Tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ về quản lý kho vật chứng

24/08/2012
Kho vật chứng là một trong những cơ sở vật chất quan trọng trong việc tập trung, lưu giữ, bảo quản vật chứng, đồ vật và tài liệu khác đã thu thập được của các vụ án để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Hiện nay, việc quản lý kho vật chứng được thực hiện theo Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ về quản lý kho vật chứng (sau đây gọi tắt là Nghị định 18/2002/NĐ-CP). Qua hơn 10 năm thi hành, Nghị định đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành, phát triển và quản lý hệ thống kho vật chứng trong cả nước, trong đó có hệ thống kho vật chứng của ngành thi hành án dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định này cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định trong kỹ thuật lập pháp, trong sự tương thích với các văn bản pháp luật hiện hành và trong việc đáp ứng những yêu cầu mới của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Chính vì vậy, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 18/2002/NĐ-CP để đáp ứng nhiệm vụ quản lý kho vật chứng. Dưới đây là tổng kết, đánh giá của ngành Thi hành án dân sự về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 18/2002/NĐ-CP sau hơn 10 năm thi hành và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định này.


1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị định 18/2002/NĐ-CP

Sau khi Nghị định số 18/2002/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục quản lý Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp (nay là Tổng cục Thi hành án dân sự) tổ chức triển khai cho các cơ quan thi hành án địa phương, quán triệt và chỉ đạo các cơ quan thi hành án tiến hành thực hiện Nghị định. Về cơ bản, các cơ quan thi hành án địa phương (nay là Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh - sau đây gọi tắt là Cục và Chi cục) đã triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp xin cấp mặt bằng và đề nghị ngành dọc cấp trên cấp vốn xây dựng cơ bản cho địa phương xây dựng kho vật chứng cho cơ quan Thi hành án dân sự .

1.1 Kết quả đạt được

- Về công tác quản lý và sử dụng các kho vật chứng:

Công tác quản lý và sử dụng các kho vật chứng tại các cơ quan Thi hành án dân sự đều thực hiện bảo đảm theo đúng các quy định của ngành và theo Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Quy chế quản lý kho vật chứng). Các Cục và Chi cục đã tổ chức phân công cán bộ làm thủ kho, tiến hành các thủ tục tiếp nhận kịp thời, kiểm tra hiện trạng vật chứng, cân, đong, đo, đếm; nhập, xuất kho thực hiện theo lệnh của Thủ trưởng đơn vị. Các tài sản, vật chứng được lưu giữ trong các kho về cơ bản được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bảo quản cẩn thận; được dán nhãn, sắp xếp khoa học, gọn gàng, tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát; không để xảy ra nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng. Sổ kho ghi chép đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ, hàng năm có kết và chuyển sổ.

- Về số lượng kho vật chứng:

Điều 6 khoản 1 Quy chế quản lý kho vật chứng quy định: “Mỗi Đội Thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và mỗi Phòng Thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác xét xử và thi hành án.” Hiện nay, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự đã có thay đổi về cơ cấu tổ chức cũng như tên gọi (mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 Cục Thi hành án dân sự; mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có 01 Chi cục Thi hành án dân sự). Căn cứ theo quy định nêu trên thì mỗi Cục, Chi cục được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác xét xử và thi hành án.

Tuy nhiên, theo báo cáo của 63/63 Cục Thi hành án dân sự, trong số 764 kho vật chứng cần xây dựng cho các Cục và Chi cục, hiện chỉ có 213 kho đã và đang được xây dựng, chiếm tỉ lệ 27.88%. Trong số các kho này, chỉ có một số kho mới được xây dựng gần đây đáp ứng nhu cầu sử dụng; còn lại, nhiều kho chỉ được xây dựng tạm, nhiều kho diện tích nhỏ, không đủ các điều kiện để bảo quản vật chứng theo đúng quy định của Điều 2 khoản 2 Quy chế quản lý kho vật chứng. Cũng theo báo cáo của các Cục Thi hành án dân sự, một số đơn vị đã được cấp đất để xây dựng kho nhưng chưa được đầu tư; hầu hết các đơn vị phải trưng dụng phòng làm việc; sử dụng kho tạm hoặc thuê kho, thuê nhà dân để bảo quản vật chứng. Thống kê trên cho thấy hệ thống kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay còn rất thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

1.2 Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 18/2002/NĐ-CP

1.2.1 Thuận lợi                          

Nghị định 18/2002/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng, mang tính thực tiễn cao, là cơ sở pháp lý để cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng kho vật chứng cho các cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác quản lý vật chứng. Nhờ vậy, UBND các cấp đã có sự quan tâm trong việc bố trí mặt bằng để các cơ quan Thi hành án dân sự tham mưu Bộ Tư pháp trong việc đầu tư xây dựng các kho vật chứng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và quản lý kho vật chứng; chỉ đạo các cơ quan hữu quan ở địa phương phối hợp, bảo đảm an ninh, an toàn cho kho vật chứng; thể hiện được sự quan tâm của các ban ngành địa phương trong công tác bảo quản tang vật, tài sản. Việc được đầu tư xây dựng kho vật chứng đã giúp các cơ quan Thi hành án dân sự  chủ động tiếp nhận tài sản, vật chứng theo quy định của pháp luật. Đối với những đơn vị được xây dựng kho vật chứng kiên cố, an toàn, đảm bảo các điều kiện cần thiết thì việc tiếp nhận, quản lý tang vật của các cơ quan thi hành án được nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trong việc quản lý cũng như xuất nhập kho.

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 18/2002/NĐ-CP, một số văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý kho vật chứng cũng được ban hành, tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự  thực hiện nhiệm vụ một cách thuận lợi và dễ dàng hơn (như Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Thông tư 22/2011/TT-BTP) thay thế Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05 tháng 07 năm 2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động Thi hành án dân sự ; Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ kế toán thi hành án dân sự  (sau đây gọi tắt là Thông tư 91/2010/TT-BTC) - cơ sở để xây dựng phần mềm kế toán nghiệp vụ Thi hành án dân sự  quản lý Kho vật chứng như thống kê tài sản, tang vật, in phiếu nhập, xuất kho… - hiện đang được thực hiện tốt ở Cục Thi hành án dân sự  tỉnh Ninh Thuận).

Nghị định số 18/2002/NĐ-CP cũng bước đầu quy định về quan hệ phối kết hợp giữa cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách với cơ quan thi hành án trong quá trình chuyển giao, bảo quản vật chứng. Thực hiện nội dung này, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng (như Bắc Kạn, Bạc Liêu). Cục Thi hành án dân sự  tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành số 419/QC-LN ngày 07/9/2006 về xử lý vật chứng, tài sản. Đồng thời Công an tỉnh Bạc Liêu có công văn số 60-CV/CABL (PC16) ngày 17/4/2008 về chấn chỉnh công tác bảo quản, chuyển giao vật chứng vụ án.

1.2.2 Khó khăn

- Khó khăn do thiếu kho vật chứng; kho vật chứng không đảm bảo các điều kiện để bảo quản vật chứng:

Theo như kết quả thống kê báo cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự  nêu trên, tỉ lệ kho vật chứng được xây dựng so với yêu cầu đặt ra còn quá thấp, chưa đến 30%. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là điều kiện quỹ đất hạn chế, kinh phí đầu tư lớn, việc triển khai thực hiện Nghị định số 18/2002/NĐ-CP bắt đầu từ năm 2002 đến nay nhưng hệ thống ngành Thi hành án dân sự  cũng chỉ mới bắt đầu được củng cố và phát triển từ năm 2008 nên chưa thể tiến hành đầu tư xây dựng ngay cho các cơ quan Thi hành án dân sự  địa phương.

Quy chế quản lý kho vật chứng áp dụng cho việc quản lý kho vật chứng của cơ quan Công an, Quân đội và cơ quan Thi hành án còn mang tính nguyên tắc, chung chung; không có những quy định cụ thể về điều kiện, vị trí, diện tích, biện pháp kỹ thuật… đối với kho vật chứng cho phù hợp với một số loại vật chứng đặc biệt (heroin, ma túy; chất độc hại - trong trường hợp cơ quan chuyên trách không có kho nên để lại ở cơ quan thi hành án; tang vật cồng kềnh như ô tô, gỗ…); đặc thù của các cơ quan khác nhau hoặc ở các địa phương khác nhau (có số lượng vụ án và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau).

