Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch Thực hiện “Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP”

02/03/2016
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, ngày 28/01/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp kèm theo Quyết định số 131/QĐ-BTP, trong đó, tại Mục 4.II đã giao nhiệm vụ Tổng cục Thi hành án dân sự: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện tốt các quy chế liên ngành về thi hành án dân sự nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh; Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính, bảo đảm sự phát triển bền vững, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó tập trung giảm lượng án tồn đọng xuống dưới 200.000 vụ việc; nhiệm vụ tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.


Trên cơ sở đó, ngày 29/02/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Kế hoạch kèm theo Quyết định số 256/QĐ-TCTHADS nhằm thực hiện Chương trình hành động của ngành Tư pháp, trong đó có nội dung “Tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng”

Nội dung cơ bản của Kế hoạch như sau:

1.  Kiện toàn, thành lập mới Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu

1.1. Tại cơ quan thi hành án dân sự địa phương:

- Trên cơ sở Tổ chỉ đạo thi hành án đã được thành lập theo Kế hoạch số 1646/KH-TCTHADS ngày 04/7/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo, rà soát, kiện toàn hoặc thành lập mới Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu, tạo điều kiện tối đa để Tổ chỉ đạo thi hành án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình: Định hướng, chỉ đạo, lập kế hoạch thực hiện và kiểm tra, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi hành án liên quan đến xử lý nợ cho tổ chức tín dụng.

- Khi giải quyết các vụ việc, Tổ chỉ đạo thi hành án có thể đề nghị đại diện của tổ chức tín dụng tham gia.

1.2. Tại Tổng cục Thi hành án dân sự

Kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục triển khai, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện các nội dung trong Kế hoạch này.

2. Công tác rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng

2.1. Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường xuyên rà soát số vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

- Thống kê số liệu, trong đó xác định chính xác số vụ việc có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành. Số liệu thống kê tính đến thời điểm sơ kết, tổng kết (ngày 31/3 và 30/9 hàng năm), tổng hợp theo từng tổ chức tín dụng được thi hành án, gửi về Tổng cục Thi hành án dân sự.

- Định kỳ báo cáo, trong đó có nhận xét, đánh giá tổng thể và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc phải thi hành án khó khăn, phức tạp mà tổ chức tín dụng là người được thi hành án.

- Thời gian thực hiện: Số liệu thống kê, báo cáo gửi về Tổng cục Thi hành án dân sự theo thời điểm sơ kết 6 tháng (trước ngày 10/4) và thời điểm tổng kết năm công tác (trước ngày 10/10 hàng năm).

2.2. Tổng cục Thi hành án dân sự:

- Rà soát danh sách các vụ việc thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng.

- Thống kê số liệu các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng  trong toàn quốc theo định kỳ 06 tháng và 01 năm.

- Tổng hợp, báo cáo theo kỳ báo cáo sơ kết (trước ngày 15/4) và tổng kết (trước ngày 15/10 hàng năm).

3. Công tác phối hợp, chỉ đạo

3.1. Cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm:

- Chủ động phối hợp với tổ chức tín dụng tại địa phương triển khai, rà soát, thống kê, tổng hợp, tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành án theo Kế hoạch này.

- Đối với những vụ việc không có điều kiện thi hành, cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với tổ chức tín dụng kiểm tra, rà soát, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về chủ trương xử lý.

 Thời gian thực hiện: Cả năm.

3.2. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm:

- Phối hợp với các tổ chức tín dụng trung ương triển khai thực hiện Kế hoạch và chỉ đạo chi nhánh tổ chức tín dụng ở địa phương phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án.

- Phối hợp với các tổ chức tín dụng trung ương tìm giải pháp giải quyết án tồn đọng (như đề nghị tổ chức tín dụng nhận tài sản để thi hành án nếu tài sản không bán được, phải giảm giá nhiều lần, có những biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định như có cơ chế miễn, giảm lãi suất cho người phải thi hành án)... nhằm tạo điều kiện cho việc thi hành án dứt điểm.

