1. Tổng quan quy định của pháp luật Việt Nam về cung cấp thông tin tài sản thi hành án và trách nhiệm pháp lý có liên quan
Minh bạch thông tin về tài sản thi hành án của người phải thi hành án có vai trò quan trọng và ảnh hưởng mang tính chất quyết định tới hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Theo đánh giá của Giáo sư Luật học Juan Pablo Correa Delcasso
[1], thì tính hiệu quả của các phương pháp thi hành án dân sự phụ thuộc nhiều vào mức độ minh bạch thông tin tài sản của người phải thi hành án hơn là xem xét về bản chất thẩm quyền thi hành án của các mô hình thi hành án dân sự khác nhau
[2]. Hoặc theo nghiên cứu của Tiến sỹ Wendy Kennett, nếu người phải thi hành án có ý định chống lại việc thi hành án thì người được thi hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm sáng tỏ thông tin về tài sản của họ, và tài sản đất đai, động sản hoặc tiền ở ngân hàng của người phải thi hành án có thể dễ dàng chuyển giao cho người thứ ba đứng tên. Từ thực trạng trên, tác giả khẳng định rằng chắc chắn ở một số quốc gia sẽ có sự hiện diện của những hố đen “
black holes” mà ở đó người bị kiện và tài sản của họ có thể sẽ biến mất
[3].
Thực tiễn hơn 70 năm hình thành và phát triển của lĩnh vực thi hành án dân sự ở Việt Nam cũng cho thấy thông tin tài sản thi hành án có vai trò quan trọng và ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến hiệu quả của quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Do vậy, pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam trong suốt thời gian qua luôn chú trọng hoàn thiện các quy định này kể cả về số lượng các điều khoản lẫn nội dung điều chỉnh, đặc biệt là trong những năm gần đây sau khi có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng được thể hiện ở các chủ trương, chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 05 năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và gần đây là Kết luận số 92-KL/TW ngày 12 tháng 03 năm 2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Nhìn lại các quy định của pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam về cung cấp thông tin tài sản thi hành án qua các thời kỳ cho thấy các quy định này đã được từng bước được cải thiện đáng kể theo tinh thần cải cách tư pháp, ví dụ Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 mới chỉ quy định chung chung về thông tin liên quan đến việc thi hành án, ví dụ: “Người yêu cầu thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến Cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án, quyết định dân sự”
[4]. Luật Thi hành án dân sự 2008 đã có ít nhất ba Điều đề cập đến thông tin về tài sản của người phải thi hành án, đó là tại các Điều 31, Điều 89 và Điều 92. Điều 31 quy định trong đơn yêu cầu thi hành án mà người được thi hành án nộp cho cơ quan thi hành án phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự 2008 mới chỉ yêu cầu người được thi hành án cung cấp thông tin tài sản của người phải thi hành án hoặc là yêu cầu các cơ quan có liên quan đang nắm giữ tài sản cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án, trong khi thực tế thì người phải thi hành án mới là người nắm rõ nhất về tất cả các thông tin về tài sản của mình, ví dụ các loại tài sản, nguồn gốc tài sản, địa chỉ nơi có tài sản, giá trị của từng loại tài sản, v.v. lại chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ về trách nhiệm cung cấp thông tin của họ.
Xuất phát từ những bất cập nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã tiếp tục sửa đổi, bổ sung và đưa vào Luật ít nhất 6 Điều (Điều 7, Điều 7a, Điều 31, Điều 44, Điều 89 và Điều 92) quy định các vấn đề về thông tin tài sản của người phải thi hành án như chủ thể được quyền tiếp cận thông tin, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin và các loại thông tin được cung cấp, v.v. Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 quy định người được thi hành án có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án
[5]. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 đã quy định đây là quyền của người được thi hành án nên họ không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện như trước đây. Hơn nữa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 đã khuyến khích người được thi hành án cung cấp thông tin tài sản của người phải thi hành án, bằng cách miễn, giảm phí thi hành án cho người được thi hành án nếu họ cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án
[6]. Tuy nhiên, cơ sở khoa học cũng như tính hiệu quả của những quy định này sẽ tiếp tục được nghiên cứu và đánh giá trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 và những kinh nghiệm quốc tế có liên quan. Điểm đáng lưu ý so với Luật Thi hành án dân sự 2008, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014
[7] quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Nếu người phải thi hành án dân sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tài sản thi hành án thì họ có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể họ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng
[8].
Mặc dù số lượng và chất lượng các điều khoản trong Luật Thi hành án dân sự về thông tin tài sản thi hành án và trách nhiệm pháp lý có liên quan đến việc cung cấp thông tin tài sản thi hành án đã được cải thiện đáng kể nhưng thực tiễn thi hành án dân sự trong thời gian gần đây đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc từ các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự, ví dụ quy định mức phạt hành chính như vậy đã đủ sức răn đe chưa so với thực tiễn các giao dịch dân sự, kinh tế ? vướng mắc trong các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chấp hành viên hoặc thực tiễn có những vụ việc đến thời điểm có bản án, quyết định của Tòa án thì tài sản duy nhất hoặc là tài sản lớn có giá trị để bảo đảm thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án đã bị người phải thi hành án thực hiện các thủ tục pháp lý chuyển giao cho người khác chỉ trước đó vài ngày. Hoặc những tranh luận liên quan đến việc người phải thi hành án mặc dù đang trong giai đoạn phải thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng lại chuyển nhượng tài sản là đối tượng để thi hành án cho người khác và không cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền về việc việc chuyển nhượng đó; và rất nhiều những hậu quả pháp lý phức tạp khác phát sinh sau đó, v.v.
Do vậy, để bảo đảm việc thi hành án có hiệu quả, nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự nói chung và hoàn thiện các quy định về thông tin tài sản của người phải thi hành án nói riêng như mức độ thông tin tài sản thi hành án phải cung cấp; làm thế nào để nâng cao ý thức tự giác của người phải thi hành án trong việc cung cấp thông tin về tài sản thi hành án khi thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế khi họ đang trong quá trình phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án; việc cung cấp thông tin tài sản thi hành án chỉ là nghĩa vụ bắt buộc đối với người phải thi hành án hay là nghĩa vụ bắt buộc đối với đồng thời cả người phải thi hành án và người phải thi hành án? khoảng thời gian mà người phải thi hành án phải cung cấp các thông tin về tài sản của mình (thời điểm bắt đầu và kết thúc trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án); thông tin về các giao dịch dân sự, kinh tế giữa người phải thi hành án với những chủ thể có mối quan hệ gần gũi khác đã được thực hiện trước thời điểm người phải thi hành án cung cấp thông tin về tài sản của mình cho cơ quan thi hành án; ngoài chế tài xử phạt vi phạm hành chính thì các chế tài khác như trách nhiệm bồi thường dân sự hoặc chế tài hình sự có được đặt ra không nếu người phải thi hành án không trung thực trong việc kê khai thông tin về tài sản của mình? v.v.
2. Kinh nghiệm của pháp luật thi hành án dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức về thông tin tài sản và tình trạng tài chính của người phải thi hành án
Quan điểm về cải cách tư pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là ngoài việc kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được thì việc tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh đất nước và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết. Do vậy, để có thêm kinh nghiệm quốc tế góp phần hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam trong thời gian tới, nội dung dưới đây sẽ đề cập đến một số kinh nghiệm của pháp luật thi hành án dân sự Cộng hòa Liên bang Đức về thông tin tài sản thi hành án và các nội dung khác có liên quan.
Việc thông tin tài sản của người phải thi hành án và trách nhiệm pháp lý có liên quan chủ yếu được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 1950, được sửa đổi, bổ sung và thông qua vào các năm 2005, 2014 và các Luật khác có liên quan như Đạo luật Phá sản của Đức năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2011; Đạo luật Thuế của Đức năm 1976, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2017.
2.1. Chủ thể cung cấp thông tin tài sản thi hành án
Ở các nước Châu âu, cơ bản có hai nguồn để tiếp cận thông tin về tài sản của người phải thi hành án, đó là thông qua bản tuyên bố (kê khai) chi tiết về tài sản do chính người phải thi hành án thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thi hành án có thẩm quyền hoặc tiếp cận thông tin thông qua các cơ quan đăng ký
[9]. Tuy nhiên, phần lớn các nước Châu âu
[10], trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức, lựa chọn phương án trao quyền cho cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp yêu cầu người phải thi hành án phải cung cấp thông tin về tài sản của mình. Theo pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức thì không có cơ quan trung ương quyết định các biện pháp về thi hành án, ngược lại người được thi hành án là người có quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền thi hành án hoặc nhân viên Tòa án tổ chức thi hành án với các yêu cầu thi hành án của mình. Vì vậy, người được thi hành án mới là người kiểm soát và quyết định các biện pháp tổ chức thi hành án, ví dụ thu giữ ô tô, nắm giữ giấy tờ thế chấp bất động sản, bán đấu giá bất động sản
[11], v.v. Để thuận tiện cho người được thi hành án trong việc lựa chọn một loạt các biện pháp thi hành án thì người phải thi hành án phải có trách nhiệm cung cấp một bản kê khai chi tiết về tài sản của mình cho người có thẩm quyền thi hành án theo lựa chọn của người được thi hành án
[12]. Như vậy, theo pháp luật thi hành án dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức thì chủ thể quan trọng có trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản thi hành án đó chính là người phải thi hành án. Tất nhiên, ngoài bản tuyên bố thông tin về tài sản do người phải thi hành án cung cấp thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền cũng có thể tiếp cận các nguồn thông tin khác có chứa các thông tin về cá nhân cũng như tài sản của người phải thi hành án từ chủ sử dụng lao động của người phải thi hành án, Văn phòng thuế Liên bang, Cơ quan quản lý giao thông vận tải Liên bang, v.v.
[13]
2.2. Mức độ thông tin về tài sản mà người phải thi hành án phải cung cấp
Hiện nay đang có hai quan điểm chính về mức độ thông tin về tài sản của người phải thi hành án mà họ phải cung cấp, quan điểm thứ nhất cho rằng người phải thi hành án phải cung cấp toàn bộ các thông tin về tất cả các tài sản của mình, quan điểm thứ hai cho rằng người phải thi hành án chỉ phải cung cấp thông tin về tài sản tương ứng với mức yêu cầu thi hành án do người được thi hành án đưa ra. Quan điểm thứ hai có xu hướng bảo vệ quyền lợi của người phải thi hành án nhưng có nguy cơ rủi ro nhiều hơn cho người được thi hành án và thời gian tổ chức thi hành án có thể sẽ phải kéo dài hơn nếu người được thi hành án không thể đề nghị áp dụng được ngay những biện pháp thi hành án phù hợp với loại tài sản mà người phải thi hành án đã cung cấp, do vậy, việc yêu cầu cung cấp thông tin tài sản thi hành án sẽ phải được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần
[14]. Đối với các yêu cầu thi hành án về tiền, pháp luật thi hành án dân sự Cộng hòa Liên bang Đức quy định người phải thi hành án phải cung cấp thông tin về tất cả các loại tài sản thuộc về người phải thi hành án. Đồng thời trong danh sách tài sản được kê khai, người phải thi hành án phải cung cấp đầy đủ các lý do cũng như những bằng chứng đối với những thông tin về tài sản được cung cấp
[15].
2.3. Về thời điểm cung cấp thông tin tài sản thi hành án và khoảng thời gian trước khi có bản án mà người phải thi hành án đã thực hiện việc chuyển nhượng tài sản cho người có quan hệ gần gũi
Theo quy định tại khoản 1 Điều 802f Bộ luật Tố tụng dân sự Đức thì Chấp hành viên thi hành án sẽ ấn định hai tuần để người phải thi hành án phải cung cấp thông tin về tình hình tài chính và tài sản của mình. Nếu hết thời hạn nêu trên mà người phải thi hành án không cung cấp thông tin về tài sản của mình thì ngay sau đó Chấp hành viên sẽ thu xếp một buổi làm việc tại Văn phòng thi hành án của mình với người phải thi hành án để họ cung cấp thông tin về tài sản và khả năng tài chính ngay tại buổi gặp đó. Bản kê khai chi tiết về tài sản của người phải thi hành án sẽ được lưu giữ tại trung tâm đăng ký của các Bang và có thể được xem trực tuyến để lấy thông tin thông qua Tòa Thi hành án, Tòa án giải quyết phá sản, những Tòa án lưu giữ thông tin đăng ký về thương mại và những cơ quan đăng ký khác cũng như cơ quan có thẩm quyền truy tố theo quy định tại Điều 802k Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức. Nếu người được thi hành án có căn cứ cho rằng có sự thay đổi đáng kể về tài sản của người phải thi hành án thì sau hai năm, kể từ lần cung cấp bản kê khai tài sản đầu tiên, người phải thi hành án phải có nghĩa vụ cung cấp một bản kê khai mới, khai chi tiết các thông tin về tài sản của mình cho cơ quan thi hành án
[16].
