Bộ Tư pháp: Sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2019

13/07/2019
Ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm. Đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước ở Trung ương tham dự, Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chủ trì tại Bộ Tư pháp.

Sáu tháng đầu năm 2019, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành và các nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các nhiệm vụ được giao thêm về tổng kết, đánh giá việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013...
Hoàn thành 66/114 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao
Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019
Bộ Tư pháp tiếp tục cùng với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, sáu tháng đầu năm, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 01 bậc, xếp thứ 3/18 Bộ, ngành được đánh giá. Bộ và các Sở Tư pháp, Hệ thống THADS đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong các lĩnh vực chuyên ngành và trong theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; nhất là việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông quốc gia (Hệ thống văn bản và Điều hành) từng bước được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao.
Xu hướng giảm số lượng văn bản QPPL phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL
So với cùng kỳ năm 2018, số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Cụ thể, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 VBQPPL (giảm 22,5% so với cùng kỳ 2018); các địa phương ban hành 1.293 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 1,7%), 391 VBQPPL cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 VBQPPL cấp xã (giảm 69%).
Bên cạnh đó, chất lượng công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được chú trọng, nâng cao; Công tác kiểm tra VBQPPL, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 VBQPPL. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền; 66/122 văn bản đã được xử lý. Trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản; phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền  và 12 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL . Bộ đã tập trung mạnh vào việc xử lý các văn bản trái pháp luật; đến nay, có 29/82 văn bản đã được xử lý.
Mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đến 51 tỉnh/thành phố
Chủ trương hiện đại hóa công tác hộ tịch trên cả nước tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 51 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, tăng thêm 13 địa phương so với cuối năm 2018. Đến nay, Hệ thống ghi nhận 7.944.126 hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó có 2.333.220 hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp Số định danh cá nhân; có 16.045.341 thông tin công dân đã được thu thập. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch vào Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (trục NGSP) để triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.
 

Công tác thi hành án dân sự và các công tác tư pháp khác có nhiều chuyển biến tích cực
Công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được Lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Thể chế pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được tập trung sửa đổi, hoàn thiện; Ngày càng xuất hiện các mô hình hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL; Giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, công chứng, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng; đã tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam"; bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả đó tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Bỏ quy hoạch công chứng nhưng phải bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng
Trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến Luật Quy hoạch thì vấn đề quy hoạch công chứng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội nghị sơ kết tư pháp 6 tháng đầu năm 2019.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền giang Nguyễn Thị Đang cho biết, trước đây khi thực hiện Luật công chứng năm 2014, công tác quy hoạch do địa phương đề xuất và xác định tiêu chí còn điều kiện do Trung ương quyết định. Tuy nhiên, hiện nay đã xóa bỏ quy hoạch công chứng nên để đảm bảo hiệu quả quản lý các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy chế xét tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng theo hướng tránh tập trung về một nơi, nhất là khu đô thị; tránh tình trạng thành lập ở các huyện sau đó chuyển trụ sở về đô thị, nếu chuyển phải đáp ứng các tiêu chí của đô thị.
 
 Còn Giám đốc Sở tư pháp TP Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa nhận định việc nhiều Văn phòng Công chứng thành lập phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong khi đó một số quy định về quản lý công chứng còn chưa đồng bộ. Do đó, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND TP xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm về công chứng, trong đó kết nối với các cơ quan liên quan như cơ quan Thuế, Tài nguyên và Môi trường để tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực công chứng.
Khẳng định bỏ quy hoạch công chứng không có nghĩa là buông lỏng quản lý, Còn Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, đối với việc địa phương đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu ban hành chính sách phát triển ngành công chứng, tới đây, có thể trình ban hành Nghị quyết phát triển công chứng theo hướng đảm bảo chất lượng, tránh tràn lan. “Đây là dịch vụ công của nhà nước, không phải doanh nghiệp đơn thuần. Chúng ta không cấm thành lập nhưng muốn thành lập phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn về điều kiện đồng thời sẽ có các biện pháp để kiểm soát sai phạm trong lĩnh vực công chứng như tăng các hình phạt bổ sung, tăng mức phạt tiền, tước thẻ hành nghề… ”.
 
Cơ bản nhất trí với Báo cáo sơ kết, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng ghi nhận các ý kiến góp ý của các Sở và trả lời của các đơn vị thuộc Bộ về các mặt công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng cũng nhận định, ngành Tư pháp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo phù hợp với nguồn nhân lực và nguồn kinh phí.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tiếp tục bám sát Chương trình, Kế hoạch đã được ban hành. Bên cạnh đó, cần tập trung thêm một số nội dung: Về xây dựng luật, pháp lệnh, cần lưu tâm hơn tới chất lượng và thời hạn của các hồ sơ trình cũng như nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ pháp chế các Bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó chú ý việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng xếp hạng các chỉ số “Chi phí tuân thủ pháp luật”; Đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong bối cảnh bỏ quy hoạch công chứng, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến vấn đề đảm bảo quản lý nhà nước về công chứng, trong đó tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động này để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng Công chứng thành lập ồ ạt;
Nhắc đến lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn có những trường hợp tại địa phương chưa phân định rạch ròi thuộc quản lý nhà nước của Bộ, ngành nào. Do vậy các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với các lĩnh vực công tác khác của Bộ như lý lịch tư pháp; quản lý, xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự…
An Như - Trung tâm thông tin