Đại dịch bệnh Covid-19 thử thách và giải pháp ứng phó trong công tác thi hành án dân sự

10/04/2020

Tình hình dịch bệnh và phòng chống dịch bệnh:
Theo công bố của Bộ y tế, tính đến ngày 09/4/2020, dịch bệnh đã xuất hiện ở 27 tỉnh với 225 ca nhiễm bệnh. Trong khi đó, trên thế giới cũng đã trên 200 quốc gia có dịch bệnh với 1.536.552 người nhiễm Corona virus (Covid-19). Bệnh dịch đang ảnh hưởng tới toàn bộ các mặt của đời sống xã hội. Trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây, tình hình về dịch bệnh Covid-19 và kết quả khảo sát tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên (tâm dịch giai đoạn đầu), Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, trong ngắn hạn, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… sẽ bị tác động mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019); 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khi dịch có diễn biến phức tạp trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm rưỡi qua. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất với nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và các thị trường nhập khẩu nguyên liệu khác cũng đã khó khăn.
Trong trung hạn và dài hạn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi và đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh Covid-19. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có một số nội dung có tác động tới việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) năm 2020 và những năm tiếp theo:
Theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Hạn chế tập trung đông người; thực hiện cách ly, giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày; các cơ quan nhà nước bố trí cho công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; tăng cường họp trực tuyến.... Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo cùng với việc kiên quyết phòng, chống dịch bệnh, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Như vậy, theo chỉ đạo của Chính phủ, thì cùng lúc các cơ quan THADS phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với đó, để phòng, chống dịch bệnh, Hội đồng thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/2020/CT-CA; Công văn số 113/TANDTC-VP ngày 30/3/2020; Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020, trong đó chỉ đạo dừng các cuộc hội họp, tập trung đông người; tạm dừng nhận đơn yêu cầu khởi kiện, đơn yêu cầu và tiếp dân; tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết những vụ án chưa đến hạn...; thực hiện các biện pháp quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ.
Các chỉ đạo này sẽ có ảnh hưởng tới việc phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong THADS; ảnh hưởng đến số thụ lý mới tại các cơ quan THADS trong và sau thời gian phòng, chống dịch.
Bộ Tư pháp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành Công văn 1113/BTP-BCĐ ngày 27/3/2020; Công văn số 1114/BTP-BCĐ ngày 30/3/2020; Công văn số 1185/BTP-VP ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. THADS cũng ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh như Công điện số 1044/CĐ-TCTHADS ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trưởng Chính phủ, của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao nhìn chung đã kiểm soát tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng đã, đang và sẽ có những ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2020, nhất là chỉ tiêu thi hành xong về việc, về tiền trong số có điều kiện thi hành.
Kết quả công tác THADS 6 tháng đầu năm 2020 và thách thức đặt ra:
Theo đánh giá kết quả thi hành án từ kỳ báo cáo tháng đến kỳ kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy:
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số giải quyết là 638.383 việc, trong đó: số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 297.922 việc; số thụ lý mới là 340.461 việc, tăng 22.988 việc (tăng 7,24%) so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ đi số ủy thác 5.870 việc, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 151 việc, tổng số phải thi hành là 632.362 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 489.765 việc, chiếm 77,45% trong tổng số phải thi hành.
Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong là 259.558 việc, tăng 16.772 việc (tăng 6,91%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 53,00% (giảm 0,13%) so với cùng kỳ năm 2019.
Tương ứng với tổng số tiền phải giải quyết là 248.653 tỷ 384 triệu 498 nghìn đồng, trong đó: số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 180.170 tỷ 245 triệu 546 nghìn đồng; số thụ lý mới là 68.483 tỷ 138 triệu 952 nghìn đồng, tăng 12.686 tỷ 080 triệu 867 nghìn đồng (tăng 22,74%) so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ đi số ủy thác là 8.851 tỷ 957 triệu 016 nghìn đồng, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 1.271 tỷ 245 triệu 891 nghìn đồng, tổng số phải thi hành là 238.530 tỷ 181 triệu 591 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 144.888 tỷ 798 triệu 663 nghìn đồng, chiếm 60,74% trong tổng số phải thi hành.
Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 24.932 tỷ 859 triệu 166 nghìn đồng, tăng 6.515 tỷ 486 triệu 784 nghìn đồng (tăng 35,38%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 17,21% (tăng 0,58%) so với cùng kỳ năm 2019.
Qua so sánh kết quả THADS từ kỳ báo cáo 1 tháng đến kỳ báo cáo 6 tháng, trong đó có kết quả của tháng 02, tháng 3 năm 2020 (thời kỳ dịch bệnh bắt đầu bùng phát), thì kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ vẫn ổn định, khả quan, tăng dần qua từng kỳ báo cáo, từ kỳ báo cáo 1 tháng đến kỳ báo cáo 6 tháng của năm 2020. Trong đó, có nhiều kỳ số tuyệt đối và tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền đều tăng so với cùng kỳ năm 2019,
Tuy nhiên, phân tích tốc độ tăng trưởng của số thi hành xong từ kỳ 1 tháng đến kỳ 6 tháng năm 2020, thì tốc độ tăng trưởng hàng tháng về việc tăng, giảm không đều, trong đó tốc độ tăng trưởng của kỳ 4 tháng so với kỳ 3 tháng thấp nhất. Nhưng, tốc độ tăng trưởng về tiền lại có xu hướng giảm đều là một thách thức lớn đối với công tác THADS trong thời gian tới, cụ thể:
Về việc: kỳ 2 tháng so với kỳ 1 tháng, tốc độ tăng là 130 %; kỳ 3 tháng so với kỳ 2 tháng, tốc độ tăng là 56,61 %; kỳ 4 tháng so với kỳ 3 tháng, tốc độ tăng là  22,36%; kỳ 5 tháng so với kỳ 4 tháng, tốc độ tăng là 29,83 %; kỳ 6 tháng so với kỳ 5 tháng, tốc độ tăng là 23,10 %.
Về tiền: kỳ 2 tháng so với kỳ 1 tháng, tốc độ tăng là 116 %; kỳ 3 tháng so với kỳ 2 tháng, tốc độ tăng là 88 %; kỳ 4 tháng so với kỳ 3 tháng, tốc độ tăng là 46,71 %; kỳ 5 tháng so với kỳ 4 tháng, tốc độ tăng là 42,01 %; kỳ 6 tháng so với kỳ 1 tháng, tốc độ tăng là 25,32 %.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù kết quả thi hành án tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng tháng, nhất là tăng trưởng về tiền giảm đã đều qua từng kỳ báo cáo. Nguyên nhân là do:
 Thứ nhất, nguyên nhân kết quả tăng: (1) Năm kế hoạch THADS bắt đầu từ ngày 01/10/2019, nên từ kỳ báo cáo tháng 10/2019 đến hết kỳ báo cáo tháng 01/2020 (4 tháng) kết quả thực hiện chỉ tiêu chưa bị tác động nhiều; (2) Kể từ kỳ 5 tháng (tháng 02/2020) bắt đầu thực hiện Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC mới, cách tính mới, nên kết quả THADS tăng cao về tỷ lệ; (3) Một số địa phương thi hành được một số vụ án có giá trị lớn đã có quá trình chuẩn bị và tác động từ năm 2019.
Thứ hai, nguyên nhân tốc độ tăng trưởng giảm: Ảnh hưởng của việc tổng kết công tác năm 2019, triển khai công tác năm 2020; nghỉ Tết dương lịch, Tết nguyên đán; thực hiện qui định không được cưỡng chế 15 ngày trước, sau Tết; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể: (1) Kỳ 1 tháng, kỳ 2 tháng, hoạt động thi hành án bị ảnh hưởng nhẹ của việc tổng kết, triển khai công tác đầu năm; (2) Kỳ 3 tháng, kỳ 4 tháng ảnh hưởng của Tết dương lịch và Tết nguyên đán có số ngày nghỉ nhiều và thực hiện qui định không được cưỡng chế trước, sau 15 ngày; (3) Kỳ 5 tháng, kỳ 6 tháng (thời điểm các cơ quan THADS tăng tốc trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ), bắt đầu bị ảnh hưởng của dịch, bệnh Covid-19.
