Không thể phủ nhận được vai trò vô cùng quan trọng của Thi hành án dân sự trong việc duy trì và bảo vệ công lý, tuy nhiên đây lại là lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, thực tế này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà vẫn còn là nỗi trăn trở chung của các nhà quản lý, nhà lập pháp, nhà khoa học và các học giả tâm huyết về lĩnh vực này trên thế giới. Để hiểu sâu hơn về vai trò, ý nghĩa cùng với những khó khăn của lĩnh vực thi hành án dân sự ở Việt Nam, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số nhận định, bình luận hoặc quan điểm từ kết quả nghiên cứu của các học giả quốc tế về lĩnh vực này.
1. Phân tích về mối quan hệ giữa công tác thi hành án dân sự với công tác xét xử, giữa Nhà nước và Pháp luật, trong bài phát biểu mở đầu Hội nghị: “Hài hòa hóa thủ tục thi hành án dân sự nhằm thực thi công lý xuyên biên giới”, được tổ chức tại Washington, Mỹ năm 2006, đã nhấn mạnh: “Không có Nhà nước nào lại không có Pháp luật, không Pháp luật nào lại không có Thẩm phán, không có bản án nào lại không có Cán bộ Thi hành án”. Từ quan điểm này có thể hiểu rằng sự ra đời và tồn tại của lĩnh vực thi hành án dân sự như một thực thể tự nhiên của loài người, gắn liền cùng với sự ra đời của các chế định như Tòa án, Nhà nước và Pháp luật.
2. Bàn về vai trò của thi hành án dân sự trong một nhà nước pháp quyền, tại hội nghị: “Thi hành Quyết định của Tòa án trong thế giới Pháp ngữ” được tổ chức tại Paris, Pháp năm 2012 đã cho rằng, công lý chỉ có ý nghĩa khi và chỉ khi quyết định của Tòa án được thi hành. Nguyên tắc bảo đảm an toàn của Luật pháp và bảo đảm hiệu lực điều chỉnh của nó trên thực tế trong một nhà nước thượng tôn pháp luật đã chỉ ra rằng cần có sự phân định giữa quyền lực của Thẩm phán với tư cách là người thực hiện việc xét xử với quyền lực của Cán bộ Thi hành án, với tư cách là người bảo đảm thực hiện Quyết định của Tòa án. Nội hàm các khái niệm nguyên tắc Pháp luật và sự an toàn của Pháp lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho hệ thống pháp luật do mình ban hành, nhưng Cán bộ Thi hành án lại giữ vị trí trung tâm.
3. Đề cập đến mối quan hệ giữa pháp luật thi hành án dân sự với Hiến pháp cũng như với Pháp luật Quốc tế, năm 1996 Giáo sư Luật học Konstantinos D. Kerameus khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Khoa học của Bỉ
[1] đã vui mừng chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu pháp luật thi hành án dân sự trên thế giới đã nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của công tác thi hành án dân sự cũng như mối quan hệ và đóng góp của nó đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và nền kinh tế quốc tế. Sự tương tác qua lại giữa công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế với pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ và cùng hướng tới nhiều mục đích điều chỉnh chung, đặc biệt là những vấn đề có tính nguyên tắc trong việc bảo vệ quyền con người và những quyền cơ bản của công dân, ví dụ, các vấn đề về quyền tài sản, quyền tự do thông tin và quyền được tôn trọng bí mật đời tư, v.v.
Yêu cầu của pháp luật quốc tế và pháp luật khu vực Châu âu ngày càng cao hơn trong việc khuyến khích các quốc gia thông qua hệ thống pháp luật thi hành án dân sự hiệu quả để bảo vệ quyền con người và những quyền cơ bản của công dân. Ví dụ, Hội đồng Bộ trưởng các quốc gia thành viên của Hội đồng Châu âu đã nhấn mạnh rằng việc thi hành bản án của Tòa án cũng là một phần quan trọng và cần thiết của quyền cơ bản của con người, đó là quyền được xét xử công bằng trong một thời gian hợp lý phù hợp với Điều 6 của Công ước Châu âu về quyền con người
[2]. Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Burkhard Hess, Trường đại học Heidelberg, Cộng hòa liên bang Đức
[3] thì kể từ năm 1997, Tòa án nhân quyền Châu âu đã áp dụng Điều 6 không chỉ trong quá trình xét xử mà còn với cả quy trình, thủ tục thi hành án dân sự. Yêu cầu của Điều 6 có ngụ ý rằng người được thi hành án (người khởi kiện) không những có quyền yêu cầu Tòa án xét xử công bằng trong một thời gian hợp lý mà còn có quyền yêu cầu khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc thi hành án hiệu quả trong một thời gian hợp lý nhằm thỏa mãn yêu cầu của người được thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án. Tất cả các quốc gia thành viên Châu âu, theo quy định bắt buộc của Công ước Châu âu về nhân quyền phải quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình một hệ thống tổ chức thi hành án và thủ tục thi hành án dân sự hiệu quả và công bằng.