- Khó khăn trong công tác cán bộ:

Theo báo cáo của các Cục Thi hành án dân sự , hầu hết các thủ kho đều kiêm nhiệm cả công tác văn thư, thủ quỹ; chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; chế độ phụ cấp thấp; chưa được trang bị các công cụ, máy móc, phương tiện cần thiết để cân, đong, đo, đếm, kiểm tra và đảm bảo an toàn và bảo vệ vật chứng.

- Khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan:

Thứ nhất, còn tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện tốt các quy định tại Điều 10 khoản 1 Quy chế quản lý kho vật chứng và Điều 122 khoản 1 Luật Thi hành án dân sự (chậm chuyển giao vật chứng so với thời hạn ghi trong Quyết định chuyển vật chứng của Viện Kiểm sát; Toà án đã chuyển Bản án có hiệu lực pháp luật sang cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành nhưng cơ quan Công an vẫn chưa chuyển giao vật chứng; cơ quan Thi hành án dân sự phải có công văn yêu cầu chuyển hoặc tự truy tìm vật chứng, tài sản tạm giữ tại kho của cơ quan tố tụng). Thêm vào đó, thời gian giao nhận tang vật chưa được thông báo trước; vì vậy, các cơ quan Thi hành án dân sự bị động trong việc bố trí tiếp nhận vật chứng.

Thứ hai, Quy chế quản lý kho vật chứng chưa quy định rõ chức trách nhiệm vụ của từng cơ quan tổ chức trong quá trình bảo quản tang vật nhất là vật liệu cháy nổ, đá quý, vàng, bạc... dẫn đến tình trạng chưa thống nhất giữa cơ quan Thi hành án với các cơ quan chức năng khác.

Ví dụ, đối với tang vật là vàng, cần chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, việc bảo quản này phát sinh phí - có trường hợp phí bảo quản nhiều hơn giá trị vàng tạm gửi. Khi Bản án tuyên hoàn trả lại đương sự số vàng trên thì chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí để thanh toán phí bảo quản (tại Long An). Cũng có trường hợp Kho bạc Nhà nước địa phương không đồng ý tiếp nhận vàng, bạc, kim khí quý, đá quý do cơ quan Thi hành án dân sự gửi giữ (tại Cần Thơ). Tại Ninh Bình, một số đơn vị công an cấp huyện trong quá trình điều tra có thu giữ vật chứng là tiền VNĐ; khi có quyết định truy tố của Viện Kiểm sát, số tiền này phải được chuyển vào tài khoản tạm gửi của cơ quan Thi hành án nhưng Kho bạc nhà nước không chấp nhận vì cho rằng không có quyết định xử lý vật chứng của cơ quan Công an thì không chuyển, trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định Cơ quan Công an ra quyết định xử lý vật chứng. Điều này gây khó khăn cho việc xử lý vật chứng, tài sản.

2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Nghị định 18/2002/NĐ-CP

2.1 Định hướng hoàn thiện

- Đối với ngành Thi hành án dân sự, việc quản lý kho vật chứng được thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 18/2002/NĐ-CP, Thông tư 91/2010/TT-BTC và Thông tư 22/2011/TT-BTP. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2002/NĐ-CP, cần kế thừa những quy định của các văn bản hiện hành, tăng cường sử dụng các phần mềm đã xây dựng (phần mềm nghiệp vụ kế toán Thi hành án dân sự)... và đảm bảo thống nhất giữa các quy định có liên quan.

- Tiếp tục quy định mỗi cơ quan thi hành án dân sự địa phương có 01 kho quản lý vật chứng để đảm bảo tốt cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

2.2 Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2002/NĐ-CP

2.2.1 Đối với căn cứ ban hành Nghị định: cần sửa đổi, bổ sung căn cứ ban hành là các văn bản pháp luật hiện hành như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản pháp luật liên quan.

2.2.2 Tại Điều 2, Điều 3 Quy chế quản lý kho vật chứng: nhập khoản 1 Điều 2 và khoản 1 Điều 3 với nhau để thống nhất khái niệm kho vật chứng, tránh trùng lặp.

