Để tạo điều kiện cho các công chức làm công tác thi hành án dân sự tiếp cận với các tài liệu, hiểu biết về lịch sử cũng như nội dung, chủ đề của từng Hội nghị, tác giả sẽ lần lượt giới thiệu về: (1) Lịch sử tổ chức Hội nghị khoa học và thực tiễn quốc tế thường niên về thi hành án dân sự tại Liên bang Nga; (2) Giới thiệu về nội dung chủ đề và những vấn đề được trao đổi, thảo luận ở từng Hội nghị và (3) Những tài liệu về công tác thi hành án dân sự đã thu thập được.
Trước hết, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin được giới thiệu về nội dung đầu tiên: lịch sử tổ chức Hội nghị khoa học và thực tiễn quốc tế thường niên về thi hành án dân sự tại Liên bang Nga.
Về lịch sử Hội nghị, qua tìm hiểu thông tin từ phía nước bạn, có thể khái quát như sau: Xuất phát điểm đầu tiên, đơn giản là từ triết lý: “Một trong những điều kiện cần thiết để hoàn thiện và phát triển bất kỳ lĩnh vực nào chính là việc nghiên cứu và học tập những kinh nghiệm hay nhất. Lĩnh vực cưỡng chế thi hành các phán quyết của Tòa án và của các cơ quan có thẩm quyền khác cũng không phải là ngoại lệ”.
Lãnh đạo cơ quan thi hành án liên bang Nga đã xác định rằng trong bối cảnh thời đại ngày nay, mỗi quốc gia đều có hệ thống thi hành án dân sự của riêng mình; mỗi hệ thống có những đặc thù, đặc trưng riêng gắn liền và phù hợp với chế độ nhà nước cũng như sự phát triển của mỗi nền kinh tế. Và mỗi hệ thống thi hành án dân sự đặt trong mối quan hệ với hệ thống của quốc gia khác đều có những ưu và khuyết điểm riêng của nó. Chính vì thế, việc nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài và áp dụng các kinh nghiệm hay trong quá trình tổ chức thi hành các bản án quyết định của Tòa án và của các cơ quan khác được xem là rất cần thiết.
Ý tưởng thực sự bắt đầu từ mùa thu năm 2009, khi cơ quan Thi hành án liên bang của Liên bang Nga trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp [1]. Nhờ đó, cơ quan Thi hành án liên bang của Liên bang Nga đã có cơ hội thiết lập và mở rộng các quan hệ hiện có với các đồng nghiệp nước ngoài. Hiệp hội đã trở thành một diễn đàn, là bệ phóng để nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của các hệ thống thi hành án dân sự khác nhau. Thêm vào đó, các cuộc hội đàm, tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Hiệp hội cho thấy rằng các đại biểu tham gia đều có chung mối quan tâm trong việc chia sẻ và phổ biến những kinh nghiệm hay. Bên cạnh đó, xem xét danh sách các thành viên của Hiệp hội thời điểm đó còn chưa bao gồm tất cả các nước cộng hòa, đặc biệt là các nước cộng hòa tự trị của Liên bang Nga và các nước Châu Á.
Vì lý do này, Ban lãnh đạo Cơ quan Thi hành án liên bang của Liên bang Nga đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là tổ chức và chủ trì một diễn đàn quốc tế trên lãnh thổ Liên bang Nga, nơi đại diện cơ quan thi hành án của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các vấn đề vướng mắc gặp phải.
Và như vậy, Hội thảo khoa học và thực tiễn quốc tế về thi hành án đầu tiên đã được tổ chức vào năm 2010 tại thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga. Tham gia hội nghị này là Lãnh đạo của 12 cơ quan thi hành án của các quốc gia nước ngoài, cũng như các nhà khoa học, chính khách, nhà chính trị, đại diện của các tổ chức xã hội của Liên bang Nga. Kết quả Hội thảo cho thấy rằng các sự kiện tương tự như vậy được tổ chức là nhu cầu thực tế cả từ phía các đồng nghiệp nước ngoài và cả từ phía đại diện của các cơ quan thuộc chính phủ, giới khoa học, ngân hàng cũng như các hiệp hội, cộng đồng của Liên bang Nga. Vì lý do này, việc duy trì các diễn đàn như vậy đã được tiếp tục cho đến nay.
Cho đến thời điểm hiện tại, tám hội nghị khoa học và thực tiễn quốc tế về thi hành án dân sự đã được Cơ quan thi hành án liên bang của Liên bang Nga tổ chức. Các địa điểm được lựa chọn tổ chức các Hội nghị là những thành phố lớn thuộc các nước cộng hòa khác nhau thuộc Liên bang như Xanh-Pêtecbua, Kazan, Voronezh, Ekaterinbua, Vladikavkaz, Ulan-Ude, Ufa và Suzdan. Trong suốt quãng thời gian qua, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có dịp tìm hiểu về các hệ thống thi hành án dân sự khác nhau và tính hiệu quả của từng hệ thống, nắm được các vướng mắc khác nhau phát sinh ở các quốc gia trong việc tổ chức thi hành các phán quyết của tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến cá nhân, pháp nhân.
Năm này nối tiếp năm khác, sự quan tâm đối với Hội nghị này ngày càng lớn và đã mở rộng cả về địa lý và gia tăng số lượng đại biểu tham gia. Hàng năm, đại biểu tham dự Hội nghị là các chuyên gia hàng đầu của Nga và nước ngoài trong lĩnh vực thi hành án dân sự, các nhà hoạt động chính trị và xã hội, đại diện của các cơ quan quyền lực nhà nước, của hiệp hội ngân hàng và các tổ chức khác. Trong số đó có đại biểu đại diện của các cơ quan thi hành án của nước ngoài, có thể kể đến như các nước Trung và Tây Âu, các nước cộng hòa tự trị, các quốc gia vùng Bantic, Bán đảo Bankan, Nam Cap-ca-dơ và Châu Á, bao gồm Trung Quốc và Mông Cổ. Về phía Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta nhận được lời mời của cơ quan thi hành án liên bang của Liên bang Nga là mời tham dự Hội nghị lần thứ năm vào năm 2014. Từ đó, theo lời mời của phía bạn, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã quan tâm cử đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tham gia Hội nghị lần thứ năm, thứ bảy và thứ tám. Ngôn ngữ được sử dụng tại Hội nghị là tiếng Nga và tiếng Anh. Các đại biểu Việt Nam dự Hội nghị đã có cơ hội tiếp cận được nhiều báo cáo quốc gia của các nước, chia sẻ kinh nghiệm của chính mình và học hỏi kinh nghiệm của các nước theo mỗi chủ đề của Hội nghị.
Theo thông lệ, Hội nghị được tổ chức trong ba ngày. Hội nghị thường được nước bạn thiết kế rất chu đáo, không chỉ tập trung vào chuyên môn mà còn là dịp để giới thiệu, quảng bá con người, văn hóa, cảnh đẹp của các nước thuộc Liên bang Nga. Hội nghị thường được tổ chức thành hai phần. Phần chính thức bao gồm các nghi thức, trình bày các báo cáo quốc gia, trong đó các đại biểu có cơ hội thảo luận các vấn đề, các khía cạnh khác nhau của lĩnh vực thi hành án dân sự, tùy theo chủ đề của từng Hội nghị. Phần thứ hai không kém quan trọng và được tổ chức rất chi tiết là phần văn hóa, bao gồm tham quan các điểm du lịch, các di tích lịch sử, các chương trình ca nhạc, các món ăn truyền thống thể hiện lòng hiếu khách của chủ nhà - các nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga nơi được vinh dự lựa chọn tổ chức Hội nghị quan trọng này.
Năm ngoái, thành phố Xudan đã vinh dự đón tiếp đại diện của 28 nước đến dự Hội nghị với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự”. Năm nay, dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố biển xinh đẹp Xochi, thuộc vùng Krasnodar, Liên bang Nga./.
Bảo Ngọc, Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo
Tổng cục Thi hành án dân sự
[1] Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (International Union of Judicial Officers) có trụ sở tại Pháp (6 place du Colonel-Fabien 75019 Paris France). Hiệp hội là thành viên của Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc tại New York. Hiệp hội có đại diện tại văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Vienna and Aman. Đến nay, ngoài trụ sở chính đặt tại số 6 Place du Colonel Fabien, 75019 Paris, Hiệp hội còn có các Ban thư ký thường trực và đại diện trên toàn thế giới. Các Ban thư ký và đại diện thường trực sẽ đại diện cho Hiệp hội trong từng lĩnh vực và chịu trách nhiệm phối hợp, kết nối mạng lưới tổ chức về mặt địa lý một cách hiệu quả nhất.
Mục tiêu của Hiệp hội là đại diện cho các thành viên trong các tổ chức quốc tế và bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của mỗi quốc gia. Hiệp hội thường hỗ trợ cải thiện các luật thủ tục quốc gia và các hiệp định quốc tế, cũng như nỗ lực làm sâu sắc hơn những ý tưởng, dự án và sáng kiến với mục đích giúp nâng cao vị thế và sự độc lập của các chức danh tư pháp. Đặc biệt, Hiệp hội rất chú trọng hỗ trợ các cán bộ tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ thực thi các mệnh lệnh của tòa án.
Hiện nay, Hiệp hội có 86 thành viên, khu vực Châu Á có duy nhất Thái Lan là thành viên. Hiệp hội đã và đang tiếp tục đóng vai trò tích cực ở Châu Mỹ, đặc biệt là ở Nam Phi và khu vực Caribbean. Hiệp hội cũng ngày càng tăng cường các hoạt động trao đổi với các quốc gia Châu Á để khuyến khích các quốc gia này đạt đến vị trí xếp hạng của các quốc gia đã là thành viên. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Hiệp hội đề xuất việc tranh thủ những kinh nghiệm của mình để giúp các quốc gia thành viên có thể thực thi các bản án, quyết định của tòa án với hiệu quả cao nhất. |