Chị Đỗ Thị Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu.
Chị Đỗ Thị Thủy sinh năm 1969 tại huyện Mù Cang Chải. Chị bắt đầu công tác tại Đội Thi hành án huyện Mù Cang Chải vào năm 1994. Đến năm 2008, chị được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mù Cang Chải và tới năm 2018 thì được điều động, bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị đã làm việc tại những vùng có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn.
Với sự kiên trì và sự thấu hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương, chị Thuỷ đã trở thành cầu nối để giải quyết các vụ án một cách mềm dẻo, hiệu quả, tránh được những xung đột không đáng có.
Những rào cản hủ tục trong vụ án giao con sau ly hôn
Trong suốt hành trình hơn 30 năm gắn bó với công tác thi hành án dân sự tại những huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, chị Đỗ Thị Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự đã đối mặt với nhiều vụ việc khiến bà không thể nào quên. Một trong số đó là vụ án giao con sau ly hôn tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, năm 2016.
Vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều khó khăn và nhạy cảm. Theo phán quyết của Tòa án, sau khi ly hôn, cặp vợ chồng người Mông sẽ chia quyền nuôi dưỡng hai con chung: Cháu lớn ở với cha, cháu nhỏ ở với mẹ.
Tuy nhiên, khi người mẹ – người được thi hành án trở về nhà ngoại tại xã bên cạnh, gia đình người cha nhất quyết không đồng ý giao cháu nhỏ.
Đặc thù của người Mông là khi kết hôn, người phụ nữ sẽ về nhà chồng sinh sống và khi ly hôn, người mẹ thường không được phân chia nhà cửa.(vì khi về làm dâu sống chung với nhà của bố mẹ chồng). Điều này, khiến người mẹ phải về sống tại nhà ngoại hoặc tự tìm nơi ở mới.
Gia đình bên nội, vốn bảo thủ, cho rằng cháu nhỏ phải ở lại với cha để giữ gìn huyết thống và phong tục dòng họ. Bất chấp sự thuyết phục của người mẹ và gia đình nhà ngoại, gia đình nhà nội vẫn kiên quyết từ chối giao cháu nhỏ, thậm chí đuổi người mẹ khi bà đến đón con.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi hai họ nội – ngoại đều sẵn sàng đối đầu, dẫn đến nguy cơ xung đột. Chị Thủy nhận thấy đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là một bài toán dân vận phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén và khéo léo.
Chị Thủy quyết định trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc, tiếp cận gia đình người cha để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của sự việc.
Trong nhiều buổi làm việc, chị lắng nghe quan điểm của cả hai bên, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, trưởng bản và già làng. Những người này không chỉ có uy tín trong cộng đồng mà còn là cầu nối để truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả hơn.
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Tôi phân tích rằng, việc giao con cho mẹ nuôi dưỡng không làm mất đi mối liên hệ của cháu với gia đình bên nội. Người cha vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc con. Đây là quyền lợi tốt nhất cho cháu nhỏ theo phán quyết của Tòa án”.
Ngày thi hành án được ấn định. Hơn 10 người bên gia đình nhà nội cùng khoảng 20 người bên gia đình nhà ngoại tập trung tại nhà người cha. Cả hai bên đều sẵn sàng đối đầu. Tuy nhiên, nhờ sự kiên nhẫn và những lập luận hợp tình, hợp lý từ Chi cục trưởng Đỗ Thị Thuỷ cùng các tổ chức đoàn thể, gia đình người cha cuối cùng cũng nhận ra ý nghĩa của việc tuân thủ pháp luật và sự cần thiết của việc giao con theo đúng bản án.
Vụ việc đã được giải quyết mà không cần áp dụng biện pháp cưỡng chế, tránh được những xung đột có thể xảy ra. Đây không chỉ là một thành công trong công tác thi hành án mà còn là một bài học quý về sự kết hợp giữa pháp luật và công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
"Phải thấu hiểu phong tục, tập quán và đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu. Đó là cách để giải quyết những vụ việc nhạy cảm như vậy", chị Thủy tâm sự.
Vụ thi hành án tại xã La Pán Tẩn không chỉ chứng minh năng lực chuyên môn mà còn thể hiện sự tận tâm, bản lĩnh của chị Đỗ Thị Thủy trong việc đem lại công lý và sự hòa giải cho cộng đồng.
