Một trong những đổi mới trong thời gian gần đây trong công tác quản lý, điều hành của Cục thi hành án dân sự là chủ trương sâu sát hơn nữa với cơ sở nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp.
Trong thời gian từ ngày 19/04 đến ngày 25/04/2007, Đoàn công tác của Cục thi hành án dân sự do đồng chí Cục trưởng Nguyễn Văn Luyện dẫn đầu, thành viên là đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ và đồng chí Nguyễn Công Long, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ I đã đến thăm và làm việc tại Thi hành án dân sự ba tỉnh Miền Trung: Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Tại Quảng Trị, Đoàn đã có làm việc với đồng chí Võ Công Hoan, Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, các Chấp hành viên Thi hành án dân sự tỉnh cùng Trưởng Thi hành án của 09 đơn vị cấp huyện. Sau khi nghe Trưởng Thi hành án báo cáo tình hình chung về tổ chức, nghiệp vụ, hoạt động và các mặt công tác khác của thi hành án dân sự thuộc tỉnh Quảng Trị, đoàn công tác đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, kiến nghị của các đồng chí là Chấp hành viên Thi hành án tỉnh Quảng Trị cũng như của lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh các vấn đề như kiến nghị bổ sung phạm vi những khoản thi hành án được miễn, giảm thi hành án như các khoản truy thu sung công quỹ nhà nước; xem xét việc hỗ trợ thi hành án đối với những vụ việc tồn đọng trước 01.7.2004 là thời điểm Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực pháp luật; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan trong các giai đoạn tố tụng và trong công tác tổ chức cưỡng chế thi hành án; tăng cường công tác đào tạo nhiều mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ tham gia các khoá đào tạo; trang bị đầy đủ hơn phương tiện và trang thiết bị làm việc...
Tại Quảng Bình, Đoàn đã có buổi làm việc với đồng chí Trương Quang Thêm, Giám đốc và đồng chí Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp về công tác tổ chức cán bộ. Trước tình hình đã 2 năm qua chưa có Trưởng thi hành án tỉnh mà chỉ có 01 Phó Trưởng Thi hành án, tuy được giao phụ trách nhưng việc thiếu trầm trọng lãnh đạo làm cho công tác quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn đã gặp những khó khăn nhất định, đồng chí Cục trưởng Nguyễn Văn Luyện đã khẳng định Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình đang rất cần được kịp thời, nhanh chóng kiện toàn về mặt tổ chức. Tiếp theo, đoàn công tác đã làm việc với đội ngũ cán bộ Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình và một số Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, trong đó chủ yếu là ý kiến về mặt nghiệp vụ đã được các Chấp hành viên nêu ra như: khó khăn trong việc giải quyết những vụ việc án tuyên không rõ, có sai sót, sai lầm hoặc không khả thi; khó khăn trong việc xử lý những tài sản kê biên, tạm giữ nhưng không thu hồi được giấy tờ gốc; khó khăn trong việc tạm ứng chi phí bán đấu giá tài sản do chưa có hướng dẫn; nhu cầu về đánh giá cụ thể kết quả thực hiện chủ trương chuyển giao án từ 500.000đ trở xuống cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành; sự cần thiết thống nhất trong công tác thống kê giữa cơ quan thi hành án và cơ quan Viện Kiểm sát...
Tại Hà Tĩnh, đồng chí Cục trưởng cùng các thành viên của đoàn công tác đã làm việc với đồng chí Phan Duy Phong, Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Phi Khương, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh và Chấp hành viên, cán bộ Thi hành án dân sự tỉnh cùng Trưởng Thi hành án dân sự thị xã Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Đồng chí Cục trưởng đã nghe báo cáo chung về tình hình tổ chức, hoạt động thi hành án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cũng như ghi nhận những kiến nghị liên quan. Qua làm việc cho thấy những vướng mắc của Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh cũng có những điểm tương tự như các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang gặp phải, đó là rất khó khăn trong việc xử lý những tài sản đã tạm giữ để thi hành án nhưng không thu giữ được giấy tờ gốc; sự chưa thống nhất về số liệu báo cáo thống kê giữa cơ quan thi hành án và cơ quan kiểm sát, tiêu chí về xác định án chưa có điều kiện thi hành, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án...
Qua đợt công tác đã giúp Đoàn nắm bắt được cụ thể tình hình tổ chức, kết quả hoạt động cũng như tâm tư nguyện vọng của đội ngũ cán bộ thi hành án ở cơ sở; qua đó, trực tiếp chỉ đạo, giải đáp một số nội dung và ghi nhận những kiến nghị để tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp giải quyết trong thời gian tới ./.