Do đó, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thì tốc độ tăng trưởng sẽ có xu hướng tiếp tục giảm, dẫn tới tăng trưởng âm, khi đó, kết quả thi hành án về việc, về tiền sẽ giảm ngay trong những tháng cuối năm 2020 làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2020.
Theo tính toán trên cơ sở số liệu 6 tháng năm 2020, thì tốc độ tăng trưởng giảm bình quân giảm 15,11%/01 tháng. Như vậy, đến cuối kỳ 7 tháng, đầu kỳ 8 tháng nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn, thì sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Như vậy, kể từ kỳ 9 tháng đến kỳ 12 tháng kết quả thi hành án về việc, về tiền sẽ giảm. Do đó, có thể sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh giảm định mức chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Tuy nhiên, mức độ cụ thể giảm bao nhiêu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: số thụ lý mới; kết quả xác minh phân loại việc thi hành án; các biện pháp chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, nên chỉ có thể đánh giá được ít nhất là sau khi kết thúc kỳ báo cáo 9 tháng.
Hướng tác động của dịch bệnh Covid-19 và việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS:
Thứ nhất, về số lượng việc, tiền thụ lý mới tại các cơ quan THADS trong thời gian tới. Qua nghiên cứu cho thấy sự tác được này được xảy ra theo 3 kịch bản sau:
Một là, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: trong thời gian này, số lượng việc, tiền phải thi hành phát sinh tại cơ quan THADS sẽ không tăng nhiều, bởi lẽ:
Tòa án nhân dân các cấp tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết những vụ án chưa đến hạn, nên trong thời gian dịch bệnh, số lượng bản án quyết định của Tòa án phát sinh cơ quan THADS phải tổ chức thi hành không nhiều (cả quyết định theo đơn yêu cầu và quyết định chủ động thi hành);
Về phía Tổng cục THADS đã có chỉ đạo hạn chế nhận đơn yêu cầu thi hành án trong thời gian dịch bệnh. Do đó, số lượng việc, tiền cơ quan THADS thụ lý tổ chức thi hành trong các tháng phòng, chống dịch bệnh sẽ tăng chậm (đối với quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu).
Hai là, sau khi chấm dứt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Số việc, tiền phát sinh phải thi hành có xu hướng tắc đột biến:
- Nếu sau ngày 15/4/2020 dịch bệnh được kiểm soát, thời gian cách ly, giãn cách xã hội đã hết, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được gỡ bỏ, Tòa án sẽ tập chung cao độ cho việc xét xử để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, thì số lượng việc, tiền cơ quan THADS phát sinh mới sẽ có thể tăng đột biến vào kỳ báo cáo 8 tháng, 9 tháng và những tháng cuối năm 2020 đối với cả việc chủ động và việc theo đơn yêu cầu.
- Hết thời hạn giãn cách xã hội (15/4/2020), cơ quan THADS tiếp tục nhận đơn yêu cầu thi hành án, đương sự gửi đơn yêu cầu thi hành án tăng sẽ phát sinh việc thi hành án theo đơn yêu cầu tăng đột biến ngay trong kỳ báo cáo 7 tháng, 8 tháng năm 2020.
Ba là, dịch bệnh tiếp tục kéo dài: Số việc, tiền phải thi hành tăng mạnh về số lượng và tính chất phức tạp:
- Trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể dẫn tới sự đổ vỡ của một số doanh nghiệp, làm phát sinh nhiều tranh chấp sẽ làm tăng số lượng việc, tiền thi hành án tại các cơ quan THADS, đặc biệt là những việc liên quan đến tranh chấp về tín dụng; bảo hiểm; hợp đồng kinh tế. Số việc này dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2021.
