1. Quy định về việc xác minh, xác định tài sản của người phải thi hành án chính là một trong những vấn đề căn bản trong thủ tục thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và của các cơ quan có thẩm quyền khác.
Nói đến sự liên quan của việc xử lý tài sản đã kê biên đối với việc thu tiền thi hành án, thì hiện nay, kết quả của việc bán tài sản của người phải thi hành án tại Liên bang Nga chỉ chiếm 13% số tiền thi hành án thu được. Hơn nữa, cũng cần phải nói thêm rằng trong năm 2008, con số này chỉ là 2%, trong năm 2010 - đã đạt được 9%, trong năm 2012 là 10%. Kể từ thời điểm đó trở đi, nước Nga đặt ra các chỉ tiêu cao hơn – từ 25 đến 30%.
Việc kê biên tài sản của người phải thi hành án là thủ tục có tính chất phức tạp. Để người được thi hành án thu được tiền thi hành án từ việc bán tài sản của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện hàng loạt công việc, cụ thể như sau:
Trước hết, phải xác minh tài sản của người phải thi hành án và tiến hành việc kê biên đối với tài sản đó, sau đó tiến hành thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá đối với tài sản đó và cuối cùng là chuyển đến các tổ chức có thẩm quyền để xử lý tài sản. Nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào, chắc chắn sẽ làm giảm hiệu quả của biện pháp thực sự hữu hiệu cho việc thi hành án như biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.Vì vậy, điều quan trọng cần làm là hoàn thiện các quy định về xác minh, định giá và xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Pháp luật của Liên bang Nga quy định hai quy trình, thủ tục để có thể làm cơ sở cho việc xác định tài sản của người phải thi hành án:
Trước hết là việc xác minh tình trạng tài sản của người phải thi hành án. Theo đó, trong phạm vi các quy định về thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án, Chấp hành viên cần tiến hành thu thập thông tin về tài sản của người phải thi hành án.
Từ đây, vấn đề ưu tiên là mối quan hệ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng và các tổ chức khác có liên quan. Mục đích cần đạt được là việc tạo được một kho thông tin dữ liệu thống nhất, được coi như là căn cứ cho việc xác định tài sản của người phải thi hành án. Do đó, bắt buộc phải tích cực thu thập thông tin chính thức về bất kỳ tài sản, giấy tờ nào có thể thuộc về người phải thi hành án và là tài sản có khả năng bị kê biên, trong đó gồm có động sản, bất động sản, các tài khoản, các loại giấy tờ có giá và các loại tài sản khác. Trong quá trình trao đổi thông tin về tài sản của người phải thi hành án, nhất thiết có sự trao đổi thông qua hình thức văn bản mang tính pháp lý. Điều này cần thiết cho việc tạo cơ sở pháp lý để kê biên đối với tài sản của người phải thi hành án đã xác định được.
Liên quan đến nội dung này, Cục Thi hành án Liên bang Nga đã đặt ra nhiệm vụ thiết lập và thực hiện tương tác điện tử với 33 cơ quan có thẩm quyền. Việc này đã được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.
Ngày nay, Cục Thi hành án Liên bang Nga đã thực hiện trao đổi thông tin điện tử với Trung tâm đăng ký liên bang để có được các thông tin về bất động sản của người phải thi hành án và việc kê biên đối với tài sản đó; với Thanh tra Nhà nước về an toàn đường bộ (Tổng cục An toàn giao thông đường bộ của Nga) để có được các thông tin về các dữ liệu phương tiện giao thông vận tải thuộc sở hữu của người phải thi hành án và việc kê biên đối với tài sản đó; với Quỹ hưu trí Liên bang Nga để có được các thông tin về số tiền lương hưu, tiền lương, các khoản thanh toán khác và thù lao trả cho những người phải thi hành án; với Dịch vụ di trú liên bang để có được các thông tin về dữ liệu các hồ sơ hộ chiếu của người phải thi hành án; với Dịch vụ thuế để có được các thông tin về việc đăng ký pháp nhân, các doanh nghiệp tư nhân và với Hệ thống thu thuế thống nhất thông tin về các đối tượng phải nộp thuế.
Trao đổi thông tin điện tử với các tổ chức tín dụng cũng đang trở nên phổ biến rộng rãi. Việc trao đổi tài liệu điện tử đã được thực hiện với 26 ngân hàng khác nhau, bao gồm cả những ngân hàng lớn như Sberbank của Nga, VTB24, Ngân hàng Matxcova, Ngân hàng Raiffeisen. Quy chế phối hợp với 4 ngân hàng nữa cũng đang ở giai đoạn trình ký.
Thủ tục thứ hai theo luật định, là truy tìm người phải thi hành án và tài sản của họ.
Điều quan trọng phải nói rằng đây là một trong những xu hướng phát triển tiềm năng nhất cho Cục Thi hành án Liên bang Nga. Đây là dạng hoạt động tìm kiếm khá chủ động, với nhiệm vụ là tiến hành kiểm tra sâu hơn và xác định ra khối tài sản mà người phải thi hành án đang cố che dấu. Hoạt động này được áp dụng khi các thông tin thu thập theo cách thông thường không mang lại kết quả cần thiết và thẩm quyền thực hiện hoạt động này là thuộc về các quan chức Chính phủ.
Trước đây, các chức năng thu hồi tài sản là khá “dàn trải
". Mặc dù việc truy tìm tài sản và và truy tìm người phải thi hành án là những vấn đề rất liên quan đến nhau, nhưng Cục Thi hành án Liên bang Nga thì thực hiện chức năng truy tìm tài sản thi hành án, còn Bộ Nội vụ thì tiến hành truy tìm người phải thi hành án. Thực tế, khi xác định được người phải thi hành án, thì có khả năng cũng xác định được tài sản của người đó ngay tại nơi cư trú của họ.
Trong vài năm gần đây, thẩm quyền truy tìm tài sản và truy tìm người phải thi hành án đã được trao cho Cục Thi hành án Liên bang, và Cục là cơ quan có thẩm quyền thực hiện tất cả các loại hình truy tìm trong quá trình thi hành án.
Do vị thế được tăng cường, tình hình thi hành án đã thay đổi theo hướng tích cực. Trong năm 2011, các cơ quan Nội vụ chỉ truy tìm được hơn 21.000 người phải thi hành án là công dân và chỉ tìm được 11 trẻ em (để giao cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định), thì năm 2012, Cục Thi hành án Liên bang đã truy tìm được 39.000 người phải thi hành án là công dân và 111 trẻ em. Và riêng trong năm 2013, tính đến thời điểm tháng 9/2013, đã truy tìm được gần 33.000 công dân - người phải thi hành án và 50 trẻ em. Do đó, có thể tự tin nói rằng hôm nay, một hình thức đặc biệt của quy trình truy tìm đã được thiết lập: quy trình truy tìm của tố tụng thi hành án. Các Chấp hành viên được thực sự thực hiện các hoạt động truy tìm hữu hiệu thông qua việc sử dụng các thủ tục thẩm vấn các bên khác nhau, các nhân chứng, xác định nhân thân, khám xét trên địa giới và nhà cửa. Nhưng Cục Thi hành án Liên bang Nga cho rằng, quy trình truy tìm của tố tụng thi hành án cần phải được luật hóa.
Với mục đích nêu trên, Cục Thi hành án Liên bang Nga đã đưa ra một dự luật xác định các loại hình và các trình tự, thủ tục thực hiện việc truy tìm. Trong đó bao gồm các vấn đề như thủ tục thẩm vấn, thủ tục ghi chép, xem xét các tài sản, kiểm tra căn cước công dân, xem xét các tòa nhà, nhà ở, công trình cũng như việc sử dụng các thông tin thu thập được.
Duma Quốc gia của Liên bang Nga trong lần trình đầu tiên đã chấp nhận dự luật này và hiện đang chờ việc phê duyệt lần cuối trong thời gian gần nhất.
Một trong những vấn đề quan trọng của việc hiện thực hóa các kết quả truy tìm tài sản chính là khôi phục lại tình trạng pháp lý của tài sản của người phải thi hành án thuộc đối tượng của việc kê biên.
Như một quy luật, vấn đề này vốn trước đó được thực hiện bằng con đường ký kết các giao dịch gian lận với người có liên quan. Trong nửa đầu năm 2013, các Chấp hành viên đã làm rõ được 216 vụ gian lận ký kết giao dịch giữa người phải thi hành án và người có liên quan với mục đích che giấu tài sản có thể bị kê biên (cả năm 2012 là 328 vụ việc).
Tuy nhiên, Chấp hành viên không có quyền đệ đơn đến các tòa án yêu cầu công nhận các giao dịch như trên là vô hiệu và tiến hành các biện pháp giải quyết hậu quả vô hiệu. Vì vậy, các Chấp hành viên phải áp dụng các biện pháp để thu thập các tài liệu để chứng minh việc sở hữu thực tế, chứng minh việc chính người phải thi hành án đang sử dụng, định đoạt tài sản và sau đó Chấp hành viên chuyển thông tin cho người được thi hành án để họ khởi kiện tại tòa án. Trên thực tế, các vụ việc khởi kiện bởi người được thi hành án tại Tòa án với 47 đơn đề nghị tuyên bố giao dịch vô hiệu, trong số đó đã có 19 đơn kiện được Tòa án chấp nhận tuyên bố giao dịch vô hiệu và 22 đơn đang được xem xét.
Về phía Cục Thi hành án Liên bang Nga cho rằng trong tình huống như thế này, Chấp hành viên phải được quyền khởi kiện tại Tòa án, bởi chính họ mới là người có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để tổ chức thi hành một cách đầy đủ và đúng đắn nhất các bản án, quyết định. Bên cạnh đó, quy định này sẽ giải phóng người được thi hành án khỏi nghĩa vụ phát sinh là khởi kiện tại Tòa án.
2. Chúng ta cũng nên dành sự chú ý đặc biệt cho các vấn đề về định giá tài sản bị kê biên của người phải thi hành án.
Căn cứ theo pháp luật hiện hành, để xác định giá của tài sản bị kê biên, Chấp hành viên thường xuyên sử dụng dịch vụ của các chuyên gia - giám định viên (thẩm định giá viên) người đưa ra các báo cáo thẩm định về giá trị của tài sản. Sau đó, trên cơ sở các báo cáo này, các Chấp hành viên xác định giá mà tài sản sẽ được đưa ra để bán.
Về vấn đề này, câu hỏi "ai là người chịu trách nhiệm về kết quả định giá không chính xác?", là giám định viên (thẩm định giá viên) - người không ước tính đúng giá trị của các tài sản, hay là Chấp hành viên - người chấp nhận các báo cáo thẩm định không đáng tin cậy, vẫn là một vấn đề chưa giải quyết thống nhất được trong một thời gian dài.
Cho đến gần đây, theo án lệ do Đoàn Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Tối cao của Liên bang Nga đưa ra, do các bên thi hành án không đồng ý với giá thẩm định do giám định viên (thẩm định giá viên) đưa ra, Trọng tài đã quyết định bị đơn phải chịu trách nhiệm chính là Chấp hành viên.
Từ quyết định này, việc Trọng tài tuyên bố kết quả của việc thẩm định giá là không đáng tin cậy chính là cơ sở để các bên yêu cầu Cục Thi hành án bồi thường thiệt hại. Như vậy, trách nhiệm của các giám định viên (thẩm định giá viên) thực sự đã chuyển sang cho các Chấp hành viên-hoạt động sử dụng ngân sách liên bang này lại phải đáp ứng các yêu cầu bồi thường vật chất phát sinh từ các hoạt động thẩm định giá.
Phán quyết sai trái này đã được hủy bỏ bởi Nghị quyết ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Đoàn Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Tối cao của Liên bang Nga.Theo Nghị quyết này, các Chấp hành viên không có kiến thức chuyên môn để xác định giá trị thị trường của một vật hay quyền tài sản cụ thể và đã yêu cầu thẩm định giá viên chuyên nghiệp thực hiện công việc đó. Vì thế, người chịu trách nhiệm đối với việc tranh chấp, tranh cãi về kết quả của việc đánh giá tài sản kê biên chính là các thẩm định giá viên hoặc tổ chức thẩm định giá.
