Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thi hành án dân sự năm 2009

28/10/2009
Thực hiện Quyết định số 2250/QĐ-BTP ngày 06/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hôm nay (ngày 28/10), Hội nghị giao ban trực tuyến về tổ chức thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Nghị định của Chính phủ về củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã được tổ chức tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với sự tham dự của Giám đốc các Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính chủ trì, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tham dự và chỉ đạo Hội nghị.


Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp giới thiệu những điểm mới cơ bản về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong tình hình mới; tập trung kiểm điểm, đánh giá bước đầu việc thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp liên quan đến việc củng cố kiện toàn, tổ chức cơ quan thi hành án dân sự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, vừa qua Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp đã đánh giá rất cao cố gắng của Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Tư pháp trong việc tập trung thực hiện Luật Thi hành án dân sự, tạo ra những chuyển biến đáng mừng về kết quả công tác thi hành án dân sự.

Qua hơn 01 tháng triển khai thực hiện Công văn số 91-CV/BCS và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, nhiều Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch nêu rõ thời gian thực hiện cụ thể tại địa phương, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp để cho ý kiến tổ chức triển khai thực hiện. Điều này tạo ra sự chuyển biến khá quan trọng về nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thi hành án dân sự. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự cũng đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời từ trung ương đến địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó đã nâng cao nhận thức của công dân, tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương trong công tác thi hành án dân sự.

Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2009 - 2010 cũng đã được Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các quy trình thủ tục cần thiết để lựa chọn, giới thiệu nhân sự đưa vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện. Đến nay 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi hiệp y của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy về quy hoạch cán bộ cấp trưởng, cấp phó của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh.

Công tác rà soát, đánh giá cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện về cơ bản đáp ứng với lộ trình và kế hoạch của Bộ Tư pháp. Cho đến nay,  Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã thực hiện xong việc rà soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Trong đó 13 tỉnh, thành phố đã có hiệp y quy hoạch và đề nghị bổ nhiệm Cục trưởng, về cơ bản đã thực sự sẵn sàng cho việc tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập cơ quan thi hành án dân sự, 29 đơn vị cơ bản hoàn thành các tiến độ.



Việc rà soát, đánh giá đội ngũ Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện làm cơ sở cho việc bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp được tiến hành thận trọng, khách quan, nghiêm túc trên cơ sở các điều kiện tiêu chuẩn của Chấp hành viên quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự.

Cùng với công tác cán bộ, các thủ tục cần thiết để tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện cũng đã và đang được nhanh chóng triển khai thực hiện.

Bên cạnh đánh giá những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng đề ra phương hướng thực hiện một số công việc trọng tâm trong thời gian tới.

Sau khi nghe báo cáo đánh giá của Bộ Tư pháp, đại biểu ở các điểm cầu đã góp ý báo cáo và nêu những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác quy hoạch, đề nghị bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, gặp khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, thắc mắc về chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự…



 Thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đã giải đáp thắc mắc, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và chỉ đạo những việc cần triển khai trong thời gian tới để phấn đấu sẽ hoàn thành việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự các cấp, chuẩn bị cho việc công bố quyết định thành lập theo kế hoạch đã đề ra. Thứ trưởng cũng chỉ đạo, Lễ công bố quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện là sự kiện quan trọng đối với các cơ quan thi hành án dân sự, cần được tổ chức trang trọng nhưng cũng phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp theo thành công của Hội nghị giao ban công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2009, đây là lần thứ hai Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị bằng hình thức giao ban trực tuyến đa phương tiện với sự đảm bảo về phương tiện, kỹ thuật của Cục Công nghệ thông tin phối hợp cùng Tổng Công ty Viễn thông Quân đội. Đây có thể được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung.

Cục Công nghệ thông tin