- Kiểm tra, chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành để nhanh chóng thu hồi nợ xấu cho tổ chức tín dụng.

- Chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thi hành án dân sự trong khi tổ chức thi hành án để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.

Thời gian thực hiện: Cả năm.

4. Công tác tổ chức thi hành án

4.1. Đối với Cục và Chi cục Thi hành án dân sự:

- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp về phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.

- Cục có trách nhiệm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Chi cục. Đối với những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, tài sản thi hành án ở nhiều địa bàn thì Cục phải rút lên để tổ chức thi hành. Lãnh đạo Cục tập trung chỉ đạo tại một số địa bàn, một số vụ việc trọng điểm để từ đó có kinh nghiệm nhân rộng ra toàn địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong quá trình tổ chức thi hành án; kịp thời báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, những vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

- Khi các tổ chức tín dụng có yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải khẩn trương xác minh điều kiện thi hành án, tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là những vụ án lớn và giá trị phải thi hành cao.

- Phối hợp với các tổ chức tín dụng lập kế hoạch chi tiết thời gian hoàn thành từng nội dung, công việc đối với từng vụ việc cụ thể; định kỳ Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng tổ chức họp giao ban để đánh giá việc thực hiện kế hoạch đã đề ra và giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Chủ động tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tăng kết quả xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị, Chấp hành viên thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện Kế hoạch này. Xử lý nghiêm khắc đơn vị, cá nhân không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện Kế hoạch này gây chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung, của tổ chức tín dụng nói riêng, nhất là gây ảnh hưởng đến quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, làm chậm trễ quá trình thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng.

 Thời gian thực hiện: Cả năm.

4.2. Đối với Tổng cục Thi hành án dân sự

- Thực hiện theo Kế hoạch làm việc, Kế hoạch kiểm tra hoặc khi cần thiết kiểm tra, làm việc đối với những việc có vướng mắc, khó khăn, phức tạp, Tổng cục Thi hành án dân sự thành lập Đoàn công tác (mời đại diện Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng liên quan tham gia) trực tiếp về địa phương kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo thực hiện.

- Tổ công tác chỉ đạo xử lý nợ xấu của Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đang thi hành án dở dang hoặc chưa thi hành; kiến nghị Lãnh đạo Tổng cục xem xét, xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện Kế hoạch, hoặc có vi phạm trong việc tổ chức thi hành án (nếu có).

Thời gian thực hiện: Cả năm.

5. Sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch

- Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các tổ chức tín dụng tổng hợp kết quả, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng gắn với sơ kết, tổng kết của hệ thống thi hành án dân sự để đánh giá kết quả việc thực hiện Kế hoạch và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo.

- Khi cần thiết, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội thảo hoặc Hội nghị giao ban, làm việc giữa Lãnh đạo Tổng cục với lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng trung ương; giữa Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Tư pháp để đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

6. Tổ chức thực hiện:

Để Kế hoạch được thực hiện hiệu quả, Lãnh đạo Tổng cục đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự như sau:

6.1. Vụ Nghiệp vụ 1 chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục triển khai thực hiện Kế hoạch.

6.2. Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin có trách nhiệm phối hợp với Vụ Nghiệp vụ 1 thực hiện việc rà soát, tổng hợp, thống kê các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng theo nội dung tại mục 2 phần II của Kế hoạch.

6.3. Các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục quán triệt để Chấp hành viên và công chức trong đơn vị thống nhất về nhận thức và yêu cầu thực tiễn của công tác xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng; trên cơ sở Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch tổ chức thi hành án của đơn vị mình, đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả.

Để đảm bảo thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả, góp phần hoàn thành chỉ tiêu công tác thi hành án dân sự năm 2016, theo chỉ đạo tại Công văn số 584/CV-TCTHADS ngày 29/02/2016 về triển khai thực hiện Kế hoạch, Tổng cục sẽ tiến hành kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác xử lý các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định.

Nguyễn Nhàn

Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự