UIHJ và Bộ luật toàn cầu về thi hành án dân sự

17/10/2017
1. Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ)
Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (International Union of Judicial Officers) có trụ sở tại Pháp (6 place du Colonel-Fabien 75019 Paris France). Hiệp hội là một thành viên của Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc tại New York. Hiệp hội cũng có đại diện tại văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Vienna and Aman. Đến nay, ngoài trụ sở chính đặt tại số 6 Place du Colonel Fabien, 75019 Paris, hiệp hội còn có các ban thư ký thường trực và đại diện trên toàn thế giới. Các ban thư ký và đại diện thường trực sẽ đại diện cho hiệp hội trong từng lĩnh vực và chịu trách nhiệm phối hợp, kết nối mạng lưới tổ chức về mặt địa lý một cách hiệu quả nhất.


Năm 1949, tại Hội nghị quốc gia Pháp của các nhân viên tư pháp, ông Chủ tịch Jean Soulard đã lần đầu tiên có sáng kiến về thành lập Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp. Sau 03 năm kêu gọi, năm 1952, Hội nghị đầu tiên đã được tổ chức tại Pháp với sự tham gia của các quốc gia Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Luxambua, Hà Lan và Thụy Sỹ. Đại diện các quốc gia này đã thành lập một ủy ban để soạn thảo các điều khoản hoạt động của tổ chức bộ máy, khai sinh ra hiệp hội mới này. Tinh thần chung của những điều khoản này về cơ bản được duy trì nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.
Mục tiêu của tổ chức này là đại diện cho các thành viên trong các tổ chức quốc tế và bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của mỗi quốc gia. Hiệp hội thường hỗ trợ cải thiện các luật thủ tục quốc gia và các hiệp định quốc tế cũng như nỗ lực làm sâu sắc hơn những ý tưởng, dự án và sáng kiến nhằm giúp nâng cao vị thế và sự độc lập của các chức danh tư pháp. Đặc biệt, hiệp hội rất chú trọng hỗ trợ các cán bộ tòa án hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ thực thi các mệnh lệnh của tòa án.
Ngày nay, hiệp hội có 86 thành viên, khu vực Châu Á có duy nhất Thái Lan là thành viên. Hiện nay, hiệp hội tiếp tục đóng vai trò tích cực ở Châu Mỹ, đặc biệt là ở Nam Phi và khu vực Caribbean. Hiệp hội cũng ngày càng tăng cường các hoạt động trao đổi với các quốc gia Châu Á để khuyến khích các quốc gia này đạt được những xếp hạng của các quốc gia đã là thành viên của tổ chức. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, hiệp hội đề xuất việc tranh thủ những kinh nghiệm của mình để giúp các quốc gia thành viên có thể thực thi các bản án, quyết định của tòa án với hiệu quả cao nhất.
Địa chỉ điện tử của Hiệp hội hiện nay là: http://www.uihj.com/en/.
2. Bộ luật toàn cầu về thi hành án dân sự (Global Code of Enforcement)
Bộ luật toàn cầu về thi hành án dân sự này được UIHJ trình bày chính thức vào ngày 05/6/2015 khi diễn ra Hội nghị quốc tế của các chức danh tư pháp tại Madrid, Tây Ban Nha. Nội dung cơ bản của Bộ luật gồm các điều khoản sau:
Phần  thứ nhất về những nguyên tắc cơ bản, gồm các nội dung cơ bản sau:
- Quyền cơ bản đối với thực thi bản án: Mọi người được thi hành án, người có quyền được thi hành án theo thủ tục tố tụng hay phi tố tụng, đều có quyền tiếp cận hiệu quả quá trình thực thi bản án, đặc biệt là trong quan hệ với người phải thi hành án, trên cơ sở những điều kiện theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến việc duy trì những quyền miễn trừ không bị cưỡng chế theo quy định của luật quốc gia và luật quốc tế. Quyền này được bảo đảm mà không có sự phân biệt và không phụ thuộc vào số lượng tài sản yêu cầu thi hành án.