- Khi Tòa án nhân dân các cấp thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xét xử các tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 cũng sẽ là một trong những yếu tố làm gia tăng số lượng việc THADS liên quan đến thi hành các khoản án, phí, tiền phạt trong các bản án hình sự là khoản thu cho NSNN, thuộc diện cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án. Dự kiến số việc này sẽ phát sinh ngay trong năm 2020 và năm 2021.
Thứ hai, về tiến độ tổ chức thi hành án:
- Theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế tiếp xúc, cách ly, giãn cách xã hội; không tập trung, hội họp đông người (tính đến hết ngày 15/4/2020), được tiến hành ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán là thời điểm cơ quan THADS bắt đầu “tăng tốc” để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2020, nên một số biện pháp nghiệp vụ được thực hiện tại cơ sở để tổ chức thi hành án không thể tiến hành như: xác minh điều kiện thi hành án; tống đạt văn bản, giấy tờ, niêm yết văn bản, thực hiện thông báo THADS; tổ chức giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án; đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện các thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; giao tài sản bán đấu giá thành; phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc... bị đình trệ, không thể thực hiện đúng tiến độ khiến cho quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài.
Hậu quả việc chậm tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục tác động lên tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về việc, về tiền, nhưng sự tác động tới việc thực hiện chỉ tiêu về tiền lớn hơn (như đã nêu ở trên, thực tế xu hướng tăng trưởng kết quả có xu hướng giảm dần) do việc xác minh, xử lý tài sản bị kéo dài, đặc biệt là quá trình truy tìm, xác minh làm rõ các thông tin về tài sản liên quan đến thi hành các bản án, quyết định về tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm; việc thi hành các khoản thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các bản án, quyết định về tham nhũng, kinh tế là những vụ việc có giá trị thi hành lớn.
Ngoài ra để hạn chế tập trung đông người, cơ quan THADS không tổ chức cưỡng chế, tổ chức các cuộc họp đông người đã ảnh hưởng tới việc phối hợp xử lý các vụ việc có giá trị tài sản lớn, nhưng có khó khăn, phức tạp, nhất là cưỡng chế đối với tài sản bán đấu giá thành làm chậm tiến độ xử lý vụ việc. Theo số liệu thống kê, hiện tại có 499 việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá, tương ứng số tiền chưa giao được tài sản là  2.509 tỷ 411 triệu 336 nghìn đồng (tính đến hết tháng 3/2020 các cơ quan THADS còn 1.014 việc đã ra quyết định cưỡng chế đối với tất cả các loại việc, nhưng phải tạm ngưng tổ chức cưỡng chế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh) và 2.424 việc, tương ứng với số tiền 6.025 tỷ 864 triệu 812 nghìn đồng Chấp hành viên đã kê biên, nhưng chưa thể tiến hành các thủ tục thẩm định giá, định giá lại và bán đấu giá.
- Theo hướng dẫn tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ chính trị về Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đảng viên hoặc Đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện hoàn thành trước ngày 31/8/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 31/10/2020. Như vậy, cho đến hết năm 2020, để phục vụ nhiệm vụ chính trị, trên thực tiễn, các cơ quan THADS, cấp ủy địa phương và các cấp, các ngành tập trung cho đại hội, nên việc phối hợp với cơ quan THADS trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, trong việc cưỡng chế sẽ gặp nhiều khó khăn cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS.
Thứ ba, về khả năng thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người phải thi hành án và việc bán đấu giá tài sản thi hành án: Theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự báo đánh giá của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hậu quả này sẽ tác động đến THADS trên một số khía cạnh sau:
- Thu nhập của người dân, doanh nghiệp, trong đó có người phải thi hành án giảm sút, ảnh hưởng tới khả năng thi hành nghĩa vụ về tài sản của người phải thi hành án. Tác động này, ảnh hưởng rộng khắp tới người phải thi hành án là tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự tác động này chủ yếu tác động lên số tuyệt đối mà tác động không lớn tới kết quả về tỷ lệ, vì số việc này sẽ được phân loại vào số chưa có điều kiện thi hành án, nên không đưa vào làm tham số để tính kết quả thi hành án về tỷ lệ.
