Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp kiểm tra công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại tỉnh Kiên Giang

23/12/2024
Thực hiện Quyết định số 2140/QĐ-BTP ngày 12/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và Kế hoạch số 6490/KH-BTP ngày 12/11/2024 của Bộ Tư pháp về việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tại tỉnh Kiên Giang, ngày 19/12/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại tỉnh Kiên Giang.



Tham dự các buổi kiểm tra, về phía Đoàn kiểm tra có đồng chí Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp - Phó Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn kiểm tra là đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp. Về phía địa phương có đồng chí Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đồng chí Trần Văn Khái - Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện lãnh đạo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang… và các đồng chí lãnh đạo UBND các huyện: Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp và UBND thành phố Phú Quốc.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra nêu rõ, công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội và cử tri. Việc triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình là  không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên Tòa theo triệu tập của Tòa án; không tham gia đối thoại; chậm hoặc không cung cấp đầy đủ chứng cứ, thậm chí không cung cấp chứng cứ cho Tòa án; số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành ngày càng tăng qua các năm.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đối với các bộ, ngành và địa phương, trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra đối với một số địa phương có số lượng án hành chính chưa thi hành xong lớn. Qua theo dõi công tác thi hành án hành chính hàng năm cho thấy, tỉnh Kiên Giang là địa phương có số lượng bản án hành chính chưa thi hành xong còn nhiều, do đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND nhằm mục đích đánh giá đúng tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, từ đó làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật về tố tụng hành chính trong trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị khởi kiện tại Tòa án; các giải pháp bảo đảm thi hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân là bên phải thi hành án.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận công tác chỉ đạo của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Trên cơ sở kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND và chỉ đạo, triển khai của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhất là những năm gần đây, đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Để triển khai thực hiện một cách hiệu quả những chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, trên cơ sở kết quả kiểm tra và các ý kiến kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn kiểm tra đã có một số đề xuất, kiến nghị đối với UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cụ thể như sau:
Một là, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC năm 2015, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án; trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và trách nhiệm tự nguyện thi hành án hành chính.
Hai là, có giải pháp nâng cao chất lượng ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp cũng như các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất… hạn chế tối đa những sai sót, vi phạm trong quá trình ban hành QĐHC làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện hành chính. Xem xét và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với công chức trong việc tham mưu ban hành các QĐHC bị Tòa án tuyên hủy.
Ba là, đối với các vụ việc phát sinh khiếu kiện, quá trình tham gia tố tụng hành chính, đề nghị Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh cần kịp thời cung cấp tài liệu chứng cứ, đề cao trách nhiệm trong việc tham gia đối thoại, tham dự các phiên tòa xét xử của Tòa án. Coi đối thoại là cơ hội để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất, chủ động sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các QĐHC, chấm dứt thực hiện các HVHC ngay khi có phát hiện vi phạm làm căn cứ để Tòa án đình chỉ vụ án.
Bốn là, đối với các bản án chưa thi hành xong, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo có giải pháp, kế hoạch tổ chức thi hành dứt điểm, trong quá trình tổ chức thi hành nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần kịp thời, chủ động có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan, bộ, ban ngành có liên quan. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo, đưa các vụ việc thi hành án hành chính phức tạp, kéo dài tại địa phương vào diện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cấp ủy, người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác thi hành án hành chính, từ đó chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thi hành án hành chính. Chủ tịch UBND các cấp cần thực hiện nghiêm, quyết liệt hai vai trò là người phải thi hành án trong các phán quyết của Tòa án và là thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án trong việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người có thẩm quyền cấp dưới không chấp hành án hành chính theo đúng quy định. Trường hợp cần thiết thì lập tổ công tác để tổng hợp, rà soát, đánh giá, lập kế hoạch, lên phương để tham mưu giải quyết dứt điểm đối với từng vụ việc cụ thể.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng đã có một số đề xuất, kiến nghị đối với Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang. Trong đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang thực hiện và chỉ đạo Chi cục THADS cấp huyện trên địa bàn theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; kịp thời có văn bản đề xuất, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định./.
  Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự
 


Các tin khác