Hội nghị về công tác tổ chức cán bộ Hệ thống Thi hành án dân sự

06/04/2018
Ngày 06/4/2018, Bộ Tư pháp tổ chức tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức cán bộ Hệ thống Thi hành án dân sự. Hội nghị được tổ chức theo hình thức tập trung tại trụ sở Bộ Tư pháp, số 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Mai Lương Khôi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đại diện các đơn vị thuộc Bộ pháp có đồng chí Nguyễn Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đồng chí Trần Hoài Phú, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, đồng chí Đoàn Văn Hường, Phó Chánh Thanh tra Bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể công chức Vụ Tổ chức cán bộ. Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện Lãnh đạo Cục và Phòng Tổ chức cán bộ, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự trình bày dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ ngày 14/3/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2014-2016; báo cáo kết quả thực hiện luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2014-2017.
Công tác tổ chức cán bộ Hệ thống Thi hành án dân sự đã cơ bản đổi mới, từ việc xây dựng thể chế, đề án đến các khâu của công tác cán bộ, từ tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tổ chức cán bộ đã được cơ bản hoàn thiện. Công tác bố trí, sử dụng công chức cơ bản phù hợp cơ cấu vị trí việc làm, năng lực, trình độ của công chức và yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức được thực hiện tốt, công chức được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng yêu cầu vị trí công việc, từng chức danh, đáp ứng yêu cầu bố trí, sử dụng, bổ nhiệm. Công tác đánh giá, phân loại công chức, người lao động được thực hiện đúng quy định của pháp luật, cơ bản phản ảnh thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức, nhất là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Kết quả đánh giá công chức, người lao động là căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động, những trường hợp không đáp ứng yêu cầu đã được bố trí công tác khác hoặc đưa ra khỏi Hệ thống Thi hành án dân sự. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý từng giai đoạn cơ bản tạo được nguồn công chức lãnh đạo kế cận, cơ bản hạn chế được tình trạng hẫng hụt cán bộ. Thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ nhất là công chức quản lý, công chức có chức danh tư pháp, đội ngũ công chức lãnh đạo, nhất là Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các chức danh tư pháp được bảo đảm về số lượng, nhất là đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án dân sự. Công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đã có bước đổi mới. Công chức được luân chuyển là những công chức trong quy hoạch. Việc luân chuyển nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, giúp công chức trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của Hệ thống Thi hành án dân sự. Từng bước điều chỉnh việc bố trí công chức hợp lý, tăng cường công chức cho những cơ quan, đơn vị có nhu cầu cấp bách, nhất là cho cơ sở, cho những địa bàn, đơn vị có nhiều khó khăn. Việc luân chuyển công chức đã dần trở thành việc làm thường xuyên, phá bỏ khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng cơ quan, đơn vị. Công tác chuyển đổi vị trí công tác đối với những chức danh đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định góp phần chủ động phòng ngừa, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả, từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức công chức gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chuẩn mực đạo đức công chức ngành tư pháp và chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên được chú trọng với những quy định cụ thể, qua đó góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ công chức, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Nhìn chung, sau thời gian thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về luân chuyển, điều động, biệt phải, chuyển đổi vị trí công tác, đặc biệt sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQQ BCSĐ ngày 14/3/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2014-2016, công tác luân chuyển, điều động, biệt phải, chuyển đổi vị trí công tác trong Hệ thống Thi hành án dân sự đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy Đảng, Lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã nâng cao nhận thức về công tác luân chuyển, điều động, biệt phải, chuyển đổi vị trí công tác; xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của đơn vị. Đa số các công chức của Hệ thống đã xác định được trách nhiệm, yêu cầu của bản thân khi được giao nhiệm vụ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái trong thời gian qua được các đơn vị thi hành án dân sự đánh giá là đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ mới