Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội ban hành Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26/9/2018 báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính

30/10/2018
Ngày 10/01/2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1051/NQ-UBTP14 về việc thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Kế hoạch số 1052/KH-UBTP14 giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân. Theo đó Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát các cơ quan ở 10 địa phương: Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà  Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Phúc và 04 cơ quan ở Trung ương: Bộ Tư pháp, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 

Trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát trực tiếp tại các cơ quan ở 10 địa phương và 04 cơ quan ở Trung ương, ngày 26/9/2018 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26/9/2018 báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân. Tại Báo cáo số 1516/BC-UBTP14, với việc xác định rõ tính chất phức tạp, nhạy cảm của hoạt động thi hành án hành chính nói chung, theo dõi  thi hành án hành chính nói riêng, Ủy ban Tư pháp đã đánh giá Bộ Tư pháp (trong đó có vai trò của Hệ thống cơ quan THADS) đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng THAHC và đạt được kết quả tích cực, công tác theo dõi  thi hành án hành chính ngày càng đi vào nền nếp. Qua công tác theo dõi  thi hành án hành chính đã giúp Chính phủ nắm bắt đầy đủ thực trạng  thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân các địa phương. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thi hành án hành chính, cụ thể như sau: (1) Tăng cường công tác giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc từ địa phương, đề xuất với Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế thi hành án hành chính; (2) Chỉ đạo cơ quan THADS các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm Luật giao; thực hiện việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án của Tòa án; bảo đảm chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao “chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật”; (3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án hành chính tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành; tham mưu với Chính phủ có giải pháp nhằm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật tồn đọng từ năm 2011 đến nay; (4) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ Chấp hành viên để nâng cao chất lượng theo dõi việc thi hành các bản án hành chính đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân…
Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đang tập trung tham mưu Bộ Tư pháp nghiên cứu, ban hành Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đối với Bộ Tư pháp liên quan đến công tác thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính. Có thể nói, thông qua hoạt động giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, bảo đảm tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước.
Nguyễn Thanh Nam – Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS