Phần 1: Một số lưu ý để chụp được các bức ảnh đẹp và ấn tượng (phục vụ chụp hình đăng bài viết trên Cổng/Trang TTĐT THADS)

20/08/2020
Như các bạn đã biết, để chụp được một bức ảnh đẹp là điều không hề dễ dàng. Ngoài việc phải có được những kiến thức cơ bản về khẩu, tốc, ISO, đo sáng,… Người chụp ảnh cũng cần phải biết những quy tắc về sắp xếp bố cục hợp lý cho bức ảnh, đó là một điều cực kì quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý để có được bức ảnh đẹp và ấn tượng (bài viết nhằm phục vụ các bạn chụp hình và lựa chọn hình ảnh đẹp để làm nổi bật các nội dung bài viết khi đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử về thi hành án dân sự).

1. Ánh sáng đẹp

Một bức ảnh được đánh giá là đẹp không thể thiếu yếu tố đủ sáng. Bạn nên nhớ lấy sáng sao cho vừa đủ, nếu quá sáng sẽ bị cháy sáng, mất hết chi tiết trên ảnh và quá tối cũng sẽ làm bức ảnh không đẹp. Vì vậy, một bức ảnh đủ sáng, lấy được màu sắc chân thực của chủ thể sẽ đẹp hơn rất nhiều. Vì vậy, khi chụp, bạn hãy đặt chủ thể vào một nguồn sáng đẹp, tránh trường hợp ngược sáng sẽ làm bức ảnh bị tối. Đây cũng chính là lưu ý cần biết khi chụp ảnh để có bức ảnh đẹp nhất.


2. Bố cục và các kỹ thuật về bố cục

Bạn có bao giờ tự hỏi những điều gì đã biến một bức ảnh thành một tác phẩm nghệ thuật? Hay cái cách mà một bức ảnh truyền tải những nội dung, những thông điệp ý nghĩa đến cho người xem. Cái mà chúng ta đang đề cập đến đó chính là bố cục trong nhiếp ảnh.


Trước hết chúng ta phải xác định “bố cục” là gì. Bố cục là cách bạn đặt chủ đề của mình vào trong bức ảnh. Điều này giúp hướng mắt người xem tới các yếu tố tạo nên điểm nhấn cho bức ảnh của bạn.
Một bố cục đẹp có thể giúp tạo ra một kiệt tác, một bố cục xấu có thể làm hỏng hoàn toàn một bức ảnh dù chủ đề có thú vị như thế nào. 
Sau đây chúng ta sẽ bắt đầu với các kỹ thuật bố cục nổi tiếng nhất.

Các nguyên tắc cơ bản về bố cục trong nhiếp ảnh:

* Nguyên tắc 1/3 


Đây là một trong những kỹ thuật chụp được nói đến nhiều nhất. Có lẽ bởi vì nó rất đơn giản để thực hiện. Tất cả những gì bạn cần làm là chia khung hình của bạn thành 9 ô vuông như trong ảnh. 
Bằng cách đặt đối tượng của bạn vào một trong bốn điểm mà các đường phân chia này giao nhau, bạn sẽ tạo nên những bức ảnh đầy thu hút, cân đối và tập trung hơn vào chủ thể thay vì đặt chủ thể ở chính giữa bức khung hình. 
 


* Các đường tập trung
Sử dụng các đường kẻ “tự nhiên” có trong bức ảnh để tập trung sự chú ý của người xem


Hình ảnh về cây cầu kết hợp nhiều hình tam giác và đường chéo vào cảnh. Cây cầu chính nó là một hình tam giác. Ngoài ra, còn có một số hình tam giác “ẩn” trong cảnh vật. Các đường dẫn hướng bên phải của khung cùng tất cả tam giác đều gặp nhau tại cùng một điểm. Cả hai kỹ thuật đã được kết hợp để tạo nên kịch tính cho bức ảnh. Hoặc đơn cử như ví dụ dưới đây:
 

* Sử dụng các đường cong


Sử dụng bố cục đường cong các bức ảnh sẽ tạo cảm giác hiệu ứng ảnh chuyển động tốt hơn.
Bạn có thể sử dụng các đường cong để truyền đạt cảm giác bình tĩnh hoặc đưa người xem vào một hành trình có điểm đến nằm ngoài bức ảnh. Điều này thật giúp họ có cảm giác như đang được du lịch trong chính bức ảnh của bạn.

* Nguyên tắc tạo khung


Đóng khung trong nhiếp ảnh có nghĩa là tạo ra một khung hình ảnh trực quan nhằm thu hút sự chú ý đến một khu vực cụ thể trong bức ảnh. Chụp một đối tượng qua khung hoặc không gian trong một đối tượng khác là một cách hiệu quả để khắc họa chiều sâu, tạo điểm thu hút cho cảnh vật. Khung có thể là những vật tự nhiên như cành cây hoặc mỏm đá. Nó cũng có thể là các kiến ​​trúc như ô cửa sổ hoặc mái vòm.

* Độ sâu trường ảnh


Độ sâu trường ảnh khi chụp chủ yếu phụ thuộc vào đối tượng mà bạn hướng đến, có tác động ít nhiều đến bố cục của bức ảnh.
Nếu bạn chụp ảnh chân dung nên sử dụng khẩu độ lớn (f nhỏ) để làm mờ hậu cảnh, kỹ thuật này sẽ giúp tách biệt chủ thể với môi trường xung quanh. Ngược lại sử dụng khẩu độ nhỏ (f lớn) để tối đa hóa độ sâu của trường ảnh khi chụp phong cảnh, tức là càng nhiều thành phần xuất hiện càng rõ nét càng tốt.

* Lấp đầy khung hình

Ý tưởng của việc lấp đầy khung hình là loại bỏ các yếu tố gây dư thừa cho hình ảnh, để lại ít hoặc không có không gian xung quanh, cách này có thể rất hiệu quả trong một số tình huống nhất định. Nó giúp người xem tập trung vào chủ đề chính mà không có bất kỳ sự phân tâm nào. Nó cũng cho phép người xem quan sát chi tiết của một đối tượng mà không thể quan sát được nếu chụp từ xa.

* Tập trung hơn vào đôi mắt

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chính là một nét đẹp nghệ thuật độc đáo nếu bạn biết cách khai thác nó. Sử dụng bố cục này bạn hãy đặt đúng mắt trái hoặc mắt phải vào phần trung tâm của bố cục bức ảnh. Điều này sẽ tạo nên ấn tượng rằng đôi mắt của đối tượng đang dõi theo bạn.
 
3. Chụp nhiều góc độ khác nhau
Khi chụp ảnh bạn đừng nên đứng ở một chỗ để chụp. Hãy thử di chuyển ở nhiều vị trí và góc độ khác, bởi điều này sẽ giúp bạn tìm ra được một góc chụp đẹp nhất, vừa đủ ánh sáng lại có bố cục đẹp. Vì vậy, hãy chịu khó di chuyển xung quanh đối tượng mình cần chụp ảnh nhé.


4. Bắt khoảnh khắc
Trong nhiếp ảnh, khoảnh khắc chính là một yếu tố quan trọng. Khoảnh khắc tạo nên sự tự nhiên nhất cho bức ảnh, hoặc nói cụ thể hơn chính là thể hiện được linh hồn của bức ảnh. Vì vậy, hãy biết tận dụng thời điểm và bắt lấy những khoảnh khắc đẹp để lưu giữ lại bức ảnh đẹp và tự nhiên nhất của chủ thể.


 
5. Điều chỉnh thông số trên máy ảnh
Khi chụp ảnh việc điều chỉnh thông số là không thể thiếu. Đây được coi như những yếu tố ma thuật giúp cho bức ảnh của bạn đẹp hơn rất nhiều. Vì vậy, bạn hãy bỏ thời gian để tìm hiểu 3 thông số chính trên máy ảnh, đó chính là ISO, khẩu độ, và tốc độ (có bài hướng dẫn chi tiết).
ISO là độ nhạy sáng, kinh nghiệm chụp ảnh bạn cần biết là nếu chủ thể trong bức ảnh đứng yên và ánh sáng tốt, bạn hãy giảm ISO xuống. Ngược lại, nếu bạn muốn chụp chủ thể di chuyển và ánh sáng yếu, hãy tăng ISO lên.
Với khẩu độ, nếu bạn điều chỉnh khẩu độ mở càng lớn thì ánh sáng vào bức ảnh càng nhiều và background sẽ càng mờ hơn, đây cũng gọi là xóa phông. Còn nếu bạn đặt khẩu độ mở nhỏ thì ánh sáng vào bức ảnh càng ít hơn và background sẽ được làm rõ nét.


Về tốc độ màn trập, nếu bạn muốn làm mịn một chuyển động, bạn hãy giảm tốc độ của màn trập và dùng chân máy khi chụp để chống rung. Còn khi muốn bắt dính một chuyển động nhanh, và không dùng chân máy thì bạn hãy tăng tốc độ màn trập./.