- Thị trường nói chung, trong đó có thị trường bất động sản trầm lắng; tính thanh khoản của thị trường thấp, dẫn tới việc bán tài sản đảm bảo thi hành án trong các vụ việc thi hành án liên quan tới thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; thi hành các khoản liên quan đến tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn, trong khi số lượng việc loại này chiếm số lượng lớn trong tổng số phải thi hành.
Thứ tư, về khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước trong THADS:
Do việc THADS chậm tiến độ; nhiều thủ tục không được thực hiện đúng thời hạn luật định, trong khi việc kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục THADS do dịch bệnh chưa được qui định là yếu tố khách quan để trừ vào thời gian bị kéo dài sẽ làm phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, do việc giao tài sản bán đấu giá thành bị kéo dài, dẫn tới vi phạm, có thể gây thiệt hại cho người mua được tài sản, cho đương sự và các bên có liên quan. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bồi thường nhà nước trong THADS thời gian tới, đặc biệt là ở giai đoạn cuối năm 2020, những tháng đầu năm 2021.
Thứ năm, về công tác tổ chức cán bộ: tổ chức cán bộ là khâu then chốt, có ảnh hưởng lớn kết quả THADS, khi công tác tổ chức cán bộ bị ảnh hưởng sẽ có tác động ngay đến nguồn lực (nhân lực) cho hoạt động thi hành án dân sự trên cả phương diện số lượng, chất lượng nguồn nhân lực:
Tình hình dịch bệnh Covid - 19 trong thời gian qua đã tác động đến nhiều nội dung công tác tổ chức cán bộ như: Làm chậm tiến độ công tác kiểm tra đối với công tác tổ chức; công tác tuyển dụng; thi nâng ngạch; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các ngạch công chức trong THADS như: việc lùi thời hạn mở lớp thư ký thi hành án; lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương.... Do đó, thời gian tới dự kiến các lớp đào tạo, bồi dưỡng sẽ phải tổ chức dồn, tập trung nhiều lớp trong cùng một thời điểm cuối năm, khi cơ quan THADS phải tập trung toàn lực cho việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án. Cụ thể như sau:
Thứ sáu, đối với công tác tài chính (thu, chi phí THADS): Đây cũng là một yếu tố của nguồn lực, bao gồm nhiều nội dung như: đảm bảo nguồn tài chính; đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm trang thiết bị làm việc; cân đối nguồn thu – chi để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Do đó, trường hợp dịch bệnh kéo dài, chi phí cho phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của dịch bệnh lớn, trong khi nguồn thu sẽ bị sụt giảm do kết quả thực hiện chỉ tiêu thi hành án về tiền giảm sẽ là thách thức đối với việc đảm bảo nguồn lực về tài chính cho công tác thi hành án dân sự.
Dự báo tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo:
Như đã phân tích ở trên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, số lượng việc, tiền THADS chưa thi hành xong của năm 2020 được chuyển sang năm 2021 tiếp tục tổ chức thi hành nhiều, cộng với số thụ lý mới của năm 2021 tiếp tục tăng mạnh; các nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng; tuyển dụng; thi nâng ngạch được chuyển sang năm 2021 tiếp tục thực hiện, trong khi nguồn kinh phí cho hoạt động bị giảm; biên chế tiếp tục thực hiện tinh giảm sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, đặc biệt là những địa phương lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng; các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Dương.
Tóm lại: dịch bệnh có nhiều tác động tiêu cực đến các hoạt động THADS như: công tác tổ chức; đảm bảo tài chính; đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm công cụ, phương tiện làm việc; thu phí THADS, đặc biệt là việc thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, làm chậm tiến độ tổ chức thi hành án, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, mức độ ảnh hưởng tới việc thực hiện chỉ tiêu càng trầm trọng, không chỉ năm 2020 và cả những năm tiếp theo.
Do đó, đổi mới phương thức quản lý, điều hành; phương thức làm việc; bám sát việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng tháng, nghiên cứu các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó có việc nghiên cứu, điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC năm 2020 là cấp bách phải được khẩn trương thực hiện.
Giải pháp khắc phục tác động tiêu cực nhằm nâng cao kết quả THADS, hướng tới mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thời gian tới:
Trước những tác động tiêu cực trên nhiều khía cạnh như đã nêu ở trên, khiến cho việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2020, năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để khắc phục những tác động tiêu cực, cần phải có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cụ thể:
Thứ nhất, các giải pháp chỉ đạo điều hành:
Một là, nghiên cứu đổi mới phương pháp điều hành theo hướng chủ động, thường xuyên, liên tục, toàn diện; bám sát tiến độ, bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong THADS. Trong đó, tập trung chỉ đạo tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ công chức quản lý trong THADS; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục THADS.
Hai là, đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin làm việc; lựa chọn qui định những công việc có thể thực hiện tại nhà và những công việc bắt buộc phải thực hiện tại cơ quan; những công việc có thể thực hiện thông qua trao đổi bằng văn bản, thư tín điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức và người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, công tác tổ chức cán bộ:
Nghiên cứu điều chỉnh lịch học đối với các lớp đạo tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhưng phải tránh việc tập trung quá nhiều lớp học vào thời điểm cuối năm khi toàn Hệ thống tập trung tổng lực cho việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Trước mắt xây dựng, hoàn thiện phê duyệt và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác, để ngay sau dịch bệnh kết thúc, tổ chức thi ngay. Trường hợp dịch bệnh kéo dài, có thể nghiên cứu tổ chức lớp học trực tuyến trên Internet đối với một số lớp học mang tính đặc thù như thư ký thi hành án và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, chương trình học không lớn.
Thứ ba, về chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng văn bản, đề án và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Một là, tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện các văn bản, đề án và các công việc chuyên môn khác không phải tập trung đông người, có thể làm việc ở nhà, sớm hoàn thành kế hoạch, dành thời gian sau dịch hỗ trợ các cơ quan THADS địa phương; kể cả việc biệt phái người của Tổng cục về một số đơn vị có lượng án lớn để hỗ trợ giải quyết án, trong đó ưu tiên điều động, biệt phái những đồng chí có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm để hỗ trợ một số đơn vị trọng điểm giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tham gia xử lý những vụ án lớn trong thời gian 3 đến 6 tháng.
Hai là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số qui định liên quan đến xác định các yếu tố khách quan nói chung, trong đó có dịch bệnh được trừ vào thời hạn thực hiện các thủ tục THADS bị kéo dài do dịch bệnh; bổ sung qui định gửi, nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và các văn bản THADS khác thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua phương tiện điện tử hoặc dịch vụ công ích.
Ba là, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các cơ quan THADS địa phương đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả lời chung chung, thiếu trọng tâm và những trả lời mang tính nguyên tắc.
Bốn là, giải quyết và chỉ đạo giải quyết triệt để, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục đối với các khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm sát kịp thời phát hiện để khắc phục ngay những sai phạm, yếu kém và xử lý nghiêm các sai phạm do cố ý, nhất là những sai phạm trong việc cố tình làm trì hoãn, kéo dài việc thi hành án không có lý do chính đáng.
Thứ tư, công tác kế hoạch – tài chính:
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh, khắc phục các hậu quả do thiên tai, địch họa. Nghiên cứu tổng thể các yếu tố ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách, quy định của Bộ Tài chính về nguồn cải cách tiền lương, ảnh hưởng của dịch bệnh...nguồn điều hóa phí để lại, đề xuất nhu cầu bổ sung kinh phí hoạt động từ nguồn điều hòa phí THADS năm 2020.
Thứ năm, công các cải cách hành chính, thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS:
Một là, nâng cao chất lượng xây dựng báo cáo; phân tích thống kê, kịp thời xây dựng giải pháp chỉ đạo đối với việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo từng kỳ báo cáo hàng tháng; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2020 nếu cần thiết.
Hai là, thường xuyên bám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là những địa phương có số lượng việc, tiền lớn, có ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn quốc như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng và các tỉnh Phú Thọ, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa –Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, An Giang, Cà Mau....
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp; giảm đến mức tối thiểu tiếp xúc giữa Chấp hành viên với người dân và doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian THADS và phòng, chống tham nhũng, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp và dịch bệnh.
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trước mắt đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng chính thức phần mềm Hỗ trợ trực tuyến và tích hợp lên Công dịch vụ công quốc gia để tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án và các yêu cầu, kiến nghị về THADS; nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm khác phục vụ công tác quản lý, điều hành THADS; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao ban truyền hình trực tuyến đến cấp huyện.
Ngoài các giải pháp chung nêu trên, Thủ trưởng các cơ quan THADS cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương song song với chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, bố trí, sắp sếp thời gian hợp lý để dành thời gian hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm được giao. Chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tổng cục, nhất là thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao kết quả THADS, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020 và những năm tiếp theo.
Hai là, tập trung rà soát, xử lý những vụ việc ít phải tiếp xúc như xử lý vật chứng, tài sản; hoàn trả tiền, tài sản đối những vụ việc số lượng đương sự ít, thành phần tham gia không nhiều; giao tài sản cho người được thi hành án đối với những vụ việc Tòa án tuyên giao tài sản hoặc giao tài sản bán đấu giá thành đối với những trường hợp đương sự tự nguyện giao tài sản; tổ chức xác minh điều kiện thi hành án đối với những trường hợp không đòi hỏi xác minh trực tiếp...;
Ba là, rà soát, hoàn thiện hồ sơ đưa vào lưu trữ đối với những hồ sơ đã thi hành xong; hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch cưỡng chế; chuẩn bị những điều kiện pháp lý, cơ sở vật chất, công cụ, phương tiện cần thiết, sẵng sàng cho việc tổ chức cưỡng chế đối với những vụ việc đã bán đấu giá thành; đưa ra bán đấu giá đối với những tài sản đã thẩm định giá; tiến hành thẩm định giá, định giá lại đối với những vụ việc đã kê biên, vụ việc bán đấu giá không thành;
Bốn là, tập trung nghiên cứu cách thức sử dụng các phần mềm trong THADS: Phần mềm hỗ trợ trực tuyến; phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử người phải thi hành án chưa có điều kiện; phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS. Tập trung rà soát, bóc tách dữ liệu theo qui định của Chế độ báo cáo thống kê mới; tiến hành phân loại việc THADS và cập nhật đầy đủ lên phần mềm....;
Năm là, chấp hành viên, kế toán nghiệp vụ, cán bộ thống kê đối chiếu, rà soát số liệu; đánh giá xác định nguyên nhân chênh lệch số liệu và tìm giải pháp xử lý;
 Sáu là, tập trung rà soát, hoàn thiện các công tác liên quan đến hành chính, tổ chức; văn thư, lưu trữ, để dành thời gian cuối năm tập trung toàn lực cho công tác tổ chức thi hành án khi dịch bệnh đã hết....
Bảy là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên tổ chức thi hành án, đặc biệt chú trọng việc phối hợp với cơ quan công an trong xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng bảo vệ cưỡng chế.
Tám là, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Đảng, kịp thời báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong lựa chọn thời điểm cưỡng chế thích hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp.
Chín là, tăng cường trao đổi, tống đạt, gửi văn bản THADS; chi trả tiền THADS qua dịch vụ bưu chính công ích và hỗ trợ trực tuyến THADS đối với thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án, xác nhận kết quả THADS và tiếp nhận các kiến nghị, phản ảnh của người dân đối với công tác THADS....;
Mười là, tăng cường sự phối hợp giữa lãnh đạo đơn vị với cấp ủy đảng cơ sở tại Cục, Chi cục nhằm tạo sự thống nhất trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo THADS trong chỉ đạo phối hợp THADS.
TS.CVCC. Hoàng Thế Anh – Giám đốc
Trung tâm Thống kê, QLDL và ƯDCNTT