Một số nội dung về cưỡng chế thi hành đối với động sản tại Nhật Bản

04/05/2018
Trong pháp luật thi hành án dân sự của Nhật Bản, cưỡng chế thi hành đối với động sản, bao gồm tài sản ổn định trên thửa đất không thể đăng ký được, tài sản là hoa lợi trước khi tách khỏi thửa đất và chắc chắn sẽ thu hoạch được trong vòng 1 tháng và giấy tờ có giá không phải là giấy tờ có giá cấm ký sau chuyển nhượng được bắt đầu thực hiện bằng cách Chấp hành viên kê biên tài sản. Trong thi hành động sản, Chấp hành viên có thể nhận thanh toán chi phí thi hành và trái quyền vì người cho vay kê biên.


Việc kê biên động sản do người vay chiếm hữu sẽ do Chấp hành viên thực hiện bằng cách chiếm hữu động sản đó. Khi thực hiện hoạt động này, Chấp hành viên có thể vào khu vực nhà ở của người vay hoặc địa điểm khác mà người vay đang chiếm hữu và xác định tài sản cần kê biên tại địa điểm đó hoặc trong két hoặc dụng cụ chứa đựng khác mà người vay đang chiếm hữu. Trong trường hợp này, khi cần thiết, có thể thực hiện xử lý cần thiết để mở cửa đã khóa và két hoặc dụng cụ khác chứa đựng tài sản đó.
Chấp hành viên có thể yêu cầu người vay bảo quản động sản đã kê biên khi thấy phù hợp. Trong trường hợp này, việc kê biên chỉ có hiệu lực khi đã mô tả rõ việc kê biên bằng cách niêm phong hoặc bằng các phương pháp khác. Trong trường hợp yêu cầu người vay bảo quản tài sản kê biên, nếu xét thấy hợp lý và có căn cứ thì Chấp hành viên có thể cho phép người vay sử dụng tài sản kê biên đó. Khi thấy cần thiết, Chấp hành viên có thể tự mình bảo quản tài sản kê biên mà đã yêu cầu người vay bảo quản theo quy định hoặc hủy việc cho phép sử dụng. Tuy nhiên, Chấp hành viên không thể tiếp tục kê biên tài sản đã kê biên hoặc động sản đã được thi hành tạm kê biên.
Trong trường hợp có đề nghị thi hành động sản khác đối với người vay bị kê biên ở cùng chỗ kê biên đó, Chấp hành viên phải tiến hành kê biên động sản đó khi có động sản chưa kê biên và phải làm rõ việc không kê biên khi không có động sản cần kê biên, đồng thời phải kết hợp vụ việc thi hành động sản này với vụ việc thi hành động sản trước đó. Khi lại có đề nghị thi hành động sản đối với người vay đã bị thi hành tạm kê biên ở cùng chỗ thi hành đó, thì Chấp hành viên cũng có thể thực hiện tương tự như trên.
Khi hai vụ việc thi hành động sản được kết hợp theo quy định thì khi kết hợp, động sản được kê biên ở vụ việc sau được coi là tài sản được kê biên ở vụ việc trước và đề nghị của vụ việc sau sẽ có hiệu lực yêu cầu phân bổ. Khi người cho vay kê biên ở vụ việc trước rút lại đề nghị thi hành động sản hoặc khi thủ tục đối với đề nghị đó bị đình chỉ hoặc bị hủy thì động sản đã được kê biên ở vụ việc trước được coi là tài sản đã được kê biên cho vụ việc sau khi kết hợp.
Khi vụ việc thi hành tạm kê biên và vụ việc thi hành động sản được kết hợp với nhau theo quy định thì động sản đã được thi hành tạm kê biên được coi là tài sản được kê biên ở vụ việc thi hành động sản khi kết hợp và đề nghị của vụ việc thi hành tạm kê biên sẽ có hiệu lực yêu cầu phân bổ. Khi người cho vay kê biên rút lại đề nghị thi hành động sản hoặc khi thủ tục đối với đề nghị đó bị đình chỉ hoặc bị hủy thì động sản đã được kê biên ở vụ việc thi hành động sản được coi là tài sản đã được thi hành tạm kê biên ở vụ việc thi hành tạm kê biên khi kết hợp.
Hiệu lực của kê biên bao gồm cả hoa lợi được sinh ra từ tài sản kê biên. Khi người thứ ba chiếm hữu tài sản kê biên, Tòa thi hành án có thể ra lệnh yêu cầu người thứ ba đó bàn giao tài sản kê biên cho Chấp hành viên theo đề nghị của người cho vay kê biên. Đề nghị này phải được thực hiện trong vòng 1 tuần kể từ ngày biết việc người thứ ba đang chiếm hữu tài sản kê biên. Các bên có thể kháng cáo thi hành đối với quyết định về đề nghị nêu trên.
Chấp hành viên kê biên động sản không được vượt quá mức độ cần thiết để thanh toán chi phí thi hành và trái quyền của người cho vay kê biên. Khi thấy sau khi kê biên, việc kê biên đó rõ ràng là vượt quá mức độ quy định thì Chấp hành viên phải hủy việc kê biên đối với phần vượt quá mức đó. Ngoài ra khi thấy tiền bán được của động sản cần kê biên không có khả năng vượt quá số tiền chi phí thủ tục thì Chấp hành viên không được kê biên. Trường hợp thấy tiền bán được của tài sản kê biên không có khả năng vượt quá tổng số tiền chi phí thủ tục và trái quyền ưu tiên hơn so với trái quyền của người cho vay kê biên, thì Chấp hành viên phải hủy kê biên. Khi không có khả năng bán được tài sản kê biên mặc dù đã tổ chức bán bằng phương pháp phù hợp, thì Chấp hành viên có thể hủy kê biên tài sản kê biên đó.
Không được kê biên các động sản sau: (1) Quần áo, chăn ga gối đệm giường chiếu, đồ gia dụng, đồ dùng bếp ăn, thảm và đồ gỗ gia dụng là những đồ dùng không thế thiếu trong sinh hoạt của người vay; (2) Thực phẩm và nhiên liệu cần thiết cho sinh hoạt trong 1 tháng của người vay; (3) Số tiền được quy định trong Nghị định trên cơ sở xem xét chi phí sinh hoạt cần thiết trong 2 tháng của hộ gia đình tiêu chuẩn; (4) Dụng cụ, phân bón, gia súc dùng làm lực lượng lao động và thức ăn gia súc là những thứ không thể thiếu trong canh tác nông nghiệp của nông dân chủ yếu sử dụng sức mình trong canh tác và hạt giống, sản phẩm tương tự hạt giống là những thứ không thể thiếu để tiếp tục canh tác nông nghiệp cho tới vụ mùa tiếp theo; (5) Lưới đánh cá, ngư cụ khác, mồi, cá giống và thủy hải sản khác tương tự cá giống là những thứ không thể thiếu được trong việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân chủ yếu dựa vào sức mình trong đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; (6) Kỹ sư, thợ nề, người lao động và dụng cụ, đồ dùng khác (trừ hàng hóa) mà không thể thiếu được trong việc thao tác nghiệp vụ của người có nghề nghiệp hoặc kinh doanh chủ yếu dựa vào năng lực trí tuệ và sức lao động của mình (trừ những người quy định tại mục (4) và mục (5)); (7) Con dấu thực hoặc biểu tượng khác mà không thể thiếu được trong nghề nghiệp hoặc sinh hoạt của người vay; (8) Tượng phật, bia khắc tên hoặc đồ vật khác không thể thiếu được để dùng trực tiếp trong lễ bái hoặc cúng bái dịp lễ; (9) Gia phả, nhật ký, sổ sách thương mại và những tài liệu khác tương tự cần thiết đối với người vay; (10) Huân chương của người vay hoặc người trong gia đình người đó được tặng hoặc đồ vật khác biểu dương danh dự; (11) Sách vở và dụng cụ cần thiết cho việc học của người vay tại trường học hoặc cơ sở đào tạo khác; (12) Đồ vật liên quan đến phát minh hoặc tác phẩm chưa được công bố; (13) Tay giả, chân giả hoặc đồ vật khác có tác dụng bổ sung phẩn thiếu của cơ thể và cần thiết đối với người vay; (14) Máy móc, dụng cụ dùng đề phòng cháy chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm và các dụng cụ khác là những đồ vật phải được trang bị theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn hoặc phòng chống thiệt hại đối với tòa nhà hoặc các công trình khác.
Tòa thi hành án có thể thay đổi phạm vi của động sản cấm kê biên, cụ thể: Tòa thi hành án có thể cho phép kê biên động sản đã nêu trên hoặc ra lệnh hủy một phần hoặc toàn bộ kê biên trên cơ sở xem xét điều kiện sống và tình hình khác của người vay theo đề nghị của người cho vay. Khi có thay đổi tình hình, Tòa thi hành án có thể ra lệnh hủy một phần hoặc toàn bộ kê biên hoặc cho phép kê biên động sản đã bị hủy kê biên. Khi có đề nghị yêu cầu ra lệnh hủy kê biên, Tòa thi hành án có thể yêu cầu thực hiện bảo đảm hoặc không yêu cầu thực hiện bảo đảm và ra lệnh đình chỉ cưỡng chế thi hành trước khi quyết định về đề nghị đó có hiệu lực. Các bên có thể kháng cáo thi hành đối với quyết định bác bỏ đề nghị và quyết định cho phép kê biên của Tòa thi hành án. Quyết định về đề nghị yêu cầu ra lệnh hủy kê biên là không thể kháng nghị. Người có quyền lưu giữ hoặc quyền thế chấp có thể xuất trình văn bản chứng minh quyền lợi đó và yêu cầu phân bổ.
Trong quá trình thi hành án, để bán tài sản kê biên, Chấp hành viên phải thực hiện bằng cách đấu thầu hoặc bán đấu giá hoặc bằng phương pháp khác quy định tại quy chế tòa án tối cao. Để duy trì trật tự tại địa điểm bán, Chấp hành viên có thể không cho những người sau vào địa điểm bán hoặc yêu cầu những người đó ra khỏi địa điểm bán hoặc không cho những người đó đăng ký nhận mua: (1) Người thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi gây cản trở việc bán một cách hợp pháp chẳng hạn như hành vi liên kết nhằm mục đích cản trở việc đăng ký nhận mua của người khác hoặc hạ giá xuống thấp một cách quá đáng; (2) Người được nhận định là người thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi gây cản trở việc bán một cách hợp pháp trong quyết định không cho phép bán của thủ tục thi hành dân sự khác và chưa quá 2 năm kể từ ngày xác lập quyết định không cho phép bán đó; (3) Người vay không thể đăng ký nhận mua…
Trong trường hợp kê biên hối phiếu, ngân phiếu hoặc giấy tờ có giá khác nhằm mục đích đòi tiền cần phải tiếp nhận hoặc xuất trình để được thanh toán hay đòi thanh toán trong thời hạn quy định trước để thực hiện quyền được thanh toán đó, khi kỳ đầu của thời hạn đó đáo hạn, Chấp hành viên có nghĩa vụ phải xuất trình hối phiếu đó thay cho người vay.
Trong trường hợp có văn bản: Bản chính quyết định có ghi rõ nội dung ban hành quyết định tạm đình chỉ cưỡng chế thi hành; Văn bản có ghi rõ nội dung người cho vay đã được thanh toán hoặc chấp thuận gia hạn thanh toán sau khi danh nghĩa trái vụ được lập được đưa ra, khi có nguy cơ làm giảm sút giá trị đối với tài sản kê biên hoặc khi cần chi phí rất lớn để bảo quản tài sản đó thì Chấp hành viên có thể bán tài sản kê biên đó. Khi bán tài sản kê biên trong trường hợp này, Chấp hành viên phải ký thác tiền bán được của tài sản đó. Khi bán giấy tờ có giá, Chấp hành viên có thể thực hiện hành vi cần thiết cho việc ký hậu hoặc chuyển đổi danh nghĩa thay cho người vay.
Trong trường hợp chỉ có một người cho vay hoặc trường hợp có từ hai người cho vay trở lên và có thể thanh toán toàn bộ chi phí thi hành và trái quyền của từng người cho vay bằng tiền bán được, tiền mặt đã kê biên hoặc tiền thanh toán của hối phiếu, thì Chấp hành viên phải giao tiền thanh toán cho người cho vay và giao số tiền dư còn lại cho người vay. Trừ trường hợp nêu trên, khi có sự thỏa thuận giữa các người cho vay về việc phân bổ tiền bán được thì Chấp hành viên sẽ thực hiện phân bổ theo thỏa thuận đó. Khi thỏa thuận giữa các người cho vay về việc phân bổ tiền bán được không thành, Chấp hành viên phải đăng ký nội dung đó với Tòa thi hành án.
Trong trường hợp văn bản sau: (1) Bản chính danh nghĩa trái vụ (trừ chứng thư thi hành) hoặc quyết định có hiệu lực thi hành ghi rõ nội dung hủy tuyên bố tạm thi hành hoặc nội dung không cho phép cưỡng chế thi hành; (2) Bản chính phán quyết xác định tuyên bố không có hiệu lực hòa giải, chấp thuận, trọng tài hoặc xét xử lao động đối với danh nghĩa trái vụ; (3) Bản chính chứng thư hoặc văn bản do Thư ký Tòa án lập chứng minh việc danh nghĩa trái vụ mất hiệu lực do hủy kháng nghị hoặc lý do khác; (4) Bản chính chứng thư hòa giải hoặc trọng tài ghi rõ nội dung hủy kháng cáo hoặc không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành hoặc quyết định xét xử lao động có hiệu lực tương đương với hòa giải; (5) Văn bản chứng minh đã bảo đảm để được miễn cưỡng chế thi hành; (6) Bản chính quyết định có ghi rõ nội dung ban hành quyết định đình chỉ cưỡng chế thi hành hoặc hủy quyết định thi hành được đưa ra sau khi nộp tiền mua bất động sản, khi có người cho vay khác lẽ ra phải được nhận phần phân bổ tiền bán hoặc phân bổ tiền thanh toán thì Tòa thi hành án phải thực hiện phân bổ cho người cho vay đó. Trong trường hợp văn bản: (1) Bản chính quyết định có ghi rõ nội dung ban hành quyết định tạm đình chỉ cưỡng chế thi hành; (2) Văn bản có ghi rõ nội dung người cho vay đã được thanh toán hoặc chấp thuận gia hạn thanh toán sau khi danh nghĩa trái vụ được lập được đưa ra sau khi nộp tiền mua bất động sản thì Tòa án cũng phải thực hiện phân bổ.
Trái quyền chưa tới thời hạn xác định được coi là đã tới hạn thanh toán khi phân bổ. Khi trái quyền này không có lãi thì phải tính toán số tiền phân bổ trên cơ sở coi số tiền của trái quyền đó là số tiền gốc đã được tính gộp cả số lãi theo lãi suất pháp định trong thời hạn từ ngày phân bổ đến ngày hết hạn trái quyền.
Ngoài người cho vay kê biên, người cho vay được nhận phân bổ là người cho vay đã yêu cầu phân bổ trước khi Chấp hành viên tiền bán được (trước khi thi hành động sản được tiếp tục thực hiện đối với tiền bán được đã được ký thác) đối với tiền bán được, trước khi kê biên tiền mặt đối với tiền mặt đã kê biên và trước khi nhận thanh toán tiền đối với tiền thanh toán của hối phiếu.
Trong trường hợp thực hiện phân bổ khi chỉ có một người cho vay hoặc có từ hai người cho vay trở lên và có thể thanh toán toàn bộ chi phí thi hành và trái quyền của từng người cho vay bằng tiền bán được, tiền mặt đã kê biên hoặc tiền thanh toán của hối phiếu hoặc khi có sự thỏa thuận giữa các người cho vay về việc phân bổ tiền bán được, khi có các lý do sau đối với trái quyền của người cho vay được nhận phân bổ thì Chấp hành viên phải ký thác khoản tiền tương đương với số tiền phân bổ đó và đăng ký nội dung đó với Tòa thi hành án: (1) Khi có điều kiện thuộc trường hợp đình chỉ hoặc có thời hạn không xác định; (2) Khi bản chính quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyền thế chấp hoặc quyền lưu giữ liên quan đến trái quyền đó được đưa ra… Chấp hành viên phải ký thác khoản tiền tương đương với số tiền phân bổ cho người cho vay không có mặt để nhận tiền phân bổ.
Tòa án thi hành phải thực hiện thủ tục phân bổ ngay lập tức trong trường hợp có đề nghị khi thỏa thuận giữa các người cho vay về việc phân bổ tiền bán được không thành và phải thực hiện thủ tục phân bổ khi không còn lý do ký thác trong trường hợp có đăng ký.
Người cho vay và người vay có bất bình về số tiền phân bổ hoặc trái quyền của từng người cho vay ghi trong bảng phân bổ có thể trình bày ý kiến phản đối trong thời hạn phân bổ. Tòa thi hành án phải thực hiện phân bổ chi đối với phần không có ý kiến phản đối phân bổ. Người cho vay đã trình bày ý kiến phản đối phân bổ và người vay đã trình bày ý kiến phản đối phân bổ với người cho vay không có bản chính danh nghĩa trái vụ có hiệu lực thi hành phải khởi kiện đòi phân bổ lại. Kiện tụng này thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa thi hành án. Trong trường hợp nguyên đơn không có mặt vào thời hạn bào chữa bằng miệng đầu tiên thì phải bác bỏ kiện tụng, trừ khi việc nguyên đơn không có mặt do lý do không thuộc trách nhiệm của mình. Trong phán quyết đối với kiện tụng này phải sửa đổi bảng phân bổ hoặc hủy bảng phân bổ để điều chỉnh và lập bảng phân bổ mới. Người vay đã trình bày ý kiến phản đối phân bổ với người cho vay có bản chính danh nghĩa trái vụ có hiệu lực thi hành phải khởi kiện đòi phân bổ hoặc khởi kiện.
Nguyễn Xuân Tùng, Tổng cục THADS