Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Ban Chủ nhiệm, ThS.Nguyễn Văn Sơn nhận định: mặc dù Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm năm 2014) là một trong những bước tiến lớn, tạo dấu ấn pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong công tác thi hành án dân sự. Sự ra đời của THADS đã góp phần hoàn thiện vị trí, vai trò; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án; quyền, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thực hiện, đứng trước những yêu cầu cấp thiết về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Chính phủ điện tử và nhu cầu của xã hội ngày càng cao, Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc nhà làm luật "lúng túng" trong xây dựng các quy định pháp luật THADS là do vẫn còn nhiều quan điểm về lý luận còn chưa thống nhất, rõ ràng như việc xác định cơ quan THADS là cơ quan Nhà nước thực hiện các yêu cầu dịch vụ công hay tư; hoặc, việc chưa xác định bản chất của hoạt động THADS là hoạt động hành chính, hành chính-tư pháp hay là tư pháp dẫn đến các định hướng, chính sách còn chưa rõ ràng, "trung dung". Có thể thấy, việc nhận thức đúng bản chất của THADS cũng chính là cơ sở khoa học để xây dựng pháp luật về THADS cho phù hợp. Do đó, kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học này là một trong những cơ sở để Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi,bổ sung Luật THADS trong thời gian tới. Do đó, đồng chí mong rằng, các đại biểu tham dự hội thảo tham gia góp ý tích cực, thẳng thắn, có chất lượng.
Tiếp theo Chương trình Hội thảo, thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài TS.Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS đã tập trung trình bày, phân tích, đưa ra và lấy ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đối với một số định hướng chính sách lớn nhằm phục vụ việc sửa đổi Luật THADS.
Hội thảo đã trao đổi, thảo luận và xin ý kiến các chuyên gia về 04 định hướng chính sách lớn phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nội dung quan điểm về khái niệm, bản chất, nội tại của hoạt động “Thi hành án dân sự” có tính chất là cơ quan hành chính hay hành chính – tư pháp; đồng thời, trao đổi, bàn luận về định hướng chính sách trong việc xây dựng, tạo lập mô hình tổ chức thi hành án dân sự tại Việt Nam trong thời gian tới; bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Đề tài cần nghiên cứu, xây dựng chính sách trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Các ý kiến đóng góp của chuyên gia, các nhà khoa học đều được Ban Chủ nhiệm ghi nhận, là nguồn tài liệu hữu ích không chỉ để Ban Chủ nhiệm tiếp thu trong quá trình xây dựng kết quả nghiên cứu Đề tài mà còn là cơ sở để Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp tổng hợp, tham mưu, đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội về việc xây dựng Luật THADS sửa đổi.