3. Sau khi định giá các tài sản bị kê biên của người phải thi hành án, khối tài sản đó sẽ được đưa ra bán như thế nào.
Hiệu quả của biện pháp này trong quá trình thi hành án đang có chiều hướng tăng. Ví dụ, trong năm 2010, số lượng tiền mặt thu được từ việc bán tài sản thu giữ của người phải thi hành án là 7,7 tỷ rúp, thì vào năm 2011 là 11,3 tỷ rúp, còn trong năm 2012 là 28 tỷ rúp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc hoàn thiện hơn nữa các thủ tục bán đấu giá tài sản sẽ chắc chắn nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án.
Hiện nay, các tổ chức duy nhất được ủy quyền để thực hiện bán tài sản bị kê biên trong quá trình thi hành án, là cơ quan Liên bang về quản lý tài sản Nhà nước - Cục Công sản. Đây là một cơ quan Nhà nước độc lập. Cơ quan này không trực thuộc và cũng không đặt dưới quyền kiểm soát của Cục Thi hành án Liên bang; mặt khác, việc xử lý tài sản của người phải thi hành án cũng không phải là nhiệm vụ chính của cơ quan này.
Như vậy, Cục Thi hành án Liên bang tham gia vào quá trình bán tài sản của người phải thi hành án một cách gián tiếp. Và như vậy, hiệu quả của hoạt động thi hành án lại phụ thuộc vào hiệu quả của hoạt động của cơ quan công quyền khác trong khi việc xử lý tài sản của người phải thi hành án không phải là công việc ưu tiên của họ. Trong khi đó, ở hầu hết các nước khác, chức năng xử lý tài sản của người phải thi hành án bị kê biên được giao cho các cơ quan (người) trực tiếp thực hiện các thủ tục thi hành án.
Một vấn đề khác, đó là việc bán các tài sản nhỏ có giá trị thấp dưới 30 nghìn rúp vẫn chưa được giải quyết. Cần lưu ý rằng tỷ lệ số lượng tài sản như vậy trong tổng số tài sản được đưa ra để bán chiếm đến khoảng 90%.
Hiệu quả của việc bán tài sản có trị giá thấp dưới 30 nghìn rúp thấp, theo ý kiến của chúng tôi, là do một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, là những lý do khách quan. Trong số đó - cơ cấu tổ chức cụ thể của Cục Công sản nằm rất xa các khu vực trung tâm và các địa điểm nơi có tài sản, thiếu cơ sở hạ tầng giao thông vận tải cần thiết ở các vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, là nguyên nhân chủ quan. Trước hết, đó là sự thiếu quan tâm của các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trong việc tiếp nhận và bán các tài sản không sinh lời.
Và điều này cũng là dễ hiểu vì giá trị của tài sản có giá trị thấp so với giá trị của tất cả các tài sản bị kê biên là không quá 10%. Trong nhiều trường hợp, các chi phí về việc tổ chức bán các loại hình tài sản này là cao hơn nhiều so với tiền nhận được từ việc bán tài sản và tiền thù lao trả cho người thực hiện việc bán tài sản.
Tính đến đặc thù của việc xử lý tài sản có giá trị thấp như trên và số lượng nhân viên của Cục Thi hành án Liên bang và các đơn vị trực thuộc tại các vùng, giải pháp của vấn đề này có thể là chuyển giao chức năng về xử lý tài sản có giá trị thấp cho Cục Thi hành án quyết định.
Cục Thi hành án Liên bang cho rằng, nên khuyến khích cải cách các thủ bán tài sản thi hành án, và ngày nay công việc cải cách này cũng đang được triển khai trên thực tế.
Hiện Cục Thi hành án Liên bang đang cùng với Bộ Tư pháp Nga và Bộ Phát triển Kinh tế Nga chuẩn bị một dự thảo luật liên bang
“ Về việc sửa đổi một số văn bản pháp luật của Liên bang Nga”. Dự luật này đang cân nhắc việc phân chia quyền lực của Cục Thi hành án Liên bang và Cục Công sản. Trong đó, dự thảo có nội dung theo hướng việc bán các tài sản có giá trị thấp sẽ được thực hiện bởi các tổ chức chuyên môn do Cục Thi hành án Liên bang Nga lựa chọn.
Dự thảo cũng đề xuất theo hướng hình thức chính của việc bán các tài sản của người phải thi hành án trong quá trình thi hành án là hình thức đấu giá điện tử.
