Theo các số liệu chính thức, Cục thi hành án liên bang tiến hành thu các khoản phải thu theo bản án đã được tòa án tuyên trong các vụ kiện dân sự và các vụ án hình sự có kết hợp kiện dân sự, hoặc các khoản tiền phạt được tuyên trong các vụ án hình sự, khoản tiền nợ của những người nợ thuế, các khoản tiền phạt hành chính, tiền cấp dưỡng còn nợ liên quan đến pháp luật hôn nhân gia đình và các khoản tương tự. Năm 2009, các cơ quan địa phương của Cục thi hành án liên bang đã thụ lý khoảng 44,3 triệu vụ thi hành án, tăng 23% so với năm trước đó. Tính trung bình, lượng công việc tính theo đầu mỗi Chấp hành viên đã tăng từ 1.439 vụ lên 1.706 vụ mỗi năm. Tính toàn bộ, đã có 29,3 triệu vụ thi hành án được thực hiện xong hoặc kết thúc, so với 27,3 triệu vụ trong năm 2008.
Thu tiền cấp dưỡng là một mối quan tâm chính của các Chấp hành viên tòa án. Hơn 1,9 triệu vụ thi hành án đã được thụ lý liên quan đến việc thu tiền cấp dưỡng (trong đó 931.300 vụ đã được thực hiện xong). Hơn 541.900 vụ thi hành án liên quan đến thu các khoản thanh toán định kỳ từ số tiền phải trả của các tổ chức. Công cụ chủ yếu trong “kho vũ khí” của Chấp hành viên tòa án là xin lệnh hạn chế quyền đi ra nước ngoài của những người phải thi hành án. Năm 2009 đã có 177.300 lệnh hạn chế đi lại như vậy được cấp, trong đó hơn 42.800 lệnh áp dụng đối với những người nợ tiền cấp dưỡng.
Năm 2009, số tin báo tội phạm gửi đến Cục thi hành án liên bang có xu hướng gia tăng. Trong 112.152 tin báo nhận được, đã có 50.592 vụ án hình sự được các điều tra viên ban đầu của Cục thi hành án liên bang khởi tố và điều tra. Số lượng vụ án hình sự bị khởi tố do cố tình trốn tránh trả tiền cấp dưỡng nuôi con hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng làm việc tăng 34% lên 42.422 vụ trong năm 2009. Cục thi hành án liên bang nói riêng đã điều tra làm rõ nhiều vụ phạm tội lừa đảo (83), chiếm đoạt tài sản hoặc lãng phí (177), lạm dụng quyền lực công (179), vượt quyền (41), nhận hối lộ (47), đưa hối lộ (1), giả mạo tuyển dụng (390) và các vụ phạm tội do sơ suất (22) trong năm 2009.
Về hành chính: Trong năm 2009 đã thu được hơn 77,8 tỷ rúp từ những người nợ thuế (so với năm 2008 cao hơn 27,3%) và hơn 7 tỷ rúp tiền phạt trong các vụ vi phạm hành chính (so với 2008 cao hơn 19,5%) nộp ngân sách. Ngoài ra còn có khoảng 5,3 tỷ rúp tiền lệ phí thi hành án được nộp vào ngân sách.
Về lao động: Tình hình thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp lao động không được tách riêng trong các báo cáo về hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, Quy chế Cục thi hành án liên bang cho phép Cục tham gia vào việc thi hành quyết định của các ủy ban giải quyết tranh chấp lao động.
Cục thi hành án liên bang được tổ chức theo Luật liên bang về Chấp hành viên tòa án ngày 21/7/1997 và Quy chế Cục thi hành án liên bang được phê chuẩn theo Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga ngày 13/10/2004 (đã được sửa đổi, bổ sung). Hoạt động của các cơ quan thi hành án tại Tòa án hiến pháp, Tòa án tối cao và Tòa án thương mại tối cao được tổ chức theo Luật liên bang năm 1997 và các luật hiến pháp liên bang về từng tòa án nói trên. Cục thi hành án liên bang do Chấp hành viên trưởng Liên bang Nga đứng đầu, là người được Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễn nhiệm. Chấp hành viên trưởng cũng quy định trình tự thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các Chấp hành viên khác. Chấp hành viên trưởng cũng được biết đến như là “Cục trưởng” Cục thi hành án liên bang. Cục thi hành án liên bang được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự tại tòa án, thi hành văn bản thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác theo quy định của pháp luật và quyết định thi hành án; tổ chức việc kê biên và bán tài sản kê biên; truy tìm con nợ và tài sản của họ; tham gia vào việc bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga với tư cách chủ nợ trong các vụ việc và vụ kiện phá sản; tham gia thực hiện quyết định của các ủy ban giải quyết tranh chấp lao động; hướng dẫn và giám sát hoạt động của các cơ quan thi hành án địa phương thuộc Cục thi hành án liên bang; lập và duy trì ngân hàng dữ liệu về công tác thi hành án và các nhiệm vụ tương tự khác.
Bên cạnh Cục trưởng Cục thi hành án liên bang còn có các Phó cục trưởng do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễn nhiệm. Số lượng các Phó cục trưởng cũng do Tổng thống quyết định. Cục trưởng Cục thi hành án liên bang sẽ giao nhiệm vụ cho các Phó Cục trưởng và quy định quyền hạn của các công chức khác của Cục thi hành án liên bang trong việc quyết định các vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, hoạt động và các vấn đề khác. Cục trưởng tổ chức công việc của cơ quan trung ương của Cục thi hành án liên bang và trình Bộ Tư pháp phê chuẩn dự thảo Quy chế Cục thi hành án liên bang, dự thảo quy chế của các cơ quan thi hành án địa phương thuộc Cục, kiến nghị về biên chế và tổng quỹ lương, kiến nghị về bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh Chấp hành viên trưởng của các chủ thể thuộc Liên bang Nga, kiến nghị về ký kết các điều ước quốc tế có liên quan và nhiều nhiệm vụ khác được liệt kê tại Quy chế Cục thi hành án liên bang. Cục trưởng cũng tổ chức các hoạt động điều tra đối với các vụ án hình sự và hành chính và chịu trách nhiệm về điều phối hoạt động thi hành án do các cơ quan thi hành án địa phương tiến hành đối với cùng một người phải thi hành án. Chấp hành viên trưởng của chủ thể thuộc Liên bang Nga đứng đầu cơ quan thi hành án địa phương tại chủ thể tương ứng (có 83 cơ quan như vậy) và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản giống như Cục trưởng Cục thi hành án liên bang nhưng giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của chủ thể đó. Cấp dưới trực tiếp của Chấp hành viên trưởng của chủ thể thuộc Liên bang Nga là Chấp hành viên cấp cao của chủ thể thuộc Liên bang Nga, là người phụ trách các bộ phận trực thuộc cơ quan thi hành án tại đơn vị lãnh thổ đó. Chấp hành viên cấp cao có thể tự mình thực hiện các hoạt động thi hành án hoặc giao cấp phó của mình thực hiện.
Như đã đề cập trên đây, đội ngũ Chấp hành viên tòa án được tổ chức thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất thực hiện chức năng bảo đảm an ninh trật tự tại tòa án và bộ phận thứ hai chịu trách nhiệm thi hành bản án và quyết định khác của tòa án. Luật liên bang về Chấp hành viên tòa án quy định Chấp hành viên được giao thực hiện chức năng bảo vệ có trách nhiệm bảo đảm sự an toàn của các thẩm phán, bồi thẩm viên và những người khác tham gia hoạt động xét xử tại phòng xét xử, khi hoạt động xét xử được tiến hành ngoài trụ sở tòa án và tại trụ sở tòa án; khi có yêu cầu của thẩm phán, bảo đảm việc vận chuyển an toàn đến tòa án hồ sơ và chứng cứ vụ án; giữ trật tự công cộng tại trụ sở tòa án và tại phòng xét xử, thực hiện chỉ thị của thẩm phán hoặc người chủ tọa nhằm bảo đảm trật tự công cộng và bảo vệ trụ sở tòa án, kể cả bảo vệ suốt 24 giờ nếu được yêu cầu; theo lệnh của thẩm phán hoặc điều tra viên ban đầu, dẫn giải đến tòa những người được triệu tập mà không tự nguyện đến; khi thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, ngăn chặn và trấn áp tội phạm và chuyển giao người phạm tội cho các cơ quan nội vụ; phối hợp hành động với các cơ quan nội vụ và các đơn vị quân sự khi khi vận chuyển người bị canh giữ để xét xử; định kỳ tham gia huấn luyện sử dụng súng ngắn đặc biệt và các chương trình đào tạo khác để nếu phải sử dụng vũ lực trong khi thi hành nhiệm vụ thì biết cách thực hành cho đúng. Khi áp giải đến tòa án người không chấp hành lệnh triệu tập, Chấp hành viên có quyền vào khu vực nơi người đó cư trú và nhà ở nếu họ tin rằng người mà họ tìm đang ở đó, yêu cầu xuất trình giấy chứng minh nhân thân, khám người nếu có lý do để tin rằng người đó mang vũ khí, ma túy, đồ vật hoặc chất khác có thể gây nguy hiểm cho người khác, xử lý các vụ vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền và sử dụng vũ lực bằng chân tay khi được pháp luật cho phép.
Chấp hành viên phải áp dụng các biện pháp nhằm thực thi kịp thời, đầy đủ và đúng đắn quyết định thi hành án, tạo điều kiện cho các bên của vụ việc thi hành án nghiên cứu tài liệu có liên quan, trích lục hoặc sao chép hồ sơ, đệ đơn kiến nghị, giải thích cho các bên về quyền được khiếu nại quyết định thi hành án và đề nghị rút lui khỏi vụ việc nếu thấy bản thân mình có xung đột lợi ích mà có thể gây ra hoài nghi về tính khách quan của Chấp hành viên khi thi hành công việc. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Chấp hành viên có quyền tiếp nhận các thông tin và ý kiến giải thích cần thiết, thông qua người sử dụng lao động để xác minh tài liệu liên quan đến người lao động là người phải thi hành án, giao cho các tổ chức và công dân tham gia vào vụ việc thi hành án thực hiện những công việc cụ thể; vào nơi mà người phải thi hành án chiếm giữ hoặc sở hữu, tiến hành việc khám xét và niêm phong những nơi đó, và khi có lệnh của tòa án cũng có thể vào nơi mà những người khác chiếm giữ hoặc sở hữu; kê biên và bán tài sản bị kê biên, phong tỏa khoản tiền và vật có giá trị của người phải thi hành án trong tài khoản hoặc tiền gửi được gửi tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác; tuyên bố khám xét để tìm người phải thi hành án hoặc tài sản của người đó hoặc đứa trẻ (trong vụ án ly hôn và giao con cho người được quyền nuôi dưỡng) và các quyền khác.
Bộ Tư pháp Liên bang Nga chịu trách nhiệm về việc phối hợp và giám sát hoạt động của Cục thi hành án liên bang và thực hiện các chức năng liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của Cục thi hành án liên bang. Tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao thực hiện, Chấp hành viên tòa án được chia thành hai loại: những người bảo đảm trật tự tại tòa án và những người tham gia vào việc thi hành phán quyết của tòa án. Yêu cầu hợp pháp của Chấp hành viên có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả mọi cơ quan, tổ chức và công dân trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Theo Luật liên bang về Chấp hành viên tòa án ngày 21/7/1997 (đã được sửa đổi, bổ sung), Chấp hành viên tòa án thực hiện ba nhiệm vụ tách biệt cơ bản sau: (1) bảo đảm trật tự tại Tòa án hiến pháp, Tòa án tối cao, Tòa án thương mại tối cao, các tòa án thẩm quyền chung và các tòa án thương mại; (2) thi hành các bản án và quyết định của các cơ quan, công chức khác theo quy định của Luật liên bang về thủ tục thi hành án ngày 2 tháng 10 năm 2007; (3) thi hành pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến các vụ án mà pháp luật tố tụng hình sự Nga quy định thuộc thẩm quyền điều tra của Cục thi hành án liên bang. Theo Luật liên bang năm 1997, Chấp hành viên trưởng chỉ đạo hoạt động của Cục thi hành án liên bang, giám sát việc thi hành các bản án và quyết định khác, việc bảo đảm trật tự tại các tòa án, bảo vệ trụ sở và các cơ sở của tòa án, giám sát hoạt động truy tìm người phải thi hành án, tài sản hoặc trẻ em; có quyền hủy bỏ hoặc thay đổi các quyết định không phù hợp với pháp luật Nga của các công chức thuộc Cục thi hành án liên bang; bảo đảm sự phối hợp liên ngành với các cơ quan và công chức thực hiện các yêu cầu của bản án và các quyết định khác; có thể thành lập các cơ quan cố vấn và tư vấn; yêu cầu cung cấp thông tin thống kê và thông tin cần thiết khác; tham gia vào việc tổ chức chống khủng bố khi có các nhiệm vụ cần thực hiện được giao cho Chấp hành viên và các quyền hạn khác.
