Mở rộng cơ hội hợp tác với Nhật Bản và các quốc gia Châu Á về thi hành án dân sự

13/03/2023

Trên cơ sở đề nghị của Trường Đại học Luật Hà Nội về việc bố trí buổi làm việc với GS.TS Masako Murakami - Giám đốc Trung tâm trao đổi pháp luật châu Á (CALE), Đại học Nagoya, Nhật Bản, thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 21 Quy chế đối ngoại của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức buổi làm việc vào ngày 03/3/2023. Bên cạnh việc trao đổi chuyên sâu về công tác giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, hai bên đã trao đổi về các cơ hội hợp tác giữa CALE nói riêng và Đại học Nagoya, Nhật Bản nói chung với Tổng cục THADS và Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS.
Tham gia buổi làm việc, về phía Tổng cục THADS có Đ/c Lê Thị Thu Hiền - Phó Chánh Văn phòng, chủ trì; Đ/c Văn Thị Tâm Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Đ/c Hoàng Thu Thủy - Thẩm tra viên chính, Vụ Nghiệp vụ 1; Đ/c Nguyễn Thị Ngân - Thẩm tra viên chính, Văn phòng. Về phía Đoàn công tác, có GS.TS. Masako Murakami - Giám đốc CALE, Đại học Nagoya, Nhật Bản; GS. Noriko Kokubun - Đại học Hosei, nguyên Giám đốc CALE, Đại học Nagoya, Nhật Bản; PGS. TS. Phan Thị Lan Hương - Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, phiên dịch.
Giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng: những thành công và hạn chế của Việt Nam và Nhật Bản
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quy định pháp luật về lĩnh vực này ít có thay đổi[1], quy trình thi hành án liên quan đến giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng được thực hiện theo Điều 120 Luật THADS. Tuy nhiên, Tổng cục THADS đã có hướng dẫn, chỉ đạo một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, ví dụ: (i) phân công Chấp hành viên có kinh nghiệm xã hội, kỹ năng vận động, thuyết phục để tổ chức thi hành án giao con; (ii) áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nếu có dấu hiệu cho thấy đương sự có khả năng mang con ra nước ngoài; (iii) nâng cao hiệu quả phối hợp với chính quyền địa phương trong việc vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành; (iv) thực hiện các biện pháp vận động, thuyết phục trẻ trong trường hợp trẻ từ chối về ở với người được giao nuôi dưỡng; (v) phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát trong quá trình tổ chức thi hành án; (vi) thi hành nghiêm các biện pháp cưỡng chế theo Điều 120 Luật THADS, trong đó có biện pháp đề nghị các cơ quan tố tụng khởi tố hành vi không chấp hành án.
Việt Nam không có chương trình đào tạo riêng, đặc thù cho Chấp hành viên để thi hành loại việc này. Tuy nhiên, trong chương trình đào tạo nghiệp vụ, các hội thảo, tập huấn về nâng cao năng lực nhạy cảm giới trong lĩnh vực THADS, Tổng cục THADS đã lồng ghép các nội dung, kiến thức, kỹ năng thi hành án giao con.
Qua thực tiễn thi hành, Tổng cục THADS xác định một số bất cập, hạn chế, cần nghiên cứu, hoàn thiện để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Ví dụ, các nguyên tắc và biện pháp thi hành quyền nuôi con khi Tòa án trao quyền nuôi con cho cả bố lẫn mẹ sau khi ly hôn[2]; cơ chế thi hành quyền thăm nuôi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em cũng như ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị bạo hành sau khi bố mẹ ly hôn; thống kê riêng về loại việc này để thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý nhà nước, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật.
Tại Nhật Bản, việc thi hành án giao con cũng gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc do đương sự không tự nguyện thi hành và mục tiêu của pháp luật Nhật Bản là hạn chế tạo ra áp lực cho trẻ trong loại việc này. Mặc dù ở giai đoạn xét xử, hệ thống Tòa gia đình có các nhân viên điều tra để tìm hiểu vụ việc, tiếp xúc với trẻ em, nhưng họ không tham gia trong giai đoạn thi hành án. Chấp hành viên của Tòa thi hành án Nhật Bản hầu hết là nam giới nên cũng có hạn chế nhất định trong công tác thuyết phục, làm việc với đương sự, trẻ em. Nhật Bản cũng không có chương trình đào tạo riêng, đặc thù cho Chấp hành viên về loại việc này.