khi được luân chuyển, điều động, các công chức có cơ hội học hỏi thêm các kinh nghiệm, kỹ năng năng giải quyết công việc ở các vị trí, điều kiện công tác khác nhau qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng công chức thi hành án một cách toàn diện. Đặc biệt, công tác luân chuyển đã tạo cơ hội cho các công chức trẻ có triển vọng phát triển, giúp công chức nhanh trưởng thành hơn. Luân chuyển cũng là cách thức để Lãnh đạo đơn vị khảo nghiệm cán bộ, làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch. Kết quả thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái công chức trong Hệ thống đã góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng lĩnh vực công tác và từng cơ quan thi hành án dân sự địa phương, qua đó từng bước điều chỉnh việc bố trí công chức hợp lý, tăng cường công chức cho những cơ quan thi hành án dân sự đang có nhu cầu cấp bách hoặc có nhiều khó khăn về công tác cán bộ. Ngoài ra, công tác luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác còn góp phần chủ động phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự tại địa phương.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã thẳng thắn trao đổi về công tác cán bộ. Đồng chí Lê Văn Tiễn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh cho rằng qua 02 đợt Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự quyết định biệt phái Chấp hành viên từ các tỉnh khác về cho Tây Ninh (từ 01/8/2013 đến 30/5/2015 và từ 30/9/2015 đến 30/9/2014) giải quyết án tồn là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, hiệu quả; từ kết quả thực hiện biệt phái Chấp hành viên vừa góp phần đáp ứng nhanh sự thiếu hụt về nhân lực, vừa góp phần giải quyết được lượng án tồn đọng mà nếu chỉ có nội lực Chấp hành viên trong các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh không thể đáp ứng được yêu cầu do lượng án tồn đọng cũ lớn, lượng án phát sinh mới chiều hướng tăng. Đồng chí Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề để làm sao khi thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ thì cán bộ chuyển đổi có tâm thế tự nguyện, phấn khởi, do đó công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần được chú trọng, tạo động lực làm việc cho người được luân chuyển, điều động, biệt phái. Là người được chuyển đổi vị trí công tác từ Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc điều động, bổ nhiệm Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng tinh thần trách nhiệm là rất cao; tuy nhiên người được luân chuyển, điều động, biệt phái gặp những khó khăn, băn khoăn nhất định, như tạo mối quan hệ mới, nắm bắt địa bàn, chế độ chính sách.v.v. Đồng chí Lê Văn Khoa, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa phản ảnh Thanh Hóa là địa bàn có địa hình rộng, nhiều huyện miền núi; nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan thi hành án dân sự còn hạn chế, chưa nhiều nguồn, nhất là nguồn từ ngoài cơ quan thi hành án dân sự; biệt phái chú trọng vì thời gian ngắn và còn có điều kiện bố trí trở lại vị trí công tác phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Nhiều đại biểu khác cũng đã phát biểu thẳng thắn về những hạn chế, tồn tại, tiêu cực và nguồn cơn, điều kiện dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong công tác thi hành án dân sự, vì vậy cần tiếp tục chú trọng luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác trong Hệ thống Thi hành án dân sự. Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cho rằng việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa rất lớn, đánh giá nhận thức, vai trò của công tác cán bộ trong Hệ thống Thi hành án dân sự.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng biểu dương kết quả đã đạt được trong công tác cán bộ của Hệ thống Thi hành án dân sự. Cần tiếp tục khắc phục những hạn về chế thể chế, công tác xây dựng quy hoạch còn chậm, kéo dài, có nơi chất lượng quy hoạch chưa bảo đảm; đào tạo, bộ dưỡng, xây dựng đội ngũ kế cận chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nhiều Phó Cục trưởng; chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều; vấn đề chuyển đổi vị trí công tác đối với Cục trưởng đã giữ 02 nhiệm kỳ, biệt phái Chấp hành viên. Nhiệm vụ đặt ra lưu ý triển khai kịp thời những Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục về công tác cán bộ. Tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác trong Hệ thống. Công tác thi tuyển, thi nâng ngạch, bồi dưỡng kỹ năng Chấp hành viên, kỹ năng lãnh đạo, điều hành không chỉ ở cấp Cục mà cả ở cấp phòng, cấp Chi cục Thi hành án dân sự. Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với công chức thi hành án dân sự. Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các đơn vị báo cáo, đề xuất với Bộ trưởng các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tổ chức cán bộ trong Hệ thống Thi hành án dân sự.
Lê Tuấn


Các tin khác