4. Nói về vai trò của thi hành án dân sự trong bối cảnh cải cách tư pháp đối với yêu cầu phát triển kinh tế ở Châu âu, bà Viviane Reding - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu âu cho rằng: “Một hệ thống tư pháp hiệu quả và độc lập là một yếu tố then chốt để một quốc gia có thể thu hút đầu tư và kinh doanh. Đó là lý do vì sao một quyết định tư pháp được thi hành kịp thời, hiệu quả lại trở nên quan trọng và cũng là lý do mà yêu cầu cải cách nền tư pháp ở mỗi quốc gia thành viên Châu âu được coi là một trong những yêu cầu quan trọng bắt buộc trong chiến lược phát triển kinh tế của Châu âu”
[4]. Quan điểm này cũng là một trong những gợi mở nhằm tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhận thức về mối quan hệ giữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự với việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ngày 03 tháng 06 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đã khẳng định phải tiếp tục “đẩy mạnh cải cách tư pháp. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, trọng tâm là các hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án nhân dân các cấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về kinh tế. Tăng cường tính độc lập của hệ thống tư pháp các cấp trong xét xử, thi hành án dân sự, kinh tế”.
5. Vai trò và sứ mệnh của lĩnh vực thi hành án dân sự là to lớn, tuy nhiên khó khăn, thách thức của lĩnh vực này lại không nhỏ kể cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn và có xu hướng ngày càng phức tạp hơn nếu thiếu những định hướng đúng đắn và cơ chế thực thi hiệu quả. Dưới đây là một số những thách thức, hạn chế, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình lập pháp, trong công tác nghiên cứu cũng như trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự theo nghiên cứu của các học giả quốc tế:
5.1. Trong tài liệu: “Hiến pháp: những quyền cơ bản và pháp luật thi hành án dân sự”
[5], tại Hội nghị bàn về Pháp luật Tố tụng và Hiến pháp, được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2014, đã đưa ra một minh chứng về tính ổn định và tính dự báo trong các quy định của pháp luật thi hành án dân sự liên quan đến việc sửa đổi Luật thi hành án dân sự. Đó là từ năm 1994, Luật Thi hành án dân sự của Hungary đã được sửa đổi, bổ sung hơn 100 lần, và chỉ tính riêng vài năm qua, Đạo luật này đã phải sửa đổi, bổ sung 10 lần. Sự thay đổi nhiều của pháp luật thi hành án dân sự như vậy đã dấy lên những lo ngại về quy trình thủ tục thi hành án không những đối với người được thi hành án, từ phía một bộ phận các cơ quan chức năng mà còn cả những giáo sư Luật.
5.2. Việc có được quyền và lợi ích hợp pháp theo bản án, quyết định đã tuyên của Tòa án không phải luôn luôn đồng nghĩa với việc người đó sẽ dễ dàng và thuận lợi trong việc nhận lại được quyền lợi của mình, mà sau khi có bản án của Tòa án thì người được thi hành án vẫn còn phải theo đuổi một hành trình đầy khó khăn, và tiềm ẩn những rủi ro. Về vấn đề này, kết quả nghiên cứu của Tiến sỹ Wendy Kennett
[6] đã nhận định nếu người phải thi hành án có ý định chống lại việc thi hành án thì người được thi hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm sáng tỏ thông tin về tài sản của họ, và tài sản đất đai, động sản hoặc tiền ở ngân hàng của người phải thi hành án có thể dễ dàng chuyển giao cho người thứ ba đứng tên. Từ thực trạng trên, tác giả khẳng định rằng chắc chắn ở một số quốc gia sẽ có sự hiện diện của những hố đen “
black holes” mà ở đó người bị kiện và tài sản của họ có thể sẽ biến mất.
