Kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2022

15/10/2021
Ngày 09/10/2021, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo công tác thi hành án năm 2021 (Báo cáo số 387/BC-CP) gửi Quốc hội để phục vụ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo được xây dựng trên cơ sở kết quả công tác thi hành án của 03 Bộ: Công an, Tư pháp và Quốc phòng trong bối cảnh năm 2021 là năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh với sự xuất hiện của biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong toàn quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó công tác thi hành án nói chung.
Về công tác thi hành án dân sự (THADS): Trong tình hình dịch bệnh chưa có chiều hướng suy giảm, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp tổng thể, linh hoạt, phù hợp để chỉ đạo Hệ thống THADS cố gắng tổ chức thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả cụ thể một số mặt công tác THADS, THAHC cụ thể như sau:
Về công tác chỉ đạo, điều hành
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm nêu gương; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Hệ thống THADS. Nhất là Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư.
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14; Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS và các văn bản pháp luật liên quan để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC được giao, nhất là các chỉ tiêu về phân loại án, thi hành xong về việc và về tiền.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện[1] trong toàn Hệ thống THADS; ban hành Chương trình công tác trọng tâm THADS năm 2021; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, tăng cường lưu hành văn bản trên môi trường mạng (trục liên thông văn bản quốc gia), đồng thời chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện phương án làm việc, tổ chức thi hành án linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, vừa đảm bảo các quy định về phòng chống dịch vừa đảm bảo trình tự, thủ tục luật định nhằm cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Về kết quả THADS, THAHC
- Về việc: Tổng số phải thi hành là 843.917 việc. Số việc có điều kiện thi hành là 652.177. Đã thi hành xong là 494.505 việc, đạt 75,82%.
- Về tiền: Tổng số phải thi hành là trên 289.190 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành trên 148.456 tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng, đạt 31,21%.
- Đã xét miễn, giảm 4.830 việc, với số tiền trên 19,7 tỷ đồng. Các cơ quan thi hành án trong Quân đội đã xét giảm 02 việc với số tiền là trên 24 triệu đồng.
- Về kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng: Đã thi hành xong là 4.503 việc, thu được trên 18.246 tỷ đồng.
- Về kết quả thi hành án kinh tế - tham nhũng: Đã thi hành xong 2.697 việc, thu được trên 4.094 tỷ đồng.
- Về áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong THADS: Các cơ quan THADS đã ra 11.370 quyết định, trong đó có 7.814 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng. Cơ quan Thi hành án trong quân đội đã ban hành 17 quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thành công 17 việc.
- Công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các Trại giam: Đã thi hành xong 47.742 việc, thu được số tiền là trên 3.631 tỷ đồng.
- Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS đã tiếp 9.342 lượt công dân, tiếp nhận 8.894 đơn khiếu nại, tố cáo. Đã giải quyết xong 2.597 việc/2.665 việc, đạt tỷ lệ 97,44%.
- Công tác bồi thường Nhà nước: Đã giải quyết xong 06 vụ việc, đang xem xét giải quyết 10 vụ việc.
- Về THAHC: Đã tiếp nhận 944 bản án, quyết định về hành chính. Đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định. Đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc THAHC.
- Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng.
Đánh giá chung: Trong bối cảnh toàn xã hội bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo Hệ thống THADS cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, có giá trị lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết. Thể chế về THADS tiếp tục được rà soát để kịp thời bổ sung, hoàn thiện; tổ chức bộ máy các cơ quan THADS không ngừng được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Tồn tại, hạn chế
+ Kết quả thi hành về việc, về tiền của Hệ thống giảm so với năm 2020; kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp so với yêu cầu.
+ Vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ (chiếm tỷ lệ 0,07%); tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để.
- Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
+ Kể từ khi dịch bùng phát phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, tiền lớn làm cho các hoạt động THADS (chủ yếu tác nghiệp tại cơ sở, thực địa như xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản…) bị gián đoạn; có nhiều việc thi hành án tài sản có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý hoặc chuẩn bị giao tài sản thì phải tạm dừng đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hệ thống THADS.
+ Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành án chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến vướng mắc, chậm tiến độ.
+ Số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế rất lớn. Nhiều bản án mới có hiệu lực thi hành, có giá trị tiền, số lượng tài sản kê biên phải xử lý nhiều, cơ quan THADS đang tập trung xác minh, xử lý tài sản để thi hành án nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ thi hành án.
+ Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn nhiều hạn chế, trong khi đó, việc xử lý hành chính, kể cả xử lý về hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp cố tình không chấp hành việc thi hành án.
+ Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt. Năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, Chấp hành viên một số cơ quan THADS chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong khi tính chất vụ việc thi hành án ngày càng phức tạp.
+ Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao; có lúc, có việc còn chậm, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản thi hành án, đo vẽ, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai…
Nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp chủ yếu
- Tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS.
- Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS theo yêu cầu của Nghị quyết số 96/2019/QH14, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS, bảo đảm đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu quả.
- Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, THAHC, trong đó trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.
- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật TTHC năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác THAHC. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, ban hành, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các bộ, ngành, Chủ tịch UBND, UBND các cấp để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, vi phạm.
- Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ các đề án, dự án đầu tư công liên quan đến THADS theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về cơ sở vật chất cho các cơ quan THADS.
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các cấp, nhất là chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp.
- Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THADS, THAHC tạo sự ủng hộ của cán bộ, công chức và nhân dân đối với các công tác này. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với đầu tư các nguồn lực tương xứng cho hoạt động THADS.
Văn phòng Tổng cục THADS
 

[1] Quyết định số 71/QĐ-BTP ngày 19/01/2021 ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP.