Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường thẩm định tài sản bảo đảm

09/03/2018
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng năm 2018, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian tới, ngày 23/02/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến đã ký văn bản số 1114/NHNN-PC yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện các nội dung tại Công văn số 1099/NHNN-PC ngày 27/02/2017 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế phối hợp số 01/QCLN/NHNNVN-BTP giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm trong quá trình cho vay, phối hợp hiệu quả với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật.
 


Năm 2017, toàn quốc về việc, tổng số thụ lý là 882.630 việc, tăng 46.576 việc (5,57%) so với năm 2016. Tổng số phải thi hành là 869.430 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 693.264 việc (79,74%); số chưa có điều kiện thi hành là 176.166 việc (20,26%). Kết quả: Thi hành xong 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016. Về tiền, tổng số thụ lý là 172.959 tỷ 724 triệu 927 nghìn đồng, tăng 28.434 tỷ 887 triệu 444 nghìn đồng (19,67%) so với năm 2016. Tổng số phải thi hành là 163.658 tỷ 232 triệu 569 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 92.000 tỷ 198 triệu 484 nghìn đồng (56,21%); số chưa có điều kiện thi hành là 71.658 tỷ 034 triệu 086 nghìn đồng (43,79%). Kết quả: Thi hành xong 35.242 tỷ 612 triệu 983 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ 747 triệu 665 nghìn đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016.
Về kết quả thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, năm 2017, tổng số phải thi hành loại này là 22.473 việc, với số tiền là 99.311 tỷ 812 triệu 726 nghìn đồng, tương ứng với 2,58% về việc và 60,74% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả: Thi hành xong: 4.440 việc, thu được số tiền là 27.701 tỷ 223 triệu 513 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 19,76% về việc và 27,89% về tiền, tăng so với năm 2016 cả về giá trị tuyệt đối (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng) và về tỷ lệ (tăng 2,41% về việc và 2,9% về tiền).
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ quan  thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc các quy định về THADS liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã có hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh đó, việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn như xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay, như vụ việc Công ty TNHH TM Hiệp Long, Ngân hàng phát triển định giá tài sản quá cao, trên 186 tỷ đồng nhưng khi thi hành án các tài sản thế chấp được thẩm định giá chỉ còn trên 61 tỷ đồng (Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi). Bên cạnh đó, trong trường hợp đấu giá không có người mua, bên được thi hành án là các tổ chức tín dụng thường không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án theo khoản 2 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, năm 2017, thị trường bất động sản tuy có khởi sắc nhưng chưa rõ rệt, nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được, năm 2017, toàn quốc có 7.535 việc đã kê biên, định giá lại, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với số tiền trên 10.898 tỷ đồng, chiếm 11,8% số tiền có điều kiện đang thi hành của toàn quốc. Một số địa phương có số vụ việc bán đấu giá lần 03 trở lên chiếm tỷ lệ lớn như, Trà Vinh (509 việc); Sóc Trăng (371 việc); Hà Nội (321 việc); Tiền Giang (303 việc); Cần Thơ (303 việc). Cá biệt, một số trường hợp phải hạ giá lần thứ 13 (như vụ Công ty TNHH TM Hiệp Long - Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi). Đặc biệt, toàn Hệ thống còn 573 vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, tương ứng với số tiền là trên 1.400 tỷ đồng. Các địa phương có nhiều vụ việc loại này là Hà Nội (121 việc); TP.Hồ Chí Minh (81 việc); Bình Dương (36 việc); An Giang (26 việc); Cần Thơ (24 việc).
                                                                                                Xuân Bách