Ngoài ra, theo quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 802c Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 1 Điều 284 Đạo luật về thuế của Đức thì người phải thi hành án còn phải cung cấp một danh sách tất cả các giao dịch (chuyển nhượng, mua bán, tặng cho…) với những người có quan hệ gần gũi
[17] trong thời gian hai năm trước đó tính đến thời điểm người phải thi hành án cung cấp bản kê khai thông tin tài sản cho cơ quan thi hành án. Đối với các loại dịch vụ được cung cấp miễn phí bởi người phải thi hành án thì họ cũng phải kê khai tất cả các giao dịch này trong thời gian bốn năm trước đó tính đến thời điểm cung cấp bản kê khai thông tin tài sản cho cơ quan thi hành án. Bản kê khai chi tiết tài sản phải được đính kèm với một bản tuyên bố thay cho một lời tuyên thệ rằng tất cả thông tin trong đó là chính xác bằng sự hiểu biết và kiến thức của mình
[18].
2.4. Chế tài áp dụng nếu người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản của mình
Như đã phân tích ở trên, theo pháp luật thi hành án dân sự của Đức, đối với các yêu cầu thi hành án về tiền, người phải thi hành án phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản và tình hình tài chính của mình cho Chấp hành viên thi hành án theo yêu cầu. Nếu người phải thi hành án không đến văn phòng của Chấp hành viên theo lịch hẹn để cung cấp thông tin về tài sản và tình hình tài chính của mình mà không có lý do chính đáng hoặc từ chối cung cấp thông tin về tài sản và tình hình tài chính của mình theo Điều 802c Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức mà không đưa ra được bất kỳ một lý do phù hợp nào thì họ sẽ bị bắt giữ để buộc người phải thi hành án phải cung cấp các thông tin theo yêu cầu. Người phải thi hành án có thể sẽ bị bắt giam giữ trên cơ sở lệnh bắt giữ được phát hành bởi Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án (biện pháp cưỡng chế giam giữ)
[19] cho đến khi họ cung cấp được đầy đủ thông tin về tài sản và tình trạng tài chính của mình, thời hạn tối đa của việc giam giữ này là 06 tháng
[20]. Lệnh bắt giữ không cần thiết phải được chuyển cho người phải thi hành án trước khi thực hiện việc bắt giữ
[21]. Một bản photocopy đã được xác nhận của Lệnh bắt giữ sẽ được chuyển giao trực tiếp cho người phải thi hành án tại thời điểm bắt giữ
[22]. Người có thẩm quyền bắt giữ người phải thi hành án trong trường hợp này là Chấp hành viên thi hành án
[23].
Từ những phân tích trên về kinh nghiệm pháp luật thi hành án dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin tài sản thi hành án đối với các loại yêu cầu thi hành án về tiền, có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Thứ nhất, thời điểm và khoảng thời gian mà theo đó tài sản của người phải thi hành án phải được kê khai được pháp luật quy định rộng và theo hướng mở nên đã góp phần loại trừ các giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tàn sản được thực hiện trước hoặc sau khi có bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ hai, việc yêu cầu phải liệt kê chi tiết tất cả các giao dịch giữa người phải thi hành án với những người có quan hệ gần gũi đã góp phần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản cho những người này thông qua các giao dịch mà bề ngoài có vẻ như là hợp pháp.
Thứ ba, trách nhiệm phải cung cấp thông tin tài sản và tình hình tài chính là nghĩa vụ pháp lý được đặt lên trước tiên đối với người phải thi hành án, vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất thực trạng tài sản của mình và là người phải đang chấp hành nghĩa vụ từ bản án, quyết định của Tòa án. Nếu không cung cấp hoặc từ chối hợp tác với cơ quan thi hành án mà không có lý do chính đáng thì hoặc là hành vi gian dối, thiếu trung thực (vì trái với bản tuyên thệ của họ) hoặc là hành vi cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Do đó, họ sẽ ngay lập tức phải gánh chịu hậu quả bất lợi phát sinh thông qua việc họ sẽ bị bắt và giam giữ để thực hiện nghĩa vụ kê khai thông tin về tình trạng tài sản của mình cho cơ quan thi hành án cũng như những hậu quả bất lợi khác.
