhất từ hai bên trở lên, do đó, theo quy định trên thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền thỏa thuận thi hành án với người được thi hành án và người phải thi hành án. Do vậy, đã có sự mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 6 với Điều 7 và Điều 7a của Luật THADS về đối tượng có quyền thỏa thuận thi hành án.
Do đó, cần xem xét bổ sung quy định về quyền thỏa thuận của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ. Cụ thể như: Tại khoản 1 Điều 98 Luật THADS, chủ thể tham gia thỏa thuận xác định giá tài sản hoặc thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá chỉ bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án, tuy nhiên trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo của người bảo lãnh ( người thứ ba là chủ sở hữu của tài sản thế chấp) nếu chỉ quy định đương sự có quyền thỏa thuận sẽ không đảm bảo quyền và lợi ích của người thứ ba trong khi cơ quan thi hành án đang xử lý tài sản của họ. Do đó cần bổ sung quy định đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị cưỡng chế có quyền thỏa thuận về giá, về lựa chọn tổ chức thẩm định giá ( bao gồm cả thỏa thuận lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS) để đảm bảo quyền lợi cho họ[4].
Hai là:Điều 7b Luật THADS năm 2014 quy định về Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi thi hành án đối với việc liên quan đến tổ chức tín dụng Ngân hàng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người có tài sản bảo lãnh vay vốn Ngân hàng) không có quyền nộp tiền để chuộc lại tài sản theo khoản 5 Điều 101 Luật THADS. Nhưng trong thực tế cơ quan THADS thường vận dụng cho những người có tài sản bảo lãnh cho người phải thi hành án (người vay vốn) được thỏa thuận nộp tiền để họ chuộc lại tài sản theo giá khởi điểm hoặc bằng với giá theo thông báo bán đấu giá tại thời điểm bán đấu giá. Do đó, để phù hợp với thực tiễn, có thể xem xét bổ sung thêm đối tượng Người có QLNVLQ  vào quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật THADS  trong trường hợp tài sản bảo lãnh của người thứ ba: “5. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án, người thứ ba có tài sản bảo lãnh cho người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.Người phải thi hành án; người thứ ba có tài sản bảo lãnh cho người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.”
Ngoài ra, pháp luật THADS cũng cần làm rõ một số khái niệm liên quan tư cách pháp lý của Người có QLNVLQ trong giai đoạn thi hành án dân sự, cụ thể như: Người có QLNVLQ trong giai đoạn xét xử của Tòa án với Người có QLNVLQ trong giai đoạn thi hành án có đồng nhất không? Cần có sự phân biệt rõ khái niệm “Người có QLNVLQ”“người thứ ba” trong THADS. Hai chủ thể này có phải là một không? Có đặc điểm giống và khác nhau như thế nào?.... Việc làm rõ tư cách pháp lý của Người có QLNVLQ trong giai đoạn THADSkhông chỉ có ý nghĩa lý luậnmà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần hoàn thiện thể chế và nâng caohiệu quả tổ chức thi hành án dân sự.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1]Điểm c khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật THADS
[2]Khoản 2 Điều 20 Luật THADS
[3]Khoản 3 Điều 20 Luật THADS
[4]Tổng cục THADS;Tài liệu Hội Thảo năm 2018tại Hải Phòng“ Về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành Luật THADS và các văn bản hướng dẫn; trang 121