- Người phải thi hành án phải phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án bằng toàn bộ tài sản của mình: Người phải thi hành án phải có trách nhiệm với nghĩa vụ thi hành án của mình bằng tất cả các tài sản của mình ở bất cứ nơi nào những tài sản này được tìm thấy. Luật quốc gia có thể yêu cầu người phải thi hành án phải thông báo những tài sản mà mình có. Luật phải đưa ra các chế tài hình phạt để áp dụng trong trường hợp này. Những người phải thi hành án cố tình đưa mình vào trạng thái phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
- Quyền thi hành án: Tất cả quyết định của tòa án có hiệu lực thực thi cũng như những tài liệu chứng minh là pháp luật cho phép thực hiện việc cưỡng chế, cụ thể là những tài liệu chứng thực, quyết định trọng tài và lệnh thực thi của cơ quan tư pháp.
- Yêu cầu thực thi bản án ngay lập tức: Người được thi hành án không cần phải sử dụng đến những thủ tục tố tụng khác để có được việc cưỡng chế thi hành án. 
- Chi phí thi hành án: Chi phí thi hành án do người phải thi hành án chi trả, nhưng người được thi hành án phải tạm ứng số tiền đó trước, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thi hành án phá sản của người phải thi hành án, các chi phí thi hành án do người được thi hành án chi trả. Trường hợp thẩm phán cho rằng người được thi hành án đã lạm quyền khi cưỡng chế thì có thể hướng dẫn người được thi hành án chi trả chi phí cưỡng chế và bồi thường những tổn thất mà bên phải thi hành án gánh chịu. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng các chi phí thi hành án phải được ấn định, ổn định, minh bạch và hợp lý.
- Rút ngắn thời gian thi hành án: Nhà nước phải bảo đảm rằng mọi người được thi hành án có quyền bình đẳng trong tiếp cận các biện pháp cưỡng chế thông qua việc hỗ trợ pháp lý.
- Thời gian pháp lý: Việc cưỡng chế thi hành án không được tổ chức ngoài giờ pháp lý được xác định theo quy định của luật quốc gia về thi hành án dân sự.
- Vận hành quyền cưỡng chế và các biện pháp cưỡng chế:Mọi biện pháp cưỡng chế bị xem xét vô hiệu nếu vượt quá những quy định về thông báo quyền thi hành án cho người phải thi hành án theo quy định của luật quốc gia. Mọi biện pháp cưỡng chế phải được thông báo để người phải thi hành án biết.
- Tiếp cận thông tin: Nhà nước phải ban hành các quy định tất cả các cơ quan liên quan, gồm cả khối công và khối tư, có trách nhiệm làm rõ càng nhanh càng tốt đến cơ quan thi hành án về tất các thông tin họ có về tình trạng pháp lý của nơi ở, văn phòng hoặc địa điểm chính là đại diện thương mại của người phải thi hành án, cũng như những cấu trúc kỹ thuật hợp thành những tài sản trên. Tuy nhiên, những cơ quan này cũng có thể từ chối cung cấp thông tin nếu những thông tin đó liên quan đến bí mật nghề nghiệp.
- Biện pháp thay thế và sự tham gia của các cá nhân trong hoạt động cưỡng chế thi hành án: Nhà nước phải chắc chắc rằng cơ quan thi hành án có thể có lựa chọn là chấp nhận thỏa thuận, tự nguyện thi hành án theo yêu cầu của người phải thi hành án. Để đạt được yêu cầu thực thi bản án phù hợp với điều kiện của người được thi hành án và người phải thi hành án, Nhà nước phải cho phép sự tham gia tích cực của các bên nêu trên trong quá trình thi hành án.
- Bảo đảm sinh kế của người phải thi hành án: Trường hợp cần thiết phải bảo đảm các điều kiện sinh kế của người phải thi hành án, Nhà nước có thể đưa ra những thủ tục, biện pháp khác để có thể xử lý, giải quyết trách nhiệm của người phải thi hành án.
- Áp dụng những công nghệ mới: Những biện pháp cưỡng chế phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng mọi hình thức hỗ trợ, bao gồm cả các thiết bị phi vật chất, với những cảnh báo theo quy định của luật quốc gia nơi biện pháp cưỡng chế được thực hiện.
 - Sự hỗ trợ của sức mạnh trật tự công cộng: Trên cơ sở trách nhiệm của mình, Nhà nước phải bảo đảm sự hỗ trợ của sức mạnh trật tự công cộng trong một khoảng thời gian hợp lý đối với công chức thi hành án hoặc những người có vị trí tương đương. Nhà nước phải chắc chắn rằng các nhân viên thi hành án và cơ quan thi hành án trong quá trình thi hành bản án có thể tiếp cận những tài sản của người phải thi hành án hoặc bị chiếm giữ bởi người khác mà không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án hoặc trong trường hợp người phải thi hành án vắng mặt. Nếu tài sản của người phải thi hành án được kê biên có liên quan đến người thứ ba thì sự cho phép của tòa án để tiếp cận tài sản nói trên là bắt buộc.
