Tổng cục THADS tổ chức Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý kho vật chứng, tiếp nhận vật chứng, bảo quản vật chứng và xử lý vật chứng năm 2024

07/01/2025
Thực hiện Quyết định số 2284/QĐ-BTP ngày 29/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch tổ chức Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý kho vật chứng, tiếp nhận vật chứng, bảo quản vật chứng và xử lý vật chứng năm 2024, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý kho vật chứng, tiếp nhận vật chứng, bảo quản vật chứng và xử lý vật chứng năm 2024, theo hình thức trực tuyến.



Lớp bồi dưỡng do đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì. Tham dự Lớp bồi dưỡng, về phía Tổng cục Thi hành án dân sự có sự tham dự của tập thể Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 2, Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, cùng các đồng chí là thành viên Ban Tổ chức, tổ thư ký Lớp bồi dưỡng. Về phía địa phương, có sự tham gia của 63 điểm cầu trực tuyến (gồm đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; đại diện Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự, kế toán và công chức làm công tác quản lý kho vật chứng, tiếp nhận vật chứng, bảo quản vật chứng).
Trong thi hành án dân sự công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, công tác quản lý và xử lý vật chứng trong thi hành án dân sự đã có những chuyển biến cơ bản: Các quy định pháp luật từng bước được hoàn thiện; trình tự thủ tục việc tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ được kiểm soát; việc tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng được kịp thời, đúng pháp luật; nhân lực làm công tác Thủ kho vật chứng từng bước được chú trọng; hệ thống kho vật chứng ngày càng được củng cố và bước đầu đáp ứng yêu cầu bảo quản, lưu giữ vật chứng an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường; tình trạng sử dụng trái phép, thất lạc, mất, hư hỏng hoặc vật chứng chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã được kiểm soát; công tác xử lý vật chứng tồn đọng lâu năm đã được quan tâm xử lý kịp thời; một số hành vi tiêu cực có thể xảy ra trong quản lý vật chứng đã được các cơ quan thi hành án dân sự nhận diện và chủ động có biện pháp phòng, chống.
Tuy nhiên, quá trình quản lý, chỉ đạo, Tổng cục Thi hành án dân sự nhận thấy công tác quản lý vật chứng tại một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Yêu cầu về an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; kho vật chứng chưa đáp ứng về tiêu chuẩn, chưa có trang thiết bị để bảo quản vật chứng; công tác quản lý, kiểm tra của Thủ trưởng đơn vị chưa sâu sát; việc phối hợp, đối chiếu, kiểm kê định kỳ vật chứng giữa Chấp hành viên với Kế toán nghiệp vụ và Thủ kho vật chứng còn thiếu chặt chẽ; công tác bảo vệ kho vật chứng chưa được quan tâm; Chấp hành viên chưa chủ động trong việc xử lý vật chứng, vật chứng tồn kho lớn; hiện tượng cháy nổ kho vật chứng, vật chứng bị hư hỏng, mất giá trị xảy ra trong quá trình quản lý, bảo quản vẫn chưa được kiểm soát triệt để,..
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xử lý vật chứng, thông qua Lớp bồi dưỡng, các Báo cáo viên đã trình bày và trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp thông qua các chuyên đề: (1) Những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, giải pháp và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng trong thi hành án dân sự, (2) Nội dung cơ bản của Nghị định: “Quy định về quản lý kho vật chứng và tài liệu đồ vật”, (3) Trách nhiệm của kế toán trong việc quản lý, xử lý vật chứng.
         Phần trao đổi, thảo luận, trên cơ sở câu hỏi trao đổi của các địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự đã nhận và giải đáp các vấn đề khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bến Tre...).
        Thông qua Lớp bồi dưỡng đã góp phần giúp các cơ quan thi hành án dân sự có cơ hội trao đổi kinh nghiệm thực tế, đánh giá, nhìn nhận các mặt ưu điểm, hạn chế và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tại địa phương; từ đó có thể áp dụng ngay những kiến thức, những kinh nghiệm đã được trao đổi, truyền đạt vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian sắp tới.
Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS
 
 
 


Các tin khác