Nhiều chủ trương mới quan trọng của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác thi hành án dân sự

01/09/2017
 Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng để bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của các bên trong bản án, quyết định của Tòa án và tổ chức khác được thi hànhtheo thủ tục thi hành án dân sự, bảo đảm thực thi công lý trên thực tế. Tính hiệu quả của công tác thi hành án cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư, kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường vốn luôn tiềm ẩn những rủi ro pháp lý.
 


Một sự thật hiển nhiên đó là nếu bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nhanh chóng, hiệu quả thì quyền lợi của các chủ thể tham gia vào các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại trên thị trường sẽ sớm được khôi phục lại và sẽ được bảo vệ triệt để nếu tranh chấp xảy ra, còn ngược lại thì quyền lợi của những nhà đầu tư chân chínhsẽ không thể được bảo vệ hoặc sẽ được bảo vệ hạn chế. Nhiều hệ lụy có thể phát sinh từ việc các bản án, quyết định của Tòa án không thể thi hành được như các quy trình tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó sẽ trở nên vô nghĩa, hiệu quả điều chỉnh của các quy định trong Bộ luật, Luật về tố tụng và về nội dung đều không phát huy được tác dụng trong thực tiễn và cuối cùng là ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào công lý của chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Thực tiễn những năm gần đây cho thấy đang có nhiều bản án, quyết định của Tòa án có điều kiện thi hành được chuyển tiếp qua các năm nhưng vẫn chưa được tổ chức thi hành để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được thi hành án; ngày càng xuất hiện nhiều bản án dân sự, hình sự liên quan đến tham nhũng, kinh tế, tín dụng, ngân hàng với giá trị phải thi hành lớn và đặc biệt lớn, trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn; hiệu quả thi hành các án dân sự và phần tài sản đối với các loại án hình sự này trong thời gian qua chưa cao và đang có nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành (Báo cáo số 354/BC-BTP ngày 12/12/2016 của Bộ Tư pháp về kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2017).
Trước những thách thức to lớn đó, mới đây Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến công tác thi hành án dân sự nhằm định hướng nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, đó là:
Về cải cách tư pháp,Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là “Đẩy mạnh cải cách tư pháp. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, trọng tâm là các hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án nhân dân các cấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về kinh tế. Tăng cường tính độc lập của hệ thống tư pháp các cấp trong xét xử, thi hành án dân sự, kinh tế”; đồng thời Nghị quyết này cũng yêu cầu phải “Nghiên cứu, rà soát, đổi mới việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, ổn định và dự đoán được của pháp luật”. Đây cũng là một trong những bước đi cần thiếtđểtiếp tục thực hiện nhiệm vụ về cải cách tư pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 vàKết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, đó là “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành”.
Về cải cách hành chính, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhấn mạnh đến vai trò của cải cách hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự như là một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công Nghị quyết, đó là: “Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, nhất là về … giải quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án, phá sản,…”; đồng thời Nghị quyết này cũng nhấn mạnh “Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự”.
Liên quan đến thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy địnhvềkê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, như sau: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu” (Điều 11).
Để những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự sớm phát huy tác dụng, trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban ngành có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của hệ thống thi hành án dân sự trong việc nghiên cứu các quy định mới, tổng kết thực tiễn và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các lĩnh vực pháp luật có liên quan phù hợp với các yêu cầu, chủ trương mới của Đảng.
ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục Thi hành án dân sự