Tổng cục Thi hành án dân sự khảo sát “Đánh giá thực tiễn thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, công tác tổ chức cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự”

30/07/2019
Tiếp tục thực hiện hoạt động “Hỗ trợ đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS” trong khuôn khổ hợp tác với Dự án JICA 2019, từ ngày 29/7/2019 đến ngày 02/8/2019, Tổng cục THADS đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức hoạt động khảo sát “Đánh giá thực tiễn thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, công tác tổ chức cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS” tại tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Đoàn khảo sát do đồng chí Lê Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, thành viên Ban soạn thảo, Phó Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP làm Trưởng đoàn và đại diện các đơn vị Vụ Nghiệp vụ 1; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Tổng cục và Trung tâm Thống kê, quản lý dữ liệu& Ứng dụng công nghệ thông tin  tham gia thành viên. Về phía Dự án JICA cóchuyên gia Nagahashi MASANORI – Thẩm phán Tòa án Nhật Bản.
Theo Chương trình, sáng ngày 29/7/2019, Đoàn đã làm việc tại Cục THADS tỉnh Cà Mau. Tham dự buổi làm việc có tập thể Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các phòng chuyên môn, các công chức, Chấp hành viên thuộc Cục, đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau. Mở đầu buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Cà Mau đã báo cáo với Đoàn khảo sát về những vướng mắc từ thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật về THADS, trong đó chú trọng là Nghị định số 62; khái  quát cơ cấu, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn vị trí việc làm, những khó khăn vướng mắc trong công tác tổ chức, cán bộ vàkết quả triển khai sử dụng  phần mềm, quản lý quá trình thụ lý- tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS và các nội dung khác liên quan.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã được nghe  các ý kiến phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo Cục, lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc Cục cũng như của đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau xoay quanh các nội dung trên, trong đó phải kể đến các vướng mắc được nêu ra như: Về công tác cán bộ: bên cạnh việc đánh giá mức độ đáp ứng của các vị trí việc làm, các đại biểu cũng nhấn mạnh  Cà Mau là đơn vị có địa lý hành chính rộng,địa hình sông nước kênh rạch chằng chịt nhưng dân cư khá thưa nên việc di chuyển thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn,  đồng thời số lượng biên chế làm công tác thi hành án còn ít trong khi lượng án quá nhiều (trung bình khoảng 20.000 án thuộc diện những đơn vị án lớn của toàn quốc, dẫn đến quá tải công việc (trung bình mỗi Chấp hành viên tổ chức  300-400 việc/năm). Đối với vướng mắc về pháp luật, ngoài việc góp ý đối với 09 nội dung của Dự thảo Nghị định, các đại biểu đã đề xuất thêm 05 vấn đề : (i) vấn đề từ chối ra quyết định thi hành án (cho rằng không nên đưa ra 03 ngoại lệ liên quan đến án thừa kế và hôn nhân và gia đình (ii) vấn đề xác minh, phối hợp tổ chức xác minh điều kiện thi hành án (03 nội dung, trong đó nhấn mạnh tình trạng đương sự không hợp tác (đóng, khóa cửa, thách thức Chấp hành viên ngay từ giai đoạn xác minh nhưng chưa có quy định cụ thể để bảo vệ, hỗ trợ cho việc tổ chức thi hành án); (iii) kê biên tài sản (06 nội dung, trong đó đề cập đến việc kê biên trong trường hợp giao khoán đất rừng và giới hạn diện tích tách thửa ); (iv) thanh toán tiền thi hành án ( trong đó đề xuất ưu tiên thanh toán các khoản nợ đọng bảo hiểm xã hội… (v) đề xuất tinh giản một số thủ tục thi hành án dân sự (như thủ tục thông báo cho đương sự, thông báo các quyết định thi hành án chủ động..).
Cũng thông qua buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự như: xem xét bổ sung nguồn biên chế hoặc xem xét giảm chỉ tiêu sâu cho những đơn vị quá tải án, xem xét quy định về cơ chế hỗ trợ thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ của cơ quan THADS, cần quy định cơ chế bảo hiểm nghề nghiệp cho Chấp hành viên, xem xét khắc phục những khó khăn khi thực hiện tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo khi bổ nhiệm lãnh đạo phòng chuyên môn; khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc vận hành, sử dụng, khai thác dữ liệu điện tử về THADS như phần mềm quản lý quá trình tổ chức, thụ lý, thống kê thi hành án, việc đăng tải văn bản trên Trang thông tin điện tử của Cục, triển khai phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số tại các Chi cục…
Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Đoàn khảo sát đã tổng hợp, đồng thời  đã giải đáp đối với một số vấn đề liên quan đến các khó khăn, vướng mắc được phản ánh, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn ghi nhận đầy đủ các ý kiến đề xuất của các đại biểu tham dự, đề xuất phương án giải quyết, xây dựng Báo cáo kết quả khảo sát, phục vụ việc tổ chức Hội thảo tiếp theo trong chuỗi hoạt động hợp tác và công tác quản lý chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.
Buổi chiều, Đoàn tiếp tục tổ chức làm việc tại Chi cục THADS Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.