- Sự minh bạch: Nhà nước phải chắc chắn rằng công chúng phải được thông báo về các biện pháp cưỡng chế. Nhà nước phải áp dụng những công nghệ mới để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nhân viên thi hành án trong nước và quốc tế. Người được thi hành án có thể được thông báo về các biện pháp cưỡng chế bằng việc sử dụng những công nghệ mới nếu có thể.
- Đặc quyền ngoại giao: Bất cứ biện pháp cưỡng chế nào ảnh hưởng đến tính chất đặc quyền ngoại giao thì chỉ có thể áp dụng bởi nhân viên tư pháp hoặc cơ quan thi hành án nhà nước nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Phần thứ hai về cán bộ tư pháp và cơ quan thi hành án, gồm các nội dung cơ bản sau:
- Sự chuyên môn hóa các công chức thi hành án và cơ quan thi hành án: Chỉ nhân viên thi hành án hoặc cơ quan thi hành án được phép của Nhà nước mới có thể thực hiện quá trình thực thi theo quy định của luật quốc gia.
- Nghĩa vụ: Cơ quan có thẩm quyền hoặc nhân viên tư pháp được tham gia thực hiện các biện pháp cưỡng chế một cách hợp pháp trừ trường hợp bị ngăn cản bởi quy định hoặc lý do của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp rằng người đó không thể có thẩm quyền tham gia. Nhân viên thi hành án phải bảo đảm bí mật nghề nghiệp.
- Địa vị chuyên môn của các tổ chức thi hành án: Các cơ quan thi hành án phải tuân thủ các quy định về địa vị pháp lý để bảo đảm chất lượng của quá trình cưỡng chế thi hành án thông qua yêu cầu về trình độ pháp lý mức độ cao. Các cơ quan thi hành án và nhân viên thi hành án phải tuân thủ nghĩa vụ về điều kiện trình độ nghiệp vụ bắt buộc ban đầu và đào tạo suốt đời.
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp: Nhà nước phải ban hành các quy định làm rõ các nguyên tắc về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cơ quan thi hành án và nhân viên thi hành án.
- Kỷ luật nghề nghiệp: Quy trình kỷ luật tuân thủ những nguyên tắc công bằng trước một cơ quan độc lập quyết định theo nguyên tắc đối tụng phải được thiết lập. Các chế tài kỷ luật phải được quy định và tương xứng với mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm đã thực hiện. Các quyết định kỷ luật đều có thể được kháng cáo.
- Kiêm nghiệm nghề nghiệp khác: Địa vị nghề nghiệp cho phép các tổ chức thi hành án và nhân viên thi hành án tham gia các nghề nghiệp khác phù hợp với địa vị này. Đặc biệt, họ phải có khả năng để được phép triển khai những công việc liên quan đến xử lý các khoản nợ trong các giao dịch. 
Phần thứ ba về tổ chức thi hành án dân sự, gồm các nội dung cơ bản sau:
- Vai trò của thẩm phán: Chỉ có thẩm phán mới được phán xét những tranh chấp phát sinh trong quá trình thi hành án và ra lệnh những biện pháp cần thiết cho quá trình thực thi theo yêu cầu của một bên đương sự hoặc của tổ chức hoặc nhân viên thi hành án. Thẩm phán người mà người phải thi hành án nộp đơn, bên thứ ba có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tổ chức thi hành án hoặc nhân viên thi hành án có thể tạm dừng hoặc hủy bỏ việc thực thi các biện pháp cưỡng chế nếu có lý do chính đáng, hợp lý cho việc đó.
- Thời hạn thi hành án: Thẩm phán có thể sửa đổi các biện pháp thi hành án và có thể cho phép kéo dài thời gian thi hành án.