Thứ tư, quyền hạn của Chấp hành viên thi hành án được thực hiện trực tiếp, nhanh chóng, thông qua việc họ được pháp luật trao cho quyền bắt giữ người phải thi hành án trên cơ sở Lệnh của Tòa án. Lệnh bắt giữ cũng không cần phải được thông báo trước mà sẽ chuyển cho người phải thi hành án ngay khi họ bị bắt giữ. Những quy định trao quyền thực chất cho Chấp hành viên thi hành án vừa bảo đảm thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, vừa bảo đảm quy trình thi hành án được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả mà không phải thông qua nhiều khâu trung gian hoặc các thủ tục giấy tờ phức tạp khác. Qua đó nhằm răn đe, nâng cao ý thức tự giác chấp hành án của người phải thi hành án, bảo đảm niềm tin của người dân vào hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án.
Có thể nói đây là một trong những kinh nghiệm có thể nghiên cứu để áp dụng ở mức độ hợp lý để sớm hoàn thiện pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng, qua đó bảo đảm thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
[1] Luật sư tranh tụng, Giáo sư, Tiến sỹ Luật Trường Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, Chương IV: “Tính hiệu quả của các phương pháp thi hành án dân sự dưới góc độ so sánh hệ thống thi hành án dân sự công với hệ thống thi hành án dân sự tư”, trong cuốn sách: “Thực tiễn thi hành án dân sự ở Châu Âu”, Tác giả Prof. Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Viện nghiên cứu Luật So sánh và Luật Quốc tế của Anh, 2005, Trang 47.
[2] Giáo sư Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Thực tiễn thi hành án dân sự ở Châu Âu, Viện nghiên cứu Luật So sánh và Luật Quốc tế của Anh, 2005, Trang 50.
[3] Tác giả Dr. Wendy Kennett, Thi hành án dân sự ở Châu âu, Oxford Univerisy Press, 2000, Trang 99.
[4] Khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
[5] Điểm đ khoản 1 Điều 7, điểm đ khoản 1 Điều 31 và khoản 5 Điều 44.
[6] Điểm k khoản 1 Điều 7.
[7] Điều 7a, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 44
[8] Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
[9] Báo cáo số 128, ngày 06.03.2008 về minh bạch tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở cộng đồng Châu âu, Trang 3-4.
[10] Ví dụ, Đan Mạch, Cộng hòa Liên bang Đức, Estonia, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Điển, Vương quốc Anh, xem Báo cáo số 128, ngày 06.03.2008 về minh bạch tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở cộng đồng Châu âu, Trang 10.
[11] Professor Dr. Christoph A. Kern, LL.M. (Harvard), Lausanne/Heidelberg, Báo cáo Quốc gia của Đức, Trang 11.
[12] Khoản 1 Điều 802c Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[13] Điều 802l Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức.
[14] Báo cáo tổng quan số JAI/A3/2002/02 ngày 18/02/2004 về thi hành có hiệu quả quyết định tư pháp trong Hiệp hội các quốc gia Châu âu, Trang 35-36.
[15] Khoản 2 Điều 802c Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[16] Điều 802d Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức.
[17] Điều 138 Đạo luật Phá sản của Đức đã liệt kê đầy đủ, chi tiết những người có quan hệ gần gũi với người phải thi hành án, ví dụ như vợ hoặc chồng của người phải thi hành án; đối tác dân sự của người phải thi hành án; con cháu, anh chị em của người phải thi hành án; những người sống trong cùng gia đình với người phải thi hành án hoặc sống trong căn hộ của người phải thi hành án vào năm cuối cùng trước khi thực hiện giao dịch hoặc người có thể cung cấp thông tin về tình hình tài chính của người phải thi hành án trên cơ sở hợp đồng lao động hoặc dịch vụ với người phải thi hành án; thành viên của cơ quan đại diện hoặc cơ quan thực hiện việc giám sát, quản lý người phải thi hành án; v.v.
[18] Professor Dr. Christoph A. Kern, LL.M. (Harvard), Lausanne/Heidelberg, Báo cáo Quốc gia của Đức, Trang 11.
[19] Điều 802g Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức.
[20] Khoản 1 Điều 802j Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức.
[21] Khoản 1 Điều 802g Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức.
[22] Câu 2 Khoản 2 Điều 802g Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức.
[23] Câu 1 khoản 2 Điều 802g Bộ luật Tố tụng Dân sự Đức: “Die Verhaftung des Schuldners erfolgt durch einen Gerichtsvollzieher”.