Tranh chấp trâu bò: Lá ngón và những đe dọa của người dân
Chị Thuỷ cũng kể thêm về câu chuyện tranh chấp trâu bò tại xã Mồ Dề huyện Mù Cang Chải. Vụ tranh chấp bắt nguồn từ việc thả rông trâu bò, một tập tục phổ biến trong cộng đồng dân tộc Mông.
Hai gia đình cùng sinh sống gần nhau đã tranh chấp quyền sở hữu một con trâu. Mỗi bên đều khẳng định con trâu là của mình, dẫn đến việc Tòa án phải vào cuộc.
Sau khi xem xét, Tòa tuyên phán con trâu thuộc quyền sở hữu của một bên (người được thi hành án).
Tuy nhiên, bên thua kiện không đồng ý với bản án. Họ kiên quyết giữ con trâu, cho rằng phán quyết của Tòa là không công bằng. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan thi hành án trong việc thực hiện bản án.
Trong lần đầu tiên đến nhà người phải thi hành án để giải quyết vụ việc, chị Thủy và các cán bộ gặp phải rào cản nghiêm trọng: trước cửa nhà, gia đình cắm lá xanh – một tín hiệu cấm người lạ vào nhà theo phong tục địa phương. Không chỉ vậy, cả gia đình cầm trên tay lá ngón – một loại cây cực độc, sẵn sàng sử dụng nếu cơ quan thi hành án cố tình tiến hành công việc.
Tình hình trở nên căng thẳng, nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chị Thủy nhận thấy rằng, trong bối cảnh này, nếu tiếp tục tiến hành thi hành án một cách cứng nhắc, không những không đạt được kết quả mà còn có thể gây ra những bi kịch không mong muốn.
Hiểu được tính nhạy cảm của tình huống, chị Thủy quyết định tạm rút lui để tình hình lắng dịu. Sau đó, chị cùng đội ngũ cán bộ tiến hành họp bàn, lên kế hoạch cụ thể và mời sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và chính quyền địa phương.
Chị Thủy chia sẻ: “Trong những vụ việc như thế này, sự hỗ trợ của những người có uy tín trong cộng đồng là rất quan trọng. Họ không chỉ giúp truyền tải thông điệp pháp luật mà còn tạo niềm tin cho người dân”.
Trong lần làm việc tiếp theo, đoàn thi hành án đã tổ chức một buổi hòa giải tại nhà trưởng bản với sự tham gia của các bên liên quan. Tại đây, chị Thủy và các già làng kiên nhẫn giải thích, phân tích cho gia đình người phải thi hành án hiểu rõ ý nghĩa và tính bắt buộc của việc tuân thủ pháp luật.
Chị cũng nhấn mạnh rằng, việc kháng cự không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của gia đình mà còn làm mất đi sự hòa thuận trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chị Thủy cùng các cán bộ cũng lắng nghe và thấu hiểu những bức xúc của gia đình người phải thi hành án, từ đó đưa ra những lời khuyên hợp lý và phù hợp với phong tục.
Sau nhiều buổi làm việc, sự quyết tâm và kiên nhẫn của chị Thủy đã mang lại kết quả. Gia đình người phải thi hành án đồng ý giao lại con trâu cho người được thi hành án theo phán quyết của Tòa. Quá trình bàn giao diễn ra suôn sẻ, không có bất kỳ xung đột nào xảy ra.
Vụ tranh chấp trâu bò tại Mù Cang Chải không chỉ đơn thuần là một sự kiện pháp lý mà còn là bài học lớn về công tác dân vận và sự nhạy bén trong cách tiếp cận vấn đề. Trong bối cảnh vùng cao nơi phong tục và pháp luật luôn đan xen, người làm công tác thi hành án không chỉ cần am hiểu pháp luật mà còn phải thấu hiểu văn hóa và tâm lý người dân.
Trong suốt sự nghiệp, chị Thủy đã nhận được nhiều bằng khen từ Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Yên Bái. Từ năm 2009 đến 2022, chị liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, năm 2017, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mù Cang Chải do chị lãnh đạo đã nhận Cờ thi đua Ngành.
Dù đối mặt với vô vàn thách thức, chị Đỗ Thị Thủy vẫn không ngừng nỗ lực để mang lại công lý và sự hài hòa cho cộng đồng. Chị chính là minh chứng sống động cho tinh thần bền bỉ và ý chí kiên cường của phụ nữ vùng cao, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển.
"Đối với tôi, thành công lớn nhất không phải là những tấm bằng khen hay danh hiệu, mà là sự hòa giải, đoàn kết mà tôi đã mang lại cho người dân. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho công việc và cộng đồng" – chị Thủy chia sẻ.