Định hướng xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự

21/03/2019
Ngày 20/3/2019, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo về định hướng xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và một số vấn đề xin ý kiến.

Cuộc họp có sự tham dự của đồng chí Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Đinh Trung Tụng chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Vụ Tổ chức cán bộ) và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục THADS.
Tại cuộc họp, sau khi nghe Tổng cục THADS báo cáo về định hướng xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và một số vấn đề xin ý kiến; ý kiến góp ý của các đại biểu dự họp và ý kiến giải trình của Tổng cục THADS, Bộ trưởng Lê Thành Long đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổng cục trong việc đã khẩn trương tổ chức sơ kết; rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung...
Về phạm vi sửa đổi bổ sung: Nhất trí với đề xuất của Tổng cục THADS về việc xây dựng Dự thảo Nghị định “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành”, trong đó có những nội dung thu hút từ các quy định của các Thông tư, Thông tư liên tịch và các công văn hướng dẫn nghiệp vụ. Đối với những nội dung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật THADS thì cần đánh giá tác động theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm phương án giải quyết đối với các khoản thi hành án cho các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt đối với các trường hợp doanh nghiệp không yêu cầu thi hành án; nghiên cứu các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QD14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau Luật Thi hành án dân sự (năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để rà soát, đánh giá những nội dung chưa phù hợp của Luật, Nghị định so với các văn bản đó.
Về quan điểm xây dựng Nghị định: Cần nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định theo nguyên tắc ưu tiên cho người được thi hành án; xiết chặt trách nhiệm của những người phải thi hành án; giảm bớt quyền và nghĩa vụ không cần thiết, chưa phù hợp của Chấp hành viên. 
Các đề xuất của Tổng cục THADS liên quan đến việc chưa cho phép người phải thi hành án xuất cảnh; việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước; việc giảm bớt trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc phân chia tài sản chung của người phải thi hành án và thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Đối với việc giao Ủy ban nhân dân xã bảo quản tài sản cần nghiên cứu thêm và quy định “mềm” hơn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Tổng cục THADS cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan, chuẩn bị kỹ hơn các lập luận, chứng cứ thực tế, kinh nghiệm nước ngoài để quy định những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định cho phù hợp. Đồng thời, đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc hoặc có quan điểm khác nhau cần kịp thời tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình xem xét, chỉ đạo.
Vụ Nghiệp vụ 1 - Tổng cục thi hành án dân sự