Tọa đàm "Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 trên địa bàn thành phố Hà Nội"

10/11/2010
Sáng ngày 5/11/2010 tại Ba Vì, Hà Nội, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 trên địa bàn TP. Hà Nội", tham dự Tọa đàm có: Đại diện Lãnh đạo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, các Biên tập viên của Tạp chí và đại diện 29 Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố.

Tại Tọa đàm các đại biểu đã cùng trao đổi về thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sau hơn 1 năm thực hiện đã và đang được chuyển hóa vào cuộc sống, lần đầu chúng ta có một văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất, điều chỉnh một lĩnh vực bức xúc hiện nay, nhiều những quy định mới thay thế các quy định thiếu tính khả thi trước đây, khắc phục được các tư duy lối mòn gây nên tình trạng tồn đọng án ngày càng tăng.

Cục trưởng Lê Quang Tiến đã khẳng định từ khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã tạo ra nhiều thuận lợi trong áp dụng pháp luật và nâng cao vai trò của chấp hành viên. Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đã tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2010 với những kết quả đáng phấn khởi của thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố như:

Số việc thụ lý mới là 21.717 việc (tăng 791 việc so với cùng kỳ năm 2009); Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 21.817 việc/24.237 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 90%. Tồn chuyển năm 2011 là 1069 việc so với cùng kỳ năm 2009 tỷ lệ thi hành xong tăng 3% án tồn giảm 1.912 việc đạt tỷ lệ 15% vượt 5% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Đã thu được hơn 753 tỷ đạt 80% số tiền có điều kiện thu tăng so với cùng kỳ năm 2009 là 8%.

Số lượng đơn thư kiếu nại, tố cáo của toàn thành phố đã tiếp nhận là 158 đơn/351 đơn vị đã giảm 54,9% so với năm 2009, tất cả các đơn thư đã được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật, mặc dù tính chất vụ việc phức tạp hơn, khó khăn hơn.

Tại Toạ đàm các đại biểu cũng nêu lên bên cạnh những kết quả đạt được khi áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 trong thực tiễn thì vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như:

Chưa có văn bản nào hướng dẫn thi hành nên triển khai áp dụng điều luật còn gặp nhiều khó khăn, trong 01 năm qua các đơn vị vừa làm vừa chờ đợi hướng dẫn. Luật chưa phân định rõ tiêu chuẩn chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Nghị định hướng dẫn còn chậm khi có nghị định về tổ chức có hiệu lực thì văn bản hướng dẫn thực hiện lại thiếu nên ảnh hưởng đến công tác kiện toàn cán bộ. Còn có sự mâu thuẫn giữa thủ tục tố tụng và Luật Thi hành án dân sự năm 2008, giữa Luật Chứng khoán và Luật Thi hành án dân sự năm 2008 tạo ra khó khăn trong quá trình giải quyết công việc. Về định giá tài sản theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định giảm giá đến cùng nếu không có người mua và giảm giá xuống mức đủ chi phí cưỡng chế thi hành án đã tạo nên những khó khăn cho quá trình thực hiện cưỡng chế thi hành án, quy định này không phù hợp với thực tế…

Các đại biểu đã khẳng định Tọa đàm là một diễn đàn quan trọng để các đơn vị làm công tác thi hành án trao đổi những khó khăn, vướng mắc, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thi hành án sau hơn 1 năm Luật đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Đã có nhiều ý kiến thảo luận về thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 trên địa bàn TP.Hà Nội, và khẳng định cần nâng cao tuyên truyền, phổ biến về công tác thi hành án dân sự trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với tư cách là cơ quan ngôn luận, đây là một kênh chuyển tải những vướng mắc và bài học, các cách làm hiệu quả nhằm trao đổi, phản ánh liên tục thông qua các chuyên mục và các chuyên đề về thi hành án dân sự của Tạp chí. Từ đó góp phần đưa pháp luật về thi hành án đến được đông đảo độc giả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Thùy Linh