Chủ tịch Hồ Chí minh đánh giá rất cao về vai trò của cán bộ. Theo Người, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, cần kíp, vấn đề cán bộ quyết định mọi việc "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Người coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, giống như cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, gốc có vững thì cây mới bền.
Cán bộ còn được hiểu là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Đời sống chính trị, kinh tế, xã hội được coi như một "cỗ máy", trong cỗ máy đó có ba bộ phận: Một là chính sách đường lối của Đảng và Chính phủ; hai là quần chúng nhân dân, những người thi hành chính sách đó; ba là cán bộ. Vị trí, vai trò của cán bộ là cái "dây chuyền", "cầu nối" giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân nhưng không phải là cầu nối cơ học mà là một dây chuyền cầu nối đặc biệt. Người cán bộ trở thành "cầu nối" thì phải có đầy đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp và phong cách thì mới giải thích cho dân chúng hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ. Nếu dây chuyền đó dở thì chính sách của Đảng và Chính phủ có hay mấy cũng không thực hiện được; măt khác việc hoạch định định xây dựng chính sách mới cũng gặp khó khăn, không phù hợp, thậm chí sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dùng kiến thức kinh tế học để bàn về vai trò của cán bộ. Người cho rằng "cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn".
Ở một cách nhìn khác, Người cho rằng "Cán bộ quyết định mọi việc. Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí". Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu:
Người cán bộ phải có đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng, Người cho rằng đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng, cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi nước. Có đạo đức thì khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần chất phác khiêm tốn, không quan liêu, kiêu ngạo. "Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không", và đạo đức đó phải là:
Trung với nước, hiếu với dân: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là chuẩn mực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, là nội dung bao trùm, có tính chất chi phối đến các chuẩn mực đạo đức khác. Trung với nước, tức là phải tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, dù ở bất kì hoàn cảnh nào cũng không phản bội, quy hàng kẻ địch… Trung với nước cũng chính là trung với đảng, với sự nghiệp cách mạng do đảng lãnh đạo, quyết tâm đưa đất nước phát triển theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hiếu với dân nghĩa là thấy rõ sức mạnh, vai trò thực sự của nhân dân. Dân là gốc của nước, là những người sáng tạo làm nên lịch sử. Do đó, phải gắn bó với dân, kính trọng và lắng nghe ý kiến của dân, hòa mình với dân; tổ chức, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước; phải thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí; bất cứ việc gì có lợi cho dân thì phải làm, bất cứ việc gì có hại cho dân thì phải tránh; phải làm hết sức mình để nhân dân hiểu được quyền cũng như trách nhiệm của người chủ đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần trung với nước hiếu với dân
Yêu thương và giúp đỡ con người, sống có nghĩa, có tình: Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng mà rất cụ thể, sâu sắc và bao dung. Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những yêu tất cả những người lao động, mà còn đặc biệt thương yêu những người bị áp bức, bóc lột, bị đọa đày đau khổ, bị nô dịch giai cấp và dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, tình thương yêu con người, sống có tình, có nghĩa luôn gắn với hành động cụ thể là phấn đấu vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Phải giúp cho con người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Theo Hồ Chí Minh, cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai, việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được. Muốn cho chữ cần có hiệu quả thì cần phải có kế hoạch cho mọi công việc, nghĩa là phải chủ động và sắp xếp công việc có kế hoạch, có sáng tạo, biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng có thể làm việc lâu dài, đạt kết quả cao; phải chống bệnh chây lười, biếng nhác, ỷ lại, thụ động, vô kỷ luật.
Kiệm là tiết kiệm công sức, tiền của và thời gian, sử dụng chúng sao cho có ích nhất, hiệu quả nhất. Kiệm cũng có nghĩa là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi trong sản xuất và đời sống. Liêm là trong sạch, không tham lam cả về vật chất và địa vị. Chính là không tà, là thẳng thắn và đứng đắn.
Chí công vô tư là đặt việc tập thể, việc công lên trên, làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ mình nên đi sau, tức là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người nhấn mạnh, thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Theo Hồ Chí Minh, các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các phẩm chất này có ý nghĩa đối với từng cá nhân con người, nó là thước đo phẩm chất người của một con người, nó đặc biệt có ý nghĩa đối với cán bộ, đảng viên. Nó là thước đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần, sự văn minh tiến bộ của một dân tộc.
Tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung: Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chủ nghĩa quốc tế chính là quan hệ hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ, tương trợ với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước, với những người yêu hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới, chống sự hằn thù dân tộc. Đó là tinh thần quốc tế cao đẹp mà Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần và rèn luyện trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển và tiến bộ trên toàn thế giới.
Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời: Người chỉ rõ "đạo đức cách mạng không phải trên trời xa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và cũng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Người viết "tư tưởng cộng sản với tư tưởng ca nhân ví như lúa với cỏ dại, lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được, còn cỏ dại không cần chăm sóc thì cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện mới có được, còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ".
Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức: Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn với thực tiễn nhưng điều quan trọng nhất về mặt đạo đức là lấy hiệu quả làm thước đo. Người chỉ rõ: "trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ quý mến, quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức". Trong mọi biểu hiện làm gương thì người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ một vai trò rất quan trọng. Muốn hướng dẫn được cấp dưới và nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Xây đi đôi với chống: Người chỉ ra rằng trong đấu tranh cách mạng, chúng ta thường xuyên phải chống lại ba kẻ địch: Bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm; thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; loại thứ ba là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy đạo đức cách mạng là vô luận, trong hoàn cảnh nào cũng phải đấu tranh chống mọi kẻ địch, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Quan trọng nhất là đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình. Lấy gương người tốt việc tốt hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Xây và chống đi liền với nhau, trong mối quan hệ giữa chống và xây cần nhận thức chống cũng nhằm xây, đi liền với xây nhưng xây là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài.
Người cán bộ phải có năng lực
Trên nền tảng đạo đức là gốc, người cán bộ phải có năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Thực chất đó là năng lực tổ chức và động viên quần chúng thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ. Người giải thích, làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Như vậy, xét đến cùng năng lực lãnh đạo của người cán bộ là năng lực phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích vật chất và tinh thần tốt nhất cho nhân dân. Muốn như vậy thì người cán bộ phải có năng lực học dân chúng, hỏi dân chúng, hiểu dân chúng, bởi vì không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân, có biết làm học trò của dân thì mới biết làm thầy của dân, theo Hồ Chí Minh "dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể nghĩ mãi không ra".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, năng lực của người cán bộ, người lãnh đạo thể hiện ở phẩm chất đạo đức, trí tuệ, trình độ lý luận, chuyện môn nghiệp vụ... và cuối cùng nó thể hiện ở việc lãnh đạo đúng. Người cũng chỉ rõ, một người lãnh đạo đúng nghĩa thì không phải ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh, mà người lãnh đạo đúng có nghĩa là:
- Phải quyết định mọi vẫn đề một cách cho đúng, mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo.
- Phải tổ chức sự thi hành cho đúng, mà mốn vậy không có dân chúng góp sức thì không xong.
- Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phê bình thói lãnh đạo quan liêu "cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm, đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo". Người cho rằng việc gì cũng cần phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng, tin vào dân chúng, đưa ra mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết.
Người cán bộ phải có phong cách
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phong cách của người cán bộ, người cách mạng có quan hệ mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Tư tưởng, đường lối soi sáng hoạt động của người cán bộ và có ý nghĩa quyết định nhất nhưng phải có phương pháp đúng đắn và khoa học để đưa đường lối vào cuộc sống. Kết quả thực hiện đường lối phụ thuộc vào hoạt động cụ thể với trình độ, bản lĩnh, khí chất và phong cách của từng người. Phong cách của người cán bộ được thể hiện thông qua:
Phong cách tư duy: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tư duy là phải có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Độc lập là không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước nhân dân. Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, lỗi thời, tìm tòi cái mới phù hợp với quy luật khách quan. Cái mới đó không hoàn toàn phủ định những giá trị của cái cũ, mà vượt lên cái cũ, bổ sung thêm những giá trị mới. Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đồng nghĩa với một bản lĩnh vững vàng, một tinh thần dũng cảm trên cơ sở nhân cách và tài năng, tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động quan điểm của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi chính kiến với tinh thần dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, tổ quốc và đảng. Tư duy phải xuất phát tư thực tế, phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể, nghĩa là phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước Việt Nam hiện tại.
Phong cách diễn đạt: Diễn đạt thể hiện ở cách nói và viết. Phải xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó tìm ra cách nói, cách viết phù hợp với đối tượng, rõ chủ đề và đạt mục đích đề ra. Người nhắc nhở rằng phải nắm được nội dung, tức là nói, viết cái gì? Phải nắm được đối tượng tức là nói, viết cho ai? Phải nắm được mục đích, tức là nói, viết để làm gì? Phải nắm được phương pháp, tức là nói, viết như thế nào? nói và viết phải ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, có mục đích, có ý nghĩa thể hiện đầy đủ nội dung cần truyền tải. Đồng thời, nói, viết ngắn gọn đi liền với chống thói ba hoa, dài dòng, rỗng tuếch và độ dài hay ngắn của bài nói, bài viết tùy thuộc vào nội dung, thời gian nhưng phải làm rõ được vấn đề, chủ đề mà quần chúng đang quan tâm.
Diễn đạt phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm. Với nhiều đối tượng và trình độ khác nhau cần lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt dễ hiểu, phù hợp để người nghe và người đọc có thể hiểu và đồng tình, tránh sử dụng những từ ngữ trừu tượng, khó hiểu.
Phong cách làm việc
Trước hết phải có tác phong quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sớm đánh giá cao vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân. Theo Người trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân "dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong". Do đó, người cán bộ phải đặt lợi ích của quần chúng nhân dân lên trên hết, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hểu rõ, sẵn sàng học hỏi nhân dân, có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình.
Thứ hai, phải có tác phong tập thể, dân chủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ hay đảng viên dù tài giỏi đến mấy cũng ko thể nhìn khắp được sự vật, biết hết mọi việc, do vậy phải biết phát huy trí tuệ của tập thể, gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể để bàn bạc, giải quyết công việc. Đồng thời, người lãnh đạo cũng không được chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan mà phải thật mở rộng dân chủ để đảng viên, quần chúng bày tỏ ý kiến của mình.
Thứ ba, phải có tác phong khoa học: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ một trong những phẩm chất quan trọng của người cán bộ cách mạng là phải có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Bởi vì, khi người cán bộ, đảng viên có tri thức khoa học và kỹ thuật, có trình độ lý luận cách mạng, có năng lực công tác và luôn tâm huyết với nghề nghiệp nhưng nếu không có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, xa rời thực tiễn, ít chịu cập nhật những biến đổi của tình hình, thậm chí chuyên quyền, quan liêu, độc đoán... thì khi thực hiện các nhiệm vụ thường gặp khó khăn, vướng mắc, chất lượng và hiệu quả công việc sẽ không đạt được như mong muốn. Người cán bộ, lãnh đạo phải khắc phục được thói quen tự do, tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, thiếu điều tra, nghiên cứu, chậm chạp, lề mề. Phải xây dựng một tác phong khoa học trong công tác, trong lãnh đạo.
Phong cách ứng xử
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có cách ứng xử ở tầm nghệ thuật, chứa đựng cả giá trị của dân tộc, phương Đông và phương Tây, đó là kiểu ứng xử văn hóa, có lý, có tình, hài hòa, nhuần nhị, bởi vì nó bắt nguồn từ nhân cách, từ cuộc đời của Người. Cả cuộc đời lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa bao giờ Người ứng xử với nhân dân, với cấp dưới, với những người phục vụ như một người có quyền. Người cho rằng người cán bộ, người lãnh đạo là phải có thái độ ân cần, niềm nở, vừa thân ái vừa nhiệt tình, thể hiện tấm lòng độ lượng, khoan dung. Trong ứng xử cần phải có thái độ khiêm nhường, tế nhị, tuyệt đối không đươc dùng sức mạnh của quyền lực trong ứng xử với quần chúng nhân dân.
Phong cách sinh hoạt
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại không những trong những việc lớn mà còn vĩ đại ở những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Những câu chuyện riêng trong phong cách sinh hoạt hàng ngày đã trở nên huyền thoại ngay cả khi Bác còn sống. Bác khuyên cán bộ, đảng viên phải tự ý thức sống khiêm tốn, đời tư trong sáng, nếp sống riêng giản dị, "ít lòng ham muốn về vật chất" nhưng phải ham học, ham làm, ham tiến bộ. Trong sinh hoạt hàng ngày phải đặt cho mình một kỹ luật chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp, gọn gàng, chú ý rèn luyện sức khỏe, sắp xếp thời gian tiến hành mọi việc thật hợp lý và có hiệu quả nhất. Ngược lại với cách sinh hoạt nêu trên mà say sưa chạy theo danh lợi, quyền lực thì sớm muộn sẽ làm cho con người hư hỏng, biến chất.
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cõi vĩnh hằng, nhưng những tư tưởng của Người về người cán bộ cách mạng luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa rất quan trọng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm”... thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, và đó cũng là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta hiện nay.
Từ tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên càng cần phải nêu cao trách nhiệm tiền phong, gương mẫu. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia;
2. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb lý luận chính trị.