- Bổ sung nội dung quy định về quy mô, tiêu chuẩn chung cho các kho vật chứng. Theo đó, cần quan tâm đến các vấn đề về số lượng, diện tích, các điều kiện về vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn kỹ thuật của kho vật chứng phù hợp với đặc thù của từng cơ quan và từng khu vực khác nhau. Đặc biệt, việc xây dựng kho vật chứng cần bố trí một phần diện tích và các thiết bị cần thiết để bảo quản vật chứng đặc biệt như heroin, ma túy, chất độc hại...

2.2.3 Tại Điều 6 khoản 1 Quy chế quản lý kho vật chứng, sửa thành: “Mỗi Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mỗi Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác xét xử và thi hành án”.

Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thành lập, quy định nội quy kho vật chứng.

2.2.4 Bổ sung quy định về số lượng biên chế đối với kho vật chứng (ít nhất có 01 biên chế thủ kho); tiêu chuẩn nghiệp vụ; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chế độ phụ cấp; đảm bảo gắn trách nhiệm cá nhân với an toàn của kho vật chứng.

2.2.5 Tại Điều 7 khoản 1 điểm b quy định: “Thủ kho vật chứng thực hiện việc xuất kho, nhập kho đối với vật chứng, đồ vật, tài liệu khác đã thu thập được của các vụ án theo lệnh của Thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án”. Cần xem xét sửa đổi về thẩm quyền ra lệnh nhập kho và xuất kho, bởi vật chứng được tiếp nhận từ cơ quan Công an hoặc Viện Kiểm sát (là cơ quan trực tiếp thụ lý vụ án), và Thủ kho phải chịu sự chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng cơ quan quản lý kho; do vậy nên quy định thẩm quyền ra lệnh xuất, nhập kho là của Thủ trưởng cơ quan quản lý vật chứng khi có đề nghị của các cơ quan liên quan.

2.2.6 Tại Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng:

- Đối với khoản 1 điểm b: tài liệu (như giấy tờ tùy thân...) nếu lưu trong hồ sơ xét xử mà không chuyển giao cho cơ quan thi hành án thì rất khó khăn cho việc trả lại hoặc tiêu hủy. Do vậy, cần có quy định phù hợp về việc sao chép tài liệu để lưu giữ trong hồ sơ vụ án và chuyển giao tài liệu cho cơ quan thi hành án để trả lại hoặc tiêu hủy.

- Đối với khoản 1 điểm d, đ: cần quy định rõ “cơ quan chuyên trách”, “cơ quan chức năng” là cơ quan nào (Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng, Quân đội,... ?) và quy định dẫn chiếu để làm rõ các khái niệm như “đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ”...

- Đối với khoản 2: nên quy định rõ thời gian "tạm nhập" là bao lâu?

2.2.7 Tại Điều 9 Quy chế quản lý kho vật chứng:

- Khoản 1 quy định: “Khi cần đưa vật chứng, đồ vật, tài liệu khác thu thập được của các vụ án nhập kho hoặc xuất kho, để phục vụ hoạt động tố tụng hoặc chuyển giao sang kho vật chứng khác, Thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án phải có lệnh nhập kho hoặc lệnh xuất khoLệnh xuất kho phải có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án và đóng dấu cơ quan thụ lý vụ án”. Cần sửa đổi, bổ sung hai vấn đề:

Thứ nhất, đối với chứng từ kế toán là “lệnh nhập kho, lệnh xuất kho”: tại Thông tư 91/2010/TT-BTC, Phụ lục số 01 về danh mục chứng từ kế toán quy định các mẫu chứng từ liên quan là Phiếu nhập kho; Phiếu xuất kho; Giấy đề nghị nhập kho tài sản, tang vật; Giấy đề nghị xuất kho tài sản, tang vật. Do đó, cần thay đổi tên gọi các chứng từ kế toán trong quy định cho thống nhất.

Thứ hai, đối với chủ thể có thẩm quyền: theo như hướng sửa đổi bổ sung Điều 7 khoản 1 Quy chế quản lý kho vật chứng đã đề cập và quy định về chứng từ kế toán tại Thông tư 91/2010/TT-BTC nêu trên (giấy đề nghị nhập kho, xuất kho), tại Điều 9 này, nên quy định: “Thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án phải có văn bản đề nghị cơ quan quản lý vật chứng ra lệnh xuất hoặc nhập kho ... Giấy đề nghị nhập, xuất kho phải có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án và đóng dấu cơ quan thụ lý vụ án”.

- Nên bổ sung thêm biên bản thu giữ vật chứng ban đầu.

2.2.8 Bổ sung các quy định chi tiết về quy trình, thủ tục giao nhận vật chứng, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, trong đó quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, từng chức danh có liên quan.

2.2.9 Bổ sung quy định về: chế độ bảo dưỡng và phí lưu kho đối với những tài sản đảm bảo thi hành án, tài sản sung công; hướng dẫn thanh toán khoản chi phí vàng bảo quản tại Kho bạc Nhà nước. Đối với việc chuyển giao tài sản, vật chứng là tiền khi có quyết định truy tố của Viện Kiểm sát, nên quy định theo hướng cơ quan Công an không phải ra quyết định xử lý vật chứng mà chỉ cần ra thông báo chuyển vật chứng (chuyển tiền từ tài khoản của cơ quan Công an sang tài khoản tạm gửi của cơ quan Thi hành án), yêu cầu Kho bạc nhà nước thực hiện.

2.2.10 Tại Điều 10 khoản 2 điểm c, đề nghị sửa thành: Kiểm tra Biên bản giao nhận vật chứng, lập phiếu nhập kho hoặc phiếu xuất kho, vào sổ kho. Phiếu nhập kho hoặc phiếu xuất kho phải ghi rõ hợp pháp. Biên bản giao nhận, Phiếu nhập kho hoặc phiếu xuất kho mỗi loại được lập thành 06 bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và thủ trưởng bên giao, bên nhận (nếu có); mỗi bên giữ 03 bản.”

2.2.11 Tại Điều 11 Quy chế quản lý kho vật chứng:

+ Khoản 1 quy định“…thực hiện việc dán nhãn để tránh nhầm lẫn” - đề nghị sửa thành: “…thực hiện việc dán nhãn (thẻ kho), ghi rõ họ tên của chủ sở hữu, tên của vụ án gắn vào từng loại tài sản để tránh nhầm lẫn…”. Đồng thời, cần bổ sung quy định về thẻ kho và mẫu thẻ kho.

+ Về thời điểm kiểm kê kho vật chứng, Quy chế ấn định vào ngày 25/6 và 25/12 hàng năm. Tuy nhiên, đối với ngành Thi hành án dân sự, theo Thông tư 91/2010/TT-BTC, việc kiểm kê định kỳ thực hiện vào cuối niên độ kế toán, trước khi lập báo cáo tài chính năm; theo Thông tư số 22/2011/TT-BTP, định kỳ hàng quý, 06 tháng và năm cơ quan thi hành án phải thực hiện chế độ kiểm kê kho bảo quản vật chứng, tài sản. Vì vậy, đối với thời điểm kiểm kê kho vật chứng, nên căn cứ cụ thể quy định của từng ngành để thực hiện kiểm kê kho vật chứng, không nên ấn định thời điểm như đã nêu.

2.2.12 Tại Điều 14, 15 Quy chế quản lý kho vật chứng mới chỉ quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc tạo điều kiện cho việc xây dựng và quản lý kho vật chứng... Nên bổ sung thêm trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện cùng cấp  nơi cơ quan Thi hành án đóng trụ sở cho phù hợp với hệ thống cơ quan thi hành án dân sự và yêu cầu xây dựng, quản lý kho vật chứng.

Tóm lại, cần thiết phải hoàn thiện quy định pháp luật về việc quản lý kho vật chứng để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường đầu tư nhân lực và vật lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tập trung, lưu giữ, bảo quản và quản lý vật chứng, đồ vật và tài liệu khác; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như của Nhà nước./.

 

Nguyễn Thị Ngân -Vụ Nghiệp vụ 2

Tổng cục Thi hành án dân sự

 

Nội dung văn bản: 2012.6341.BTP-TCTHADS.BC.doc, 2012.6341.BTP-TCTHADS-Phụ lục.xls