Ngày 18/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật THADS. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015.Sau gần 04 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước nói chung và công tác THADS nói riêng, thể hiện ở những điểm cơ bản như: Đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn; công chức trong Hệ thống THADS ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động này; trình tự, thủ tục thi hành án được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức trong công tác thi hành án dân sự được nâng lên. Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã bộc lộ không ít những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tổ chức thi hành án dân sự. Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn này, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và đến tháng 01/2019 được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Học viện Tư pháp là đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; tổ chức bồi dưỡng theo ngạch công chức cho các chức danh thi hành án dân sự và là một trong ba đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp đồng thời có thành viên tham gia Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên mong muốn Ban tổ chức Hội thảo sẽ tập hợp, chắt lọc được ý kiến của các đại biểu tham dự nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa Nghị định sửa đổi, bổ sung này. Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp cũng hướng tới mục tiêu tạo được một diễn đàn để các Chấp hành viên, Thừa phát lại đang thực tế hành nghề chia sẻ về thực trạng áp dụng các quy định của Nghị định số 62, từ đó thảo luận và đưa ra các giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 62. Đồng thời, việc nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng giúp nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các giảng viên tham gia giảng dạy các lớp Đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, các lớp Đào tạo nghề Thừa phát lại, các lớp bồi dưỡng theo ngạch công chức cho các chức danh thi hành án dân sự.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe các báo cáo chuyên đề và thảo luận. Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan về những khó khăn, vướng mắc của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và hướng hoàn thiện. Nhiều ý kiến hết sức tâm huyết của các đại biểu đã giúp Học viện Tư pháp có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn các vấn đề cần kiến nghị để hoàn thiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.
Thay mặt Lãnh đạo Học viện Tư pháp, Giám đốc Đoàn Trung Kiên cảm ơn các đại biểu, các thầy giáo, cô giáo, Lãnh đạo, các Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, các Chi cục THADS trên địa bàn Hà Nội đã tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu và biên tập, rà soát nội dung các tham luận tại Hội thảo để xuất bản kỷ yếu Hội thảo đồng thời tổng hợp các ý kiến góp ý đã được thống nhất để gửi Ban biên soạn Nghị định sửa đổi, bổ sung.
Thành công của Hội thảo “Hướng hoàn thiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự” hôm nay khẳng định quyết tâm của Học viện Tư pháp trong việc thực hiện phương châm sẽ là người bạn đồng hành của các cơ quan thi hành án dân sự trong hành trình nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.
Thanh Hương