Hiện Nhật Bản vẫn quan tâm nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, thông qua việc gia nhập và nội luật hóa Công ước La Hay 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em cũng như hoàn thiện các quy định của Luật THADS về giao con. Theo đó, Nhật Bản đã gia nhập Công ước này từ năm 2014, ban hành Luật thi hành Công ước vào năm 2014, tổng kết thực tiễn sau 05 năm thi hành, và đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành Công ước vào năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả thi hành việc trao trả trẻ em. Để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, không tạo sự phân biệt giữa các vụ việc trao trả trẻ em có tính chất quốc tế theo Công ước La Hay 1980 và các vụ việc giao con trong nước, Nhật Bản đã sửa đổi Luật THADS để áp dụng chung quy trình thi hành án giao con cho cả 02 loại việc này. Theo đó, các quy định vẫn bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ, nhưng đã linh động hơn để tăng cường hiệu lực của việc giao con. Hai điểm sửa đổi chính là (i) Tòa thi hành án có thể không áp dụng biện pháp phạt tiền trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu phát hiện thấy nguy cơ trẻ bị mang đi bất hợp pháp hoặc vì lợi ích của trẻ; (ii) khi thực hiện cưỡng chế, không bắt buộc phải có sự có mặt của người phải thi hành án cùng với trẻ, mà thay vào đó là sự có mặt của người được thi hành án[3].
Như vậy, mỗi quốc gia đều có những thành công và hạn chế riêng trong loại việc này, và có thể nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để hoàn thiện pháp luật, đảm bảo mục tiêu cao nhất trong xây dựng và thi hành pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Tăng cường và mở rộng hợp tác trong thời gian tới
Với sự quan tâm của cả hai bên về công tác thi hành án giao con nói riêng, pháp luật THADS và hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật nói chung, hai bên đã trao đổi về một số định hướng về các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Theo đó, Tổng cục THADS đang triển khai tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như pháp luật về thi hành án hành chính (THAHC). Do đó, Tổng cục THADS có nhu cầu nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về THADS, THAHC để hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Về phía Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á (CALE), Đại học Nagoya, Nhật Bản đang có các chương trình hợp tác với các nước trong khu vực, do đó Trung tâm có thể hỗ trợ Tổng cục THADS trong việc kết nối với các trung tâm nghiên cứu hoặc các chuyên gia của các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, các quốc gia ASEAN để trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Các chủ đề để trao đổi, thảo luận đa dạng, phong phú, như hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự, THADS; án hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài; thi hành án giao con; gia nhập và thực thi Công ước La Hay 1980; kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật v.v. Hình thức hợp tác có thể thực hiện linh động, như trao đổi thông tin; hội nghị, hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến; nghiên cứu so sánh pháp luật; đoàn công tác trao đổi học tập ở Nhật Bản hoặc ở Việt Nam. Quá trình hợp tác có thể có sự phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, dự án JICA tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan, đảm bảo thực hiện đúng Quy chế đối ngoại của Bộ Tư pháp.
Việc tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác trong thời gian tới giữa Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á (CALE), Đại học Nagoya, Nhật Bản sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên cũng như gia tăng giá trị những kinh nghiệm hay của mỗi nước trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật./.
Nguyễn Thị Ngân, Văn phòng Tổng cục THADS
 

[1] Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về tiếp nhận yêu cầu thi hành án liên quan đến giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên và giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên.
[2] Bố mẹ thỏa thuận lịch cụ thể của việc nuôi con, như con ở với bố bao nhiêu ngày/ tuần, ở với mẹ bao nhiêu ngày/tuần; ngày lễ, ngày nghỉ nào ai có quyền ở với con… (joint custody). Các bên có thể thỏa thuận theo phương án này và Tòa án công nhận theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
[3] Bộ Tư pháp Nhật Bản, Một số điểm chính về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và Luật thực thi Công ước La Hay 1980 (Outline of the Act Partially Amending the Civil Execution Act and the Act for Implementation of the Convention on the Civil Aspects of International Child Abduction)  https://www.japaneselawtranslation.go.jp/outline/16/200901150421_9053101.pdf