- Giám sát các hoạt động của tổ chức thi hành án và nhân viên thi hành án: Trừ trường hợp tổ chức thi hành án là cơ quan của Nhà nước, các cơ quan thi hành án và nhân viên thi hành án thực hiện những hoạt động của mình dưới sự giám sát của Viện công tố, cơ quan có thể đưa ra mệnh lệnh để cung cấp thêm sự giúp đỡ. Viện công tố ghi nhận và báo cáo tất cả các khiếu nại phát sinh trong quá trình áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Phần thứ tư bao gồm các quy định cơ bản liên quan đến các biện pháp cưỡng chế, cụ thể:
- Những tài sản không thể bị kê biên: Tất cả các tài sản có thể bị kê biên theo những quy định loại trừ về tài sản được miễn trừ khỏi kê biên theo quy định của luật quốc gia. Đối với việc kê biên tài khoản ngân hàng, một khoản kinh phí phải được để lại cho người phải thi hành án đủ để đảm bảo cuộc sống của người đó và những người phụ thuộc trong gia đình, số kinh phí nêu trên sẽ được xác định theo quy định của pháp luật.
- Quyền miễn trừ: Những trường hợp được miễn thi hành án phải được quy định rõ trong luật quốc gia, đặc biệt là đối với tài sản của nhà nước và tập thể cũng như liên quan đến các trường hợp có thân phận ngoại giao.
- Sự cân đối trong áp dụng biện pháp cưỡng chế: Biện pháp cưỡng chế phải tương xúng với yêu cầu thi hành án. Trường hợp lạm quyền, có thể dẫn đến việc người được thi hành án phải sửa chữa, bồi thường.
- Thẩm quyền của nhân viên thi hành án và tổ chức thi hành án: Nhân viên thi hành án và tổ chức thi hành án và cơ quan thi hành án có thẩm quyền thực thi các biện pháp cưỡng chế phù hợp với quyền của người được thi hành án và những quyền cơ bản của người phải thi hành án.
- Sự đa dạng của các biện pháp cưỡng chế: Nhà nước phải tổ chức hệ thống các biện pháp cưỡng chế phù hợp với quyền lợi của người được thi hành án và các điều kiện kinh tế và xã hội của người phải thi hành án. Do đó, Nhà nước phải đa dạng hóa các biện pháp cưỡng chế sao cho nhân viên thi hành án hoặc tổ chức thi hành án có thể lựa chọn phù hợp với những điều kiện cụ thể.
- Sự đa dạng liên quan đến bản chất của tài sản: Nhà nước có thể phát triển các biện pháp thi hành án cho phù hợp với trạng thái pháp lý của các tài sản kê biên.
- Các biện pháp cưỡng chế: Khi một thẩm phán yêu cầu việc thực hiện hay không thực hiện một nghĩa vụ, thẩm phán phải kèm cùng phán quyết của mình với một biện pháp thi hành ràng buộc cụ thể.
- Thi hành án đối với cá nhân là người phải thi hành án hoặc gia đình người thi hành án: Nhà nước phải chắc chắn rằng việc cưỡng chế một cá nhân phải phù hợp với các Điều ước, hiến chương và tuyên ngôn quốc tế. Việc phạt tù đối với các khoản nợ dân sự bị nghiêm cấm. Việc cưỡng chế các thành viên trong gia đình của người phải thi hành án bị nghiêm cấm và những quyền thiết yếu, cơ bản của trẻ em phải được tôn trọng.
Phần thứ năm gồm những điều khoản cơ bản đến với các biện pháp tạm thời, gồm các nội dung cụ thể:
- Quyền đối với các biện pháp bảo đảm và tạm thời: Mọi người được thi hành án khi trình bày những tình tiết liên quan có thể được chấp nhận từ thẩm phán để nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm, tạm thời để bảo vệ tốt hơn các quyền của mình. Người được thi hành án đã được cho phép thi hành án có thể thực thi biện pháp bảo đảm, tạm thời mà không cần có lệnh của thẩm phán.
- Về thủ tục: Một thủ tục rút gọn thiết lập để các biện pháp bảo đảm, tạm thời có thể được thông qua bởi thẩm phán. Tuy nhiên các biện pháp này phải bị giới hạn theo thời gian. Thủ tục rút gọn này không phải thực hiện theo thủ tục đối tụng. Nếu thẩm phán xem xét thấy rằng biện pháp cưỡng chế đã áp dụng không có giá trị thực sự, đương sự là người nộp đơn và đạt được lệnh áp dụng biện pháp đó phải bồi thường toàn bộ cho phía bên kia.
                                                                                                                          Nguyễn Xuân Tùng


Các tin khác