Ngày 09/3/2023, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý nội dung các chuyên đề nghiên cứu Đề tài
“Cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”, do đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự – Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu Trung ương tại Bộ Tư pháp có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Tư pháp: Nguyễn Thị Hoàng Giang - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS; Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính; Bùi Nguyễn Phương Lê - Trưởng khoa Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự, Học viện Tư pháp; Trần Văn Duy - Chuyên viên chính Phòng Quản lý Tiếp cận pháp luật và tổng hợp - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Về phía Ban Nội Chính Trung ương có đồng chí Trần Thị Hải Ninh – Chuyên viên chính Vụ Theo dõi các vụ án vụ việc (Vụ 1). Về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Phạm Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ 5; đồng chí Lê Hữu Ngọc - Kiểm sát viên cao cấp, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm tra điều tra án tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Vụ 5. Về phía Bộ Công an có đồng chí Hoàng Văn Khanh, Thiếu tá Phòng Tham mưu C03. Về phía Cục THADS tỉnh Hòa Bình có đồng chí Trần Văn Dũng - Cục trưởng, Thành viên tham gia Đề tài. Tham gia Hội thảo còn có các nhà khoa học là Thư ký, Thành viên chính, Thành viên Đề tài.
Tại 08 điểm cầu địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh, Thành viên tham gia Đề tài; Lãnh đạo Cục THADS các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Thọ; Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ và Chi cục trưởng một số Chi cục THADS có nhiều án tham nhũng, kinh tế.
Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện các chuyên đề nghiên cứu và Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Ban Chủ nhiệm, Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa nhận định: Việc bảo đảm thực thi trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việc ghi nhận, bảo đảm thực thi trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác ghi nhận. Tuy vậy, những vấn đề lý luận và đảm bảo thực thi trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện nên việc thể chế hóa các nội dung này trong hệ thống pháp luật nước ta chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế.
Hiện nay các quy định pháp luật, đảm bảo thực thi các trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự và việc bảo đảm thực hiện trên thực tế hiệu quả chưa cao, còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa tạo điều kiện thuận lợi để chủ thể thực hiện đúng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc thực thi trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự. Việc tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự đang đặt ra cấp bách, là một trong những yếu tố quyết định đến xây dựng nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy an ninh chính trị - xã hội. Do đó, việc nghiên cứu đề tài này thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định đây là công trình khoa học được nghiên cứu rất công phu, có chất lượng. Công trình này có giá trị thực tiễn cao trong bối cảnh các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế đang ngày càng phức tạp, số tiền, tài sản phải thu hồi cho Nhà nước ngày càng lớn. Kết quả nghiên cứu của đề tài được các cơ quan có thẩm quyền sử dụng khi hoàn thiện pháp luật, quản lý, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận và góp ý đối với những nội dung liên quan đến các chuyên đề nghiên cứu của đề tài như: khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản cơ quan điều tra kê biên nhưng chưa làm rõ tính pháp lý của tài sản; những vướng mắc trong tiếp nhận và xử lý vật chứng; công tác chỉ đạo, phối hợp thu hồi tài sản; những vấn đề pháp luật chưa quy định như chưa có quy định về trình tự thủ tục cho cơ quan THADS bán cổ phần, cổ phiếu. Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Lãnh đạo các Cục THADS đề nghị xây dựng trình tự, thủ tục riêng cho quá trình xác minh, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; ...
|
|
Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Giang cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã tích cực đóng góp ý kiến cho các chuyên đề nghiên cứu đề tài. Việc tiếp thu hoàn thiện các chuyên đề sẽ là cơ sở để Ban chủ nhiệm xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa ghi nhận các ý kiến đóng góp của chuyên gia, các nhà khoa học, là nguồn tài liệu hữu ích không chỉ để Ban Chủ nhiệm tiếp thu trong quá trình xây dựng kết quả nghiên cứu đề tài mà còn là cơ sở để Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp tổng hợp, tham mưu, đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội về giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay./.
Thu hằng