Sáng ngày 27/7/2023, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự làm việc với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội về tình hình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn thành phố. Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc đồng chí Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã báo cáo tình hình, kết quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội 9 tháng năm 2023. Cụ thể: trong 09 tháng năm 2023, toàn thành phố thi hành xong 23.268, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 60,63%, tương ứng số tiền 10.081.373.087 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 23,72%, trong đó, kết quả thu hồi tài sản án kinh tế, tham nhũng chung thi hành xong 79 việc tương ứng số tiền 715 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34% về việc và 16% về tiền; kết quả thu hồi tài sản án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo thi hành xong 22 vụ án tương ứng số tiền 10.051 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa phát biểu: Qua theo dõi, 9 tháng năm 2023 , các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã nỗ lực và kết quả đạt được đáng khích lệ. Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh về số vụ việc và số tiền phải thi hành án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, chiếm 35,33% về việc và 12,16% về tiền trong tổng số vụ việc và tiền phải thi hành trong phạm vi toàn quốc; kết quả thi hành xong, Hà Nội cũng đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh, với số tiền thi hành xong chiếm 13,32% tổng số tài sản đã thu hồi, trong đó 09 tháng năm chiếm 3,35% tổng số tài sản đã thu hồi của cả nước. Kết quả đạt được của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã góp phần chung quan trọng vào kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cũng phê bình Cục Hà Nội trong việc chậm xử lý tài sản bảo đảm thi hành án trong một số vụ việc; đề nghị Lãnh đạo Cục Hà Nội chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Chấp hành viên thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 87/ TB-TCTHADS ngày 10/3/2023 và Thông báo kết luận số 247/TB-TCTHADS ngày 14/6/2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các vụ việc cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản các vụ việc này.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhất trí với đánh giá của Tổng cục Thi hành án dân sự, ghi nhận sự nỗ lực và kết quả đạt được của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tổ chức thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, Cục Hà Nội cần thẳng thắn nhìn nhận kết quả thi hành án còn thấp so với chỉ tiêu được giao: về việc đạt tỷ lệ
60,63% (Chỉ tiêu được giao 82,60%, còn thiếu 21,97% so với chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án dân sự
giao); về tiền đạt tỷ lệ
23,72% (Chỉ tiêu được giao 45,60%, còn thiếu 21,88% so với chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án dân sự
giao).
Lãnh đạo Cục cần nắm bắt, sâu sát hơn nữa các vụ án kinh thế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm thu hồi kịp thời và thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, vì kết quả thu hồi tài sản là thước đo đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố Hà Nội trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nói chung, trong đó có các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện nghiêm các quy định về bán đấu giá, quản lý tiền, tài sản thi hành án, không để xảy ra các sai sót, vi phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cấp trên; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ khi có vướng mắc; nghiên cứu, đề xuất tăng cường nguồn nhân lực tập trung tổ chức thi hành án có điều kiện, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong việc thi hành các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: Tòa án chậm chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản phải xử lý, chậm giải thích, đính chính bản án, … chuẩn bị nội dung để Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cơ quan Thi hành án dân sự có cơ sở tổ chức thi hành án. Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục sát sao, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, quyết liệt hơn nữa các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đang do các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tổ chức thi hành.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Phạm Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội hứa trong thời gian tới tập thể Lãnh đạo Cục sẽ tập trung cao độ nguồn lực, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo giải quyết hồ sơ thi hành án đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao; đặc biệt rà soát, kiểm soát chặt các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi chỉ đạo, phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan, đơn vị có liên quan, có kế hoạch tổ chức thi hành và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.