5.3. Sau nhiều năm nghiên cứu đi tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Giáo sư, Tiến sỹ Luật học Juan Pablo Correa Delcasso, Trường Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, từ năm 2005 đã cho rằng tính hiệu quả của các phương pháp thi hành án dân sự phụ thuộc nhiều vào mức độ minh bạch thông tin tài sản của người phải thi hành án hơn là xem xét về bản chất thẩm quyền thi hành án của các mô hình thi hành án dân sự khác nhau
[7].
5.4. Việc có được thông tin đầy đủ về tài sản của người thi hành án trong phạm vi biên giới lãnh thổ quốc gia đã là vấn đề nan giải, tuy nhiên khó khăn này càng trở nên phức tạp hơn nếu việc thi hành án dân sự lại liên quan tới hai hoặc nhiều quốc gia khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến hơn. Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Burkhard Hess, Trường đại học Heidelberg, Cộng hòa Liên bang Đức thì đối với việc thi hành án dân sự liên quan tới nước ngoài, người được thi hành án phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ví dụ như hệ thống pháp luật khác nhau, rào cản ngôn ngữ, các khoản chi phí khác phát sinh cao hơn, việc trì hoãn thi hành án và thỉnh thoảng sự thiếu thiện chí và hợp tác của một bộ phận nhà chức trách có thẩm quyền trong việc thi hành bản án, quyết định ở nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc tiếp cận một cách có hiệu quả với cơ quan chức năng để yêu cầu thi hành án liên quan với nước ngoài là không thể. Kết quả là rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ không muốn tìm kiếm việc thi hành đối với những khoản phải thi hành án ở nước ngoài, đơn giản là họ từ bỏ quyền và nghĩa vụ của họ theo bản án, quyết định của Tòa án
[8].
5.5. Thi hành án dân sự không những khó ở khâu tổ chức thi hành trên thực tiễn mà dưới góc độ lý luận, việc truyền đạt kiến thức về thi hành án dân sự cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả những giáo sư chuyên ngành về thi hành án dân sự. Theo một kết quả nghiên cứu từ năm 2005
[9] cho rằng có rất ít kiến thức về những gì thực sự xảy ra đối với pháp luật, quy trình, thủ tục thi hành án dân sự ở nước ngoài và thiếu kết quả nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực này. Đối với luật sư thì Thi hành án dân sự chưa bao giờ là lĩnh vực yêu thích của họ. Việc giảng dạy pháp luật về hợp đồng hoặc thậm chí là pháp luật tố tụng ở nhiều quốc gia khác nhau còn dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với việc giảng dạy các vấn đề về Thi hành án dân sự.
Đã từ rất lâu, việc nghiên cứu về thi hành án dân sự nói chung, pháp luật thi hành án dân sự nói riêng đã được đầu tư công phu và có hệ thống trên phạm vi quốc tế. Do đó, đến nay cơ bản thể chế và mô hình tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự ở nhiều nước (đặc biệt là ở khu vực các nước Châu âu) đã có nhiều bước tiến vượt bậc cả về việc mở rộng nội hàm các khái niệm cùng với các yêu cầu về quy trình, thủ tục thi hành án, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc bảo vệ nhân quyền, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, thông qua việc thi hành có hiệu quả trong thời gian hợp lý các bản án, quyết định của Tòa án.
Hy vọng những chia sẻ về vai trò, ý nghĩa cùng với những khó khăn, thách thức của lĩnh vực thi hành án dân sự qua góc nhìn của các học giả quốc tế sẽ cho chúng ta một bức tranh tổng thể về sự chuyển động và phát triển của lĩnh vực thi hành án, qua đó có cái nhìn tổng quan hơn về bối cảnh thi hành án dân sự ở trong nước về kết quả, nguyên nhân, thực trạng và có giải pháp, định hướng lớn nhằm hoàn thiện pháp luật; mô hình tổ chức; quy trình, thủ tục thi hành án phù hợp hơn với thông lệ thi hành án dân sự quốc tế.