Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thi hành án dân sự

31/10/2018
Điều 106 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơquan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Có thể thấy, hoạt động thi hành án dân sự(gọi tắt là THADS) có một ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Bản án, quyết định được thi hành trên thực tế không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo thực thi công lý mà còn là công cụ hữu hiệu để khôi phục trạng thái ban đầu các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và cá nhân trước khi bị các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại.


Thực tiễn cho thấy, công tác THADS ngày càng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như:Số lượng việc và tiền phải thi hành hàng năm không ngừng tăng cao; tính chất việc thi hành án dân sự ngày càng phức tạp…, trong khi yêu cầu của xã hội đối với công tác THADS ngày càng cao; biên chế, kinh phí cho hoạt động thi hành án dân sự hàng năm không ngừng bị tiết giảm.Do đó, để nâng cao kết quả, hiệu quả và chất lượng hoạt động thi hành án dân sự, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ về hoàn thiện pháp luật, về tổ chức biên chế, về chỉ đạo điều hành, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự nhằm hỗ trợ cho cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án dân sự.là vô cùng cần thiết, phù hợp với thực tiễn xu thế phát triển và qui định của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014(Luật THADS).
Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả phân tích một số vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức thi hành án và đề xuất áp dụng một số giải pháp liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình này để góp phần rút ngắn thủ tục, nâng cao chất lượng công tác THADS.
Thứ nhất: Về chuyển giao bản án, quyết định
Vấn đề chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài thương mại được quy định cụ thể tại điều 28, 29 Luật THADS. Theo đó, trình tự thủ tục giao nhận bản án quyết định giữa cơ quan THADS với các cơ quan chuyển giao vẫn được thực hiện bằng hình thức truyền thống là giao nhận trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện. Tuy nhiên, với số lượng bản án, quyết định ngày càng phát sinh nhiều và lượng công việc tăng cao như hiện nay, hình thức này đang bộc lộ rất nhiều hạn chế. Cụ thể như: việc giao nhận bản án, quyết định đòi hỏi phải có thời gian nhất định (việc gửi qua đường bưu điện thì phải có thời gian in ấn, đóng dấu bản án, quyết định; thời gian để nhân viên bưu điện vận chuyển hoặc thời gian đi lại của nhân viên Tòa án, Trọng tài tới cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp giao nhận trực tiếp.v.v), khoảng thời gian này là khá dài, đặc biệt là đối với các trường hợp trụ sở Tòa án, Trọng tài cách xa trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Mặt khác, trên thực tế hiện nay đã có những trường hợp xảy ra việc chuyển bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị chậm. Đặc biệt, đối với những bản án phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm. Việc theo dõi bằng sổ sách, giấy tờ thủ công cũng dẫn đến hệ quả rất dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót bản án, quyết định, việc theo dõi, tra cứu cũng mất nhiều thời gian, gây lãng phí nhân lực và chi phí của nhà nước.
Việc giao nhận, bản án, quyết định có thể thực hiện bằng ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Ví dụ như bổ sung quy định việc chuyển giao bản án của tòa án cấp trên cho cơ quan THADS có thể thực hiện phần mềm chuyển giao bản án, quyết định,bởi vì với công nghệ chữ ký số như hiện nay thì chữ ký của thẩm phán trên văn bản viết cũng đảm bảo tính bảo mật rất cao. Mặt khác, hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng từ và cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng văn bản điện tử, phần mềm gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng từ và cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng văn bản điện tử đang được triển khai thực thống nhất trong ngành Tòa án. Do vậy, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hệ thống thi hành án dân sự với ngành Tòa án thì việc này hoàn toàn có tính khả thi.
Có thể thấy rõ khi thực hiện giao nhận bản án, quyết định bằng văn bản điện tử, công việc sẽ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, giảm thời gian giao nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án nhanh chóng hơn. Việc “số hóa” bản án, quyết định và gửi, nhận trên phần mềm không chỉ đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời của việc chuyển giao mà còn phát huy tính chủ động của cơ quan thi hành án trong việc tiếp nhận bản án, quyết định từ các cơ quan tài phán có thẩm quyền và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan THADS với các cơ quan này trong công tác giao, nhận bản án, quyết định.  Tuy nhiên, để thực hiện được cần quy định sử dụng chữ ký số trong việc ký ban hành bản án, quyết định vào tạo lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ kết nối giữa Tòa án, Trọng tài với cơ quan thi hành án dân sự.
Thứ hai: Về áp dụng cơ chế một cửa trong thi hành án dân sự
Ngày 11/5/2017, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 537/QĐ-TCTHADS về việc ban hành Quy trình và triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan THADS trên toàn quốc. Việc thực hiện cơ chế một cửa đã đã tạo ra một số chuyển biến tích cực trong công tác THADS như: Giúp lãnh đạo các cơ quan THADS nắm bắt một cách toàn diện, cụ thể quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc tại bộ phận một cửa, đảm bảo chính xác và quản lý chặt chẽ hơn so với trước khi áp dụng. Cơ chế một cửa tạo cơ chế giám sát trong hoạt động giải quyết công việc của cơ quan THADS đối với cá nhân, tổ chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ. Việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được thực hiện nhanh chóng, chính xác, trách nhiệm của từng bộ phận tham gia giải quyết công việc được nâng cao. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trực tuyến cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, mang lại nhiều lựa chọn và tiện ích phù hợp với xu thế áp dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính hiện nay, được người dân đánh giá cao và hài lòng, nhất là đối với những người ở xa cơ quan THADS….Bằng việc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS, các trang thông tin của Cục THADS người dân có thể tra cứu thông tin và tương tác với cơ quan thi hành án trên môi trường mạng, rất thuận tiện cho việc gửi email đến cơ quan thi hành án dân sự và tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến từ nơi có thẩm quyền giải quyết. Việc tạo môi trường tương tác trực tuyến giữa người dân với cơ quan thi hành án dân sự, từng bước tăng cường công khai, minh bạch thủ tục thi hành án dân sự, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công chức thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay vẫn còn chưa tương thích và phù hợp với những chuyển biến trong áp dụng công nghệ thông tin.
Ví dụ: Về hình thức yêu cầu thi hành án, Luật THADS quy định 03 hình thức yêu cầu thi hành án (trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện). Tuy nhiên, hình thức yêu cầu thi hành án trực tuyến cũng nên được quan tâm và Luật hóa để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời đảm bảo tính nhanh chóng, toàn diện của hình thức yêu cầu thi hành án cũng như thời hạn ra quyết định thi hành án từ đó góp phần rút ngắn nhiều thủ tục khác.
Đối với việc trả kết quả của bộ phận một cửa trong một số trường hợp vẫn có phần chồng lặp trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ: Khi bộ phận một cửa trả kết quả đối với yêu cầu thi hành án theo cơ chế một cửa, người nhận kết quả đã ký nhận quyết định thi hành án vào phiếu lưu hẹn, sau đó cơ quan THADS thực hiện trả kết quả yêu cầu thi hành án dân sự thông qua việc giao quyết định thi hành án cho đương sự có yêu cầu, tuy nhiên, sau đó chấp hành viên vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục giao quyết định thi hành án cho đương sự do trong hồ sơ thi hành án chưa thể hiện việc giao quyết định này. Đây cũng là một vấn đề cần được quy định rõ, tránh trùng lặp thủ tục và phát sinh thêm công việc cho chấp hành viên.
Thực tiễn cũng cho thấy,các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn các thủ tục hành chính một cửa.Việc nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến qua mạng internet vẫn chưa được thực hiện rộng rãi. Vẫn còn một số phản hồi từ đương sự về việc không thể gửi yêu cầu hỗ trợ vào địa chỉ email hoặc có gửi nhưng kiểm tra hộp thư không nhận được nên họ phải liên hệ trực tiếp để được hướng dẫn. Một số trường hợp biết được phương thức hỗ trợ trực tuyến nhưng vẫn trực tiếp liên hệ đến cơ quan thi hành án dân sự để được hướng dẫn vì lý do không có điều kiện và sự hiểu biết cần thiết về công nghệ thông tin nên hầu hết các yêu cầu tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến đều nhận từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tổ chức tín dụng.
Thứ ba: Về thông báo về thi hành án dân sự
Vấn đề thông báo trong thi hành án dân sự được quy định từ  Điều 39 đến Điều 43 Luật THADS; Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS( Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS (Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC). Qua các quy định trên có thể thấy, việc thông báo thi hành án gần như vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống như thông báo trực tiếp, niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó việc thông báo trực tiếp vẫn là một trong những hình thức ưu tiên sử dụng.
Các hình thức như gửi thông báo trực tiếp hoặc niêm yết công khai do chấp hành viên hoặc Thư ký thi hành án thực hiện đã cho thấy tính không hiệu quả của các quy định hiện hành. Thực tế cho thấy, quá trình tổ chức thi hành án thường mất nhiều thời gian và có rất nhiều thông báo, cùng một thời điểm mỗi chấp hành viênphải thi hành đồng thời nhiều vụ việc. Hơn nữa, khoảng cách đến nơi được thông báo không phải lúc nào cũng gần, việc di chuyển, đi lại mất nhiều thời gian, công sức và việc thông báo trực tiếp không phải lúc nào cũng thành công. Trong điều kiện việc ứng dụng công nghệ thông tin đang được phát triển mạnh mẽ (đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay), phần lớn người dân đã sử dụng mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh,...thì việc quy định thông báo về thi hành án dân sự thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật Thi hành án dân sự sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự nhanh hơn, rút ngắn thời gian thi hành án.
Ví dụ: Với hệ thống máy tính được kết nối internet như hiện nay, có thể xem xét bổ sung các quy định mở rộng hơn về cách thức thực hiện thông báo như: Chấp hành viên có thể gửi các Thông báo về UBND cấp xã qua hình thức thư điện tử, đính kèm file thông báo, hoặc gửi bản fax thông báo, sau đó cán bộ cấp xã được giao phụ trách có thể in thông báo ra và niêm yết công khai tại trụ sở của UBND cấp xã sẽ hạn chế việc đi lại của chấp hành viên hoặc Thư ký thi hành án. Hoặc có thể gửi trực tiếp thư điện tử đính kèm thông báo, bản fax trực tiếp tới đối tượng được thông báo. Khi thực hiện việc niêm yết công khai, chấp hành viên có thể thực hiện chụp ảnh lại nơi đã dán( treo) văn bản thông báo, thay cho việc lập biên bản niêm yết công khai tại cả ba địa điểm (trụ sở cơ quan THADS, trụ sở UBND cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự được thông báo(khoản 2 Điều 42 Luật THADS) việc đó sẽ giản tiện rất nhiều thủ tục, giúp tiết kiệm thời gian và công sức của chấp hành viên. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp chấp hành viên bị cản trở, chống đối khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, trong các trường hợp đó, có thể quy định việc công nhận kết quả xác minh từ các bản ảnh chụp và xác định vị trí diện tích thửa đất theo tọa độ trên bản đồ vệ tinh… để tạo thuận lợi hơn cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Thông báo thi hành án cũng có thể được gửi cho đối tượng được thông báo thông qua việc sử dụng các ứng dụng của điện thoại thông minh. Hiện nay, một trong những phương tiện liên lạc phổ biến nhất là điện thoại; việc sử dụng điện thoại để thông báo là rất thuận tiện, tuy nhiên, việc lưu giữ tài liệu thể hiện các thông tin và nội dung trong cuộc liên lạc lại khó có thể được thể hiện trong hồ sơ thi hành án.
Theo Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật THADS, ngoài ra có thể được công khai trên Trang Thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quy định này chỉ bó hẹp trong phạm vi “có thể” hoặc chỉ khi “có yêu cầu” của đối tượng được nhận thông báo nên thực tế thực hiệnvẫn còn hạn chế. Do đó cần mở rộng và đa dạng hơn nữa các phương thức thông báo này.
Tăng cường áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến tài sản trong thi hành án dân sự 
Tài sản đã kê biên trong thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật THADS được bán theo hình thức bán đấu giá hoặc bán không qua thủ tục đấu giá. Theo Điều 40 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá (1); Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá (2); Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp(3); Đấu giá trực tuyến(4).
Phương thức đấu giá trực tuyến là rất tích cực, phù hợp với xu hướng chung, tương đồng với nhiều nước trên thế giới đã thực hiện (Nhật Bản, Thái Lan…), thông qua việc kết nối Internet, nhiều người biết đến tài sản bán cũng như dễ dàng mua tài sản. Tuy nhiên, phương thưc đấu giá trực tuyến hiện vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp luật và thực tế chưa có cơ quan đấu giá nào thực hiện phương thức đấu giá tiến bộ này. Do đó, cần có những nghiên cứu sâu hơn và tìm ra giải pháp để tăng cường áp dụng hình thức đấu giá này.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với các thủ tục khác trong công tác thi hành án dân sự
Công tác THADS thực hiện thông qua nhiều hoạt động, với nhiều thủ tục ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, do đócần phải chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động khác, đặc biệt là các thủ tục liên quan trực tiếp đến việc thi hành án mới có thể đảm bảo rút ngắn thời gian thi hành án.
Ví dụ: Đối với thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án: Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án được quy định tại Điều 47, Điều 126, Điều 129 Luật THADS; Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC; Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. Theo các quy định trên thì phương thức thanh toán tiền thi hành án được ưu tiên là đương sự trực tiếp đến nhận tiền (hoặc ủy quyền cho người khác đến nhận thay) tại cơ quan THADS, việc thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng chi trả tiền mặt. Việc thanh toán tiền bằng phương thức chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản chỉ được thực hiện khi “người được nhận tiền cung cấp tài khoản và yêu cầu chuyển khoản thì cơ quan THADS làm thủ tục chuyển khoản”. Điều này phần nào hạn chế sự chủ động của cơ quan THADS và trong một số trường hợp cũng dẫn đến khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán tiền thi hành án. Việc thanh toán tiền qua tài khoản sẽ giảm bớt thời gian thanh toán tiền thi hành án và kiểm soát chặt chẽ được tiền, tài sản trong thi hành án dân sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng tăng cường, khuyến khích thanh toán tiền thi hành án bằng hình thức chuyển khoản là cần thiết, giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian thi hành án.
Đồng thời, các thủ tục khác trong THADScũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như: Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự(ví dụ: thông báo thụ lý đơn, thông báo triệu tập đương sự…có thể được thực hiện qua email, bản fax…); kiểm sát, giám sát và thực hiện kiểm sát, giám sát trong thi hành án dân sự; quản lý, xử lý tang vật trong thi hành án dân sự; quản lý cán bộ thi hành án dân sự; thống kê, báo cáo và quản lý, xử lý dữ liệu về thi hành án dân sự.
Để thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự nói chung và trong tổ chức việc thi hành án dân sự nói riêng để rút ngắn thời gian thi hành cần có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả của toàn bộ hệ thống các cơ quan THADS. Nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất:Tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng quy định thực hiện một số thủ tục thi hành án dân sự thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm các điều kiện thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự.
Thứ hai: Xây dựng các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin; Trong đó cần quan tâm về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, máy chủ, máy trạm, đường truyền kết nối, lưu trữ, thiết bị an ninh, bảo mật, đồng thời tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu điện tử giữa cơ quan THADS với các cơ quan, tổ chức liên quan về bản án, quyết định. Phối hợp kết nối, chia sẻ các dữ liệu điện tử khác liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định giữa các cơ quan liên quan như: Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan công an,  cơ quan thi hành án hình sựvà cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Các giải pháp kỹ thuật đưa ra phù hợp và phát huy được hạ tầng kỹ thuật hiện có nhưng ưu tiên việc kế thừa các phần mềm ứng dụng; bảo đảm các phần mềm ứng dụng chuyên ngành thực hiện thuận lợi, trong đó đặc biệt là quản lý, vận hành hiệu quả Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự; cơ sở dữ liệu điện tử về việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện, phần mềm hỗ trợ trực tuyến, phần mềm truyền hình trực tuyến, phần mềm quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phần mềm quản lý văn bản đi đến, phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ và chức danh tư pháp…
Thứ ba: Bảo đảm nhân lực phù hợp với nền tảng công nghệ thông tin đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đào tạo và tuyển mới đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đủ có trình độ cho Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống THADS. Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thi hành án dân sự về ý nghĩa, vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự.
Thứ tư: Các cơ quan THADS chủ động phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự, có thể xây dựng quy chế áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm sát thi hành án, hoạt động tổ chức thi hành án dân sự để từng bước rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Thứ năm: Đẩy mạnh việc khảo sát, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành trong và ngoài nước thông qua các hình thức học tập,  nghiên cứu kinh nghiệm thực tế, cử cán bộ tham dự các hội thảo, tọa đàm về những vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thi hành án.
Đồng tác giả: TS.Hoàng Thế Anh & ThS. Hoàng Thanh Hoa

1. Tổng cục Thi hành án dân sự, báo cáo thống kê 12 tháng  năm 2017; http://thads.moj.gov.vn/noidung/thongbao/Lists/BaoCaoThongKeTongCuc/View_Detail.aspx?ItemID=87Theo số liệu thống kê của Tổng cục THADS về kết quả thi hành án dân sự của cả nước năm 2017: Tổng số việc thi hành án dân sự phải thi hành: 869.429 việc= 94.744.594.858.000đ
2. Điều 24 Luật THADS quy định: Nhà nước bảo đảm biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ thi hành án, ứng dụng công nghệ thông tin…..cho cơ quan thi hành án dân sự”
3. Nguyễn Ngọc Phong, Bùi Quốc Trưởng, Kinh nghiệm kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự; http://kiemsat.vn/kinh-nghiem-kiem-sat-viec-chuyen-giao-ban-an-quyet-dinh-cho-co-quan-thi-hanh-an-dan-su-47072.html, ngày đăng 21/8/2017, trc: 20/6/2018
4. Xem thêm: Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa, Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa trong thi hành án dân sự, http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TuThucTien/View_Detail.aspx?ItemID=581, ngày đăng: 04/10/2018, trc: 25/10/2018
5. Điều 31 Luật THADS
6. Điều 39 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014
7. Lê Hồng, Thi hành án dân sự TP HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính;http://baophapluat.vn/tu-phap/thi-hanh-an-dan-su-tp-hcm-tiep-tuc-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-390445.html; trc: 15/9/2018
8. Xem thêm: Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì; https://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-la-gi-post750267.html; và bài Công nghiệp 4.0; https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_4.0
9. Xem thêm: Thanh Hoa- Văn Nghĩa, Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thông báo thi hành án; http://baophapluat.vn/tu-phap/can-nang-cao-kha-nang-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-thong-bao-thi-hanh-an-405922.html; ngày đăng: 06/8/2018; trc: 26/10/2018
10. Xem thêm: Thanh Hoa- Văn Nghĩa, Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thông báo thi hành án; http://baophapluat.vn/tu-phap/can-nang-cao-kha-nang-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-thong-bao-thi-hanh-an-405922.html; ngày đăng: 06/8/2018; trc: 26/10/2018
11. Hà Thu Trang, Ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian thi hành án; http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=831; ngày đăng: 18/8/2017, trc: 26/10/2018
12. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 62 “Trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế xã hội thì việc chi trả tiền thi hành án thực hiện bằng chuyển khoản”.
13. Khoản 2 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
14. Hà Thu Trang, Ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian thi hành án; http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=831; ngày đăng: 18/8/2017, trc: 26/10/2018
15. Hà Thu trang, tlđd