Có thể nói, trong lĩnh vực thi hành án dân sự, trên thực tế, theo yêu cầu đột xuất hoặc yêu cầu của cơ quan Trung ương (Ban Nội chính, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Quốc hội…) thì Hệ thống thi hành án dân sự thống kê, báo cáo nhiều biểu mẫu, danh sách. Thực hiện Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” với mục tiêu giảm thiểu tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những nội dụng báo cáo trùng lặp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với các đơn vị báo rà soát được Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2604 phê duyệt Danh mục chế độ báo cáo định kỳ theo chức năng của Bộ Tư pháp, theo đó có 08 loại báo cáo thống kê về thi hành án, với mức như vậy là phù hợp.
Để giảm thiểu số lượng báo cáo thống kê và đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện thống kê, Tổng cục Thi hành án dân sự đã và đang thực hiện giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp sửa đổi Thông tư về thống kê thi hành án dân sự, theo đó ghép báo cáo, đơn giản hóa, cắt giảm chỉ tiêu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê thi hành án, đặc biệt là triển khai Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Phần mềm đã được triển khai giai đoạn 1 từ ngày 01/4/2018 gồm 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ 01/8/2018 sẽ triển khai trong phạm vi toàn quốc. Mặt khác, tăng cường sử dụng chữ ký số; gửi, nhận báo cáo thống kê qua đường thư điện tử hòm thư công vụ.
|
|
Căn cứ Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự năm 2018, dự thảo Bảng Tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2018 gồm các nội dung chính sau: A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH (140 điểm= 70%): 1. Kết quả thi hành án về việc (30 điểm); 2. Kết quả thi hành án về tiền (30 điểm); 3. Giảm số việc có điều kiện thi hành án dân sự chuyển kỳ sau (20 điểm); 4. Giảm số tiền có điều kiện thi hành án dân sự chuyển kỳ sau (20 điểm); 5. Công tác Thi hành án hành chính (7 điểm); 6. Thực hiện quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (18 điểm); 7. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (15 điểm). B. THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHÁC (60 điểm = 30%) 1. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kế hoạch phòng, chống tham nhũng; quy chế dân chủ ở cơ quan và phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, của địa phương (4 điểm); 2. Thực hiện các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục; (6 điểm); 3. Thực hiện công tác thống kê, văn phòng và các chế độ báo cáo (7 điểm); 4. Công tác cải cách hành chính (3 điểm); 5. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (5 điểm); 6. Công tác kiểm tra, giám sát (5 điểm); 7 Công tác tài chính, kế toán, quản lý tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản (10 điểm); 8. Công tác tổ chức cán bộ (15 điểm); 9. Công tác thi đua, khen thưởng (5 điểm).
Sau khi nghe Cục Kế hoạch - Tài chính Bộ Tư pháp báo cáo về công tác thống kê trong ngành Tư pháp trong đó có thống kê về thi hành án dân sự và Vụ Thi đua khen thưởng Bộ Tư pháp báo cáo dự thảo Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua xếp hạng năm 2018 đối với 03 nhóm (1) các đơn vị thuộc Bộ, (2) các Sở Tư pháp, (3) các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đơn vị thuộc Bộ và ý kiến của 02 Thứ trưởng Bộ Tư pháp tham gia cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đã đánh giá cao công tác thống kê trong ngành tư pháp, trong đó có công tác thống kê trong lĩnh vực thi hành án dân sự có sự tiến bộ rất nhiều, rành mạch, chính xác hơn; công tác thi đua khen thưởng, xếp hạng hàng năm đối với các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã bài bản, khá hơn. Tuy nhiên, công tác thống kê nhiều việc cần phải tiếp tục chú trọng thực hiện, với chủ trương đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực. Đối với bảng chấm điểm thi đua, xếp hạng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2018 cần có cơ chế đặc thù cho những địa phương nhất định và đánh giá xếp hạng đối với các trường hợp vi phạm do đơn vị tự phát hiện, chủ động xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý mặc dù không khen thưởng đối với đơn vị có cán bộ vi phạm theo đúng quy định của Luật Thi đua - khen thưởng.