Thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Kế hoạch số 79-KH/BCSĐ ngày 05/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo của Bộ Tư pháp, sáng ngày 21/6/2023, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục THADS, trong đó có các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm (05/05) và các đồng chí trong thành phần ghi phiếu tín nhiệm gồm: Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Tổng cục THADS, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục THADS, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bí thư Đoàn thanh niên Tổng cục THADS (77/78 số triệu tập). Đến tham dự và giám sát hoạt động của Hội nghị có đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Tư pháp; Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp; Đại diện Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Đại diện Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư pháp.
|
|
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, Bí thư Đảng ủy Tổng cục THADS đã quán triệt nội dung, mục đích lấy phiếu tín nhiệm theo đúng quy định.
Việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khoá XI đến nay. Mục đích của việc này là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Việc lấy phiếu tín nhiệm còn giúp các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác...
Việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ... Đây có thể coi là một trong những thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo. Hội nghị bầu Ban kiểm phiếu, tiến hành thực hiện quy trình ghi phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả tại Hội nghị theo quy định.
Lê Lan Hương - Vụ TCCB