1. Để thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, yêu cầu quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự là phải nâng cao tính công khai, minh bạch để đảm bảo hiệu quả kiểm tra, giám sát, kiểm sát quá trình thực thi công vụ của Chấp hành viên, cán bộ, công chức thi hành án; ngăn ngừa người phải thi hành án trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ thi hành án, tẩu tán tài sản và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cơ quan thi hành án dân sự phải thiết lập đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin về quá trình thi hành án, đặc biệt là việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án để phục vụ công tác chỉ đạo, đôn đốc thi hành án và cung cấp, chia sẻ thông tin theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Đáp ứng yêu cầu trên, ngày 25/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015); ngày 15/01/2015 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 55/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; ngày 18/7/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, theo đó có quy định về việc cơ quan thi hành án dân sự phải đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
Thực hiện các văn bản nêu trên, thời gian qua, việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành đã đạt được kết quả bước đầu như: định kỳ thống kê các việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành; xây dựng 63 Trang thông tin điện tử của các Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự....Theo kết quả thống kê thi hành án dân sự, tính đến 30/11/2015, các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc thụ lý thi hành 373.212 việc thi hành án, trong đó, số việc chưa có điều kiện thi hành là 93.030 việc (chiếm 24,93% số việc thụ lý). Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra đã đăng tải thông tin của người phải thi hành án theo 74.169 quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thống kê, tổng hợp dữ liệu và công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như:
Thứ nhất, việc thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành còn mang tính thủ công, thông tin cập nhật, công khai chưa chính xác, đầy đủ, kịp thời. Tại các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay, việc quản lý, cập nhật, cung cấp thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành thông qua Chấp hành viên và thực hiện theo phương pháp truyền thống qua hệ thống biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ thi hành án và phần lớn vẫn thực hiện bằng viết tay nên thông tin cập nhật, công khai chưa đầy đủ, kịp thời, vì vậy đến nay chưa thiết lập được cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Tính đến ngày 30/11/2015, vẫn còn khoảng 20% số việc liên quan đến người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành chưa được công khai trên Trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự nên có ảnh hưởng nhất định đến quyền tiếp cận thông tin của các cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, việc cập nhật, quản lý thông tin về người phải thi hành án dân sự còn tản mạn, chưa có đầu mối thống nhất. Qua khảo sát tại các cơ quan thi hành án dân sự cho thấy hiện nay hồ sơ thi hành án do Chấp hành viên trực tiếp quản lý, báo cáo thống kê theo tháng và việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ thực hiện đơn lẻ theo từng Chấp hành viên trong phạm vi nội bộ cơ quan thi hành án dân sự mà chưa có sự quản lý thống nhất thông tin và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thi hành án dân sự tại một địa phương, trong cả nước, với cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công khai thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Cơ sở dữ liệu thông tin của người phải thi hành án nói chung, người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành nói riêng hiện nay được thiết lập thông qua báo cáo thống kê kết quả thi hành án từ các Chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, do trong hệ thống thi hành án dân sự chưa có phần mềm dùng chung để thống kê, theo dõi quá trình tổ chức thi hành án nên cơ sở dữ liệu về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành mới chỉ đáp ứng yêu cầu công khai Danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo từng cơ quan thi hành án dân sự mà chưa có sự kết nối, kiểm soát, chia sẻ thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trong toàn hệ thống thi hành án dân sự. Quá trình cập nhật, bổ sung thông tin (nhất là việc điện tử hóa các hồ sơ thi hành án “tồn đọng” qua nhiều năm với số bút lục lớn) và công khai thông tin thường xuyên vì vậy cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa thực hiện được việc tích hợp thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành vào cơ sở dữ liệu chung cũng như dữ liệu được công khai trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự.
Những tồn tại, hạn chế đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là hệ thống thi hành án dân sự chưa có những công cụ và giải pháp tổng thể để thiết lập, công khai, theo dõi, cập nhật và kiểm soát trực tiếp, tập trung thống nhất trên phạm vi toàn quốc thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành và kết quả thi hành án tại các cơ quan thi hành án dân sự.
Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (được ban hành theo Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng “Cơ sở dữ liệu về thông tin và công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành”. Yêu cầu và nhiệm vụ trên cũng là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và phù hợp với quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Từ những phân tích trên đây thì việc xây dựng và thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành là vấn đề rất cần thiết đối với công tác thi hành án dân sự hiện nay.
2. Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-BTP ngày 11/5/2015 về việc thành lập Tổ soạn thảo Đề án với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ: Cục Công nghệ thông tin; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; Cục Bổ trợ tư pháp; Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Thanh tra Bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính...
Tổ soạn thảo đã tiến hành các hoạt động phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Đề án như:
- Xây dựng Kế hoạch soạn thảo Đề án (Kế hoạch số 1725/KH-TST ngày 03/6/2015); xây dựng Đề cương Đề án.
- Tổ chức khảo sát về sự cần thiết xây dựng Đề án và thực trạng công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành tại một số cơ quan thi hành án dân sự của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang.
- Tổ chức lấy ý kiến của các thành viên Tổ soạn thảo về dự thảo Đề án; đăng tải dự thảo Đề án trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự để các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan thi hành án dân sự góp ý đối với Dự thảo Đề án.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã nhận được 70 ý kiến góp ý (bằng văn bản và qua thư điện tử) của các đơn vị thuộc Bộ và các Cục Thi hành án dân sự. Về cơ bản, các ý kiến góp ý đều thống nhất về sự cần thiết, tính khả thi của việc xây dựng Đề án nhằm tăng cường tính minh bạch, công khai quá trình tổ chức thi hành án; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức và góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng cơ sở dữ liệu thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành là cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tư pháp, do đó cần nghiên cứu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án (Cục Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật).
- Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp ý, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Đề án.
3. Quan điểm chỉ đạo đáp ứng yêu cầu về công khai, cập nhật thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức quan tâm. Thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trong hệ thống thi hành án dân sự phù hợp với các thông tin, dữ liệu báo cáo thống kê thi hành án dân sự; đảm bảo sự kết nối dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo hướng hiện đại. Ưu tiên kế thừa các nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện có của các cơ quan quản lý thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thi hành án dân sự trong tương lai.
4. Mục tiêu tổng quát ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu điện tử tập trung về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành để công khai và đảm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật; bảo đảm kết nối, cung cấp thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành cho các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan.
5. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2016-2017:
- Bộ Tư pháp hoàn thành việc xây dựng thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành để công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành (biểu mẫu, cơ sở vật chất, nhân lực, phương thức công khai...);
- Xây dựng và triển khai thí điểm phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. Dữ liệu thông tin của phần mềm này là nguồn dữ liệu có thể tích hợp từ Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án dân sự và báo cáo thống kê thi hành án dân sự 6.
b) Giai đoạn 2018-2020:
- Nâng cấp, phát triển phần mềm đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm và cơ sở dữ liệu liên quan sẵn sàng triển khai trên phạm vi toàn quốc.
- Triển khai sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án trong hệ thống thi hành án dân sự.
- Cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin điện tử của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trong hệ thống thi hành án dân sự.
- Kết nối, chia sẻ thông tin từ Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành với cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.
6. Việc triển khai Đề án được thực hiện tại Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc theo đúng phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
7. Các nhiệm vụ cơ bản của Đề án được triển khai cụ thể (theo tình hình bố trí kinh phí) như sau:
7.1. Giai đoạn 2016-2017:
a) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy trình thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành và đăng tải, cập nhật, bổ sung, sửa đổi, quản lý, khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
b) Khảo sát, đánh giá về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án dân sự để phục vụ xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án.
c) Xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án.
d) Triển khai thí điểm Phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án (tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng phần mềm, quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu) tại một số Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
đ) Trang bị bổ sung hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đảm bảo triển khai phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án cho các địa phương tham gia thí điểm phục vụ hoàn thiện phần mềm.
e) Đánh giá, rút kinh nghiệm việc sử dụng Phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án cho các cơ quan thi hành án dân sự.
7.2. Giai đoạn 2018-2020:
a) Nâng cấp, phát triển phần mềm đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm và cơ sở dữ liệu liên quan sẵn sàng triển khai trên toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
b) Triển khai Phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án tại Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc.
c) Trang bị bổ sung hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đảm bảo triển khai phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án trên phạm vi toàn quốc.
d) Cập nhật thông tin từ cơ sở dữ liệu giấy hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan thi hành án dân sự vào Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành (số hoá, quét văn bản, nhập dữ liệu từ các hồ sơ, sổ giấy) và cập nhật thường xuyên thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo số lượng các việc thi hành án dân sự.
đ) Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành
e) Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự; giữa cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành với cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan.
8. Giải pháp
8.1. Giải pháp về mặt kỹ thuật
- Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được xây dựng tập trung đồng bộ, bao gồm:
+ Trung tâm dữ liệu, đường truyền kết nối giữa các cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự đảm bảo cho việc cập nhật, công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.
+ Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được tích hợp thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành từ các cơ quan thi hành án dân sự và được khai thác, sử dụng chung.
- Cơ sở dữ liệu thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan.
- Sử dụng, nâng cấp thiết bị sẵn có tại các cơ quan thi hành án dân sự; bảo đảm trang bị cho mỗi cán bộ, công chức 01 máy tính có kết nối mạng Internet có đường truyền tốc độ ổn định và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
- Ưu tiên sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của Bộ Tư pháp và các đơn vị khác có khả năng về kỹ thuật, nguồn vốn để cung cấp đồng bộ đường truyền, máy tính, thiết bị quản lý và lưu trữ dữ liệu, chuyển giao công nghệ và đào tạo/bồi dưỡng, hướng dẫn vận hành, quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì dài hạn và biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật cho Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.
8.2. Giải pháp về tổ chức, triển khai
- Tạo lập cơ chế chỉ đạo, điều hành mang tính thống nhất từ trung ương đến địa phương, theo đó Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan thi hành án dân sự trong việc quản lý cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành và triển khai các giải pháp thực hiện Đề án.
- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự, kể cả về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự và kiến thức tin học, kỹ năng sử dụng phần mềm, quản trị mạng, bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu.
- Bố trí đủ nhân lực thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến cập nhật, công khai, cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan thi hành án dân sự và đảm bảo sự kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc.
8.3. Giải pháp tài chính
a) Ngân sách Nhà nước bảo đảm cho việc xây dựng thể chế và duy trì Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành tại Bộ Tư pháp, đồng thời kết hợp tìm kiếm nguồn lực khác để triển khai Đề án.
b) Bộ Tư pháp đảm bảo kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác để thực hiện việc xây dựng, duy trì Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.
9. Hàng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp sẽ căn cứ vào Kế hoạch triển khai Đề án để phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của Đề án, tổng hợp chung vào dự toán của Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí. Riêng năm 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch – tài chính báo cáo Bộ trưởng cân đối kinh phí trong dự toán ngân sách được giao để tổ chức thực hiện Đề án.. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án (2016-2020) sử dụng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp và các nguồn vốn nhà nước khác.
Sau khi chính thức được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án; tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý; xây dựng Phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; bố trí nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thi hành án dân sự; đề xuất đầu tư phương tiện, thiết bị làm việc để thực hiện Đề án.
Các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện Đề án theo Kế hoạch triển khai Đề án được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt. Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tại địa phương trong phạm vi nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.
Đề án Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành đã được phê duyệt tại Quyết định số 152/QĐ-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trên cơ sở triển khai Đề án, Tổng cục Thi hành án dân sự định kỳ đánh giá, báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện Đề án.
Hà Minh Tuấn