Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp

02/08/2022
Ngày 29/7/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã làm việc với các cơ quan Trung ương về kết quả giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Bộ Tư pháp, báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và kết quả giám sát địa phương về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND).
Về tình hình khiếu kiện QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp: trong 03 năm, cả nước có 21.038 QĐHC, HVHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp bị khởi kiện, trong đó có 1.921 QĐHC, HVHC  bị Tòa án tuyên hủy/tuyên trái pháp luật (chiếm tỷ lệ 9%). Các QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị khởi kiện tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa.... thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai (các QĐHC, HVHC về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….). Số còn lại tập trung ở lĩnh vực thuế, xử phạt vi phạm hành chính, xây dựng. Cùng với đó, số QĐHC, HVHC bị tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng so với giai đoạn trước.
Về tình hình chấp hành pháp luật của Chủ tịch UBND, UBND trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính: trong 03 năm, cả nước có 6.805/17.175 vụ việc Chủ tịch UBND, người được Chủ tịch UBND ủy quyền tham gia các phiên đối thoại, phiên toà, số lượng các cuộc đối thoại, phiên tòa mà Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND được Chủ tịch UBND ủy quyền tham gia trực tiếp để giải quyết vụ án hành chính có chiều hướng gia tăng qua các năm, trong đó một số địa phương đã chấp hành tốt việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp chứng cứ phục vụ cho xét xử của Tòa án.
Về việc chấp hành pháp luật của Chủ tịch UBND, UBND các cấp trong thi hành án hành chính: trong 03 năm, các cơ quan nhà nước đã thi hành xong 1.116/1.605 bản án hành chính phải thi hành, tăng 422 bản án so với giai đoạn 2015-2018; kết quả thi hành năm sau luôn cao hơn năm trước. Một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã chú trọng, thực hiện tốt tiến trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc người phải thi hành án thuộc quyền quản lý trong thi hành án hành chính. Tuy nhiên, số lượng bản án hành chính chưa thi hành xong vẫn còn lớn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do người đứng đầu UBND các cấp ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC thuộc thẩm quyền; pháp luật về TTHC và THAHC mặc dù đã được hoàn thiện cơ bản, xong vẫn còn những bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và hoàn thiện như quy định về ủy quyền, thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án…
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao nội dung giám sát của Ủy ban Tư pháp, cơ bản nhất trí với các nội dung báo cáo tổng hợp bước đầu của Ủy ban Tư pháp về đánh giá tình hình, tồn tại hạn chế và nguyên nhân; đồng thời cho rằng kết quả giám sát sẽ góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cơ quan hữu quan và người đứng đầu các cơ quan trong việc giải quyết các vụ án hành chính, giúp Tòa án đẩy nhanh giải quyết vụ án. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá thêm chất lượng QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND và UBND; đánh giá việc chấp hành pháp luật tòa giải quyết vụ án hành chính và chấp hành bản án, quyết định của tòa án; đánh giá tỉ lệ và chất lượng giải quyết của Tòa án; đánh giá hiệu quả công tác kiểm sát án hành chính ở giải quyết và thi hành án hành chính; việc theo dõi đôn đốc của cơ quan thi hành án; việc chấp hành văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này.
Cơ bản nhất trí với các nội dung tổng hợp, đánh giá được nêu trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng so với giai đoạn trước, tình hình trong giai đoạn này, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên phạm vi cả nước đã có những chuyển biến tích cực, so với trước đây, có thể điểm đến một số kết quả nổi bật, đó là: (i) Đầu tiên, phải kể đến, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố Trung ương về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính đã có sự chuyển biến rõ nét, theo đó, 63/63 địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; 52 địa phương Ban cán sự đảng UBND cấp tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng TAND cấp tỉnh; 5 Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; (ii) Số lượng các cuộc đối thoại, phiên tòa mà Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND được Chủ tịch UBND ủy quyền tham gia trực tiếp để giải quyết vụ án hành chính có chiều hướng gia tăng qua các năm, trong đó một số địa phương đã chấp hành tốt việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp chứng cứ phục vụ cho xét xử của Tòa án; (iii) Kết quả thi hành án hành chính: Giai đoạn 2019-2021, các cơ quan nhà nước đã thi hành xong 1.116 bản án hành chính, tăng 422 bản án so với giai đoạn 2015-2017; kết quả thi hành năm sau luôn cao hơn năm trước; (iv) Công tác theo dõi thi hành án hành chính của hệ thống thi hành án dân sự đã đi vào nền nếp, thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, trong đó có việc kiến nghị xử lý trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng cần đánh giá kĩ hơn về nguyên nhân. Bộ trưởng cho biết các vụ việc đều liên quan đến đất đai, đây là lĩnh vực phức tạp, hệ thống các quy định của pháp luật đất đai còn một số bất cập, sửa đổi, bổ sung nhiều lần, khối lượng các quy định của pháp luật nhiều, trong khi chế độ quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ, gây khó khăn cho cán bộ, công chức trong việc áp dụng, bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa lợi ích các bên khi ban hành quyết định hành chính. Bộ trưởng Lê Thành Long kỳ vọng trong thời gian tới khi sửa đổi Luật Đất đai những bất cập của pháp luật đất đai sẽ được khắc phục.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, để nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND các cấp có giải pháp nâng cao chất lượng ban hành QĐHC, thực hiện HVHC, tăng cường đối thoại, chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thi hành án hành chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phối hợp liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính; tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện, thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xem xét, xử lý theo quy định.
Kết luận nội dung phiên họp, trên cơ sở Báo cáo tổng hợp các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp Trung ương, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu và ý kiến giải trình, làm rõ của đại diện Chính phủ, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến các đại biểu tại phiên họp từ đó nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự