Có thể đưa ra những nội dung pháp luật cơ bản về cưỡng chế thi hành án dân sự của một số nước trên thế giới làm cơ sở tham khảo làm bài học kinh nghiệm lập pháp vận dụng vào Việt Nam:
1. Quy định chung về cưỡng chế thi hành án dân sự
Pháp luật các nước nêu trên đều có những quy định chung nhất định về cưỡng chế thi hành án dân sự, quy định về cưỡng chế được áp dụng khi đương sự không tự nguyện thi hành với các biện pháp và mức độ khác nhau để đạt hiệu quả. Phạt tiền là phương thức khá phổ biến và được áp dụng chung trong cưỡng chế thi hành án dân sự ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonexia. Riêng tại Hàn Quốc, cưỡng chế thi hành án là Nhà nước trợ giúp người được thi hành buộc người phải thi hành án phải thanh toán nghĩa vụ
[1]. Tại Nhật Bản, cưỡng chế thi hành án dân sự là cưỡng chế thi hành dân sự, đó là thủ tục được thực hiện để thỏa mãn một cách cưỡng chế quyền yêu cầu theo luật tư. Thủ tục này được thực hiện dựa trên văn bản chứng minh về sự tồn tại và nội dung của quyền yêu cầu, gọi là “chứng thư nghĩa vụ”; nếu quyền yêu cầu cần thi hành là tiền thì gọi là thi hành tiền và được phân biệt với các trường hợp thi hành khác gọi là thi hành phi tiền, cơ quan thi hành án cố gắng đảm bảo để người được thi hành án có thể đạt được mục đích đòi nợ của mình mà không cần phải có sự hỗ trợ của người phải thi hành án
[2].
2. Thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự
Nhiều nước có quy định khác nhau về thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự.
Tại Pháp, Thừa phát lại được giao cho việc thi hành án nhân danh pháp luật và theo sự ủy nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước, xin Thẩm phán đặc trách thi hành những án lệnh cần thiết hoặc trực tiếp yêu cầu sự can thiệp của Thẩm phán phụ trách thi hành án trong trường hợp khó khăn khi thi hành án, cưỡng chế thi hành án dân sự.
Ở Bỉ, Hà Lan, Lux-Xem-bourg, Hungary thì thẩm quyền cưỡng chế thi hành án dân sự cũng thuộc Thừa phát lại. Tại Trung Quốc, Luật tố tụng dân sự trao nhiều thẩm quyền cho Tòa án trong thi hành án dân sự được áp dụng biện pháp cưỡng chế để Tòa án thực hiện được nhiệm vụ, như cưỡng chế trong việc triệu tập, phạt tiền khi có vi phạm nghiêm trọng như hủy hoại tài sản, dùng vũ lực cản trở việc thi hành án. Nếu người phạm tội phải chịu trách nhiệm dân sự mà lại bị áp dụng biện pháp phạt tiền nhưng không có đủ tài sản để chi trả hoặc bị áp dụng biện pháp tịch thu tài sản thì việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với các chủ nợ sẽ được thực hiện trước. Việc thi hành án phạt tiền do các Tòa án thực hiện. Việc nộp phạt có thể thực hiện một lần đối với toàn bộ số tiền phạt hoặc nộp thành nhiều lần trong khoảng thời gian được quy định cụ thể trong bản án. Nếu hết thời gian quy định mà người bị phạt tiền vẫn chưa nộp hết khoản tiền phạt đã tuyên thì bị cưỡng chế nộp tiền. Việc thi hành án tịch thu tài sản bao gồm tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của cá nhân người phải thi hành án. Khi tịch thu tài sản thì các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống của người phải thi hành án và các thành viên gia đình sống phụ thuộc vào người đó vẫn được giữ lại. Tại Indonexia, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm việc thi hành và có thể ấn định khoản tiền phạt đối với người phải thi hành án không chấp hành việc thi hành án. Tại Nhật Bản, Tòa thi hành và Chấp hành viên phân chia chức năng, vai trò tùy theo loại việc thi hành dân sự, Tòa thi hành đảm nhận các thi hành mang tính quan niệm, tập trung vào việc nhận định pháp luật (cưỡng chế thi hành đối với bất động sản, cưỡng chế thi hành đối với trái quyền .v.v), trong khi đó Chấp hành viên chủ yếu phụ trách thi hành mang tính hành chính sự vụ, hành vi thực lực (ví dụ như cưỡng chế thi hành đối với động sản); cả hai thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách với tư cách là những cơ quan thi hành độc lập.
Tại Ba Lan, Chấp hành viên của Tòa án là một công chức công phối hợp làm việc với Tòa án cấp quận/huyện có thẩm quyền cưỡng chế thi hành án dân sự.
Ở Singapore, việc tổ chức thi hành án dân sự do Toà án đảm nhiệm; các nhân viên thi hành án thuộc Bộ phận thi hành án của Toà án vừa có nhiệm vụ thi hành án, vừa có nhiệm vụ tống đạt giấy tờ, thực hiện các lệnh bắt giữ; khi có bản án, người được thi hành án đến gặp người phải thi hành án để xem xét khả năng thi hành án của họ và yêu cầu họ phải thi hành; nếu người phải thi hành án không thi hành, người được thi hành án muốn được thi hành phải có đơn yêu cầu thi hành án gửi Toà án.
Ở Nga, Cục Thi hành án liên bang được tổ chức theo Luật liên bang về Chấp hành viên, ở địa phương có các cơ quan thi hành án địa phương. Cục Thi hành án liên bang do Chấp hành viên trưởng Liên bang Nga đứng đầu, là người được Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễn nhiệm. Cục thi hành án liên bang được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự tại Tòa án, thi hành văn bản thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác theo quy định của pháp luật và quyết định thi hành án; tổ chức việc kê biên và bán tài sản kê biên; truy tìm con nợ và tài sản của họ; tham gia vào việc bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga với tư cách chủ nợ trong các vụ việc và vụ kiện phá sản.
Tại Hoa kỳ, hoạt động thi hành án ở Hoa Kỳ không được coi là một giai đoạn của tố tụng. Việc thi hành án được tách biệt giữa cấp liên bang và cấp bang, do vậy thẩm quyền cưỡng chế thi hành án dân sự khác nhau giữa cấp liên bang và bang. Chức năng bắt giữ, đấu giá tài sản là chức năng quan trọng thứ hai trong số các chức năng của cơ quan thi hành pháp luật liên bang và bang. Các tài sản bị bắt giữ bao gồm cả tài sản liên quan tới tội phạm hình sự, cả tài sản liên quan tới thi hành án dân sự. Cơ quan chịu trách nhiệm về thi hành pháp luật ở cấp liên bang là Tổng cục Thi hành pháp luật liên bang (US Marshal Service), một đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ; gắn với mỗi Toà án khu vực liên bang (tổng cộng có 94 Toà án khu vực liên bang với thẩm quyền xét xử sơ thẩm; cấp trên của các Toà án này là các toà phúc thẩm liên bang và đỉnh của hệ thống là Toà án tối cao Hoa Kỳ) đều có một Cục Thi hành pháp luật liên bang đứng đầu là Cục trưởng do Tổng thống bổ nhiệm. Đối với hoạt động thi hành pháp luật, chức danh quan trọng nhất là Cảnh sát trưởng (sheriff); ngoài Cảnh sát trưởng và đơn vị trực thuộc và Văn phòng Cảnh sát trưởng, nhiều địa phương ở Hoa Kỳ còn có cả Sở cảnh sát cũng tham gia vào thực hiện chức năng thi hành pháp luật.
3. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Ở Nhật Bản, các biện pháp cưỡng chế gồm có: cưỡng chế trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thi hành án là trả tiền hoặc giao tài sản, khi đó cơ quan thi hành án sẽ bán tài sản của người phải thi hành án và trả tiền cho người được thi hành án hoặc cưỡng chế gián tiếp trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ mà không cho phép người thứ ba đại diện thi hành thì Tòa án có thể yêu cầu người phải thi hành án trả một khoản tiền bồi thường thiệt hại nhất định nếu không thi hành. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản không cho phép cưỡng chế bằng phạt tù. Trong quá trình thi hành án, Công tố viên và Cảnh sát ít tham gia vì cưỡng chế bằng cách phạt tù không được phép tại Nhật Bản nhưng nếu người phải thi hành án chống thi hành án bằng hành vi phạm tội thì Cảnh sát và Công tố viên sẽ vào cuộc. Cưỡng chế thi hành đối với bất động sản thì có cưỡng chế bán đấu giá và cưỡng chế quản lý, việc “bán” để chuyển thành tiền giá trị trao đổi được thực hiện bằng thủ tục cưỡng chế bán đấu giá. Tại Hàn Quốc, để đảm bảo hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án dân sự, trong trường hợp người phải thi hành án không hoàn thành nghĩa vụ bằng tiền và khó xác định được tài sản của người phải thi hành án, người được thi hành án có thể yêu cầu Tòa án ra lệnh cho người phải thi hành án cung cấp danh mục tài sản, trong đó nêu rõ tài sản nào thuộc sở hữu người phải thi hành án. Nếu người phải thi hành án không tuân thủ lệnh của Tòa hoặc cung cấp danh mục giả, người phải thi hành án có thể bị phạt tù, phạt tiền hoặc bị tạm giữ. Ngoài ra còn có biện pháp cung cấp thông tin cho các tổ chức tài chính về tình trạng thi hành án của người phải thi hành án để buộc người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành. Tòa án, theo yêu cầu của người được thi hành án, sẽ điều tra nơi các cơ quan lưu trữ thông tin về bất động sản hoặc tài sản tài chính của người phải thi hành án dưới hình thức dữ liệu điện tử. Pháp luật Hàn Quốc cũng quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như tịch biên, không cho phép thực hiện hành vi tạm thời để tránh việc người phải thi hành án tẩu tán, che giấu tài sản. Pháp luật Hàn Quốc còn quy định nhiều biện pháp tương đối triệt để và hiệu quả như trong điều tra, xác minh tài sản người phải thi hành án cũng như việc công khai thông tin của người phải thi hành án có khả năng ảnh hưởng trực tiếp nặng nề đối với uy tín, trách nhiệm buộc họ phải thi hành, thậm chí người phải thi hành án có thể bị phạt tù hoặc giam giữ tùy theo mức độ
[3].
Ở Pháp, các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự gồm có: Kê biên thanh toán nợ; kê biên tiền lương, tiền công; kê biên và bán các tài sản là động sản của người mắc nợ đang do người thứ ba giữ; phong toả động sản; các biện pháp thi hành án đối với các phương tiện cơ giới đường bộ; kê biên các tài sản vô hình; cưỡng chế trả nhà
[4].
Ở Thụy Điển, các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng là: kê biên tài sản, trừ lương hoặc tiền công của con nợ, đuổi người thuê nhà ra khỏi nhà cho thuê, phá dỡ các công trình xây dựng, can thiệp vào việc thực hiện các hợp đồng, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm chiếm, một số biện pháp mang tính chất cảnh báo đối với những hành vi chống đối của con nợ và người có liên quan. Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp phạt tiền, nếu Chấp hành viên đã phạt tiền mà con nợ vẫn không đến thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu cảnh sát bắt.
Ở Singapora, các biện pháp cưỡng chế được thể hiện bằng các lệnh của Toà án: Lệnh tịch thu tài sản, Lệnh tịch thu các thu nhập của người phải thi hành án, Lệnh trục xuất người phải thi hành án ra khỏi nhà, Lệnh tháo dỡ nhà.
Ở Bang California (Hoa Kỳ), biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có thể áp dụng là: phong toả tài khoản tại ngân hàng; phong toả các tài sản mà con nợ được nhận; khấu trừ lương, tài sản do người thứ ba giữ; kê biên các động sản; kê biên và bán bất động sản; thanh lý thiết bị kinh doanh hoặc tài sản khác; tịch biên, thu giữ các lợi nhuận mà con nợ được hưởng; thu hồi quyền sở hữu bất động sản hoặc tài sản hữu hình khác
[5].
4. Các loại tài sản không được cưỡng chế thi hành án dân sự
Xuất phát từ chính sách nhân đạo, pháp luật các nước đều có quy định những tài sản cơ quan thi hành án không được kê biên ở mức độ nhất định nhằm bảo đảm cho người phải thi hành án và gia đình họ có cuộc sống, sinh hoạt bình thường ở mức tối thiểu, như:
Ở Pháp, các tài sản không được kê biên như: thực phẩm, tiền trợ cấp nuôi dưỡng, trừ khoản tiền mà bên kê biên trả để cấp dưỡng cho bên bị kê biên; các tài sản có thể định đoạt được nhưng được người viết di chúc hoặc người tặng cho tuyên bố không thể kê biên hoặc là theo sự cho phép của Thẩm phán và trong một tỷ lệ do Thẩm phán quyết định, được các chủ nợ sau này khi đã quyết định tặng cho hoặc mở thừa kế mà không thể kê biên như động sản cần thiết cho cuộc sống, công ăn việc làm của người bị kê biên và gia đình họ, nếu như không phải để chi trả cho động sản đó trong chừng mực mà sắc lệnh của Tổng thống cho phép, tuy nhiên những động sản đó vẫn có thể bị tịch biên nếu nằm ngoài nơi cư trú và nơi làm việc thường xuyên của con nợ, nếu đó là tài sản có giá trị như tài sản quý, hiếm, cổ hay xa xỉ hoặc là tài sản có số lượng lớn vượt quá nhu cầu cần thiết; những động sản hữu hình của nghiệp sản thương mại; vật dụng cần thiết của người tàn tật hay dùng để chăm sóc người ốm
[6].
Ở Bang California (Hoa Kỳ), theo đề nghị của người phải thi hành án, căn cứ vào mức sinh hoạt chung, Toà án sẽ xem xét, quyết định những tài sản cần thiết để lại cho người phải thi hành án và không kê biên những tài sản đó. Quá trình thi hành án có một số ngoại lệ đối với con nợ trong trường hợp nếu: con nợ bị tuyên bố phá sản sẽ được miễn trừ, nếu con nợ là doanh nghiệp; chỉ được thu hồi tài sản của con nợ tính đến thời điểm phá sản; trong trường hợp con nợ chỉ có một chỗ ở duy nhất, nếu kê biên bán nhà để thi hành án thì phải để lại cho gia đình người phải thi hành án khoản tiền nhất định; khoản tiền cấp dưỡng nuôi con, tiền con nợ nhận được từ Toà án được miễn khấu trừ; tài sản, lợi ích, lợi nhuận thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba; các công cụ, phương tiện làm việc của người phải thi hành án được giới hạn phải để cho người phải thi hành án và một số ngoại lệ khác.
5. Về thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự
Tại Nhật Bản, cấu trúc của thủ tục cưỡng chế thi hành là chế độ có mục đích thỏa mãn trái quyền, có nghĩa là thỏa mãn quyền yêu cầu của người có quyền đối với người có nghĩa vụ. Quyền yêu cầu có thể được phân thành trái quyền tiền có mục đích là tiền và các trái quyền khác ngoài trái quyền tiền. Từ “trái quyền” là từ chuyên ngành luật chỉ quyền lợi đối với người và dùng để đối lập với vật quyền là quyền chi phối đối với vật. Ở Nhật Bản, quyền yêu cầu cần phải thực hiện trong cưỡng chế thi hành được gọi với từ là “trái quyền thi hành”, vì thế vấn đề đặt ra là “bán” vật kê biên. Bán là một phương pháp để chuyển thành tiền và được coi là đối tượng để xem xét cưỡng chế thi hành cho các trái quyền cần thiết phải chuyển thành tiền. Mục tiêu sau cùng của thủ tục cưỡng chế thi hành là để thỏa mãn trái quyền thi hành và quy trình của nó rất đa dạng tùy thuộc vào loại trái quyền thi hành. Có thể nói rằng các loại trái quyền là lớn vô cùng và không thể xây dựng quy định pháp luật có thể bao phủ được tất cả mọi thứ này. Cưỡng chế thi hành vì trái quyền tiền được thực hiện theo quy trình là: kê biên à chuyển thành tiền à thỏa mãn. Chuyển thành tiền là tiền để thỏa mãn trái quyền tiền. Kê biên là bước để chuẩn bị cho việc chuyển thành tiền. Việc kê biên có hiệu lực cấm người có nghĩa vụ xử lý là vì đó là cần thiết để chuyển thành tiền. Ở Nhật Bản thường hay thi hành với đối tượng là bất động sản và các quy định về vấn đề này chiếm nhiều điều luật của Luật Thi hành dân sự. Bên cạnh đó, trái quyền tiền đối với tổ chức tài chính đặc biệt là cưỡng chế thi hành đối với trái quyền tiền gửi cũng không ít. Đối với động sản thì khi cưỡng chế không phải báo trước, không phải có quyết định hay lệnh cưỡng chế
[7].
Ở Thụy Điển, cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu cảnh sát tạm giữ con nợ, khi con nợ cố tình trì hoãn không lập danh sách kê khai tài sản của mình theo yêu cầu của cơ quan thi hành án. Đối với việc cưỡng chế trả nhà, Chấp hành viên thông báo cho người đang thuê nhà biết việc họ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà cho thuê nếu họ cố tình không trả tiền thuê, sau đó, cơ quan thi hành án sẽ giao ngôi nhà mà con nợ đang thuê cho chủ nhà
[8].
Ở Pháp, pháp luật quy định mọi tài sản của người mắc nợ đều có thể bị kê biên ngay cả khi tài sản đó do người thứ ba giữ. Cưỡng chế kê biên thanh toán nợ thì mọi chủ nợ có trong tay một văn bản có hiệu lực thi hành ghi nhận một khoản nợ bằng tiền mặt có thể đòi được đều có thể, nhằm thu hồi tiền nợ, kê biên những khoản nợ mà người thứ ba nợ con nợ theo những quy định riêng về tiền lương trong Bộ luật lao động; kê biên tiền lương căn cứ vào định mức có thể kê biên tiền công, lương, tổng số nợ và lãi suất con nợ theo yêu cầu của chủ nợ hoặc người mắc nợ; khi các tài sản bị kê biên do người thứ ba giữ và hiện đang ở trong nhà người này thì việc kê biên chỉ được tiến hành khi có lệnh của Thẩm phán thi hành án; phong tỏa động sản thì Thừa phát lại cho phong tỏa các động sản mà người mắc nợ phải giao hoặc trả lại cho chủ nợ theo quyết định thi hành án, trừ khi người mắc nợ tự nguyện vận chuyển động sản này và chịu mọi chi phí; biện pháp thi hành án đối với các phương tiện cơ giới đường bộ thì Thừa phát lại có thể báo cho cơ quan quản lý và đăng ký xe cơ giới đường bộ của tỉnh, việc tống đạt thông báo này cho người mắc nợ có giá trị như việc kê biên. Đối với việc cưỡng chế trả nhà, pháp luật của Pháp quy định trừ trường hợp có quy định đặc biệt việc trục xuất hoặc cưỡng chế ra khỏi một toà nhà, một nơi ở chỉ được tiến hành nếu có quyết định của Tòa án hoặc trên cơ sở một biên bản hòa giải có hiệu lực thi hành, sau khi đã có lệnh tống đạt giải tỏa nhà. Việc bắt giữ tàu biển để thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án, sau khi có bản án, quyết định của Toà án buộc bên phải thi hành án phải thanh toán tiền mặt hoặc tài sản cho bên được thi hành án thì Thẩm phán Toà án có thể ra quyết định bắt giữ tàu biển để bán
[9].
Ở Singapore, đối với việc thi hành bản án trả nhà, nhân viên thi hành án ấn định ngày người phải thi hành án phải trả lại nhà cho người được thi hành án và nói rõ nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Trường hợp người phải thi hành án cố tình dây dưa không trả nhà, nhân viên thi hành án yêu cầu cảnh sát đi cùng để đưa người phải thi hành án và đồ đạc của họ ra ngoài, trả lại nhà cho người được thi hành án. Trong trường hợp người phải thi hành án là cá nhân thực sự không có tài sản để thi hành thì có thể làm đơn yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố phá sản, nếu được Toà án tuyên bố phá sản thì hoạt động thi hành án đối với họ chấm dứt
[10].
Có thể nói, trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức thi hành án dân sự (công, bán công, tư nhân), mỗi mô hình tổ chức thi hành án dân sự đều có mặt tích cực và mặt hạn chế nhất định. Mô hình tổ chức thi hành án dân sự bán công, một mặt tạo ra sự tin tưởng đối với công chúng là người được thi hành án cũng như người có quyền, lợi ích liên quan và bảo đảm hiệu lực cưỡng chế thi hành án dân sự bằng sức mạnh cưỡng chế trực tiếp của Nhà nước, song mặt khác lại rất tốn kém và dễ phát sinh tệ quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự. Còn đối với mô hình tổ chức thi hành án tư nhân thì mức độ xã hội hoá hoạt động thi hành án dân sự rất cao, ngân sách Nhà nước đỡ tốn kém nhưng các điều kiện pháp lý đảm bảo cho mô hình này hoạt động có hiệu quả đòi hỏi phải rất chặt chẽ, toàn diện về nhiều mặt, thích hợp với truyền thống, môi trường pháp lý và điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia áp dụng mô hình này. Trong khi đó, mô hình tổ chức thi hành án bán công lại mang nhiều đặc điểm của cả hai mô hình thi hành án công lẫn tư nhân. Mặc dù ở mô hình tổ chức thi hành án nào thì cũng đều có quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự là cơ sở để tham khảo trong việc hoàn thiện pháp luật và áp dụng vào thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam, trong đó một số kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam, như:
Một là, mở rộng phạm vi thi hành án dân sự đối với một số văn bản không do Tòa án xét xử như ở Nhật Bản là “chứng thư nghĩa vụ” được cưỡng chế thi hành ngoài bản án, quyết định của Toà án thì còn có các chứng thư nghĩa vụ không có sự can dự của Thẩm phán, như: Chứng thư thi hành do công Chứng viên lập, Văn bản hối thúc thanh toán do Thư ký Tòa án lập hoặc Biên bản hòa giải, Biên bản điều đình được lập như là kết quả của việc thỏa thuận giữa các đương sự.
Hai là, quy định Thẩm phán thi hành án để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong cưỡng chế thi hành án dân sự như Tòa án ra quyết định cưỡng chế đối với bất động sản ở Nhật Bản; Tòa án áp dụng một số biện pháp cưỡng chế như ở Pháp, Trung Quốc).
Ba là, quy định rõ các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và những tài sản không được kê biên, để thi hành án như ở Pháp, Nhật Bản.
TS. Lê Anh Tuấn, Tổng cục THADS
- Nhà pháp luật Việt - Pháp (2006), Tài liệu hội thảo Quốc tế các mô hình tổ chức thi hành án trên thế giới (bản dịch) ngày 17-18/04/2006, Kỷ yếu Hội thảo, Hà Nội, trang 22-23.
- Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp (2013), Báo cáo số 218/BC-TCTHADS ngày 29/01/2013 về kết quả của Đoàn đi công tác nước ngoài tham dự Khoá đào tạo về pháp luật thi hành án dân sự tại Nhật Bản, Tài liệu hợp tác của Tổ chức JICA Nhật Bản, ngày 11/01/2013, trang 5.
- Chính phủ (2012), Tài liệu hội thảo - Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012, Chính phủ Việt Nam - Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam, Hà Nội 12/12/2012 - The Legal Partnership Forum in 2012: “Strengthening Legal and Judicial Reform in Viet Nam”, Government of Viet Nam - United Nations Development Programme, Hà Nội, trang 389-390.
- Chính phủ (2008), “Thông tin về pháp luật thi hành án dân sự của một số nước”, Tài liệu tham khảo phục vụ xây dựng Luật Thi hành án dân sự, Dự án Luật Thi hành án dân sự, Hà Nội, trang 8-9.
- Bộ Tư pháp - UNDP (2008), Tài liệu hội thảo “Quản lý thi hành án - Các mô hình và kinh nghiệm quốc tế”, ngày 02 - 03/12/2008, Hà Nội, trang 38.
- Nhà pháp luật Việt - Pháp (2008), Tài liệu hội thảo dự thảo Luật Thi hành án dân sự (bản dịch), ngày 24-25/09/2008, Kỷ yếu Hội thảo, Hà Nội, trang 17.
- Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp (2013), Báo cáo số 218/BC-TCTHADS ngày 29/01/2013 về kết quả của Đoàn đi công tác nước ngoài tham dự Khoá đào tạo về pháp luật thi hành án dân sự tại Nhật Bản, Tài liệu hợp tác của Tổ chức JICA Nhật Bản, ngày 11/01/2013, trang 8.
- Chính phủ (2008), “Thông tin về pháp luật thi hành án dân sự của một số nước”, Tài liệu tham khảo phục vụ xây dựng Luật Thi hành án dân sự, Dự án Luật Thi hành án dân sự, Hà Nội, trang 9.
- Nhà pháp luật Việt - Pháp (2008), Tài liệu hội thảo dự thảo Luật Thi hành án dân sự (bản dịch), ngày 24-25/09/2008, Kỷ yếu Hội thảo, Hà Nội, trang 15.
- Chính phủ (2012), Tài liệu hội thảo - Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012, Chính phủ Việt Nam - Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam, Hà Nội 12/12/2012 - The Legal Partnership Forum in 2012: “Strengthening Legal and Judicial Reform in Viet Nam”, Government of Viet Nam - United Nations Development Programme, Hà Nội, trang 389.