Cần lưu ý rằng hiện nay tại Liên bang Nga trong thực tế đã thực hiện khá nhiều việc bán tài sản theo các quy định như tại dự luật này.
Cụ thể, tại một số vùng của Nga, Cục Công sản cũng đã thí điểm các thủ tục bán đấu giá công khai theo hình thức đấu giá điện tử đối với tài sản kê biên.
Kết quả của việc thí điểm này cho thấy các cuộc đấu giá điện tử thu hút nhiều khách hàng hơn, đơn giản hóa quá trình bán tài sản và cho phép loại trừ các trường hợp tham nhũng. Cuối cùng, mục tiêu chính của cuộc đấu giá đã đạt được. Các tài sản kê biên đã được bán với giá cao nhất. Chắc chắn điều này đã góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình thi hành án. Do đó, cần được khuyến khích mở rộng thí điểm có lợi như trên trên toàn bộ lãnh thổ của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, Cục Thi hành án Liên bang đang đặt ra nhiệm vụ không chỉ là hoàn thiện việc xử lý tài sản của người phải thi hành án, mà còn tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc kê biên xử lý tài sản. Quy trình xử lý tài sản kê biên bản thân nó được coi là tốn kém cho nhà nước và quá kéo dài đối với người được thi hành án.
Bên cạnh đó, tại sao các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp cứ phải bán tài sản, nếu như những người phải thi hành án có thể tự mình bán tài sản cho những người muốn mua mà họ đã tìm được và người được thi hành án không phản đối điều này?. Hoặc trước khi việc bán tài sản được thực hiện, có thể người được thi hành án cũng đồng ý nhận khối tài sản này để thay thế cho khoản được thi hành án.
Và thực tế cho thấy rằng những người được thi hành án khá là quan tâm đến các phương pháp thi hành án nói trên. Trong năm 2011, họ đã đồng ý nhận tài sản của người phải thi hành án mà không cần phải tiến hành các cuộc đấu giá với tổng số tiền là 18,6 tỷ rúp, trong năm 2012 là 23 tỷ rúp, và cho đến thời điểm tháng 9 năm 2013 là 9,5 tỷ rúp.
Do đó, dự thảo luật liên bang
“Về việc sửa đổi một số đạo luật của Liên bang Nga” cũng bao gồm các phương pháp thay thế trong việc cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án. Một trong số đó là việc tự do bán tài sản của người phải thi hành án với mức giá và trong thời gian do pháp luật quy định và Chấp hành viên xác định. Tương tự, những người được thi hành án sẽ được quyền đưa ra quyết định trong việc nhận các tài sản có giá trị thấp để cấn trừ nợ trước khi khối tài sản đó được đưa ra bán. Chắc chắn rằng việc thông qua dự luật này sẽ nâng cao hiệu quả của việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định.
Một sự quan tâm khác cũng được dành cho việc kê biên đối với quyền tài sản của người phải thi hành án. Trong đó, có quyền được nhận khoản thanh toán trong trường hợp thi hành án mà người đó là người được thi hành án, quyền được nhận khoản thanh toán từ việc cho thuê tài sản ngắn hạn hoặc dài hạn, cũng như quyền đối với các quyền độc quyền từ hoạt động trí tuệ và các phương tiện đã tư nhân hóa.
Liên quan đến những vấn đề này, Cục Thi hành án Liên bang Nga rất quan tâm đến việc học tập kinh nghiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án tại các quốc gia khác.
Các thủ tục kê biên đối với tài sản của người phải thi hành án tại Liên bang Nga không phải là không có nhược điểm, cũng như các giải pháp được đề cập trong báo cáo vẫn còn khiếm khuyết. Chắc chắn rằng ở các quốc gia khác, những vấn đề khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết trong lĩnh vực thực thi pháp luật thi hành án cũng còn tồn tại. Vì vậy, cần tích cực tham gia thảo luận để mỗi một nước đều có thể tìm ra cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề còn đang tồn tại, trong đó có xem xét đến đặc điểm riêng của từng hệ thống pháp luật quốc gia trong các thủ tục thi hành án dân sự.
Bảo Ngọc - Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo (giới thiệu)