Quy chế Cục thi hành án liên bang năm 2004 quy định chung (điểm 5) rằng Cục thi hành án liên bang phải “phối hợp hành động của mình với các cơ quan hành pháp liên bang khác, các cơ quan hành pháp của các chủ thể thuộc Liên bang Nga, các cơ quan tự quản địa phương và các tổ chức, hiệp hội xã hội”. Để thực thi các quyền hạn được giao, Cục thi hành án liên bang có quyền yêu cầu các cơ quan quyền lực nhà nước liên bang, các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể thuộc Liên bang Nga, các cơ quan tự quản địa phương và các tổ chức bất kể có hình thức tổ chức về pháp lý như thế nào cung cấp (cũng như nhận lại) chứng từ, tài liệu, hồ sơ khác cần thiết để giúp quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của mình. Cục thi hành án có thể mời các tổ chức khoa học và tổ chức khác, các nhà khoa học, chuyên gia, kể cả trên cơ sở ký kết hợp đồng hợp tác, để giúp nghiên cứu, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình và thực hiện các chức năng của cơ quan được giao quản lý tài sản nhà nước liên quan đến xây dựng cơ bản, chuyển đổi và sửa chữa lớn tài sản thuộc quyền quản lý của Cục thi hành án liên bang và xây dựng nhà cửa. Cục thi hành án liên bang thực hiện việc phối hợp hoạt động liên ngành với các cơ quan và tổ chức thi hành các yêu cầu của bản án và quyết định của các cơ quan và công chức khác trong các trường hợp do luật pháp Nga quy định. Khi thực hiện chức năng bảo vệ tại trụ sở tòa án, Cục thi hành án liên bang có thể yêu cầu sự hỗ trợ của cán bộ các cơ quan nội vụ, cơ quan quản lý di trú, các cơ quan của Cục an ninh liên bang, cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp và các cơ quan khác. Cục thi hành án liên bang có quyền phối hợp hành động với các cơ quan quyền lực nhà nước của nước ngoài và các tổ chức quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Cục thi hành án liên bang.
Theo Luật liên bang về thủ tục thi hành án năm 2007, các nguyên tắc thi hành án bao gồm: (1) hợp pháp; (2) thi hành kịp thời; (3) tôn trọng nhân phẩm và danh dự của công dân; (4) bảo đảm để người phải thi hành án và gia đình của họ được giữ lại số tài sản tối thiểu cần thiết cho sự sinh sống; (5) quan hệ tương xứng giữa giá trị phải thi hành án và các biện pháp thi hành án. Tài liệu, văn bản thi hành án chính ở Liên bang Nga bao gồm: (1) quyết định thi hành án do tòa án thẩm quyền chung hoặc tòa án thương mại ban hành trên cơ sở bản án mà các tòa án đó đã tuyên; (2) lệnh của tòa; (3) thỏa thuận có công chứng về trả tiền cấp dưỡng hoặc bản sao có công chứng của thỏa thuận đó; (4) giấy chứng nhận do các ủy ban giải quyết tranh chấp lao động cấp; (5) văn bản của các cơ quan thực hiện chức năng giám sát đối với việc đòi lại tiền kèm theo các tài liệu có chú giải của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; (6) bản án hoặc quyết định của các cơ quan khác về xử lý vi phạm hành chính; (7) quyết định của Chấp hành viên chịu trách nhiệm thi hành án; (8) văn bản của các cơ quan khác theo quy định của một đạo luật liên bang; (9) văn bản xác nhận thi hành của Công chứng viên khi có tài sản cầm cố thích hợp hoặc thỏa thuận khác quy định khoản thu phải thi hành ngoài trình tự tư pháp. Những giấy tờ, tài liệu nói trên phải có những thông tin thiết yếu theo quy định của Luật liên bang năm 2007, chẳng hạn như tên và địa chỉ của tòa án hoặc công chức đã ban hành văn bản thi hành án đó; tên của vụ án hoặc hồ sơ mà căn cứ vào đó văn bản thi hành án đã được ban hành; ngày tuyên bản án hoặc ra văn bản của cơ quan/công chức; (4) ngày bản án hoặc văn bản trên có hiệu lực pháp luật; (5) thông tin liên quan đến người phải thi hành án và người được thi hành án và các thông tin khác. Luật liên bang năm 2007 có quy định hướng dẫn chi tiết về thời hạn để thi hành án. Biện pháp thi hành án mà Chấp hành viên tòa án có thể thực hiện theo văn bản thi hành án bao gồm: (1) triệu tập các bên của vụ thi hành án; (2) yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết và lấy lời giải thích, thông tin, tham khảo ý kiến cần thiết; (3) thực hiện xác minh, bao gồm cả đối với giấy tờ, chứng từ tài chính có liên quan đến văn bản thi hành án; (4) giao nhiệm vụ cho các thể nhân và pháp nhân thực hiện các công việc liên quan đến việc thực thi các yêu cầu; (6) thực hiện việc kê biên, phong tỏa tài sản, bao gồm cả tiền và chứng khoán; (7) tiến hành định giá tài sản hoặc trưng dụng chuyên gia đánh giá để làm việc đó; (8) thực hiện việc truy tìm người phải thi hành án hoặc trẻ em (trong vụ án hôn nhân gia đình); (9) áp đặt hạn chế tạm thời đối với quyền rời khỏi Liên bang Nga của người phải thi hành án; (10) xác minh tính xác thực của việc rút hay chuyển tiền căn cứ vào bản án hoặc quyết định khác.
Toàn bộ chi phí duy trì cơ quan trung ương của Cục thi hành án liên bang và các cơ quan thi hành án địa phương thuộc Cục thi hành án liên bang, bao gồm cả biên chế, đều được cấp từ ngân sách liên bang. Cục trưởng Cục thi hành án liên bang phê chuẩn cơ cấu và biên chế của cơ quan trung ương của Cục thi hành án liên bang và các cơ quan thi hành án địa phương trong phạm vi biên chế và kinh phí của quỹ lương do Tổng thống Liên bang Nga quyết định, cùng với dự toán chi phí để trả công lao động cho nhân viên của Cục thi hành án liên bang trong phạm vi số tiền dành riêng được ấn định trong ngân sách liên bang. Kiểm tra và giám sát Bộ tư pháp thực hiện việc giám sát đối với các cơ quan thi hành án. Đối với lực lượng Chấp hành viên làm nhiệm vụ bảo vệ thì cơ quan giám sát là tòa án mà các Chấp hành viên đó trực thuộc. Khiếu nại về hành vi của Chấp hành viên do tòa án giải quyết trong các trường hợp do pháp luật quy định. Kết luận Cục thi hành án liên bang đánh giá chất lượng hoạt động của mình chủ yếu trên cơ sở các báo cáo thống kê trong đó phản ánh một số nội dung như tổng số việc thi hành án được thụ lý hàng năm, số lượng việc đã thực hiện xong hoặc kết thúc; số tiền thu được cho những người được thi hành án và ngân sách nhà nước, số lượng súng cầm tay các loại, đạn dược, chất nổ, chất cháy và các vật khác mà lực lượng chấp hành viên làm nhiệm vụ bảo vệ đã tịch thu được của các cá nhân mang đến phòng xử án và khu vực khác của tòa; và số lượng các vụ hình sự đã được các Chấp hành viên khởi tố và điều tra. Trong những năm gần đây, các số liệu thống kê này tăng lên đáng kể và điều đó được xem như là một sự tiến bộ đã đạt được về chất lượng của hoạt động thi hành án. Mặt khác, báo chí Nga nêu nhiều trường hợp chuyên quyền, độc đoán của lực lượng Chấp hành viên, ví dụ nổi tiếng về việc phá hủy các ngôi nhà bị cáo buộc là đã xây dựng không phép trên đất được bảo vệ. Tham nhũng cũng là một vấn đề. Cục thi hành án liên bang cho biết rằng trong năm 2009 các nhân viên của Cục báo cáo lên cấp trên của họ về việc hối lộ được đề nghị trong ít nhất 27 vụ, khi mà vụ án hình sự được khởi tố đối với những người đưa hối lộ. Một số khoản hối lộ có giá trị nhỏ trong khi các khoản hối lộ khác có giá trị lên đến 100.000 rúp và trong một số vụ đặc biệt đáng chú ý - lên đến 187.000 rúp (vụ Tatarstan), 200.000 rúp (vụ vùng Amur) và 9.000 đô-la cộng với 63.000 rúp (vụ vùng Sakhalin).
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục THADS
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp: Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của một số quốc gia, năm 2011.